Chuyện ít biết về nữ hoàng băng nhạc ‘Mưa bụi’ Tài Linh
Là người thu âm những ca khúc đầu tiên của “ Mưa bụi”, nhưng với nghệ sĩ Tài Linh, đó chỉ là cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng mà thôi.
Đến với cải lương bằng sự tình cờ
Nữ nghệ sĩ Tài Linh tên thật là Huỳnh Thị Phú Nhuận, chị sinh năm 1956 tại Sài Gòn với quê cha ở Bình Định, quê mẹ ở Bến Tre. Cha mẹ chị là ông bà chủ tiệm may Ngọc Châu đình đám một thời ở Sài Gòn.
Tài Linh có 7 người anh chị em, trong đó, hai người nữa cũng theo nghiệp ca hát và nổi danh là chị gái Tài Lương và em trai Chí Linh.Năm 1977, cha của Tài Linh bị bệnh và qua đời, công việc kinh doanh cũng đi xuống. Mẹ Tài Linh quyết định để lại tiệm may cho cô chị cả, còn bà dẫn Tài Linh cùng Chí Linh và cô em gái út về Bến Tre.Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn nên Tài Linh đã theo chị gái Tài Lương, lúc này đang là nghệ sĩ cải lương ở đoàn Sài Gòn 3, về lại thành phố làm nhân viên bán vé.Cũng chính từ sự tình cờ này mà Tài Linh đã bắt đầu được các nghệ sĩ Lan Chi, Thuý Lan dạy cho những câu hát đầu tiên của cổ nhạc. Ngoài ra, chị còn học thêm với nhạc sĩ Duy Khanh và rất được các nghệ sĩ như Thanh Điền, Thanh Kim Huệ khen ngợi.
Sao đổi ngôi: Đình Văn – Tài Linh
Tài Linh không bao giờ quên được lần đầu tiên chị đứng trên sân khấu đoàn Sài Gòn 3 với vở cải lương Mái tóc người vợ trẻ. Cũng chính từ đây, Tài Linh đã mạnh dạn bước đi từng bước trên con đường cải lương, tiếp nối những gì chị gái Tài Lương đã gây dựng được.
Năm 1981, dịp may mắn đã đến với Tài Linh khi nghệ sĩ Quốc Trầm, bầu đoàn cải lương Nha Trang mời chị vế làm đào chính. Từ sự may mắn này, Tài Linh đã đi diễn ở nhiều tỉnh miền Trung với các nghệ sĩ Quốc Trầm, Phương Dung, Vương Tuấn, Lệ Huyền, Thanh Hùng và được khán giả rất ái mộ qua các vở tuồng Công chúa tóc thơm, Cây gậy thần, Tình ca biên giới…
Từ năm 1981 đến năm 1988, trong 7 năm liên tục, Tài Linh đã là đào chính của các đoàn hát Tiếng ca sông Cửu, Tây Ninh 2, Long Giang, Vũng Tàu 2, Cửu Long 1.
Chị cũng đã đi lưu diễn qua các tỉnh miền Trung, miền Đông, miền Tây Hậu Giang với các tuồng Công chúa tóc thơm, tuồng Tội của ai và các tuồng cổ tích dân gian như Khoai lang Dương Ngọc, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương…
Đến năm 1989, Tài Linh được đoàn cải lương Minh Tơ mời về hát thế vai cho nữ nghệ sĩ Thùy Dương vì Thùy Dương theo chồng đi định cư ở Canada. Đây là một dịp may mắn để Tài Linh có thể phô diễn hết được năng khiếu trời cho của mình với cải lương.Ở đoàn Minh Tơ, Tài Linh được diễn viên kiêm đạo diễn Thanh Tòng chỉ dạy cho những vũ đạo cơ bản của sân khấu tuồng cổ, những bài ca Hồ Quảng.Tài Linh sáng dạ, tiếp thu nhanh, có duyên sân khấu, có sắc đẹp đằm thắm dịu dàng lại được mặc y phục cổ trang rực rỡ nên chị thường được xuất hiện trong các vai nữ hoàng, công chúa.
Khi đó, báo chí không ngớt khen ngợi Tài Linh, khán giả săn đón, xin ảnh thần tượng Tài Linh, xin chữ ký và gần như lúc nào Tài Linh xuất hiện trên đường phố cũng được rất đông người hâm mộ nhận ra và dành lời khen ngợi.
Video đang HOT
Cuộc dạo chơi mang tên “Mưa bụi”
Trước khi dòng âm nhạc Mưa bụi hình thành và phát triển nở rộ trong những năm của thập niên 90, ít ai nghĩ rằng, dòng nhạc này lại ra đời một cách tình cờ nhưng đem lại hiệu ứng cao đến thế trong lòng những khán giả yêu nhạc.
Chỉ đơn thuần khi nghệ sĩ Tài Linh ghé qua studio Kim Lợi của nhạc sĩ Hữu Minh, hát thử một đoạn tân nhạc, chất giọng của chị đã làm cho ông chủ Kim Lợi chú ý bởi anh đang loay hoay tìm ra một hướng đi mới cho âm nhạc thời bấy giờ.Sau lần hát thử này, Hữu Minh quyết định mời Tài Linh thu âm một số ca khúc do anh viết lời, được nhạc sĩ Vinh Sử biên tập lại.Bởi trước đó, Tài Linh là một nghệ sĩ cải lương, chị hoàn toàn không có một chút kỹ thuật nhạc nhẹ nào, thế nên chị gần như phải học lại từ đầu với những phịp phách, tiết đấu của nhạc nhẹ kết hợp với cách luyến láy của cổ nhạc.Tài Linh đã cùng Kim Lợi mày mò, chỉnh sửa để có thể cho ra mắt được những sản phẩm mang đậm âm hưởng dân ca trên nền tân nhạc.
Mưa bụi 1: Tài Linh, Ngọc Hải
Để nói về thành công lẫy lừng của thời kỳ Mưa bụi một thời, Tài Linh khiêm tốn cho rằng: “Tôi vẫn xác định cải lương mới là sở trường của mình, còn ca nhạc chỉ là một sự dạo chơi đầy ngẫu hứng mà thôi”.
Với Tài Linh, đó là một cơ duyên mà nếu không có cơ duyên ấy, tên tuổi của chị chắc hẳn không được nhiều người biết tới: “Những năm 1990, các video cải lương rất thịnh hành. Trong quá trình quay các tuồng cải lương cho đạo diễn Hữu Minh, anh ấy nhận thấy tôi có khả năng ca nhạc nên mời tôi làm CD ca nhạc.CD đó tôi hát với ca sĩ Đình Văn, có bài Ngẫu hứng lý qua cầu rất được khán giả yêu thích, từ đó khán giả cũng chấp nhận mình hát tân nhạc. Sau đó thì đến băng Mưa bụi mà tôi cũng không ngờ lại thành công đến vậy”.
Không thể phủ nhận rằng thành công từ Mưa bụi đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp ca hát của Tài Linh. Chị có thêm nhiều khán giả hơn, được nhiều công chúng ở hải ngoại biết đến và yêu mến nhiều hơn. Và tên tuổi của chị cũng gắn liền với dòng âm nhạc “thuần Việt” có sức công phá mãnh liệt nhất trong các dòng nhạc từ trước đến nay.
Nghệ sĩ Tài Linh đã qua Mỹ định cư từ năm 2004 theo diện đoàn tụ gia đình. Những năm đầu ở nơi đất khách quê người, chị kiếm sống bằng nghề làm móng ở Victor Ville.
Thời gian này kéo dài đằng đẵng suốt ba năm trời ngập tràn trong nỗi nhớ quê hương da diết cùng với ánh đèn sân khấu. Dần dần sau đó, Tài Linh mới bắt đầu nhận show biểu diễn để làm nguôi ngoai đi nỗi nhớ nghề vẫn còn chan chứa trong chị.”Cuối tuần tôi vẫn đi hát phục vụ bà con. Ở hải ngoại khán giả rất ủng hộ cải lương, ở đâu cũng là người Việt mình mà. Những người lớn tuổi nhớ quê hương nên rất nhớ cải lương, nhớ câu vọng cổ, những người trẻ tuổi thì luôn muốn tìm hiểu về nghệ thuật dân tộc.Khi đi diễn tôi luôn cố gắng diễn trích đoạn cải lương, dù rằng nếu hát ca nhạc sẽ nhẹ cho mình hơn, để người Việt xa xứ mình đỡ nhớ quê, cũng mong muốn cho các em nhỏ sinh ra sau này mặc dù chưa có dịp về thăm quê hương cũng biết về truyền thống dân tộc. Tôi đều có làm lược truyện giới thiệu tóm tắt nội dung từng vở tuồng trước mỗi trích đoạn biểu diễn để các em ít nhiều cũng có thể hiểu được tuồng nói gì…”.Có thể thấy, với Tài Linh, cải lương đã là định mệnh mà cho dù có đi xa quê hương tới nửa vòng trái đất, chị vẫn không thể dừng sự đam mê này lại được.Thế nhưng với sự thử sức cùng Mưa bụi, Tài Linh đã ghi những dấu ấn sâu đậm, đã làm nên một dòng nhạc mới, đã khiến cho nền âm nhạc Việt Nam thời bấy giờ chuyển mình và có những đột phá tích cực.
Thế nên, không có gì là quá khi nói rằng, Tài Linh chính là một nhân tố không thể thiếu với Mưa bụi mà nếu không có chị, dòng nhạc này đã không thể phát triển, âm nhạc trong nước đã không thể có những chuyển biến để làm nên một thời đại âm nhạc mới như những gì đã đạt được vào những năm của thập kỷ 1990.
Theo Yên Thảo/VTCNews
Cuộc sống cơ cực của "ông vua nhạc sến" Vinh Sử
Nổi tiếng với danh hiệu "ông vua nhạc sến" là vậy, nhưng giờ đây nhạc sĩ Vinh Sử đang trải qua những tháng ngày lận đận trong "căn nhà" vỏn vẹn hơn 5 mét vuông. Căn bệnh ung thư với 4 lần phẫu thuật càng khiến cho cuộc sống của ông thêm phần cơ cực.
Đến thăm nhạc sĩ Vinh Sử trong một buổi chiều trời chuyển mưa, sau nhiều lần hỏi thăm mới có thể tìm được nơi cư ngụ hiện tại của người nhạc sĩ tài hoa này. Khuất trong con hẻm cụt của một khu dân cư lao động nghèo tại quận 7, TPHCM, "căn nhà" của nhạc sĩ sẽ khó có thể tìm được nếu những nhà cạnh bên không bảo rằng đó là nhà của ông.
Cảm xúc đầu tiên lúc đặt chân vào căn nhà chỉ vỏn vẹn hơn 5 mét vuông này là một sự xót xa và không khỏi bất ngờ khi "tổ ấm" của một người nhạc sĩ từng có rất nhiều bài hát trữ tình đình đám của làng nhạc Việt hiện ra trước mắt. Sau tiếng gọi được cất lên từ mình, bước ra mở cửa đón tiếp tôi là gương mặt phúc hậu của một người phụ nữ lớn tuổi. Thoáng nhìn vào bên trong, chợt thấy những bước chân chậm rãi và có phần khó khăn của nhạc sĩ Vinh Sử đang bước xuống cầu thang của căn gác xếp, tôi khẽ chào và được nhạc sĩ ân cần mời vào nhà.
Nhẹ nhàng chỉ tay về hướng người phụ nữ vừa mở cửa đón tôi, nhạc sĩ Vinh Sử giới thiệu "đây là người bạn đời thứ 3 của tôi, dù đã không còn là vợ chồng từ lâu rồi nhưng vì thương hoàn cảnh của tôi mà bà ấy thường xuyên sang đây để chăm sóc, cưu mang... Tôi giờ bệnh tình cũng khó khăn nên thường mau mệt lắm nên nếu nói chuyện với cậu không được nhiều thì cũng mong cậu thông cảm cho tôi", nhạc sĩ Vinh Sử chân thành nói.
"Căn nhà" với diện tích hơn 5 mét vuông của nhạc sĩ Vinh Sử với chiếc xe máy kỷ niệm do một học trò tặng ông, thay cho chiếc xe cũ cồng kềnh để tiện bề đi lại. Nhưng thời gian gần đây, sức khỏe yếu dần nên nhạc sĩ cũng không thể sử dụng được.
Trở thành nhạc sĩ nổi tiếng từ "nhà thơ"
Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu sau những câu hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của nhạc sĩ. Mặc dù khá khó khăn để có thể ngồi lâu nhưng ông cũng đã nhiệt tình dành cho tôi những lời chia sẻ cởi mở. Hướng nhìn về tôi với ánh mắt có phần "nghi ngại", bởi tôi biết rằng, có khá nhiều người trẻ như mình nào đâu dễ quan tâm đến những bản tình ca mà mọi người hay gọi là "nhạc sến".
Thế nhưng, sau một hồi kể ra chi tiết các sáng tác của ông, cùng với những đặc điểm nổi bật của một vài ca khúc mà tôi từng được nghe, kể cả chủ động nghe và cả những lúc được "nghe ké" qua chiếc máy cát-sét cũ của mẹ ngày xưa, ánh mắt nghi ngại và câu nói ban đầu của nhạc sĩ "Cậu còn trẻ chắc ít biết các ca khúc của tôi hả..." dần tan biến trong ánh nhìn của nhạc sĩ.
Tỏ ra một chút bất ngờ về tôi nhưng nhạc sĩ cũng không giấu được niềm vui khi nghe tôi nói, "không chỉ riêng con mà cũng còn nhiều bạn trẻ khác vẫn ủng hộ nhạc xưa, nhạc trữ tình và nhất là các bài hát của nhạc sĩ Vinh Sử vẫn nhận được rất nhiều tình cảm của khán giả...". Đó cũng là điều mà nhạc sĩ cảm thấy hạnh phúc khi chia sẻ rằng, đời người nhạc sĩ không mong gì hơn là được công chúng yêu thương những ca khúc của mình đến cuối đời.
Tuổi trẻ "mộng mơ" thích làm thơ của chàng trai Vinh Sử
Nói về cơ duyên trở thành nhạc sĩ của mình, ngay cả bản thân nhạc sĩ cũng còn bất ngờ khi nghĩ lại. Bởi ông từng không dám nghĩ rằng, một chàng trai trẻ được sinh ra và lớn lên trong xóm lao động nghèo nhất Sài Gòn lúc bấy giờ lại có thể trở thành nhạc sĩ được nhiều người biết đến. Ông cho biết, "Nhà tôi không ai được đi học tới nơi tới chốn cả, duy chỉ có tôi là được may mắn học được chút ít. Đó cũng là nhờ cái tính mơ mộng lúc tuổi mới lớn của mình, tôi hay làm thơ lắm rồi mới nghĩ, đã có thơ thì làm sao thiếu nhạc được. Suy nghĩ đó thôi thúc tôi tự tìm nơi học nhạc, nhưng nếu khán giả để ý, các ca khúc của tôi vẫn mang hơi hướng của cổ nhạc hơn là cũng vì tôi xuất thân từ bộ môn này. Tôi cũng không ngờ rằng, công chúng lại đón nhận nhiều ca khúc của mình như vậy".
Viết nhạc hay nhờ "thất tình" nhiều
Không ngần ngại kể về chuyện tình lận đận của mình ngày còn trẻ, nhạc sĩ Vinh Sử chia sẻ rằng, có lẽ những ca khúc buồn như vận vào mình hồi nào không hay. Những ca khúc của ông hầu hết đều thể hiện sự chia ly, buồn bã, hay nhưng cuộc tình trái ngang. Đó cũng là cảm xúc thật mà sau những chuyện tình không may mắn của mình, nhạc sĩ cũng chỉ biết giải bày bằng âm nhạc.
"Mình là nhạc sĩ nghèo thì đành chịu thôi, họ đến rồi lại rời bỏ mình nhưng tôi không trách họ, chỉ nghĩ mình không có duyên có nợ. Hơn nữa, có lẽ khó có người phụ nữ nào chấp nhận được cái tính nghệ sĩ của tôi nên dù có bốn người bạn đời nhưng chúng tôi đều không gắn bó với nhau lâu dài được", nhạc sĩ chia sẻ.
Cuộc sống cơ cực hiện tại của "ông vua nhạc sến"
Đó cũng là hoàn cảnh sáng tác và lý do ra đời của nhiều ca khúc như Hai bàn tay trắng, Nhẫn cỏ cho em, Trả nhẫn kim cương, Mưa bụi, Gõ cửa trái tim... mà rất nhiều khán giả đã nghe và đồng cảm. Bởi lớn lên trong tình thương của xóm lao động nghèo nên cái chất nhạc và giai điệu trong những bài ca trữ tình của mình cũng được nhạc sĩ Vinh Sử đặc biệt dành cho những người nghe bình dân, những người trong phần lớn khán giả đã góp phần nuôi dưỡng cho các tác phẩm của ông được sống theo năm tháng.
Vẫn lạc quan dù bốn lần phẫu thuật vì ung thư
Trở lại với căn bệnh ung thư trực tràng đang ngày đêm khiến nhạc sĩ ăn ngủ không yên, xót xa khi nhìn "căn nhà" hơn 5 mét vuông đó phần lớn diện tích là dành cho đủ loại thuốc men mà nhạc sĩ đang sử dụng để điều trị. Đau nhức hàng đêm và dẫn đến mất ngủ, trí nhớ cũng không còn được tốt như xưa nên không ít lần, nhạc sĩ liên tục xin lỗi vì có thể quên đi một số chuyện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Hiện tại, bên cạnh số tiền tác quyền ít ỏi và không ổn định nhận được một quý 5-6 triệu đồng, nhạc sĩ cũng chỉ biết nương nhờ vào sự giúp đỡ của một số học trò, ca sĩ và đặc biệt là những vị khán giả "không tên" âm thầm cưu mang. Nhà có 6 người con nhưng không ai nối nghiệp nghệ thuật của ông và mỗi người đều phải vất vả lo toan mưu sinh với cuộc sống riêng của mình. Thế nên, mặc dù các con thường xuyên hỏi han, lo lắng nhưng nhạc sĩ vẫn quyết tự mình chăm sóc. Khi nào có chuyện gì cần thiết lắm ông mới gọi điện thoại nhờ các con.
Nhạc sĩ cũng không quên gửi đến những người hâm mộ đã giúp ông có thêm nguồn động lực và niềm tin vào cuộc sống của những tháng ngày cuối đời. Những lời cảm ơn chân thành nhất mà ông mong muốn thông qua bài viết này được gửi đến tất cả khán giả ở mọi nơi. Đặc biệt, lời tri ân sâu sắc nhất mà ông muốn dành tặng cho khán giả Hà Nội, những người mà cách đây 2 năm cũng trong đêm nhạc Vinh Sử được tổ chức tại đây đã quyên góp thuốc men và cả trăm triệu đồng để giúp ông điều trị bệnh.
Kỷ niệm chương do Hội âm nhạc TPHCM trao tặng cho nhạc sĩ Vinh Sử
Nói xong, kéo chiếc phong bì nhận được từ một người hâm mộ đến trước đó không lâu, đôi mắt nhạc sĩ lại ánh lên một niềm hạnh phúc: "Vừa nãy có một người đến đây biếu cho tôi 20 triệu đồng để lo thuốc men. Tôi có hỏi tên tuổi nhưng họ không nói và nài nỉ tôi nhận. Tôi hạnh phúc không phải vì số tiền mà là vì đến tận tuổi 70 này, tôi vẫn được khán giả yêu thương và nhớ đến mình".
Cúi chào nhạc sĩ ra về, dưới cơn mưa chiều dần nặng hạt, tôi chợt nghĩ và thầm mong "sau cơn mưa trời sẽ lại sáng" không chỉ đối với hoàn cảnh của ông mà còn là nhiều nghệ sĩ khó khăn khác cũng đang trải qua. Riêng với nhạc sĩ Vinh Sử, có lẽ "căn nhà" hơn 5 mét vuông trị giá 280 triệu đồng vẫn chưa trả góp xong chỉ là thứ tài sản vật chất ít ỏi còn lại. Nhưng ý nghĩa và giá trị hơn hết vẫn là cái gia tài "đồ sộ" khoảng 1000 ca khúc và sự thương yêu mà rất nhiều khán giả mộ điệu ở khắp nơi dành cho những tình khúc của Vinh Sử.
Đêm nhạc giúp đỡ nhạc sĩ Vinh Sử ngày 20/8/2014
Đêm nhạc Vinh Sử chủ đề Gõ cửa trái tim sẽ diễn ra lúc 20h30 ngày 20/8, tại phòng trà Nam Quang (147 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM).
Đêm nhạc sẽ quy tụ các ca sĩ đã từng thành công với các nhạc phẩm trữ tình của nhạc sĩ Vinh Sử và sẽ có khoảng 20 ca khúc hay nhất của ông được trình diễn trong đêm.
Toàn bộ doanh thu từ tiền bán vé và quyên góp tại chỗ sẽ dùng để giúp nhạc sĩ Vinh Sử điều trị bệnh.
Theo dantri
MV thảm họa Vpop: Khó tìm đất sống Khi nhu cầu của khán giả được nâng cao cộng với tài năng của các đạo diễn trẻ, những video ca nhạc được làm nên từ thành phần kém chất lượng hy vọng sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi. Trong những năm 1990, khán giả yêu nhạc Việt đã được tiếp cận với những video clip đầu tiên được thực hiện trong chuỗi...