Chuyện lạ An Giang: Bò “lên ngôi”, dân cho bò uống nước tăng lực
Từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện, giá thịt heo trên địa bàn tỉnh An Giang xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi gặp khó.
Thay thế thịt heo trong bữa ăn hàng ngày, người tiêu dùng đẩy mạnh ăn thịt bò. Động thái tiêu dùng này đã làm cho giá thịt bò trên thị trường tăng khoảng 30%. Đây là cơ hội để các hộ chăn nuôi tái đàn, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để có được lợi nhuận cao.
Cơ hội tái đàn
Những ngày qua, ông Nguyễn Chí Hiền (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) rất phấn khởi vì gia đình ông vừa xuất chuồng được 8 con bò thịt (trong số tổng đàn 16 con). Với 8 con bò vừa bán, sau khi trừ chi phí ông lãi gần 100 triệu đồng.
Nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò.
Không riêng gia đình ông Hiền, nhiều hộ nuôi bò ở các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành cũng phấn khởi vì bò hơi đang được thương lái mua giá cao.
“Hơn 5 năm qua, chưa năm nào nông dân phấn khởi như hiện nay. Thương lái tìm đến chuồng mua với giá từ 85.000 – 90.000 đồng/kg, trong khi trước đó, bình quân họ chỉ trả giá từ 60.000 – 65.000 đồng/kg. Đây là cơ hội để nông dân đẩy mạnh tái đàn, gỡ lỗ trong những năm 2014, 2015 và 2016″ – ông Hiền thông tin.
“3 năm trước, bê 1 năm tuổi có giá bình quân dưới 10 triệu đồng/con, nay muốn mua về vỗ béo, phải cầm từ 15 triệu đồng mới mua được. Con bò “lên ngôi” nhưng tôi rất lo vì có nhiều hộ tái đàn, rồi đây 1 năm nữa, không biết bò thịt còn có giá như hiện nay, bởi bà con mình cứ chạy theo phong trào, trong khi ngành chức năng đến nay vẫn chưa đưa ra được dự báo về thị trường tiêu thụ cho các loại nông sản hàng hóa, trong đó có thịt bò..” – ông Trần Văn Lanh (xã An Mỹ, Chợ Mới) phân tích.
Nỗi lo của ông Lanh hoàn toàn có cơ sở. Bởi, những năm 2011, 2012, bò hơi trên địa bàn tỉnh cũng có giá rất cao. Thời điểm này, các doanh nghiệp lớn cả nước như: Hoàng Anh Gia Lai, Vissan chưa tiến hành nhập thịt bò Úc vào Việt Nam để xẻ thịt.
Video đang HOT
Thấy bò giá cao, nhiều người đổ xô tái đàn, làm cho giá con giống cao ngút và trở nên khan hiếm. Lúc này, tình hình chẳng khác con giống cá tra vào năm 2017, 2018 vừa qua. Hậu quả là sau thời gian có quá nhiều người thả nuôi thì thị trường “cung vượt cầu”, thua lỗ đã xảy ra.
“Điều nông dân trong tỉnh mong muốn nhất hiện nay là cơ quan chức năng của nhà nước cần đưa ra dự báo về thị trường cho các loại nông sản hàng hóa để từ đó khuyến cáo nông dân trong vụ này, năm này nên trồng cây gì, nuôi con gì để có thị trường tiêu thụ dễ dàng” – ông Lanh kiến nghị.
Áp dụng kỹ thuật
Bò thịt có giá, nông dân các xã: Mỹ An, Tấn Mỹ, An Thạnh Trung (Chợ Mới), Vĩnh Hòa, Tân An, Long An, Phú Vĩnh (Tân Châu), Mỹ Đức, Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vỹ (Châu Phú) đã đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi.
Nếu trước đây, bà con cho bò ăn rơm, bánh liếm, uống sô-đa hột gà, dây cốc và tăng thêm thức ăn hỗ hợp để bò mau lớn thì nay, ngoài những kỹ thuật vừa nêu, nông dân chăn nuôi bò giỏi như ông Bảy Châu (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu), ông Sáu Thành (xã Mỹ An, Chợ Mới), ông Tư Dễ (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) còn cho bò uống các loại nước dinh dưỡng, tăng lực, trong đó có hỗn hợp các loại vi sinh để kích thích tiêu hóa, giúp bò ăn nhiều, ngủ nhiều để mau lớn.
Ngoài việc mau lớn, loại nước tăng lực này còn giúp cho con bò đi ra phân không hôi. Đây là những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò hiện nay.
“Tôi được cán bộ khuyến nông thị xã hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, trong đó có sử dụng loại nước uống tăng lực làm cho bò khỏe, ăn nhiều, ngủ nhiều, mau lớn. Tôi thấy cách nuôi này rất hiệu quả. Tôi sử dụng loại nước tăng lực này 2 tháng nay, mỗi ngày tôi pha 3cc vào 10 lít nước cho bò uống. Sau 2 tháng, bò rất mướt lông, tăng trọng nhanh, tôi rất phấn khởi”- ông Nguyễn Văn Châu (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) phân tích.
Nếu trước đây, nông dân chuyên chăn nuôi bò của tỉnh nuôi bò vỗ béo phải mất từ 8 – 12 tháng mới xuất chuồng thì nay, bà con chỉ nuôi khoảng 8 tháng là bán cho lái, từ đó đồng vốn quay nhanh, 2 năm bà con nuôi được 3 lứa.
Tranh thủ lúc bò có giá, nhà nào cũng tăng đàn, từ đó làm cho bê giống cũng tăng giá theo. “Để hạn chế việc tăng giá bê giống, chúng tôi đã tìm đến các trại giống ở chợ bò Tà Ngáo (Tịnh Biên) mua bò Italia của Campuchia về nuôi vỗ béo, chứ mua các giống bò ở Bến Tre như bò cọp, 3B thì giá cao lắm…”- ông Trần Văn Thành (xã Mỹ An, Chợ Mới) phân tích.
Theo Minh Hiển (Báo An Giang)
An Giang: Cụ bà 70 tuổi mọc thêm đến 8 chiếc răng
Nhiều người dân xã Long Giang, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, đang xôn xao bàn tán về hiện tượng kỳ lạ tại địa phương. Đó là câu chuyện mọc 8 chiếc răng của cụ bà Nguyễn Thị Huệ (70 tuổi, ngụ xã Long Giang).
Chiếc răng mới mọc (màu vàng pha đỏ, nhọn) sau khi bà Huệ xước mía đã gãy- Ảnh Tô Văn
Răng rụng rồi mọc 8 chiếc
Xuất hiện trước mắt PV là cụ bà đã 70 tuổi, nhưng nhìn vẫn còn rất rắn rỏi, khỏe mạnh. Nước da của cụ tuy đã có nhiều nếp nhăn, lấm tấm "đồi mồi" nhưng rất hồng hào. Bà cụ mặc đồ bộ vải xoa, mái tóc lấm tấm muối tiêu (dù đã nhuộm - PV), đặc biệt trên môi luôn thường trực một nụ cười. Mặc dù hơi lãng tai, song bà Huệ vẫn kể với giọng sang sảng, rành rọt chuyện mọc lại răng của mình.
Bà Huệ bảo cách đây 18 năm khi bà đã 52 tuổi, răng gần như bị rụng gần hết hàm trên lẫn hàm dưới, vì thế, việc ăn uống rất khó khăn. Bỗng một hôm bà thấy lợi hàm dưới của mình ngứa và khó chịu, khi ăn thì thấy cấn cấn, dùng lưỡi đẩy thức ăn thấy khó chịu nên đưa tay sờ vào thì bà giật mình khi thấy có vật hơi cứng mới nhú. Bà liền bảo người con gái Nguyễn Kiều Trinh (48 tuổi) xem cho thì chị Trinh ngạc nhiên khi thấy mẹ mình mọc lại răng. Từ đó, chị Trinh đặc biệt chú ý theo dõi tiến trình mọc răng của bà Huệ.
Chị Trinh cho biết, sau vài tháng gần đây, ngoài hàm dưới là 4 chiếc, chị còn phát hiện thêm hàm trên của bà Huệ mọc 4 chiếc răng nữa. Tổng cộng là 8 chiếc răng (2 hàm) mọc cùng lúc, tuy 8 chiếc răng của bà Huệ mọc không được đều, các răng thường rất nhỏ và cách thưa nhau, đặc biệt là màu răng lại vàng xỉn, không trắng như mấy đứa con của chị khi thay răng nên chị tính khuyên mẹ đi nha khoa, nhưng công việc bề bộn rồi bỏ mặc.
Bà Huệ bước ra mở cổng chào - Ảnh: Tô Văn
Bà Huệ chia sẻ, từ khi có được những chiếc răng mới, việc ăn uống của bà trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ngày trước, bà rụng răng nhiều nên khi nhai thức ăn gây khó, không ăn hết nửa chén cơm, nhưng từ khi có 8 chiếc răng mới thì mỗi bữa ăn được nhiều hơn, vẫn có thể nhai xương, ổi, mía.
"Nhưng dù cây mía là món khoái khẩu, bây giờ tôi hạn chế lắm, vì có hôm trước, tôi thèm, mua mía về ăn, đang xước vỏ mía thì bị gãy răng. Tưởng là vôi răng tróc ra nên tôi nhai rau ráu, ai ngờ cái lưỡi tôi lướt sơ qua thấy trống vắng. Lập tức, chạy vô xem gương. Ôi thôi! Chiếc răng của tôi vừa mọc đã gãy. Mà kỳ lạ lắm chú, chiếc răng gãy là vài tháng sau tự nhiên mọc ngay chỗ cũ. Đây là điềm gì không biết, chắc cuối đời tôi được trời thương nên cho ăn lộc đây. Còn đi nha khoa theo lời con Trinh, tui không thích, vì khoái tự nhiên và theo quy luật của trời", bà Huệ móm mém cười.
Bà Lê Thị Tờ (62 tuổi, hàng xóm bà Huệ) tâm sự: "Khi bà Huệ nói với tôi chuyện mọc răng, tôi không tin nên về nói gia đình sự việc kỳ lạ này. Chồng tôi nói chắc bà Huệ do ăn ở hiền lành, có đức, đây điềm báo trước sự trường thọ, vì thế gia đình rất phấn khởi khi bà Huệ mọc lại răng". Cũng theo bà Tờ, 8 chiếc răng mới giúp bà Huệ ăn được nhiều hơn và sức khỏe tốt hơn. Ngày ngày, bà Huệ vẫn dậy từ rất sớm đi tập thể dục, đi chợ rồi lo ăn uống cho 2 con chó nuôi trong nhà.
Người già mọc răng có phải là trường thọ?
Nói về quãng đời đã trải qua, bà Huệ bùi ngùi nhớ lại: "Tui quê rặt ở H.Chợ Mới này. Khi đến tuổi cập kê, tôi được gả rồi theo chồng, từng sinh sống từ tỉnh Đồng Tháp về Thốt Nốt (Cần Thơ), rồi cuối cùng lập nghiệp tỉnh Bình Dương. Năm con Trinh 5 tuổi, chồng tôi bỏ theo vợ bé, tôi từng làm đủ nghề, ở đợ, rửa chén bát. Sau đó, con Trinh trưởng thành rồi xin làm công nhân rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái hiện giờ tụi nó nuôi tôi", bà Huệ ngậm ngùi kể.
Bà Tờ (hàng xóm) và em bà Huệ, cùng tán chuyện về chuyện mọc răng của bà Huệ - Ảnh: Tô Văn
Cũng theo bà Huệ, khi thấy mình đã lớn tuổi, bà nói với vợ chồng người con cho bà về nơi sinh ra để an phận tuổi già. Vợ chồng người con đồng ý. "Nhớ hồi còn con gái tôi là đứa đẹp nhất nhì cái xã này nghen", bà nói. Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn sức khỏe của mình, bà Huệ mở miệng cười: "Cứ chịu khó ăn uống điều độ và tuyệt đối không ăn mặn, uống chất kích thích như cà phê, trà mới giữ được sức khỏe".
Bản thân bà Huệ cũng có uống sữa, tập thể dục và chế độ ăn uống điều độ, thêm nữa kết hợp với khí hậu mát mẻ của vùng sông nước nên sức khỏe của bà được bền bỉ. Hiện tượng người già mọc răng như bà Huệ là 1 trường hợp hiếm có trong y học, nhưng không phải là không có trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ở nước ta trước đây cũng đã ghi nhận một số trường hợp tương tự.
Được biết, trong những năm đầu 90 của thế kỷ trước, báo chí đã nói đến trường hợp của cụ V.Đ.B., cán bộ 1 công ty đã nghỉ hưu, nhà ở Hà Nội. Lúc đó, cụ hơn 81 tuổi đã mọc thêm 1 chiếc răng mới ở hàm trên. Cụ thường xuyên tập luyện thể dục, đi bộ, xoa bóp, tập yoga và ăn uống điều độ, luôn giữ được tinh thần thoải mái. Báo chí cũng từng đưa tin, ở Thổ Nhĩ Kỳ, có cụ bà đã rụng hết răng nhưng tới năm 105 tuổi lại mọc ra 10 răng mới...
1 bác sĩ Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt tỉnh An Giang nhận định, về cấu tạo sinh học, răng người được cắm chặt vào các hốc ở xương hàm. "Thông thường phôi người có 2 lớp mầm răng. Lớp đầu là mầm răng sữa với 20 chiếc, lớp sau là mầm răng vĩnh viễn với 32 chiếc, thêm 8 răng hàm và 4 răng khôn so với thời kỳ trước. Ở một số ít người trong thời kỳ phôi thai còn có lớp mầm răng thứ 3, đến lúc già mới bắt đầu mọc ra. Bà Huệ khả năng lớn là nằm trong trường hợp này", bác sĩ này nói.
Tô Văn
Theo motthegioi
Trang trại nuôi bò trên biển ở Hà Lan Trang trại bò sữa nổi trên biển đầu tiên trên thế giới tại thành phố cảng Rotterdam của Hà Lan đi vào hoạt động. Trang trại cung cấp "giải pháp nông nghiệp độc đáo", nhằm thích ứng với nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Trang trại do công ty Beladon thiết kế, có 3 tầng, rộng 900 m2, nuôi 32 con...