Chuyên gia: Xung đột Israel – Hamas có thể dễ dàng leo thang thành ‘chiến tranh thế giới thu nhỏ’
Cuộc xung đột Israel – Hamas đã kéo dài một năm, sau khi cuộc đột kích bất ngờ của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023 châm ngòi vòng xoáy giao tranh đẫm máu nhất giữa người Palestine và lực lượng Israel.
Các chuyên gia lo ngại cuộc xung đột hỗn hợp này có thể leo thang khi ranh giới chiến đấu truyền thống đang dần mờ nhạt.
Xe tăng quân đội Israel được triển khai tại khu vực biên giới với Dải Gaza ở miền bắc Israel ngày 27/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh cuộc chiến Israel – Hamas đạt dấu mốc tròn một năm, nhà phân tích chính trị Hossein Askari, giáo sư danh dự tại Đại học George Washington, bình luận: “Các cuộc chiến tranh trước đây ở Trung Đông có thời gian diễn ra ngắn hơn, sự tàn phá về mặt vật chất và số người thiệt mạng cũng ít hơn cuộc chiến hiện tại. Trong cuộc chiến hiện tại, Gaza đã bị phá hủy hoàn toàn”.
Ông nói thêm rằng cuộc xung đột hiện tại không giống với các cuộc chiến tranh khu vực chủ yếu diễn ra giữa các quốc gia với nhau ở các năm 1956, 1967, 1973 hoặc 1982.
Liệt kê số người thiệt mạng trong cuộc xung đột hiện tại, bao gồm khoảng 42.000 người Palestine ở Gaza, ông Askari lo ngại số người chết thực sự có thể lên tới 100.000 người, bao gồm cả những người vẫn bị chôn vùi trong đống đổ nát, mất tích, đang thiếu lương thực hoặc chăm sóc y tế.
Theo thống kê của Israel, vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas ở Gaza đã khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Giờ đây, trong bối cảnh xung đột giữa Israel với Hezbollah leo thang từng ngày, số người thiệt mạng ở Liban cũng ngày càng tăng lên.
Ông Askari cảnh báo cuộc chiến hiện nay có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc chiến toàn cầu hơn nhiều, nếu Israel tấn công cơ sở hạ tầng của Iran, đặc biệt là các cơ sở dầu mỏ của nước này, sau các cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa của Iran vào các địa điểm quân sự và tình báo trên khắp Israel hồi tuần trước.
Động thái đó có thể thúc đẩy Iran nhắm vào các cơ sở dầu mỏ ở các quốc gia vùng Vịnh – nơi Mỹ hiện diện quân sự.
“Cuộc chiến này có thể biến thành một mớ hỗn độn, một cuộc chiến khu vực toàn diện, nếu không muốn nói là một cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ”, nhà phân tích chính trị cảnh báo.
Video đang HOT
Em nhỏ tìm đồ đạc còn sót lại trong căn nhà đổ nát sau đợt tấn công của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza ngày 1/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Askari dự đoán cuộc xung đột còn tiếp tục kéo dài khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn làm bất cứ điều gì ông ấy muốn và tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ.
Trong khi đó, các học giả đều tin rằng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ khó có thể thay đổi cục diện xung đột theo hướng tốt hơn, và có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
“Tương lai cuộc xung đột không mấy tươi sáng sau thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Joe Biden. Nếu bà Kamala Harris thắng cử, bà ấy vẫn sẽ đi theo đường lối của ông Biden dù dường như sẽ có chút đồng cảm hơn. Còn nếu ông Donald Trump giành chiến thắng, các chính sách về cuộc xung đột hiện nay sẽ càng mạnh mẽ hơn”, ông Askari cho hay.
Bình luận về sự thay đổi cục diện của cuộc xung đột hiện đại trong khu vực, như cuộc xung đột Hamas – Israel, ông Furkan Halit Yolcu, chuyên gia an ninh và nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Sakarya, nói: “Từ những năm 1980, đã có một khái niệm mới trong cuộc sống của chúng ta, đó là các tác nhân phi nhà nước. Có các tác nhân phi nhà nước được tổ chức rất tốt, được vũ trang tốt, có chuỗi chỉ huy, có khả năng huy động, có nhân lực và gần như hoạt động như một đội quân quốc gia”.
Còn trước đó, theo ông Yolcu, thế giới dường như chỉ chứng kiến các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia, trong đó hai hoặc nhiều quốc gia vùng xung đột, có đụng độ, đột kích biên giới.
“Ngày nay, tình hình nghiêm trọng hơn vì không còn mặt trận chiến tranh nữa. Chiến tranh hiện đã được đô thị hóa. Chiến tranh diễn ra ở các thành phố. Chiến tranh hiện diện trong các tòa nhà mà mọi người từng sống. Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn”, ông nói.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Tayr Harfa, Liban ngày 24/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Hiện nay, Israel đang phải đối mặt với các đối thủ phi nhà nước có tổ chức – như Hamas, Hezbollah và Ansar Allah – được trang bị vũ khí chống tăng hiện đại, hệ thống phòng không và tên lửa tiên tiến, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ “trục kháng chiến” do Iran đứng đầu.
“Mục tiêu rất rõ ràng – Israel đã quyết định tiêu diệt Gaza, tiêu diệt Palestine. Vì vậy, bước tiếp theo là tấn công Jordan, Syria và Liban”, ông Yolcu nói.
Theo vị chuyên gia này, Israel dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Netanyahu sẽ không ngồi xuống đàm phán hoà bình. Điều họ nghĩ đến là ổn định chính trị và áp đặt các điều khoản chính trị, sự sống còn chính trị của họ chỉ đơn giản là dựa vào chính các cuộc chiến.
Đừng mở hộp Pandora
Cách đây tròn 1 năm, ngày 7/10/2023 phong trào vũ trang Hamas bất ngờ tập kích các địa phương ở miền Nam Israel, giết hại khoảng 1.200 người và bắt cóc hơn 250 người đưa về Dải Gaza.
Hiện trường một cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: IRNA/TTXVN
Khi đó, các thủ lĩnh của phong trào này nghĩ rằng sẽ gây sức ép để buộc chính phủ cánh hữu của Israel nới lỏng chính sách kiểm soát và cai trị đối với người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây.
Cuộc tấn công đẫm máu của Hamas khiến Israel lần đầu tiên trong 50 năm phải tuyên bố tình trạng chiến tranh. Nhiều người ví vụ tấn công này với sự kiện dẫn đến cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973 hoặc vụ tấn công vào tòa Tháp đôi ở Mỹ ngày 11/9/2001. Ngay lập tức, Israel phát động chiến dịch "Những thanh kiếm sắt" để trả đũa. Các trận dội bom vào Dải Gaza đã khiến ít nhất 41.800 người Palestine thiệt mạng, 97.000 người bị thương, 66% công trình hạ tầng tại Gaza bị phá hủy hoặc hư hại. Gần như 100% người dân Gaza phải sơ tán chiến tranh. Tình hình nhân đạo ở dải đất hẹp này được Liên hợp quốc ví là "địa ngục trần gian".
Duy nhất một lần giữa Hamas và Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn khoảng 1 tuần vào cuối tháng 11/2023. Từ đó đến nay các cuộc đàm phán đều thất bại bất chấp nỗ lực của các nước trung gian bao gồm Qatar, Ai Cập, Mỹ. Chính phủ và quân đội Israel quyết tâm không dừng cuộc chiến chừng nào chưa đạt được mục tiêu "loại bỏ phong trào Hamas".
Về phía Israel, trong suốt năm qua, người dân nước này cũng chưa được hưởng một ngày vui vẻ trọn vẹn. Tính đến thời điểm này, 101 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza, trong đó 1/3 được xác định đã tử vong. Lễ năm mới Rosh Hashanah theo lịch Do Thái, các món ăn thường được trộn thêm mật ong để thể hiện ý nghĩa "năm mới ngọt ngào". Có người đã ví "dù có mang tất cả mật ong trên thế giới cũng không thể làm cho ngày lễ Rosh Hashanah năm nay trở nên ngọt ngào".
Các cuộc giao tranh đã khiến khoảng 18.000 binh sĩ Hamas và 500 binh sĩ Israel thiệt mạng. Về cơ bản, Hamas đã thất bại với tư cách là một tổ chức quân đội chính quy, nhưng Israel cũng đối mặt với nguy cơ sa lầy nghiêm trọng. Với người dân Palestine ở Dải Gaza, Hamas là một phong trào chính trị và các tay súng chuyển sang đánh du kích.
Thay vì được tính bằng tuần như dự đoán ban đầu, cuộc xung đột đã chuyển sang tính bằng tháng và chưa biết khi nào mới chấm dứt. Chiến tranh làm đảo lộn đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở Israel. Các cuộc biểu tình kêu gọi giải thoát con tin diễn ra triền miên. Thâm hụt ngân sách, đầu tư sụt giảm, lạm phát gia tăng, nền kinh tế Israel ước tính thiệt hại 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do chiến tranh.
Song song với cuộc chiến tại Dải Gaza là xung đột giữa Israel với phong trào Hezbollah ở Liban và mới nhất là cuộc đối đầu trực tiếp với Iran, khiến thế giới vô cùng quan ngại trước nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện Trung Đông. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, chuyên gia quan hệ quốc tế, Tiến sĩ Aryeh Geronik tại ĐH Mở Israel nhận định không loại trừ kịch bản xấu nhất. Ông nói: "Tôi tin là mọi người đều không muốn kịch bản tồi tệ nhất, nhưng đáng tiếc là chúng ta lại đang có những bước đi theo hướng này. Và nếu tôi không nhầm thì chúng ta đang tiến thẳng tới đó. Cũng cần phải nhắc lại là tất cả đều bắt đầu từ thời điểm cách đây 1 năm, ngày 7/10/2023. Lúc đó không ai dám nghĩ tới một cuộc chiến tổng lực toàn khu vực. Điều này khiến tôi nhớ lại một câu nói: Chiến tranh, cũng giống như tình yêu, bạn biết là sẽ bước vào, nhưng bạn không thể biết nó sẽ đưa bạn đến đâu".
Trong vài tuần qua, phía Israel liên tiếp có các động thái leo thang căng thẳng, khi mà hậu quả của các vụ ám sát thủ lĩnh phong trào Hamas diễn ra ở Iran và vụ sát hại chỉ huy cấp cao của phong trào Hezbollah ở Liban chưa dừng lại. Đầu tiên là hàng loạt thiết bị máy nhắn tin của lãnh đạo Hezbollah phát nổ, tiếp đến thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah bị ám sát. Mới nhất là chiến dịch đưa quân đổ bộ sang biên giới Liban. Tất cả nằm trong chuỗi sự kiện sau khi Israel chính thức tuyên bố mục tiêu đẩy lui Hezbollah để đưa gần 70.000 dân sơ tán ở các vùng gần biên giới phía Bắc trở về nhà.
Một loạt các quốc gia trong khu vực và thế giới, bao gồm cả Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Israel - đều đã lên tiếng cảnh báo các động thái này sẽ đổ thêm dầu vào lửa, khiến cuộc xung đột, ban đầu là với Hamas ở Gaza, nay đã lan sang các khu vực khác, sẽ không thể sớm dừng lại. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Cuộc tấn công tên lửa ồ ạt do Iran thực hiện nhằm vào Israel tối 1/10 được tuyên bố là để trả đũa cho các vụ ám sát các lãnh đạo Hamas và Hezbollah trước đó. Cây bút bình luận Amos Harel của nhật báo Haaretz nhận định: "Sau cuộc tấn công bất ngờ của Iran, Israel rơi vào một cuộc chiến tranh khu vực".
Điều khiến dư luận quan tâm hiện nay là bước đi tiếp theo của Israel sẽ như thế nào, bởi có thể quyết định của Tel Aviv sẽ định hình tương lai của cả khu vực trong nhiều năm sắp tới. Đã xuất hiện những tiếng nói trong giới lãnh đạo nắm quyền tại Israel kêu gọi tấn công thẳng vào cơ sở hạt nhân của Iran, mà với Tehran thì đây là vấn đề cốt tử. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố không ủng hộ phương án tấn công cơ sở hạt nhân của Iran, bởi việc này có nguy cơ dẫn đến chiến tranh khu vực và leo thang hạt nhân.
Xét lợi ích và chi phí chiến lược, trong 3 chủ thể có khả năng trực tiếp thổi bùng lên "đám cháy" chiến tranh Trung Đông ở thời điểm hiện tại, bao gồm Iran, Israel và Hezbollah, thì không chủ thể nào mong muốn điều này xảy ra. Các cuộc giao tranh qua giữa Israel và Hezbollah suốt năm qua chỉ giới hạn ở gần biên giới và các mục tiêu quân sự của nhau. Hai lần đối đầu trực tiếp giữa Israel, một lần hồi tháng 4 và một lần đầu tháng 10, dường như các nhà lãnh đạo cả hai bên đều có ý tránh trở thành cuộc xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, khác với các cuộc khủng hoảng thông thường, khủng hoảng địa chính trị có một quy luật bất biến, đó là không thể dự đoán kết quả nếu áp dụng biện pháp "dĩ độc trị độc" trong xung đột. Bất cứ một sự leo thang nào cũng có thể là tình huống mở ra "chiếc hộp Pandora" của chiến tranh và chết chóc.
Cách đây 1 năm, vụ tấn công của phong trào Hamas đã dẫn đến cuộc chiến ở Dải Gaza, kéo theo cuộc xung đột giữa Israel với Hezbollah và các vụ "ăn miếng trả miếng" giữa Israel và Iran. Nhưng Hamas cũng đổ lỗi cho chính phủ cực hữu tại Israel trước đó đã trấn áp người Palestine và tìm cách thay đổi hiện trạng ở các địa điểm tranh chấp linh thiêng của người Hồi giáo.
Khi tiến hành chiến dịch đưa quân vào Liban hôm 1/10, Israel tuyên bố đây là một chiến dịch "có giới hạn và mục tiêu cụ thể". Tuy nhiên, thực tế sẽ diễn biến ra sao là điều chưa ai dám chắc. Israel sẽ thành công trong việc đưa người dân biên giới trở về, hay sẽ lặp lại vết xe cũ ở Dải Gaza? Từ một đám cháy ban đầu, khu vực Trung Đông đang đối mặt với 3 - 4 đám cháy. Một tính toán sai lầm của Israel hoặc của Iran chắc chắn sẽ khiến cái gọi là "thùng thuốc súng" Trung Đông nổ tung.
Đó là điều giới quan sát đang vô cùng lo ngại và chờ đợi các tổ chức, chính phủ có tiếng nói, như Liên hợp quốc, Mỹ, Nga thể hiện vai trò kiềm chế các bên đi quá giới hạn. Một số quốc gia trong khu vực đã nhắc lại sáng kiến hòa bình do Saudi Arabia nêu ra, theo đó các nước khối Arab/Hồi giáo sẽ đảm bảo để Israel có một nền an ninh, miễn là nước này chấm dứt hoạt động chiếm đóng trên các vùng lãnh thổ của người Palestine. Các quốc gia này nhấn mạnh ủng hộ thành lập một liên minh quốc tế để triển khai giải pháp hai nhà nước.
Chỉ khi nào người Israel và người Palestine cùng chung sống trong hòa bình, lúc đó sẽ không còn ai muốn mở "chiếc hộp Pandora" chiến tranh ra nữa.
Quân đội Israel thừa nhận những sai sót an ninh liên quan vụ 7/10/2023 Ngày 11/7, Quân đội Israel đã lần tiên công bố kết quả của cuộc điều tra về những sai sót an ninh của chính họ trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023. Một góc khu định cư Be'eri ở miền Nam Israel bị tàn phá bởi các tay súng thuộc phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine ngày 7/10/2023. Ảnh tư...