Chuyến khám bệnh nhiều nghĩa tình của Dân trí
“Tôi tuổi cao sức yếu, người đầy bệnh. Mấy chục năm qua khi thở ngực kêu chít chít như chuột con… Hôm nay được khám là sung sướng lắm” – cụ Diêm (84 tuổi) cùng hơn 300 người nghèo có mặt từ 4giờ sáng 26/3 để chờ đoàn khám từ thiện của báo Dân trí.
Ngày 26/3, Dân trí cùng Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi và Cổng thông tin Sức khỏe – Khám bệnh miễn phí - AloBacsi.vntổ chức khám bệnh từ thiện cho hơn 300 phụ nữ, trẻ em và người già huyện Đức Phổ – nơi có Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, nơi người bác sĩ – liệt sĩ anh hùng ngã xuống.
Đoàn do Thầy thuốc Nhân dân, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng làm trưởng đoàn.
Đại diện báo Dân trí – Nhà báo Hồng Tâm (bìa phải), Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi bà Huỳnh Thị Tuyết Nga (bìa trái) trao tiền và quà cho các cụ già đi khám bệnh
Để hưởng ứng chương trình ý nghĩa này, TBT báo Dân trí – nhà báo Phạm Huy Hoàn chỉ đạo trích 35 triệu đồng mua quà tặng người nghèo đến khám bệnh. Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi.vn cử ngay hai bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thảo (nhi khoa) và Nguyễn Minh Thu (đa khoa và lão khoa) để khám bệnh cho trẻ em và người già của huyện.
Công ty cổ phần Acecook Việt Nam ủng hộ 100 thùng mỳ ăn liền. Công ty sản xuất bao bì giấy Mai Thư hỗ trợ chi phí phết tế bào tầm soát ung thư tử cung cho phụ nữ nghèo. Ca sĩ trẻ Khởi My trích ngay 10 triệu trong 50 triệu đồng đóng góp vào quỹ Tấm lòng Nhân ái của báo Dân trí để thêm chi phí mua thuốc cho trẻ em và trao quà cho các đối tượng nghèo.
Những đóng góp nhỏ và nhanh chóng này ngay lập tức được Văn phòng đại diện TPHCM của báo và Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi lên lịch triển khai hiệu quả. Chỉ trong 3 ngày, việc phát phiếu khám cho bà con, việc tổ chức cho các bác sĩ từ TPHCM vào và việc chuẩn bị quà tặng, thuốc men phát miễn phí cùng lịch trình khám dày đặc từ 4 giờ sáng đã được hoàn tất.
“Có phước lắm mới được chọn đi khám lần này đó!”
Đối với bà con huyện Đức Phổ, việc đi khám chữa bệnh là điều gì đó xa xỉ – phần vì không có tiền đi khám, phần vì không thể bỏ công việc đồng áng. Cứ thế hết tháng này qua năm nọ, những căn bệnh cứ lầm lì tàn phá sức khỏe mà họ cố chịu đựng cho qua. Giờ nghe có đoàn bác sĩ TPHCM về khám bệnh miễn phí, tặng quà, ai nấy đều vui mừng.
Sự chờ đợi đặc biệt dành cho Thầy thuốc Nhân dân – GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng. “Nghe tiếng BS Phượng đã lâu, được thông báo chính tay bác Phượng khám cho, tôi như không tin vào tai mình” – chị Hồ Thị Niên có mặt ở Bệnh viện Đặng Thùy Trâm từ mờ sáng cho biết. Cùng với chị Niên, hơn 150 chị em phụ nữ, có người đến bệnh viện từ đêm hôm trước chờ, để được GS.BS Ngọc Phượng thăm khám.
Từ 4h sáng, đoàn từ thiện đã chuẩn bị sẵn sàng chào đón ca khám bệnh đầu tiên. Lúc này, phòng khám bệnh phụ khoa đã chật kín người.
Từ 4g các chị em đã có mặt chờ được khám phụ khoa
Phía ngoài, khu khám bệnh nhi và người già còn đông đúc hơn, ai nấy cũng trông chờ được chính tay các bác sĩ thành phố khám bệnh nên tranh thủ đi thật sớm.
Nhiều em bé tranh thủ ngủ một giấc trong khi chờ tới lượt mình
Video đang HOT
Rất đông người già và trẻ em đợi được khai bệnh
Tại khu khám bệnh phụ khoa, các chị em phụ nữ vui mừng khi được chính “thần y” (cách gọi trìu mến và cảm phục của người dân nơi đây) – GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng khám.
Chị Võ Thị Ái (xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ) bày tỏ: “Được chính tay BS Phượng khám tôi yên tâm lắm, lấy thuốc này về uống hi vọng bệnh sẽ khỏi. Bác sĩ còn dặn rất kĩ để tôi uống thuốc đúng cách, đúng liều nữa”.
Chị tươi cười ra về, chia sẻ trong sung sướng: “Cả nhà ai cũng muốn đi khám bệnh khi nghe tin bác sĩ ở thành phố về nhưng mỗi gia đình chỉ được 1 người đi. Nên mọi người nhường cho tôi. Vui lắm! Uống hết thuốc này mong bệnh của tôi sẽ khỏi”.
Các cụ già cũng hào hứng phấn khởi không kém khi hay tin đoàn bác sĩ của báo Dân trí về khám bệnh. Suốt đêm 25/3, cụ Huỳnh Thị Diêm (84 tuổi, thị trấn Đức Phổ) không ngủ vì nghe con cháu nói ngày mai sẽ được chính tay các bác sĩ thành phố khám bệnh.
Cụ Diêm thức cả đêm mong trời sáng để gặp đoàn bác sĩ thành phố “khai bệnh”
Cụ móm mém nói: “Tôi tuổi cao sức yếu, người đầy bệnh. Đau nhức mình mẩy, họng lúc nào cũng có đàm, khi thở kêu chít chít như chuột con… Hôm nay được đến đây khám là sung sướng lắm. Có mấy bà trong xóm cụ không được khám vì cán bộ phải chọn những ai đặc biệt. Cụ có phước lắm mới được chọn đi khám lần này đó!”.
Những con số báo động
“Trong lần khám bệnh phụ khoa lần này, có 4 trường hợp bị u xơ tử cung cần điều trị gấp và 1 trường hợp nghi ung thư cổ tử cung. Phía bác sĩ của đoàn sẽ vận động hỗ trợ cho các trường hợp này điều trị, phẫu thuật miễn phí nếu vào Sài Gòn điều trị” – GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng ân cần dặn dò bệnh nhân trước khi ra về
Chị Nguyễn Thị Mười (xã Phổ Thuận) không kìm được nước mắt khi biết mình bị u xơ tử cung, cần phải điều trị gấp. Chị bước ra khỏi phòng khám mà bước chân nặng trĩu.
Chị gạt nước mắt: “Lúc trước mỗi lần đau thì cũng đi mua thuốc về uống thôi, chứ không có điều kiện đi khám bệnh. Lần này, bác sĩ bảo phải mổ, tôi lo lắm. Ở nhà chỉ có mình là lao động chính. Mình đi trị bệnh thì gia đình sống sao”.
PCT Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi – Nguyễn Thị Xuân Thương (trái) động viên chị Nguyễn Thị Mười
Những nỗi lo toan hiện về trước mặt chị càng khiến cho mọi người chạnh lòng. Chị là lao động chính trong nhà, chồng tật nguyền, còn hai đứa con thì trong độ tuổi ăn học. Một mình chị gồng gánh cả gia đình khi phải nuôi thêm bố chồng ở tuổi xế chiều. “Mình đi trị bệnh thì lấy ai chăm lo cho chồng con” – chị ngồi ứa nước mắt không phải vì sợ căn bệnh mà lo cho gia đình bé nhỏ của mình.
Giải tỏa nỗi lo trong lòng chị Mười, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ ngay: “Các hoàn cảnh có bệnh nhờ Hội Phụ Nữ giúp làm sổ hộ nghèo, vào Sài Gòn cô mổ miễn phí hết. Chỉ cần vào được Sài Gòn, cứ đến gặp cô”.
Còn bác sĩ chuyên khoa I (BS.CKI) Nguyễn Minh Thu trực tiếp khám bệnh cho các cụ già lo lắng: “Rất nhiều người trẻ cũng bị huyết áp cao. Một số phụ huynh chỉ hơn 30 tuổi, đưa con đến khám bệnh, chóng mặt xin vào khám, huyết áp đo được trên 190/100. Phải cho thuốc cấp cứu. Vấn đề là sau khi huyết áp hạ, nhiều người không có điều kiện điều trị tiếp, vẫn ra đồng, sinh hoạt bình thường dễ nguy hiểm đến tính mạng”.
Nhận xét về sức khỏe của các cụ, BS Nguyễn Minh Thu cho biết: “Đa phần các cụ bị cao huyết áp và có vấn đề về tim mạch. Thêm nữa, nhiều cụ có triệu chứng về bệnh xương khớp nên việc điều trị cho các cụ tốn nhiều thời gian và phải kiên trì lắm”.
BS.CKI Nguyễn Thị Thu Thảo chăm chú khám cho một bệnh nhân nhí
Chưa hết nỗi lo về sức khỏe của bà con nơi đây, BS.CKI Nguyễn Thị Thu Thảo – người trực tiếp khám cho gần 100 em nhỏ trong sáng 26/3 cũng trăn trở: “Đa phần trẻ ở đây đều suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, nguy cơ mắc các bệnh khác là rất cao”.
BS Võ Thanh Tân – Giám đốc BV Đặng Thùy Trâm chia sẻ: “Bà con nơi đây rất mong chờ được khám bệnh, đặc biệt là các bác sĩ Sài Gòn. Chúng tôi biết điều kiện y tế của địa phương còn nhiều điểm yếu, nên bệnh viện sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các đoàn từ thiện về khám cho dân”. BS Tân không quên gửi lời cám ơn đến báo Dân trí, Hội Phụ Nữ, Cổng thông tin sức khỏe và khám bệnh miễn phí AloBacsi.vn và các tập thể đã hỗ trợ. Mong rằng sẽ được đón tiếp đoàn nhiều hơn nữa.
BS.CKI Nguyễn Minh Thu rất lo ngại cho tình trạng cao huyết áp của bà con nơi đây. Rất nhiều bà con trên 30 tuổi huyết áp đã rất cao, có người lên đến 190/110.
Từng khám chữa cho không biết bao nhiêu bệnh nhân và cũng từng đi khám từ thiện ở rất nhiều nơi, nhưng nỗi ưu tư về bệnh tật của người dân nghèo vẫn khắc khoải trong lòng các bác sĩ. Nhìn cảnh hàng trăm người xếp hàng từ 3-4 giờ sáng để chờ đón bác sĩ, nhìn các chị em bật khóc khi thấy bác sĩ Phượng, nắm chặt tay bác sĩ, gọi bác Phượng là “ân nhân cứu mạng”… ai trong đoàn cũng mong có dịp đến với nhiều bệnh nhân nghèo hơn nữa.
Ở tuổi 70, GS.BS Nguyễn Ngọc Phượng hầu như không có một giây nghỉ ngơi giữa buổi khám vẫn hào hứng: “Có dịp cả đoàn mình sẽ về Quảng Ngãi tiếp nghen”. Khi nghe cán bộ Hội Phụ nữ kể người dân đảo Lý Sơn thiếu khó trăm bề vẫn kiên định bám trụ đảo, việc chăm sóc sức khỏe của những công dân đảo dường như chỉ nhờ “trời cho”, GS.BS Ngọc Phượng đề xuất ngay: “Tháng 6 này chúng ta sắp xếp ra Lý Sơn được không? Văn phòng phía Nam báo Dân trí về trình Tổng biên tập xem có triển khai được không nhé”.
Tấm lòng của bác sĩ như thế, nỗi mong của người dân lớn như thế, chắc chắn Dân trí sẽ không đứng ngoài cuộc!
Ngoài việc thăm khám miễn phí, đoàn hỗ trợ cho mỗi trường hợp khám phụ khoa 150.000 đồng cùng với thuốc uống. Trẻ em và người già mỗi người đều được phát thuốc và tặng thêm 1 thùng mì Acecook cùng 100.000 đồng.
“Ngôi sao” trong lòng chị em phụ nữ Quảng Ngãi
Chuẩn bị ra sân bay, BS Phượng vẫn tranh thủ tư vấn thêm cho chị em
Để chuẩn bị cho chuyến đi khám từ thiện, ngày 25/3, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã bắt đầu ca mổ đầu tiên từ 4 giờ sáng. Mổ và khám liên tục cho tời giờ ra sân bay.
9 giờ tối vào đến Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, bà cùng đoàn chuẩn bị cho buổi khám ngày mai. Dự trù ban đầu, BS Phượng sẽ khám cho 100 chị em phụ nữ nghèo, nhưng con số khi kết thúc là trên 150. Bà chỉ dừng tay vì “hết sạch bao tay và dụng cụ khám”.
Sau buổi khám, bà tham gia vào bếp ăn từ thiện ở BV Đặng Thùy Trâm, quay phim cho chương trình của báo Tuổi trẻ. Bà rút ngay tiền túi để ủng hộ 100 suất của bếp ăn mà bà cho là “nhiều ý nghĩa” này.
Chiều 26, bà lên xe ra Đà Nẵng (cách Đức Phổ gần 200km). 7 giờ tối lên máy bay về Sài Gòn. Trên xe, thư ký của bà đọc lịch 6 ca mổ đang chờ bà vào sáng 27/3, cũng bắt đầu từ 4 giờ sáng. Bà vừa ăn trái bắp Quảng Ngãi vừa nói nhẹ tênh: “Có 6 ca thôi hả con?”
Lịch của vị GS.BS tuổi 70 này vẫn là “tranh thủ” mổ từ sáng sớm, có ngày trên 10 ca, và sau đó là lịch khám dày đặc cho các bệnh nhân đang chờ bà.
Tại Quảng Ngãi, bà được đón đợi như một ngôi sao – ngôi sao của tài năng tuyệt vời và đức từ tâm của một thầy thuốc, một người Mẹ.
Theo Dantri
Nỗi đau chưa dứt sau vụ tai nạn thảm khốc ở Khánh Hòa
Trong vụ tai nạn thảm khốc khiến 12 người thiệt mạng ở Khánh Hòa, có tới 8 gia đình ở Quảng Ngãi mất người thân. Cả 8 nạn nhân đều là trụ cột của những gia đình cùng khổ.
Trở lại thăm từng gia đình ở Quảng Ngãi có nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn, PV Dân trí thấm thía, sau nỗi đau mất người thân, những tai họa khác liên quan đến cơm áo gạo tiền tiếp tục ập xuống, đeo đẳng các gia đình. Trước khi gặp kiếp nạn này, gia đình họ vốn đã phải gồng minh mưu sinh để đủ cái ăn cái mặc...
Như trường hợp hai chị em ruột bán báo dạo ở xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh mà Dân trí đã đưa tin, cả hai tuy là nữ nhưng đều là trụ cột kinh tế của gia đình. Hai chị Đặng Thị Thơm và Đặng Thị Kim Hoa chật vật vào TPHCM kiếm sống, hai người chồng ở quê làm thợ hồ. Hầu hết mọi chi phí trong gia đình đều do chị Thơm và chị Hoa gửi tiền về cho chồng.
Đại diện báo Dân trí trao phần quà hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân ở Quảng Ngãi
Chia sẻ với phóng viên, chồng chị Hoa - anh Võ Ngọc Ảnh - buồn rầu ứa lệ: "Bây giờ không ai dám cho tôi đi làm thợ hồ cùng vì họ ngại nhà tôi đang có tang. Chắc phải hết 1 năm thì mới đi làm lại được".
Vợ mất, 3 đứa con đều đang đi học (con gái lớn học cao đẳng, con gái thứ hai học cấp 3 và con trai út học cấp 2), anh Ảnh bế tắc không biết làm gì để có tiền lo cho các con.
"Nhà tôi còn có sào lúa thì làm sao đủ nuôi con ăn học, chắc tôi phải tìm ai có nhu cầu xây mồ mả làm kiếm cơm, chứ ở đây hết đường rồi", anh Ảnh nói.
Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Phan (ngụ xã Bình Trung, huyện Bình Sơn) nghĩ về 2 đứa con (con trai học lớp 8, con gái 4 tuổi) mà thẫn thờ: "Cuộc sống sau này không có anh sẽ thế nào?". Chị Minh Hiền tâm sự: "Lúc đầu hai vợ chồng tôi làm công nhân ở nhà máy gạch gần nhà, mức lương "ba cọc ba đồng" không đủ lo cho cuộc sống. Rồi chúng tôi khăn gói vào TPHCM mưu sinh. Khi sinh bé gái thứ 2, tôi phải về lại quê làm công nhân, còn chồng ở thành phố làm nghề đá hoa cương. Cuộc sống đang dần ổn định thì anh ra đi vĩnh viễn, bây giờ tôi biết làm gì để lo cho con ăn học...".
Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ngãi trao phần tiền hỗ trợ
Ngược về phía nam cuối tỉnh Quảng Ngãi, người vợ trẻ Trần Thị Vy Na, vợ nạn nhân Võ Ngọc Phương (ngụ xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ) bế trên tay đứa con thơ 1 tuổi, thẫn thờ bên bàn thờ chồng, tâm sự: "Gia đình tôi phụ thuộc vào công việc của người chồng. Bố chồng đã lớn tuổi, tôi thì lo nuôi con nhỏ, cuộc sống giờ bế tắc...".
Cả 8 gia đình các nạn nhân ở Quảng Ngãi đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, đa phần là lao động phổ thông, nghề nghiệp không ổn định, con cái đang tuổi ăn học.
Với tinh thần chia sẻ nỗi đau, trong ngày 26/3, báo điện tử Dân trí cùng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức trao phần hỗ trợ cho gia đình nạn nhân tử vong, mỗi suất trị giá 300.000 đồng. Đây là nguồn hỗ trợ của bạn đọc Báo điện tử Dân trí dành cho 12 người tử nạn, trong đó có 8 người ở Quảng Ngãi.
Theo Dantri
Hiên ngang bám biển Hoàng Sa "Có chấm trắng, tàu xám" - đó là câu nói khá quen thuộc trên Icom của ngư dân Hoàng Sa. Chấm trắng là tàu hải giám, kiểm ngư, tàu xám là tàu quân sự của Trung Quốc. Không thể thống kê hết một năm ngư dân bao nhiêu lần đụng chấm trắng, chấm xám ở Hoàng Sa. Thuyền trưởng Đặng Tằm từng bị...