Chuyện hy hữu ở Đồng Tháp: Bắt được trộm bị kết án tù
Tưởng rằng bắt được tên trộm đột nhập vào nhà mình là một thành tích đáng khen, nhưng kể từ đó, ông Phạm Thanh Tùng (SN 1964, ngụ ấp Bình Định, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) lại mất ăn mất ngủ vì phải chạy đôn chạy đáo kêu oan. Bởi cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của toà Đồng Tháp đều kết án ông bốn tháng tù giam.
Ông Tùng bức xúc vì bắt được trộm lại bị kết án bốn tháng tù giam, còn kẻ trộm thì không bị xử lý gì
Nhà bị mất trộm nhiều lần nên ông Tùng nhờ người quen tìm mua hệ thống chống trộm về lắp đặt để mong bắt được tên trộm giao cho công an xử lý… Khoảng 1 giờ 30 ngày 23-9-2009, Trần Văn Bảo (SN 1995, ngụ cùng ấp) lẻn vào nhà ông Tùng lục đồ đạc để trộm thì chạm vào hệ thống báo động. Ông Tùng thức dậy bắt được Bảo đang trốn dưới gầm bàn, tri hô và dẫn ra cổng. Do quá tức giận, trên đường đi ông Tùng có đánh Bảo ba cái vào lưng.
Chị ông Tùng là bà Phạm Thị Đồng Ẩn cùng chồng là Phạm Thanh Hùng và người hàng xóm là Võ Văn Thất nghe tri hô trộm đã chạy sang tiếp ứng. Hùng cầm một cây cơ bida bị gãy dài 60cm đánh vào cánh cổng, cây cơ văng ra trúng vào mi mắt trái của Bảo làm rách da. Sau đó, bà Ẩn, ông Hùng và Thất xúm vào dùng sợi dây dù dài gần 3,5m trói hai tay của Bảo vào cột. Vì nghi trước đây Bảo đã lấy trộm tiền của mình nên bà Ẩn dùng kéo cắt quần áo của Bảo, lấy cây cơ gãy đánh vào chân Bảo nhiều cái, lấy ca múc nước tạt vào người Bảo. Khoảng 3 giờ sáng cùng ngày, Bảo tự cởi trói để trốn nhưng bị bà Ẩn phát hiện, tri hô bắt lại. Ông Tùng kêu Võ Văn Thất chạy về nhà lấy sợi dây xích và ống khóa để xiềng chân Bảo vào cây cột, chờ công an đến giải quyết.
Khoảng 5 giờ sáng, ông Tùng mời ông Cao Văn Hải là trưởng ấp (nay là Bí thư ấp) Bình Định đến chứng kiến và nhờ điện thoại báo giùm cho công an xã. Tuy nhiên, lúc này không ai nghe máy. Cùng lúc đó, mẹ của Bảo là bà Đặng Thị Hận đến lãnh Bảo về, nhưng ông Tùng và cả nhóm không đồng ý, yêu cầu chờ công an xã Bình Thành xuống giải quyết… Đến 7 giờ sáng cùng ngày, Công an xã Bình Thành nhận được tin báo mới đến hiện trường giải quyết vụ việc. Sau đó ông Tùng đã thỏa thuận bồi thường 1 triệu đồng tiền thuốc và các chi phí khác cho Bảo và gia đình… Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, cả ông Tùng và người nhà đều chưng hửng vì bị kết tội “ giữ người trái phép”.
Sau hơn một năm, TAND huyện Thanh Bình mới đưa vụ việc ra xét xử. Tại bản án hình sự sơ thẩm vào ngày 29-9-2010 của TAND huyện Thanh Bình, HĐXX xác định ông Tùng phạm tội giữ người trái pháp luật và bị xử phạt bốn tháng tù giam, Phạm Thanh Hùng bị xử phạt ba tháng tù giam, bà Ẩn và Thất bị xử phạt mỗi người ba tháng tù treo. Ngày 3-10-2010, ông Tùng có đơn kháng cáo xin được khoan hồng, hưởng án treo vì gia cảnh quá đơn chiếc (gia đình chỉ có một mình, mẹ vừa mất cách đây vài năm) và ngày 12-10-2010, bà Đặng Thị Hận – mẹ của kẻ trộm, có đơn kháng cáo xin cho ông Tùng được hưởng án treo. Ngày 13-12-2010, TAND tỉnh Đồng Tháp mở phiên tòa hình sự phúc thẩm, nhận định ông Tùng chủ mưu giam giữ người trái pháp luật và có tình tiết tăng nặng do bị hại Trần Văn Bảo chưa đến tuổi thành niên, nên quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với ông Tùng (các bị cáo khác không kháng cáo). Trong khi đó, kẻ trộm là Bảo không bị cơ quan chức năng trừng trị…
Sau khi kết thúc phiên tòa, ông Tùng kêu oan, vì trước nay ông không có tiền án tiền sự, mất tài sản nhiều lần nên mới tìm cách bắt được kẻ trộm. Đồng thời, do chưa am hiểu pháp luật và động cơ giữ kẻ trộm là để chờ công an tới giải quyết, nên ông đã phạm luật giữ người trái pháp luật. Ông Tùng mong các cơ quan chức năng xem xét cho ông hưởng án treo để còn có thời gian ở nhà thờ cúng ông bà, thắp hương cho người mẹ vừa mất. Khổ sở hơn, nếu ông Tùng đi tù thì nhà cửa phải thuê mướn người khác canh giữ, trong lúc ông đang ở tù thì lấy đâu ra tiền?
Theo Công An TP