Chuyện ít biết sau loạt váy áo đẹp như mộng của ‘Những kẻ khát tình’
Bộ phim chiến thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes sở hữu loạt trang phục ‘chỉ nhìn là mê’.
Những kẻ khát tình (Tên gốc: The Beguiled) là “ngôi sao” của LHP Cannes 2017 với dàn diễn viên đình đám Hollywood. Nữ đạo diễn Sofia Coppola đã được vinh danh ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Ngoài nội dung bí ẩn gợi tò mò, Những kẻ khát tình còn gây chú ý bởi loạt váy áo tuyệt đẹp, được thiết kế bởi NTK danh tiếng Stacey Battat.
Nhà thiết kế Stacey Battat đã làm việc cùng “ông hoàng thời trang” Marc Jacobs trước khi chuyển sang vai trò thiết kế phục trang cho phim điện ảnh. Đây là lần thứ 4 cô cộng tác với nữ đạo diễn Sofia Coppola. Trước đó, bộ đôi đã phối hợp ăn ý trong các phim như: Somewhere (2010), The Bling Ring (2013), A Very Murray Christmas (2015).
Chuyện ít biết sau loạt váy áo đẹp như mộng của ‘Những kẻ khát tình’
Trang phục Những kẻ khát tình phải đảm bảo nhiều yếu tố như phù hợp với bối cảnh phim, toát lên cá tính từng nhân vật cũng như góc nhìn đầy nữ tính của đạo diễn. Chính vì vậy ekip tạo hình đã có quá trình làm việc rất tỉ mỉ.
Quá trình “cũ” hóa những chiếc váy để phù hợp bối cảnh Nội Chiến
Nhà thiết kế Stacey Battat thừa nhận cô gặp không ít khó khăn với trang phục của bộ phim. Cùng với nữ đạo diễn Sofia Coppola, cả hai đã phải đọc sách về ngành nghề dệt may để biết người dân mặc gì ở thời điểm này.
Trước khi đất nước diễn ra chiến tranh, mọi người có xu hướng chuộng những màu sáng, nhạt. Trong giai đoạn Nội Chiến, với tình hình nước sinh hoạt khan hiếm, rất khó để giặt giũ, các cô gái cũng không có điều kiện may quần áo mới thường xuyên nên họ chỉ khoác lên người những bộ váy có màu pastel sờn bạc.
Để “hô biến” những bộ váy mới được may trở nên nhuốm màu thời gian, đoàn làm phim đã phải thực hiện quá trình stonewash (giặt với bột đá mịn). Toàn bộ vải được xử lý qua hóa chất, sau đó đem giặt thật sạch rồi là ủi cẩn thận. Tất cả các công đoạn thực hiện trong 3 tuần trước khi bước đến khâu may mặc.
Váy áo cầu kỳ – mỗi lần mặc là một lần “đánh vật”
Không chỉ mô phỏng hoàn hảo về chất liệu và màu sắc, kiểu dáng cũng là một chi tiết cực kì quan trọng cần bám sát thực tế. Yêu cầu chính xác về mặt lịch sử sẽ không thể thực hiện nếu thiếu bất kì một yếu tố nào. Nếu mặc một chiếc váy được may theo kiểu dáng của năm 1860 mà lại dùng thắt lưng thay vì corset thì hoàn toàn bất hợp lý.
Nhà thiết kế chia sẻ: “Sáng nào chúng tôi cũng đã phải giúp đỡ các diễn viên thay trang phục vì họ phải mặc rất nhiều lớp. Đầu tiên là quần bloomer (loại quần ống thụng rộng và được bó lại phía dưới đầu gối, thường được mặc bên trong váy) rồi tới váy lót và camisole (áo 2 dây với chất liệu mềm mại), sau đó là áo lót corset. Dĩ nhiên họ không thể tự mình mặc corset được. Chúng tôi phải giúp họ cột thật chặt và một khi đã mặc corset, họ sẽ không thể cúi người xuống để đi giày. Vì vậy, việc đi giày sẽ được thực hiện trước đó.”
Video đang HOT
Không phải lúc nào các ngôi sao cũng được tổ phục trang hỗ trợ thay đồ. Đôi lúc các diễn viên phải tự mặc trang phục các cảnh quay.
Diễn viên đã đổ nhiều mồ hôi khi phải diện các bộ y phục cồng kềnh. Tuy nhiên do không thể liên tục thay quần áo, tổ phục trang chỉ tháo cổ áo và gấu váy để rũ sạch đất cát bám trên đó và thay những món đồ mới vào ngày hôm sau. Đó cũng chính xác là những gì mà các thiếu nữ những năm 1860 đã làm. Họ không thể giặt váy áo thường xuyên vì nguồn nước khan hiếm và việc là (ủi) quần áo rất khó khăn.
Trang phục là công cụ bộc lộ cá tính nhân vật
Trong thời kỳ Nội chiến, phần lớn phụ nữ lựa chọn màu đen làm chủ đạo để tưởng niệm cho người chồng, con trai, anh em không may phải bỏ mạng ở chiến trường. Nhưng Stacey Battat lại cho các cô gái của mình mặc váy áo màu ngà hay màu pastel dịu nhẹ để tạo sự khác biệt. Điều này cũng ngầm khẳng định những người phụ nữ như thiên thần kia không giống như đám đông: họ đẹp đẽ nhưng cũng sâu xa khó lường.
Người quyền uy nhất là cô hiệu trưởng Martha (Nicole Kidman thủ vai). Cô giáo mặc đồ ít màu sắc nhất, phần cổ áo được thiết kế thẳng cao kiêu hãnh. Một số bộ trang phục hơi hướng vest nam thể hiện cá tính mạnh mẽ, là chỗ dựa của cả ngôi trường.
Edwina (Kirsten Dunst) đến từ thành phố nên những bộ váy của nàng gần gũi hơn với gu thời trang hiện đại. Với người phụ nữ này, những màu sắc đơn giản, họa tiết hoa nhĩ nhã nhặn được sử dụng nhằm bộc lộ tính cách dịu dàng và có phần buồn bã.
Với Alicia (Elle Fanning) trẻ trung, màu sắc chuẩn xác nhất với nàng là tông hồng và xanh nhạt. Cô gái này ngây thơ nhưng cũng có một phần “lẳng lơ”, là người có sức hấp dẫn nhất trong số những nữ sinh trong trường.
Không chỉ váy áo, trang sức dùng trong phim cũng có vai trò quan trọng. “Những thay đổi về màu sắc trang phục không rõ ràng như ánh sáng hay thiết kế bối cảnh bởi các nhân vật không có nhiều quần áo. Chúng tôi đã thể hiện sự thay đổi này bằng nữ trang như nơ cài tóc, hoa tai.”
Những kẻ khát tình kể về một sĩ quan quân Liên Bang miền Bắc bị thương trong cuộc Nội chiến. Anh ta được cứu mạng và dưỡng thương trong trường nữ sinh nội trú miền Nam. Khi bình phục anh lính ve vãn từng cô gái, tạo ra bầu không khí ghen tuông khắp ngôi trường.
Bộ phim được dẫn dắt bởi Sofia Coppola trong hai vai trò đạo diễn và biên kịch. Phim có sự tham gia của dàn sao hạng A Hollywood hiện nay như Nicole Kidman, Kirsten Dunst, Elle Fanning, Colin Farrell, Angourie Rice.
Những kẻ khát tình có lịch công chiếu 14/7.
Theo VNE
Cannes gây tranh cãi khi trao Cành cọ vàng cho phim hài Thụy Điển
Trái với dự đoán của số đông giới truyền thông, "The Square" là tác phẩm điện ảnh được trao giải cao nhất tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 70.
Liên hoan phim Cannes lần thứ 70 khép lại trong nhiều sự bất ngờ bởi danh sách kết quả đến từ hội đồng ban giám khảo do đạo diễn Pedro Almodóvar đứng đầu, trong đó có một giải thưởng đặc biệt cho Nicole Kidman - người góp mặt tại sự kiện với bốn tác phẩm khác nhau, trong đó có hai phim tranh Cành cọ vàng.
Giải thưởng cao nhất, Cành cọ vàng, của Cannes 2017 được trao cho bộ phim hài châm biếm The Square do đạo diễn Ruben stlund người Thụy Điển thực hiện.
Đây là điều không nằm trong dự đoán của báo chí quốc tế, bởi phản ứng của khán giả sau khi theo dõi bộ phim trong khuôn khổ festival là rất trái ngược.
Bộ phim The Square của điện ảnh Thụy Điển thắng giải Cành cọ vàng tại Cannes năm nay. Ảnh: Outnow.
The Square lấy bối cảnh khi chế độ quân chủ lập hiến tại Thụy Điển không còn nữa, và Cung điện Stockholm bị biến thành bảo tàng nghệ thuật. Nhân vật chính Christian (Claes Bang) là một giám tuyển nghệ thuật, chịu trách nhiệm cho buổi triển lãm mới. Ông gây ra vô số rắc rối khi thuê một công ty truyền thông về để quảng bá sự kiện.
Ruben stlund từng thắng giải Un Certain Regard (Góc nhìn khác) tại Cannes 2014 với bộ phim Force Majeure. Và đây là vinh dự tiếp theo trong sự nghiệp dành cho nhà làm phim người Bắc Âu tại vùng bờ biển nước Pháp.
Ứng cử viên nặng ký và được nhắc tới nhiều nhất trước buổi tối 28/5 là BPM - bộ phim kể lại quá trình đấu tranh của các bệnh nhân bị mắc bệnh AIDS tại Pháp hồi đầu thập niên 1990. Tác phẩm gây xúc động của đạo diễn Robin Campillo rốt cuộc về đích với giải Grand Prix - tương đương với "Cành cọ bạc".
Giải thưởng ban giám khảo được trao cho bộ phim Loveless của Nga. Ảnh: Outnow.
Một cái tên từng là ứng cử viên sáng giá khác, Loveless của đạo diễn Andry Zvyagintsev, ẵm giải Jury Prize của ban giám khảo, tương đương vị trí thứ ba. Đây là câu chuyện về cậu con trai bỗng dưng mất tích sau khi nghe tin cha mẹ mình định ly hôn, và là bức tranh phản chiếu xã hội Nga hiện đại với nhiều nỗi ám ảnh.
Tác phẩm gợi cảm The Beguiled giúp Sofia Coppola giành giải Đạo diễn xuất sắc. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh thời kỳ Nội chiến Hoa Kỳ của Thomas Cullinan, khi sự xuất hiện của một người lính (Colin Farrell) khiến ngôi trường nữ sinh ở Virginia trải qua nhiều sóng gió.
Diane Kruger trên sân khấu nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của Cannes năm nay. Ảnh: RTL.
Hai giải thưởng diễn xuất của Cannes lần thứ 70 cũng đều là những bất ngờ. Diane Kruger nhận giải "ảnh hậu" nhờ bộ phim In the Fade của Fatih Akin. Điều đáng ngạc nhiên là tuy cô là người Đức, nhưng đây mới là tác phẩm điện ảnh đầu tiên nữ diễn viên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Trong In the Fade, Diane Kruger sắm vai một nạn nhân của khủng bố, và người đẹp không quên vinh danh những người đã nỗ lực vượt qua nỗi đau ở ngoài đời thực để tiếp tục sống và không bị lãng quên như nhân vật của mình.
Trong đôi giày Converse, tài tử Joaquin Phoenix không giấu nổi sự ngạc nhiên khi được xướng tên thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc cho bộ phim You Were Never Really Here, vượt qua "cục cưng" của giới phê bình năm nay tại Cannes là Robert Pattinson.
Joaquin Phoenix gây bất ngờ lớn khi vượt qua Robert Pattinson tại hạng mục dành cho các nam diễn viên tại Cannes năm nay. Ảnh: RTL.
Với tác phẩm của nữ đạo diễn Lynne Ramsey, tài tử của Her (2013) đảm nhận vai một người lính cựu chiến binh cố gắng cứu một bé gái người Nga khỏi đường dây buôn người trái phép, nhưng nỗ lực của anh lại dẫn đến những sự kiện không ai ngờ tới.
Ngoài giải thưởng đặc biệt cho Nicole Kidman, đội ngũ ban giám khảo do Pedro Almodóvar cầm trịch còn phá lệ của Cannes khi cùng trao giải Kịch bản xuất sắc cho The Killing of a Sacred Deer và You Were Never Really Here. Bởi theo thông lệ, không có tác phẩm nào được phép thắng hai giải tại sự kiện điện ảnh nước Pháp như tác phẩm của Lynne Ramsey.
Danh sách giải thưởng chính của Cannes 2017
Cành cọ vàng: The Square (Ruben stlund)
Giải thưởng đặc biệt nhân dịp LHP lần thứ 70: Nicole Kidman
Grand Prix: BPM (Beats Per Minute) (Robin Campillo)
Đạo diễn xuất sắc:Sofia Coppola với The Beguiled
Nam diễn viên chính xuất sắc:Joaquin Phoenix với You Were Never Really Here
Nữ diễn viên chính xuất sắc:Diane Kruger với In the Fade
Giải thưởng ban giám khảo: Loveless (Andrey Zvyagintsev)
Kịch bản xuất sắc: The Killing of a Sacred Deer (Yorgos Lanthimos, Efthimis Filippou) và You Were Never Really Here (Lynne Ramsay)
Theo Zing
'Đại chiến' tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2017 Cuộc đua tới giải thưởng điện ảnh cao quý năm nay quy tụ nhiều gương mặt đạo diễn đáng gờm như Fatih Akin, Bong Joon-ho, Sofia Coppola, Michael Haneke, Todd Haynes, Lynne Ramsey... In the Fade (Đức): Bộ phim mới nhất của đạo diễn Fatih Ahkin là câu chuyện về cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Đức. Một người...