Chuyện lạ: Bố mẹ nợ tiền làm đường, con không được khai sinh
Người dân thôn Hà Đỗ, xã Hồng Phong, huyện An Dương (Hải Phòng) đến UBND xã xin giấy khai sinh cho con thì bị khước từ, gây khó dễ vì bố mẹ cháu bé chưa đóng tiền làm đường.
Trao đổi với PV VietNamNet hôm qua, bà Lê Thị Hiển (56 tuổi, trú tại xóm 1, thôn Hà Đỗ) cho biết: Người dân đang rất bức xúc khi gần đây xã từ chối xác nhận các giấy tờ tư pháp nếu chưa đóng tiền làm đường ở thôn bên cạnh.
Đặc biệt, có gia đình ra xã xin khai sinh cho con thì không được địa phương chấp nhận.
Cán bộ xã Hồng Phong yêu cầu dân trình giấy đóng tiền làm đường mới làm khai sinh, xác nhận lý lịch cho công dân (ảnh cắt từ clip).
Cụ thể, ngày 18.4, anh Lê Văn Tuyền (33 tuổi, trú tại thôn Hà Đỗ) lên UBND xã Hồng Phong xin làm giấy khai sinh cho con gái là cháu T, sinh ngày 10.4.2018. Nhưng khi lên gặp bộ phận tư pháp hộ tịch thì anh Tuyền không được tiếp nhận việc khai sinh cho con. Lý do mà cán bộ xã Hồng Phong đưa ra để không cấp khai sinh cho cháu bé là gia đình anh Tuyền còn nợ tiền làm đường.
Chị Nguyễn Thị Thoa (28 tuổi, trú tại xã Đại Bản, huyện An Dương), bác ruột cháu T kể: “Khi cháu T không được xã Hồng Phong làm khai sinh, em rể tôi đã về kể lại. Tôi rất bức xúc. Bà nội cháu đã đến nhà trưởng thôn có lời nhờ cậy và hứa sẽ đóng tiền. Đến 14h30 ngày 19.4, bố cháu bé đã phải xin khất nợ sang vụ mùa năm sau sẽ đóng đủ thì mới được làm giấy khai sinh cho con”.
“Gia đình em tôi có 3 nhân khẩu. Thôn quy định đóng 1 nhân khẩu 600 nghìn đồng. Tuy nhiên đây là khoản tiền chưa được nhân dân thôn Hà Đỗ đồng thuận. Trước đó họ đã đóng 1,1 triệu đồng/người để làm đường xóm 1 (xóm anh Tuyền đang sống – PV). Sau đó thôn làm đường xóm 2 lại bắt dân xóm 1 đóng tiếp 600 nghìn/người nữa. Một lúc một người dân phải đóng gần 2 triệu đồng tiền đường là rất khó khăn”, chị Thoa phản ánh.
Video đang HOT
Người dân thôn Hà Đỗ làm đơn kiến nghị về việc dân nợ tiền đường không được xã xác nhận lý lịch, khai sinh…
“Biện pháp để thu phí làm đường”
Chủ tịch UBND xã Hồng Phong Nguyễn Văn Sáng giải thích, trường hợp gia đình anh Tuyền đi khai sinh cho con ban đầu xã không tiếp nhận là muốn vận động để anh về đóng hết nợ làm đường. Sau khi có ý kiến của trưởng thôn, xã đã cấp khai sinh cho cháu bé vào chiều 19.4.
“Việc này là biện pháp để địa phương thu phí làm đường. Nếu không làm thế, theo phản ứng dây chuyền, thôn không thu được. Đây là nghị quyết của thôn nên xã thực hiện chủ yếu là tuyên truyền để dân chấp hành.
Việc yêu cầu xã không cấp khai sinh, không xác nhận lý lịch và một số giấy tờ khác cho dân xảy ra tại địa phương là theo danh sách và văn bản thôn gửi lên. Tuy nhiên nhờ biện pháp này mà rất nhiều người dân đã chấp hành việc đóng tiền đường còn nợ”, vị Chủ tịch xã nói.
Chủ tịch UBND xã Hồng Phong Nguyễn Văn Sáng.
Được biết, nhận được phản ánh của VietNamNet, ông Vũ Doãn Bách, Chánh văn phòng UBND huyện An Dương và Trưởng Phòng Nội vụ huyện đã về địa phương kiểm tra thông tin.
Thông tin ban đầu từ UBND huyện An Dương xác nhận, có việc trẻ chưa được làm khai sinh ngay khi bố mẹ còn nợ tiền làm đường tại xã Hồng Phong. Huyện sẽ xem xét và chấn chỉnh.
Theo Hoài Anh (VNN)
Vì sao mẹ cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau "giằng co" kết quả xét nghiệm?
"Hiện tại, do gia đình chưa hợp tác nên kết quả nội soi dạ dày vẫn chưa có, khi nào gia đình nguôi ngoai thì cháu P.A sẽ được đi khám lại", lãnh đạo UBND huyện An Dương thông tin.
Cháu P.A đã bị cô giáo chủ nhiệm yêu cầu uống cốc nước được vắt từ giẻ lau bảng
Cách đây 3 ngày, trong quá trình đi khám sức khỏe cho cháu P.A (học sinh lớp 3A5, trường Tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng (cháu bé bị cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương phạt bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng), gia đình cháu P.A và mẹ cô giáo Minh Hương đã xảy ra mâu thuẫn, gia đình đưa cháu P.A về nhà, không tiếp tục khám nữa.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, sau khi nắm được thông tin này, lãnh đạo huyện đã yêu cầu làm rõ.
"Sau khi nghe bản tường trình và nghe nhân chứng (cán bộ của huyện đi khám cùng cháu bé), tôi được biết, mẹ của cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng "giằng co" kết quả xét nghiệm vì quá nóng vội, nóng lòng, sốt ruột về tình hình sức khỏe của cháu P.A", ông Cường nói.
Theo ông Cường, lãnh đạo huyện đã phê bình mẹ của cô giáo bắt học sinh uống giặt giẻ lau bảng là bà Tạ Thị Ng. Trong sự việc này, lẽ ra bà Ng nên để cho bác sĩ chuyên môn khám xong rồi bác sĩ chính kết luận cụ thể tình hình sức khỏe.
Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cũng cho biết, huyện đã đề nghị Phòng giáo dục yêu cầu gia đình bà Ng. phải bình tĩnh và xuống tận nhà trao đổi với gia đình bé P.A để đưa bé đi khám rồi bồi thường cho thỏa đáng.
"Hiện tại, do gia đình chưa hợp tác nên kết quả nội soi dạ dày vẫn chưa có, khi nào gia đình nguôi ngoai thì cháu P.A sẽ được đi khám lại", ông Cường thông tin.
Trước thông tin ông nội cháu P.A. cho biết, cháu P.A. cũng có diễn biến tâm lý không bình thường, ông Lê Văn Cường khẳng định: "Tôi đã trực tiếp bế cháu vào lòng, tôi thấy tinh thần bé hoàn toàn bình thường, không có gì bất ổn".
Trước đó, gia đình cháu P.P.A (học sinh lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) phản ánh việc cách đây khoảng 2 tuần, do nói chuyện trong lớp, cháu P.A đã bị cô giáo chủ nhiệm là cô Nguyễn Thị Minh Hương yêu cầu uống cốc nước được vắt từ giẻ lau bảng. Cháu đã thực hiện theo yêu cầu của cô. Cháu sợ nên không nói với ai.
Sự việc đang ây nên sự phẫn nộ bởi hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường giáo dục của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương.
Bộ GD-ĐT cũng đã vào cuộc yêu cầu Sở GD-ĐT TP Hải Phòng có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng này. Chiều 5/4, cô Hương đã bị đuổi việc.
Theo Danviet
Giáo viên cần được kiểm tra tâm lý định kỳ Trước hàng loạt vụ việc giáo viên dùng hình phạt "kinh dị" để dạy dỗ học sinh trên bục giảng, TS Vũ Thu Hương - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những hành động phản giáo dục của giáo viên chính là từ áp lực công việc, những bất thường về tâm lý. Vì vậy...