Chuyện hiếm: Chỉ một thôn thu 16 tỷ đồng từ nuôi gà sinh sản
Mỗi ngày thôn Đồng Tỉnh sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 10 nghìn con gà bóc trứng chất lượng cao, doanh thu 170 triệu đồng, lợi nhuận 80 triệu.
Gà ri giống bố mẹ
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, được coi là địa phương đã chuyển đổi rất thành công cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, trong đó ngành trồng trọt đã chuyển đổi được hơn 100ha ruộng lúa năng suất bấp bênh, sang trồng ổi lê và cây ăn quả có múi, lợi nhuận tăng 5 – 7 lần so với cây trồng cũ (lúa).
Hiện đã chuyển đổi toàn bộ đàn gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn (trang trại hoặc gia trại). Riêng thôn Đồng Tỉnh đã chuyển sang chăn nuôi gà sinh sản từ năm 2008, hiệu quả sản xuất đạt được rất cao. Trong 8 tháng đầu năm 2018, các hộ đã có lợi nhuận gần 16 tỷ đồng.
Ông Vũ Đình Sắc, Trưởng thôn Đồng Tỉnh cho biết: Toàn thôn có 70 gia đình chuyên nuôi gà sinh sản. Bình quân mỗi hộ nuôi 500 – 700 gà đẻ các loại. Một số gia đình nuôi tới 2.000 gà mái đẻ. Chủ yếu chăn nuôi ở quy mô gia trại. Áp dụng quy trình nuôi gà an toàn sinh học. Giống nuôi cơ bản là gà lai Đông Tảo. Hiện tại mỗi ngày các trại gà trong thôn, có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 10 nghìn gà bóc trứng chất lượng cao, doanh thu 170 triệu đồng, lợi nhuận ước thu 80 triệu đồng/ngày.
Nét mới trong chăn nuôi gà sinh sản ở thôn Đồng Tỉnh là nhà nông đã thực hiện liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, trong đó một số nông hộ có sở trường kinh doanh, đã chuyển thành thương lái chuyên mua gom, tiêu thụ gà ấp nở trong thôn (thông qua các chủ lò ấp trứng).
Một số chủ gia trại có năng lực tổ chức kinh doanh đã đầu tư lò máy để vừa làm dịch vụ ấp nở trứng gia cầm, vừa là đầu mối bao tiêu gà bóc trứng cho nhà nông (thông qua thương lái). Nhờ vậy, các hộ không phải lo đầu ra sản phẩm, chỉ tập trung khai thác trứng đúng kỹ thuật, đưa tới các chủ lò ấp theo đơn giá hợp đồng.
Một lò ấp trứng
Video đang HOT
Chị Quản Thị Tâm, thôn Đồng Tỉnh có 10 chủ lò ấp trứng gia cầm. Mỗi chủ lò đầu tư 3 – 4 máy ấp. Công suất 1,4 – 1,8 vạn trứng/1 máy. Do vậy, ngoài đảm bảo ấp nở hết lượng trứng sản xuất ra từ các trại gà trong thôn, các chủ lò còn nhận hợp đồng ấp nở và bao tiêu con giống cho nhiều hộ ở địa phương khác.
Gia đình chị Tâm cũng đầu tư 7 máy ấp trứng, mỗi ngày ấp nở và bao tiêu cho người chăn nuôi sở tại, trên 2.000 gà con bóc trứng, trừ các khoản chi tiền điện, khấu hao máy ấp, thuê mướn công lao động… còn lãi được 700 nghìn đồng/1 ngày.
Bà Ngô Thị Liên, chủ hộ nuôi gà sinh sản cho hay, chăn nuôi gia cầm nói chung, gà sinh sản nói riêng có lợi thế, không phải giãi nắng dầm mưa, ít bị rủi ro thiên tai, úng ngập, chuồng trại đơn giản, diện tích sản xuất nhỏ, không phải tiếp xúc với các hoá chất độc hại như cây trồng, hiệu quả chăn nuôi đạt khá cao…
Tuy nhiên, để nuôi gà sinh sản đạt hiệu quả cao bền vững, cần định kỳ tẩy trùng vệ sinh chuồng trại, vacxin phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ, đúng lịch thú y. Đặc biệt chú ý phòng bệnh khi thời tiết giao mùa, và những ngày mưa gió ẩm ướt. Máng ăn, bình uống nhất thiết phải tẩy rửa vệ sinh hàng ngày. Vì trong quá trình ăn/uống, rớt rãi của gà để lại trên máng/bình sẽ là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn lây nhiễm và phát sinh thành dịch.
Khả năng chịu nóng của gà tốt hơn chịu lạnh. Nhưng trong các ngày nắng nóng gay gắt, vẫn cần bổ sung chất điện giải cho gà uống để tăng sức đề kháng. Ngày mùa đông và các thời điểm sương giá, tối trời cần có rèm che kín để tránh gió lùa vào chuồng trại.
Những ngày nắng ráo có thể 7 – 10 ngày phun tẩy trùng chuồng trại/1 lần, nhưng các ngày trời mưa, ngày có độ ẩm không khí cao (trên 80%) thì 2 – 3 ngày phải khử trùng chuồng trại (diệt trùng dùng bằng vôi bột hoặc chế phẩm vi sinh, tránh dùng bình phun xịt để không làm tăng độ ẩm trại nuôi).
Nhờ có nghề nuôi gà sinh sản phát triển, thôn Đồng Tỉnh đã tạo thêm được rất nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp cho các lao động nông nhàn sở tại như dịch vụ cung ứng thức ăn và thuốc thú y, bao tiêu con giống…
Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, các trại gà đã tạo ra khối lượng phân chuồng rất lớn, giúp địa phương đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng theo hướng hữu cơ bền vững.
Theo Nguyễn Hải Tiến (NNVN)
Kỳ lạ: 2 giếng nước nghìn năm không cạn độc đáo, hiếm có ở Việt Nam
Tại làng Xuân Cầu (Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) hiện còn tồn tại hai chiếc giếng cổ có lịch sử hàng nghìn năm với nhiều câu chuyện kỳ lạ liên quan
Nằm cách Hà Nội không xa, làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) vẫn còn lưu giữ được nét cổ kính của những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ những thế kỷ trước. Trong đó đặc biệt phải kể đến hai chiếc giếng cổ là giếng Cổng Đồng và giếng Đình Ba, có niên đại hàng nghìn năm, mới được người dân nơi đây khôi phục. Đây được xem là hai giếng cổ độc đáo, hiếm có ở Việt Nam.
Giếng cổ Cổng Đồng có niên đại khoảng 1200 nămGiếng cổ Cổng Đồng có niên đại khoảng 1200 năm
Theo những bậc bô lão trong làng Xuân Cầu, cả hai giếng đều được làm bằng đá xanh, nước trong mát quanh năm. Vị trí đặt giếng được người xưa coi như "mắt rồng" nơi tập trung linh khí của cả làng. Trong đó, giếng cổ Cổng Đồng được nhà sử học Lê Văn Lan về thăm và xác định niên đại khoảng 1.200 năm, có từ thời nhà Đường (thời Bắc thuộc). Trong khi đó giếng Đình Ba cũng có lịch sử trên 1.300 năm.
Miệng giếng cổ có 3 tầng đá xanh, không phải đá thường mà những khối đá tròn xếp lên nhau
Cả hai chiếc giếng đã trường tồn và chứng kiến những thăng trầm, biến đổi của dân làng. Hiện nay, tại vị trí đặt chiếc giếng Cổng Đồng, người dân xây dựng tường bao, phía trên xây một ban thờ nhỏ và có một tấm bảng giới thiệu lịch sử của chiếc giếng.
Trong khi đó, giếng Đình Ba nằm trong khuôn viên của một gia đình trong làng và cũng được xây tường bao, bảo vệ cẩn thận. Vào những ngày rằm, lễ Tết đặc biệt là ngày hội của làng, người dân trong thôn lại sắm sửa lễ vật dâng lên "thần giếng" với một sự tôn kính đặc biệt.
Giếng Đình Ba nằm trong khuôn viên của một gia đình trong làng và cũng được xây tường bao, bảo vệ cẩn thận.
Ông Nguyễn Quang Huy (SN 1962, trưởng thôn Tam Kỳ) cho biết, vào những năm 1970 của thế kỷ trước, hai chiếc giếng cổ là nguồn cung cấp nước chính cho toàn bộ dân làng. Không ai biết, giếng sâu đến đâu nhưng nước trong vắt, ngọt mát quanh năm. Vào mùa mưa, dù mưa to đến đâu mực nước vẫn không dâng cao quá, hoặc khi gặp trời hạn dù kéo dài đến đâu thì mực nước vẫn không suy giảm. Không chỉ có người dân trong làng Xuân Cầu mà nhiều người dân vùng lân cận cũng thích đến đây lấy nước về ăn.
Ông Huy cho hay, không biết có phải nhờ ăn giếng nước cổ hay không nhưng người dân trong làng luôn tin rằng, thứ nước ngọt mát, trong vắt quanh năm giúp họ có sức khỏe, mùa màng bội thu, công việc xuôi chiều mát mái. Hiện tại, cả hai giếng nước đều không được dùng cho sinh hoạt hàng ngày mà chỉ được mở vào những dịp đặc biệt. Tuy không sử dụng, nhưng nước trong hai giếng vẫn chảy đầy ăm ắp, nước trong vắt cả bốn mùa.
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, người dân trong làng luôn tin rằng thứ nước ngọt mát, trong vắt quanh năm giúp họ có sức khỏe, mùa màng bội thu, công việc xuôi chiều mát mái.
Hai chiếc giếng cổ từng bị vùi lấp vào khoảng những năm 1980 do quá trình đô thị hóa. Năm 2013, dân làng Xuân Cầu đã quyết định góp tiền, khôi phục lại. Cả hai chiếc giếng đều giữ được tang giếng cổ. Trong đó, miệng giếng có 3 tầng đá xanh, không phải đá thường mà những khối đá tròn xếp lên nhau. Thành giếng cũng là phiến đá cổ nguyên phiến, vẫn in hằn những vết tích kéo gầu từ thời xưa như một minh chứng lịch sử lâu đời.
Cho đến nay, xung quanh hai chiếc giếng cổ này vẫn có những câu chuyện, giai thoại ly kỳ. Chuyện kể rằng, trước đây, có người hành khất đi đến làng, bị cảm nắng ngất xỉu, bà con trong vùng thấy vậy bèn múc nước giếng cổ cho uống. Điều lạ là, sau khi uống nước người này dần tỉnh dậy, khỏe mạnh như thường. Ngày trước, có những năm trời đại hạn, ao hồ nứt nẻ, ruộng đồng khô trắng nhưng nước trong giếng vẫn đầy ăm ắp.
Thành giếng là phiến đá cổ nguyên phiến, vẫn in hằn những vết tích kéo gầu từ thời xưa như một minh chứng lịch sử lâu đời.
Chính vì điều lạ này mà người dân làng vẫn truyền tai nhau bài thơ về sự độc đáo của giếng cổ: "Làng tôi ăn nước giếng khơi/ Xây toàn bằng đá nước thời trong veo/ Ba thôn không có người nghèo/ Có muốn lịch sử thì theo anh về". Nơi đây cũng được biết đến là mảnh đất "địa linh nhân kiệt", quê hương của những nhân vật nổi tiếng như: liệt sỹ Tô Hiệu - Tô Chấn, Lê Văn Lương hay của họa sỹ Tô Ngọc Vân, nhà văn Nguyễn Công Hoan...
Ảnh: Trọng Trinh
Theo Hà Trang (Dân Trí)
Sự thật về "gã khùng" đem ô tô, nhà đất đổi cây cảnh Mua vào ào ào, hễ thấy cây nào rẻ, cây nào đẹp là không thể dằn lòng được nên không chỉ dân chơi cây ở Hưng Yên mà Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương biết tiếng gã đều gọi ời ời. Có năm gã nhập vào trên 1.000 cây cảnh... Đến khi chơi cây cảnh, Nguyễn Văn Thoan ở thị trấn Văn Giang...