Chuyện không tin nổi từ cây cầu chờ sập
Tại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An có một cây cầu dài gần 170 m bắc qua sông Vàm Cỏ Tây.
Đây là một trong những cầu dây văng dài nhất tỉnh hiện nay với hàng ngàn lượt xe qua lại mỗi ngày. Chưa kể những lúc tết, rằm thì lượng người qua cầu còn nhiều hơn thế do có đông khách thập phương đến viếng chùa gần đó.
Ấy thế mà “ở phía dưới chân cầu không có các trụ chống va mà chỉ có vài cọc xi măng cắm tạm; nhiều vị trí trên trụ cầu vi sắt lồi ra, các móc nối dây văng với cầu rất tạm bợ; mỗi lần có nhiều xe đi qua là cây cầu rung lắc; nhiều người dân địa phương phải “nín thở” qua cầu”. Ghi nhận này của PV Pháp Luật TP.HCM trên số báo ra ngày 24-10 trùng khớp với xác nhận của chủ tịch xã “sợ cầu không đảm bảo an toàn nên những lúc cao điểm xã phải cử người canh gác để điều tiết xe qua cầu; đồng thời điều tiết thêm sà lan để tránh quá tải cho cầu”. Và nó cũng được minh chứng bằng nỗi bất an của một phó giám đốc Sở GTVT tỉnh mới đi khảo sát cây cầu: “Tôi cũng thấy sợ thì nói gì người dân”.
Video đang HOT
Chưa hết, ngoài chuyện chất lượng kém còn có một sự thật “động trời” không tưởng tượng nổi. Cây cầu sừng sững như thế và tất nhiên việc xây dựng không hề là ngày một ngày hai nhưng sau khoảng năm năm khai thác mà hồ sơ pháp lý của nó vẫn là một ẩn số đối với các cơ quan chức năng ở địa phương.
Chủ tịch xã – nơi đang quản lý cầu có biết tin đơn vị thi công “biến mất” khi chưa hoàn thành hợp đồng xây cầu với chủ đầu tư (là một nhà chùa) nhưng không rõ công ty đó ở đâu, cầu xây có phép hay không. Một lãnh đạo huyện thì “tưởng đâu cầu đó đã được cấp phép”. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi đại diện Sở GTVT tỉnh cho biết cây cầu hoàn toàn được xây “chui”, không miếng giấy phép lận lưng! Rằng là UBND tỉnh chỉ mới đồng ý chủ trương xây cầu; đơn vị tư vấn thiết kế vẽ sơ sài, không đúng quy trình, thủ tục; sở đã đình chỉ thi công… nhưng không hiểu sao ai đó vẫn điềm nhiên hoàn thành cây cầu.
Chuyện các công trình xây dựng đột nhiên mọc lên trước thanh thiên bạch nhật vốn không lạ. Nói đột nhiên vì hễ bị phát hiện là những người có thẩm quyền từ cấp cơ sở đến cấp trên cứ lặp đi lặp lại điệp khúc “không hay”, “không biết” khiến mọi người buộc phải thắc mắc họ đã ở đâu và đã thực hiện công tác quản lý địa bàn như thế nào mà lại luôn để lọt lưới những vi phạm to đùng?
Như mới đây thôi, cao ốc 8B Lê Trực nằm đối diện UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) đã xây không phép khoảng năm tầng trên cùng và 6.000 m2 sàn. Hoặc biệt phủ rộng 1.411 m2 trị giá hơn 100 tỉ đồng tại rừng Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) của một đại gia vàng cũng được xây dựng không phép trong nhiều năm. Ngoài việc nhiều lần lập biên bản, các cơ quan hữu quan đã không có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu nào, vì thế biệt phủ vẫn cứ lừng lững tồn tại. Khi lý giải nguyên nhân của vụ này, dường như ông Huỳnh Đức Thơ (Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cũng đã nói cả cho những trường hợp sai phạm tương tự: “Do lỏng lẻo của chính quyền, thậm chí có những vấn đề khuất tất sau nữa. Khuất tất là gì, là họ làm nhưng mình làm lơ, còn lý do làm lơ thì mình không biết. Cho nên ông khổ chủ mới nói rằng khi tôi làm thì các anh cũng không nói chi, cũng có lập biên bản rồi nhưng về không nói chi, rồi tưởng vụ việc êm nên người ta làm tới luôn” (!).
Trở lại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng (Long An), để dân không phải băng đò qua sông vừa bất tiện vừa nguy hiểm thì đúng ra chính quyền phải làm cầu cho dân đi. Đằng này người dân đã phải góp tiền xây cầu để giờ phải đánh cược mạng sống của mình với cây cầu dây văng không phép “đi qua nó rung như cầu khỉ” và có nguy cơ đổ sập. Khuất tất cụ thể gì đó thì có thể người dân sẽ không được tường tận, chỉ biết là cách quản lý mà như không quản lý của chính quyền đang gây ra nhiều tổn thất, trong đó tổn thất lớn nhất là mất niềm tin.
THU TÂM
Theo_PLO
Nhiều tuyến phố phải cắt điện do ngập úng nặng
Trận mưa lớn diễn ra trên khắp các quận Hà Nội từ 20 giờ 00 tối 21-9 kéo dài đến sáng 22-9 đã gây ngập úng nhiều tuyến phố như: Mạc Thị Bưởi, Minh Khai, Hoàng Mai, Vĩnh Tuy, Vĩnh Hưng, Thanh Trì...
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhà nước, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã chủ động cắt điện tại một số khu vực quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai.
Sau khi lượng nước tại khu vực quận Hoàng Mai giảm, công nhân Công ty Điện lực Hoàng Mai đã tiến hành kiểm tra các trạm biến áp đảm bảo an toàn và đã khôi phục điện phục vụ khách hàng lúc 12 giờ 00 cùng ngày.
Tại khu vực quận Hai Bà Trưng tình hình ngập úng phức tạp hơn, Công ty Điện lực Hai Bà Trưng đang tiến hành kiểm tra toàn diện các trạm biến áp trong khu vực, khơi thông dòng chảy. Đến 15 giờ 30 phút toàn bộ phụ tải khu vực quận Hai Bà Trưng được khôi phục và cấp điện trở lại.
Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội xin được khuyến cáo tới khách hàng: Khi mưa to, gió lớn, nếu phát hiện thấy các hiện tượng bất thường như: Dây điện đứt rơi xuống, cây đổ vào đường dây điện, trạm điện; Cột điện đổ, sứ vỡ, phóng điện, trạm điện bị ngập nước...cần báo ngay cho Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (ĐT: 19001288 - 22222000), chính quyền hoặc Công an địa phương gần nhất. Nếu trường hợp trong gia đình ngập nước, khách hàng cần cắt ngay cầu dao điện, aptomat tổng, rút phích cắm điện, đồng thời kê cao các thiết bị điện như máy bơm nước, quạt điện, nồi cơm điện... kiểm tra thiết bị thật khô ráo, đảm bảo tuyệt đối an toàn mới sử dụng./ Thanh Mai
Theo_Hà Nội Mới
Yên Bái: Một phụ nữ bị mưa lũ cuốn trôi mất tích Mưa to, nước suối dâng cao, bà Đặng Thị Tuyết Lan, đi qua cây cầu tạm bắc qua suối Khe Dài bất ngờ cầu bị sập, làm bà Lan rơi xuống suối. Do ảnh hưởng của vùng xoáy thấp ở khu vực Bắc Bộ kết hợp với đới gió Đông Nam ở rìa Tây áp cao cận nhiệt đới nên tối qua (4/9)...