“Chuyển giới gặp khó, gọi tôi!”
TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp, cho biết sẵn sàng giúp đỡ những người chuyển đổi giới tính thay đổi hộ tịch để họ được sống là chính mình.
Việc tỉnh Bình Phước xem xét thu hồi quyết định cho phép thay đổi hộ tịch từ “anh” Phạm Văn Hiệp thành “chị” Phạm Lê Quỳnh Trâm đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng như thế là tước đi quyền được sống là chính mình của công dân?
TS Trần Thất: Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Sở Tư pháp Bình Phước báo cáo việc này. Tôi cho rằng trước đây, khi đồng ý cho phép anh Phạm Văn Hiệp thay đổi hộ tịch, cơ quan tư pháp địa phương có lý do của họ. Tôi từng được mời dự nhiều hội thảo về người đồng giới, chuyển giới và song tính. Tại đó, tôi đều nói rằng cơ quan chức năng cần xem lại các quy định để bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội. Luật pháp có những quy định mang tính cứng nhắc, nhiều yếu tố cảm tính của người xây dựng văn bản.
Chúng ta không phủ nhận rằng cũng có người, đặc biệt thuộc giới văn nghệ sĩ, đôi khi không phải nhưng cố gắng tạo ra vậy. Cũng có thể chính họ đã góp phần tạo ra định kiến cho người viết luật. Tuy nhiên, nếu từ định kiến với số ít đó mà ban hành luật với cả số đông thì thực sự không ổn. “Xác định lại giới tính” có nghĩa là trước đây xác định sai nên giờ xác định lại cho đúng, còn “chuyển đổi giới tính” thì lại được hiểu là từ cái đúng này chuyển sang cái đúng kia. Luật Dân sự có đề cập quyền xác định lại giới tính của công dân nhưng quy định hướng dẫn còn bó hẹp quá. Tôi cho rằng những người như Hiệp được quyền thay đổi giới tính nhưng các điều kiện còn hẹp và cứng nhắc, khó phù hợp thực tiễn.
Sau khi có báo cáo của Sở Tư pháp Bình Phước, chúng tôi sẽ nghiên cứu và có thể làm việc trực tiếp với Hiệp. Nếu thấy việc Hiệp thay đổi giới tính để có cuộc sống tốt hơn, là nhu cầu chính đáng thì chúng tôi sẽ kiến nghị giữ nguyên việc thay đổi hộ tịch trước đây.
Video đang HOT
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước nói việc thay đổi hộ tịch trước đây của anh Hiệp là trái quy định pháp luật, cụ thể là Nghị định 88/2008 về xác định lại giới tính của Chính phủ. Ông nghĩ sao?
Quy định do mình đặt ra để giúp cuộc sống tốt hơn. Cái gì có lợi cho người dân thì phải làm thôi. Pháp luật được xây dựng trên cơ sở thực tiễn cuộc sống thì không nên cứng nhắc bắt ép người dân sống bất tuân pháp luật.
Không chỉ chuyển giới mà cả nhóm người đồng tính, song tính gần như cũng chưa được pháp luật bảo vệ, bảo đảm quyền lợi?
Người chuyển giới, đồng tính, song tính đang tồn tại trong xã hội và là một thực tế mà pháp luật không thể lẩn tránh. Việc đưa ra quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của họ là cần thiết. Tuy nhiên, các quy định cũng không thể dễ dãi để nhiều người tìm cách lợi dụng. Điều đó cần có sự can thiệp của khoa học, y học để có thể xác định ngay ai thực sự là người chuyển giới, đồng tính.
Chuyện có chấp thuận hôn nhân đồng tính hay không cũng được đưa ra bàn trong buổi thảo luận mới đây tại Bộ Tư pháp về dự thảo Luật Hôn nhân – Gia đình sửa đổi. Để Quốc hội chấp thuận thông qua điều này thì cần một chặng đường dài nữa. Tuy nhiên, việc thay đổi quy định, giúp đỡ người chuyển giới được phép thay đổi hộ tịch thì tôi nghĩ rằng có thể làm sớm bởi gần đây, số người này không còn sống khép kín như trước nữa.
Trong một hội thảo về người chuyển giới, đồng tính mới đây, ông từng nói sẵn sàng giúp đỡ họ thay đổi thông tin hộ tịch?
Đến giờ tôi vẫn giữ lời. Người chuyển giới gặp khó hãy gọi tôi! Các bạn biết trường hợp nào đó đã xác định lại giới tính, chuyển giới mà gặp khó khăn trong việc xin xác nhận, thay đổi thông tin hộ tịch thì hãy nói họ tập hợp hồ sơ, thông tin liên quan rồi gửi tới tôi hoặc lãnh đạo Bộ Tư pháp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm cách giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Quy định bó hẹp
Theo Nghị định 88/2008, chỉ xác định lại giới tính với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa định hình chính xác, trên nguyên tắc bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình. Khuyết tật bẩm sinh về giới tính gồm: Nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ và lưỡng giới thật. TS Trần Thất cho rằng quy định như vậy còn bó hẹp, bởi theo các chuyên gia y tế, nhiều trường hợp nhiễm sắc thể giới tính có thể giống nữ lưỡng giới giả nam hoặc nam lưỡng giới giả nữ hay lưỡng giới thật nhưng bộ phận sinh dục chưa được biệt hóa hoàn toàn hoặc không thể xác định là nam hay nữ. Người khuyết tật bẩm sinh về giới tính ngoài nỗi đau bệnh tật còn phải gánh chịu áp lực ghê gớm từ dư luận xã hội. Do Việt Nam chưa có cơ sở đủ điều kiện kiểm tra, phẫu thuật và cấp giấy chứng nhận y tế về xác định lại giới tính nên hằng năm, rất nhiều người đã tìm sang Thái Lan với một số tiền không nhỏ.
Theo ThS Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, viện đang cùng nhiều tổ chức phi chính phủ tiến hành điều tra xã hội học về những mong muốn của nhóm người yếu thế trong xã hội, trong đó có chuyển giới, đồng tính, song tính. “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ quy định về quyền của công dân nam – nữ, trong khi nhiều nơi trên thế giới dùng khái niệm “quyền con người”. Quy định như trong dự thảo vô hình chung gạt ra ngoài quyền của người chuyển giới, liên giới tính” – ông Bình băn khoăn.
Theo 24h
Khát khao của người... chuyển giới
"Tôi đi làm giấy tờ, người ta kêu Trương Văn Thuận. Tôi nói "em", người ta nói kêu Trương Văn Thuận chứ có kêu cô đâu, những lúc đó tôi buồn lắm" - cô Phương Trinh, một người chuyển giới tính, kể về khó khăn của mình khi không được thay tên đổi họ.
Việc cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm bị đề nghị hủy quyết định công nhận lại giới tính đã nhận được sự quan tâm của nhiều người cùng cảnh ngộ.
Chiều 25/1, ca sĩ Cindy Thái Tài, một người chuyển đổi giới tính, cho biết trước đây cô có nghe việc cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm được xác nhận chuyển đổi giới tính. "Lúc đó tôi rất bất ngờ vì biết rằng luật pháp chưa cho phép - ca sĩ Cindy Thái Tài nói - Tôi cũng định hôm nào sẽ gặp cô Quỳnh Trâm để hỏi cách thức, thủ tục làm xác nhận nhưng chưa kịp hỏi thì lại nghe tin quyết định bị đề nghị hủy. Vừa mới vui chưa được bao lâu là đã buồn rồi".
Không dám đứng tên tài sản lớn
Ca sĩ Cindy Thái Tài cho biết thêm trước khi thực hiện chuyển giới tính, cô "đã lường hết những rắc rối về thủ tục, giấy tờ" sẽ gặp phải. Cô đã đến Sở Tư pháp TP.HCM xin thay tên đổi họ nhưng không được. "Hiện giấy tờ nhà, tài sản lớn tôi không dám đứng tên mà chỉ đứng tên xe cộ và những tài sản nhỏ. Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu của tôi vẫn tên như trước đây. Thay đổi giới tính, tôi đã "tìm lại chính mình" về con người, còn về giấy tờ thì chưa "tìm lại" được. Việc này sẽ gây rắc rối cho tôi khi muốn lập gia đình không thể đăng ký kết hôn được vì trên giấy tờ tôi vẫn là nam" - ca sĩ Thái Tài chia sẻ thêm.
Tương tự, ca sĩ Khanh Chi Lâm (trước khi chuyển giới là Lâm Chí Khanh) cũng tâm sự "thấy buồn cho cô Quỳnh Trâm". Ca sĩ này nói: "Những người trong giới ai cũng muốn được thay đổi con người và cả tên, họ trong giấy tờ của mình. Nếu được luật pháp cho phép, tôi sẽ đổi lại giấy tờ ngay. Tôi đã chuyển giới tính rồi nhưng hộ chiếu của tôi vẫn ghi giới tính nam như trước trong khi hình con gái. Tên thật của tôi là Huỳnh Phương Khanh, cũng giống tên con gái nên tôi không phải đổi tên".
Ca sĩ Khanh Chi Lâm cũng kể khi qua Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính, cô mặc quần áo con trai, khi về mặc quần áo con gái: "Nhìn thấy tôi, mấy người ở sân bay biết đi chuyển giới về. Họ không làm khó dễ gì cả mà chỉ nói: "Chị ơi, chị đi đổi hộ chiếu đi". Tôi đi đổi hình trong hộ chiếu, định xin luôn giới tính nam nhưng nghe nói chưa đổi được nên chưa làm đơn...".
Ca sĩ chuyển đổi giới tính Thanh Mai - Ảnh do nhân vật cung cấp
Khát khao tìm lại mình
Ca sĩ Thanh Mai, một người đã chuyển giới, tâm sự "thành con gái hết rồi mà tên đàn ông cũng kỳ". Cô Mai kể: "Nhiều khi bị cảnh sát giao thông bắt lại. Mấy ảnh nhìn mình là con gái nhưng khi đưa giấy tờ ra mấy ảnh giật mình hỏi "ủa sao kỳ vậy?". Bằng lái, chứng minh nhân dân... là hình con gái nhưng tên đàn ông...".
Cô Phương Trinh cho biết cô đã đưa khoảng 60 người sang Thái Lan chuyển giới. Cô Trinh kể: "Những người đi phẫu thuật lúc nào cũng muốn thành một phụ nữ hoàn hảo. Sau khi nghe cô Phạm Lê Quỳnh Trâm được xác nhận chuyển giới, mọi người xôn xao đi nhiều nơi hỏi nhưng chưa được. Mười người tôi đưa qua Thái Lan phẫu thuật thì mười chị nói bác sĩ cho cái giấy xác nhận đã "làm" để về chuyển đổi giới. Họ chỉ khoảng đôi mươi, rất khao khát tìm lại con người của mình".
Cần luật hóa cho phép chuyển đổi giới tính
Xác định lại giới tính là một trong những quyền nhân thân của công dân. Theo điều 36 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng như tinh thần của nghị định 88/2008/NĐ-CP, cá nhân có quyền được xác định lại giới tính và được sống theo đúng giới tính của mình. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác về giới tính mà cần có sự can thiệp của y học. Do vậy những người được xác định lại giới tính theo hai trường hợp nói trên đương nhiên sẽ được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xác định lại giới tính và tiến hành chỉnh sửa các giấy tờ nhân thân cho phù hợp.
Đối với những trường hợp chuyển đổi giới tính khác, người thực hiện sẽ gặp nhiều rắc rối và trên thực tế không thể chỉnh sửa các giấy tờ nhân thân để phù hợp với giới tính mới của mình vì pháp luật VN cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính (khoản 1, điều 4, nghị định 88). Những người này không được pháp luật ủng hộ cũng như bảo vệ. Tất cả giao dịch liên quan đến giấy tờ nhân thân của họ hầu như không thực hiện được và bản thân họ sẽ gặp sự kỳ thị từ xã hội.
Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận việc chuyển đổi giới tính và công nhận giới tính cho những người bình thường muốn chuyển đổi, do vậy VN cũng cần luật hóa những trường hợp này nhằm mở cho những người chuyển đổi giới tính một cuộc sống bình thường hòa nhập cộng đồng cũng như bảo vệ họ trong khuôn khổ quy định pháp luật.
Pháp luật VN cần có những quy định điều chỉnh đối với những người có giới tính bình thường nhưng lại phẫu thuật chuyển đổi giới tính để họ đảm bảo quyền công dân của mình trong các giao dịch dân sự. Họ cũng phải có quyền được tự do kết hôn như mọi công dân khác và làm giấy khai sinh cho con (nếu có), được nhận nuôi con nuôi... Luật cũng cần quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của những người chuyển đổi giới tính như một công dân bình thường, chẳng hạn quyền được ứng cử hay bầu cử, thực hiện nghĩa vụ của một công dân đối với Nhà nước như tham gia nghĩa vụ quân sự...
NGUYỄN THANH XUÂN (Phó trưởng phòng tư pháp huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)
Theo 24h
Cô giáo chuyển giới: Tôi sẽ khiếu nại "Ngày 21/1, nghe thông tin trên báo chí, tôi bị sốc. Đêm đó tôi không ngủ được. Tôi thật sự rất buồn. Bốn năm nay từ ngày được thay tên đổi họ, tôi sống tốt, không gây ảnh hưởng gì xấu cho xã hội, không làm mất đi đức hạnh của người phụ nữ VN". "Một người phụ nữ ước mơ lớn nhất...