Chuyện ít biết về đoàn phim Biệt động Sài Gòn
Đạo diễn Long Vân đã đi xa, nhưng Biệt động Sài Gòn – bộ phim gắn với tên tuổi ông – vẫn luôn được người hâm mộ nhớ đến như một huyền thoại của điện ảnh Việt.
Chia tay người anh lớn
Nghe tin đạo diễn Long Vân qua đời, diễn viên – NSƯT Hà Xuyên bùi ngùi viết trên Facebook cá nhân: “Ba năm được sống và làm việc với anh – một người tâm huyết với nghề – rút hết ruột gan với đam mê cháy bỏng khi làm nghề đủ thấy anh yêu điện ảnh đến chừng nào. Nhờ sự quyết đoán của đạo diễn Long Vân mà Hà Xuyên có một vai diễn để đời là Ngọc Mai – Z20 trong Biệt động Sài Gòn. Vẫn biết rằng cuộc đời này sinh – lão – bệnh – tử nhưng sao lòng cứ nặng trĩu khi phải chia ly người thầy, người anh và người bạn”.
Đạo diễn Long Vân. Tư liệu
Rồi Hà Xuyên nhớ lại người còn, người mất của đoàn phim Biệt động Sài Gòn. NSƯT Bùi Cường (vai Năm Hòa) ra đi vào tháng 8.2018. Diễn viên – NSƯT Quang Thái (vai Tư Chung) qua đời tháng 6.2019. Tháng 2.2022, nghệ sĩ Thanh Tú (vai chuẩn tướng VNCH Nguyễn Ngọc Liên) qua đời ở tuổi 83 sau 13 năm chống chọi với bệnh tật. Trước đó, diễn viên Hồng Phúc, người thủ vai cảnh sát trưởng Đặng Văn Song, cũng từ giã cõi đời…
Hiện tại, Thương Tín (Sáu Tâm), Aly Dũng có cuộc sống khó khăn, nhiều bệnh tật tuổi xế chiều, trong khi Hai Nhất (Ba Cẩn) đang phục hồi sức khỏe sau cơn đột quỵ.
Diễn viên Thanh Loan (vai ni cô Huyền Trang) vô cùng đau buồn và tiếc thương khi biết tin đạo diễn Long Vân qua đời. Chị cho rằng đạo diễn Long Vân ra đi là mất mát lớn với điện ảnh cách mạng VN.
Kỷ niệm nhớ mãi của đoàn phim
Hà Xuyên kể lại kỷ niệm đáng nhớ khi đóng bộ phim kinh điển này. “Anh Vân cứ nói tôi là đứa bướng bỉnh, không chịu mặc bộ đồ ngủ mỏng tanh khi quay cảnh đêm tân hôn. Và rồi anh cũng chịu đổi đoạn này dù không vui vì gặp phải cô diễn viên “gàn” như tôi”, Hà Xuyên nói.
Hà Xuyên vai Ngọc Mai trong Biệt động Sài Gòn. Tư liệu
Hơn 40 năm trước, đoàn phim thực hiện những cảnh quay Biệt động Sài Gòn khi đời sống nhân dân cả nước còn cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Chỉ có Hà Xuyên và Thương Tín là sống ở TP.HCM, còn lại các diễn viên khác đều từ Hà Nội vào miền Nam đóng phim. “Nhiều diễn viên phải mang cả con cái theo đoàn phim vì ở ngoài Bắc không ai chăm và cũng không có tiền mướn người trông. Chị Thanh Loan mang con gái nhỏ. Con gái Vân Dung của đạo diễn Long Vân cũng vào ăn ngủ cùng đoàn phim và đóng vai cô bé bán báo dạo trong phim. Ngay cả anh Long Vân cũng vào vai một doanh nhân tham gia làm chứng nhân cho cuộc trao đổi tù binh của hai phía. Vậy mà anh em rất yêu thương nhau, không bao giờ có chuyện sao này sao nọ bắt người khác phải phục tùng hay chờ đợi. Biệt động Sài Gòn được chọn là một trong những phim hay nhất về đề tài chiến tranh VN khiến ai cũng vui mừng không thể tả được, chúng tôi góp chút công sức nhỏ vào việc tôn vinh những anh hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến vĩ đại này”, diễn viên Hà Xuyên kể.
Diễn viên Hai Nhất từng cho biết Ba Cẩn gài một túi máu giả trong ngực để kích nổ khi bị Ngọc Lan (Thúy An) bắn. Vì áo sẽ rách nên buộc ông và Thúy An chỉ được diễn 1 lần. Đạo cụ là súng thật, đạn mã tử nhưng vẫn có thuốc súng có thể gây sát thương. Thúy An được đạo diễn yêu cầu bắn lệch sang 1 bên nhưng khi cảnh quay bắt đầu, chị bắn thẳng, trúng bàn tay Hai Nhất. “Vừa nghe đạo diễn hô “cắt!”, tôi ôm bàn tay kêu cứu và được đưa thẳng vào bệnh viện cấp cứu”, ông kể.
Thương Tín (Sáu Tâm) và Thúy An (Ngọc Lan) trong Biệt động Sài Gòn. Tư liệu
Video đang HOT
Thuở sinh thời, diễn viên Thanh Tú cứ nhắc lần ông tham gia phim Biệt động Sài Gòn phải tự mình đi may bộ comple trắng, đặt buổi sáng là chiều lấy để kịp tiến độ quay, chấp nhận trả công cao cho thợ may.
13 năm trước, ở tuổi 74, đạo diễn Long Vân vẫn sản xuất bộ phim truyền hình Những đứa con của Biệt động Sài Gòn. Lúc đó ông cho biết đang sống bằng lương hưu được 2,5 triệu đồng/tháng. “Cả đời cống hiến cho nghệ thuật, đi khắp mọi miền đất nước, vui nhiều mà buồn cũng không ít, giờ chợt nhìn lại tôi chẳng để gì cho vợ con. Khi con gái Vân Dung vừa tốt nghiệp Trường Sân khấu – Điện ảnh, vợ chồng tôi dắt cháu vào gặp Ban giám đốc Tổng công ty Hàng không VN xin cứu giúp. Rất may thấy tình cảnh gia đình, họ đồng ý nhận cháu vào học lớp tiếp viên hàng không, sau đó đi bay được 3 năm. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình đỡ hơn trước”, vị đạo diễn già bùi ngùi tâm sự với người viết.
Đạo diễn Long Vân qua đời ở tuổi 87 vào ngày 24.12 sau 11 năm bị bệnh tật đeo đẳng. Trước khi mất, ông sống với vợ – nghệ sĩ Kim Cương – tại phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Bộ phim đầu tay của đạo diễn Long Vân là Tiếng gọi phía trước (1979), sau đó là Nơi gặp gỡ của tình yêu và Cho cả ngày mai. Tuy nhiên đến khi Biệt động Sài Gòn khởi chiếu, ông mới được khán giả biết đến nhiều. Bộ phim tạo nên cơn sốt vé vào thời đó, gây tiếng vang trong lòng khán giả cả nước. Đạo diễn Long Vân còn làm thêm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con của Biệt động Sài Gòn…
Phim "Biệt động Sài Gòn" - tác phẩm kinh điển lập kỷ lục người xem
"Biệt động Sài Gòn" là bộ phim gắn liền với tên tuổi đạo diễn Long Vân. Tác phẩm kinh điển này được xem là một trong những thành công chói sáng của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Đạo diễn Long Vân qua đời sáng 24/12 tại Hà Nội. Sự nghiệp của ông ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển, trong đó nổi bật nhất là Biệt động Sài Gòn.
Đạo diễn Long Vân hưởng thọ 87 tuổi (Ảnh: Tư liệu).
Đây là bộ phim đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện những sự kiện nổi bật của biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Ban đầu, đạo diễn Long Vân để tên tác phẩm là Thiên thần ra trận, nhưng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - khi ấy là Bí thư Thành ủy TPHCM - biết được, đã góp ý đổi tên thành Biệt động Sài Gòn.
Theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thiên thần chưa chắc đã lập được chiến công hiển hách như những chiến sĩ biệt động, đồng thời đặt tên là Biệt động Sài Gòn có thể lột tả chân thực được thực tế đã diễn ra. Thấy ý kiến quá chí lý, ngay sau khi làm xong tập 1, đạo diễn Long Vân đã đổi tên tác phẩm của mình.
Bộ phim gồm 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em do Lê Phương và Nguyễn Thanh viết kịch bản, được bấm máy từ năm 1982 và kéo dài khoảng 4 năm.
"Biệt động Sài Gòn" do Lê Phương, Nguyễn Thanh viết kịch bản và được Long Vân làm đạo diễn là tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam (Ảnh: Tư liệu).
Biệt động Sài Gòn mô tả những cảnh chiến đấu với súng, mìn nổ, khói lửa và thương vong, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.
Đó là Tư Chung - Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn - cùng người đồng đội Ngọc Mai phải đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có, ngày ngày chạm trán cùng kẻ thù. Họ không những phải bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, liên lạc với đồng đội, mà còn phải đối mặt với những tình huống vô cùng nan giải.
Trong khi đó, một nữ chiến sĩ biệt động khác - Huyền Trang - phải cải trang thành ni cô để che mắt quân địch.
Bên cạnh đó, còn có những người đồng đội gan dạ, mưu trí khác như Năm Hòa, Sáu Tâm, bà má hậu phương, em bé bán báo làm giao liên... Mỗi người một vị trí, vai trò khác nhau, cùng tạo nên sức mạnh quân dân.
Dù chỉ vỏn vẹn 4 tập nhưng tác phẩm có nhiều cảnh quay để lại ấn tượng sâu đậm. Đó là cảnh tra tấn ni cô Huyền Trang (NSƯT Thanh Loan), được đoàn phim sáng tạo nên từ lời kể của những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo.
Cảnh Sáu Tâm (Thương Tín) nhảy cầu, địch bắn súng theo, được đạo diễn Long Vân khẳng định là cảnh quay rất nguy hiểm bởi dưới sông giăng thuốc nổ, mỗi lần nhảy xuống là có người giật dây cho thuốc nổ bắn tung nước lên thể hiện đạn của địch.
Đạo diễn Long Vân cũng từng phải "mời gãy lưỡi" để con gái duy nhất của ông là diễn viên nhí Vân Dung mới chịu vào vai em bé bán báo. Cảnh phim cô bé bị địch tra tấn bằng cách thả vào thùng rắn độc khiến nhiều người không khỏi ám ảnh.
Chia sẻ về cảnh phim ấn tượng này, đạo diễn Long Vân từng kể, khi thực hiện cảnh Vân Dung bị địch tra tấn bằng cách thả vào thùng rắn độc, cô bé chỉ yêu cầu ông làm thế nào để rắn đừng thè lưỡi, trong khi ông lại cần quay rắn thè lưỡi mới gây sợ hãi.
Theo lời kể của đạo diễn Long Vân lúc sinh thời, ông đã thuê khoảng 20 con rắn của một nhà hàng chuyên bán rắn, thuê luôn cả nhân viên cửa hàng đóng vai người tra tấn để điều khiển rắn cho an toàn.
Ông giấu nhẹm chuyện những con rắn này đã bị nhổ hết răng và cắt bỏ nọc, đuôi bị cột chặt lại để Vân Dung kinh hoàng, khóc thét nhằm có được những thước phim chân thực nhất.
Diễn viên nhí Vân Dung thủ vai em bé bán báo trong cảnh phim cô bị địch tra tấn khiến người xem xót xa, ám ảnh (Ảnh: Chụp màn hình cắt từ phim).
Là bộ phim lấy bối cảnh chiến tranh, Biệt động Sài Gòn vẫn không thiếu đi sự thi vị được truyền tải nhẹ nhàng, khéo léo qua tình quân - dân, tình đồng đội và cả tình yêu lãng mạn của các chiến sĩ biệt động.
Xen giữa những cuộc đối đầu nảy lửa là những câu chuyện tình yêu giàu cảm xúc nhưng cũng nhiều nước mắt của các cặp đôi: Tư Chung - Huyền Trang, Ngọc Mai - Tư Chung, Sáu Tâm - Ngọc Lan...
Chính những điểm này đã giúp cho bộ phim dễ đi vào lòng người hơn so với các phim đơn thuần về đề tài chiến tranh ở thời điểm đó.
Thành công lớn nhất của phim Biệt động Sài Gòn không chỉ dừng lại ở những chiến công lẫy lừng của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn bắt được "nhịp cầu lòng dân" từ thời chiến sang thời bình.
Những chiến sĩ biệt động không chỉ chiến đấu vì nhiệm vụ chung của tổ quốc mà còn sẵn sàng hy sinh tình cảm cá nhân vì vận mệnh của đất nước, của dân tộc.
Là đạo diễn nổi tiếng tài hoa, có nhiều tác phẩm điện ảnh rất thành công nhưng đạo diễn Long Vân lúc sinh thời vẫn nhấn mạnh rằng, Biệt động Sài Gòn luôn là một trong những "đứa con tinh thần" đặc biệt nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, kịch bản của phim Biệt động Sài Gòn được viết không liên tục. Sau khi trình chiếu 2 tập đầu thấy phim quá ăn khách, Cục Điện ảnh mới phát lệnh làm tiếp tập 3, rồi tập 4. Tuy nhiên, toàn bộ kịch bản vẫn rất chặt chẽ, liền mạch.
Có được điều này là nhờ biên kịch Lê Phương và đạo diễn Long Vân đã cùng nhau rà soát rất kỹ từng tình huống, từng cảnh quay trước đó để đi đến giải pháp tối ưu.
"Tôi còn nhớ, hai ông kể chuyện làm sao để diễn viên Thương Tín rời khỏi phim từ cuối tập 2 vì khi ấy nhân vật của Thương Tín đang gây ấn tượng mạnh. Để nhân vật này biến mất khỏi câu chuyện thì cần một tình huống thuyết phục, vậy là hai ông đã thống nhất để nhân vật của Thương Tín bị lộ, rồi hy sinh ở cầu Bình Lợi.
Để có tình huống này, hai ông đã lật đi lật lại các tình tiết, cài cắm lại các phân đoạn đã quay, và dẫn câu chuyện đến việc hy sinh ấy hợp lý đến mức nhiều khán giả xem đã khóc vì thương tiếc nhân vật", bà Trịnh Thanh Nhã kể.
Nữ biên kịch cũng cho rằng, trường hợp sáng tác kịch bản như vậy khá hy hữu vì có thể dẫn đến sự chắp vá, khiên cưỡng. Nhưng tài năng của các nhà làm phim đã khiến khán giả không nhận thấy bất cứ sự chắp vá, nối tiếp một cách ép uổng nào.
Cảnh trong phim "Biệt động Sài Gòn" (Ảnh: Tư liệu).
Nói về việc bộ phim Biệt động Sài Gòn đã trở thành hiện tượng phòng vé, lập kỷ lục người xem lúc bấy giờ, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ, bà từng chứng kiến khán giả xếp hàng dài mua vé đi xem phim ở các rạp chiếu khắp từ Nam ra Bắc.
Thậm chí, có nơi, khán giả chen lấn mua vé đến đổ tường như ở rạp Cổ Nhuế (Hà Nội), tạo nên một cảnh tượng chưa từng thấy trong lịch sử của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Theo bà, về chất lượng của phim thì ở thời điểm ấy cũng như mãi sau này, sự chỉn chu trong dàn dựng, diễn xuất... khó phim nào đạt được.
"Những đại cảnh chiến đấu ở Đại sứ quán Mỹ, hay chiến lũy trước hãng sơn Đông Á rất thật. Cuộc càn quét của Mỹ vào Củ Chi cũng vậy. Chân dung nhân vật được chuẩn bị kỹ lưỡng, các diễn viên được lựa chọn chính xác, ai cũng có số phận, tính cách riêng không thể trộn lẫn.
Sự lựa chọn chính xác những diễn viên cho vai Tư Chung, Ngọc Mai, hay ni cô Huyền Trang đều đã giúp cho dàn diễn viên trong phim để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Sau này, chỉ cần thấy họ là công chúng gọi tên nhân vật trong phim một cách hân hoan", bà Trịnh Thanh Nhã nói.
Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội, sau đó ông cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên. Năm 14 tuổi, đạo diễn Long Vân được gửi sang Nam Ninh, Trung Quốc học tập. Năm 1955, ông tốt nghiệp sư phạm và gắn bó với nghề dạy học cho đến sau này chuyển hướng sang điện ảnh.
Ông thuộc thế hệ đạo diễn trưởng thành trước năm 1975. Sau khi tốt nghiệp, ông mất 15 năm đi làm phó đạo diễn cho lớp đạo diễn đàn anh như Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Bạch Diệp, Nông Ích Đạt...
Bộ phim đầu tay do ông đạo diễn là Tiếng gọi phía trước năm 1979 do nhà văn Phù Thăng làm biên kịch, từng đoạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế tại Moskva, sau đó là các phim Nơi gặp gỡ của tình yêu và Cho cả ngày mai.
Tuy nhiên, phải đến Biệt động Sài Gòn - bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam được công chiếu năm 1985 thì cái tên Long Vân mới được mọi người biết đến.
'Biệt động Sài Gòn' và những bộ phim làm nên tên tuổi đạo diễn Long Vân Tên tuổi đạo diễn Long Vân gắn liền với "Biệt động Sài Gòn" - bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được công chiếu năm 1985. Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, đạo diễn Long Vân đã qua đời ở tuổi 87. Sự ra đi của ông khiến cho nhiều thế hệ khán giả...