Chuyên gia ủng hộ chọn đường sắt Bắc Nam ‘giá rẻ’ của Bộ KH&ĐT
Chuyên gia cho rằng, với năng lực quản lý hiện nay của Bộ GTVT, phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hết gần 58,7 tỷ USD của Bộ GTVT là quá ôm đồm.
Đường sắt cao tốc – Ảnh: Japantourist/Kyotostation.
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho hay, ông nghiêng về đề xuất chọn phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư 26 tỷ USD của Bộ KH&ĐT.
Theo ông Đức, phương án lựa chọn của Bộ KH&ĐT cũng nằm trong báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT, không phải nghiên cứu mới. Dù Bộ GTVT đưa ra kinh nghiệm hiện đại hóa đường sắt của Đức, Hà Lan theo cách nâng cấp đường sắt hiện hữu để khai thác tàu khách nhanh hơn, kết hợp cả tàu hàng. Tốc độ chạy tàu chỉ khoảng 200km/h. Dù phương án này có lợi thế chi phí thấp, nhưng Bộ GTVT không lựa chọn vì không phải là mô hình đi trước đón đầu xu hướng phát triển của thế giới.
Trong khi đó, phương án lựa chọn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của Bộ GTVT, theo ông Đức, là quá ôm đồm với số tiền lên tới 58,7 tỷ USD. “Bộ GTVT muốn đi trước đón đầu, đưa vận tải đường sắt đi thẳng lên hiện đại. Nên đề xuất đầu tư tuyến đường sắt hoàn toàn mới để chở khách, và nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hàng. Nên đề xuất tốc độ khai thác lên tới 350km/h”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, Bộ GTVT chưa tính tới năng lực quản lý. Khi đầu tư một dự án đường sắt hiện đại, tổng vốn đầu tư lên tới 58,7 tỷ USD, yêu cầu về năng lực quản lý sẽ rất cao.
Phương án cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của Bộ KH&ĐT là nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu, thay vì đầu tư hoàn toàn tuyến mới như đề xuất của Bộ GTVT.
Video đang HOT
Trong khi đó, hiện năng lực quản lý các dự án đầu tư đường sắt của Bộ GTVT chưa đáp ứng yêu cầu. Chỉ với đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), Bộ GTVT vẫn chưa quản lý tốt, dẫn tới nhà thầu nói tăng vốn phải cho tăng vốn, nói chậm tiến độ phải chậm tiến độ.
Do đó, thay vì chọn phương án tốn nhiều tiền, ông Đức chọn phương án ít tiền hơn, là của Bộ GTVT, để nếu có đội vốn cũng chỉ bằng tiền theo phương án của Bộ GTVT đã chọn.
“Điều tôi lo ngại không phải là chọn phương án hay công nghệ nào, quan trọng là năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không thì đều như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, hay các tuyến metro TPHCM, đều đội vốn lên gấp đôi, chậm tiến độ nhiều năm, trong khi quy mô đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam lớn hơn nhiều lần”, ông Đức nói.
Trước đó, Bộ KH&ĐT có báo cáo gửi Chính phủ về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó đưa ra đề xuất chỉ làm tuyến này trên cơ sở nâng cấp đường sắt hiện hữu, tổng mức đầu tư 26 tỷ USD, rẻ hơn 32 tỷ USD so với phương án của Bộ GTVT.
LÊ HỮU VIỆT
Theo SGGP
Hai bộ quan điểm khác nhau về tổng mức đầu tư đường sắt Bắc - Nam
Các bộ KH-ĐT, GTVT vừa đưa ra những quan điểm khác nhau về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam liên quan đến vấn đề chi phí đầu tư.
Hành trình xe lửa Bắc-Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bộ KH-ĐT: Có thể tiết kiệm hơn 32 tỷ USD
Bộ KH-ĐT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu quan điểm cho rằng có thể xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư chỉ khoảng 26 tỷ USD, tiết kiệm tới hơn 32 tỷ USD so với phương án mà Bộ GTVT trình.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có các kịch bản lựa chọn gồm: nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại có tốc độ khai thác 80-90km/giờ tàu khách và 50-60km/giờ tàu hàng; nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200km/giờ; nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại tốc độ 70km/giờ cho tàu khách địa phương và tàu hàng. Đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa chỉ khai thác cho tàu khách có tốc độ 320km/giờ, tốc độ thiết kế 350km/giờ.
Nhà ga Sài Gòn vẫn còn trong nội ô. Ảnh: CAO THẮNG
Tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 1281/TTr-BGTVT ngày 14-2-2019, Bộ GTVT đã kiến nghị phương án lựa chọn thực hiện đầu tư dự án theo kịch bản 3 với tổng mức đầu tư 1.344.459 tỷ đồng (tương đương 58,7 tỷ USD), trong đó vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân chiếm 20%. Thời gian thực hiện chia làm 2 giai đoạn: từ năm 2020 - 2032, thực hiện đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM, từ năm 2032 - 2050, thực hiện đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang.
Tuy nhiên, văn bản của Bộ KH-ĐT, do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ký, nhận định, qua nghiên cứu và kinh nghiệm trên thế giới, thì chi phí đầu tư xây dựng đường sắt có tốc độ 200km/giờ thấp hơn khoảng 10% so với chi phí đầu tư đường sắt có tốc độ 350km/giờ. Chi phí đầu tư phương tiện thiết bị chênh lệch 9% đến 26%. Vẫn theo Bộ KH-ĐT, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/giờ (chủ yếu ở Nhật Bản, Pháp) cạnh tranh với hàng không, đem lại hiệu quả khai thác và có tác dụng điều chỉnh lại cơ cấu thị phần vận tải hợp lý giữa các loại hình giao thông, tuy nhiên tuyến đường sắt tốc độ cao này chỉ khai thác cho tàu khách mà không khai thác cho tàu hàng.
Mặt khác, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án phân tích kịch bản 2 là "nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200km/giờ" có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, tác động nhiều đến xã hội do tuyến đường sắt hiện hữu đi qua nhiều khu đô thị (chi phí đầu tư 40 tỷ USD) trong khi phương án đầu tư tuyến mới như kịch bản 3 (có khối lượng giải phóng mặt bằng không lớn, có khả năng rút ngắn chiều dài tuyến để giảm thiểu khối lượng) nhưng tốc độ chạy tàu là 200km/giờ không được đem so sánh.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế (tại Đức và Hà Lan), Bộ KH-ĐT cho rằng, đề xuất của Bộ GTVT về việc đầu tư tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350km/giờ, tốc độ khai thác 320km/giờ với tổng mức đầu tư 58,71 tỷ USD, sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển. Đó là có nguy cơ phải đình hoãn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông khác để tạo mọi nguồn lực cho đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong thời gian 30 năm hoặc còn lâu hơn nữa. Ngoài ra, do Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để triển khai một tuyến đường sắt tốc độ cao nên sẽ mất chủ động, bị lệ thuộc công nghệ nước khác, không bảo vệ được quyền lợi và khả năng tự chủ của Việt Nam...
Vẫn theo phương án này, sau khi kết thúc giai đoạn 1 của dự án, các đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM sẽ có năng lực thông qua 364.000 hàng khách/ngày, trong khi dự báo số lượng hành khách trên đoạn tuyến này vào năm 2035 chỉ đạt 55.000 - 58.000 hành khách/ngày chưa sử dụng hết 16% công suất của tuyến. Do đó, việc đầu tư dự án ngay trong giai đoạn 1, theo Bộ KH-ĐT là đã quá dư thừa và lãng phí.
Vạ vật trên tàu. Ảnh: V. BẢO
Bộ KH-ĐT nhìn nhận, yếu tố tốc độ là vấn đề then chốt của đường sắt tốc độ cao và có thể thấy rằng, đường sắt tốc độ cao hiệu quả khi tốc độ khai thác tối đa là 200km/giờ như các nước đã làm. Theo số liệu đánh giá của Hà Lan và Đức thì khi tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam là 200km/giờ, tổng mức đầu tư dự án này sẽ khoảng 26 tỷ USD mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Tốc độ khai thác 200km/giờ, cho phép thời gian từ Hà Nội đi TPHCM chỉ mất khoảng 8 giờ; giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận tải của nền kinh tế, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả...
Từ đó, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập hội đồng thẩm định nhà nước để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án để thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Bộ GTVT: Cần làm rõ căn cứ đưa ra đề xuất tổng mức đầu tư
Liên quan đến thông tin Bộ KH-ĐT vừa báo cáo Thủ tướng về phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư chỉ khoảng 26 tỷ USD, ngày 9-7. Chiều 9-7, Bộ GTVT đã có thông cáo chính thức về vấn đề này. Bộ GTVT khẳng định, ý kiến của Bộ KH-ĐT liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án sẽ tiếp tục được Bộ GTVT có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng Thẩm định nhà nước và thẩm tra của các cơ quan có liên quan trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án. Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu, tham mưu và thực hiện các bước tiếp theo của dự án một cách cẩn trọng, khách quan và tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), phương án nghiên cứu mà bộ trình Thủ tướng đã được tổ chức báo cáo đầu kỳ, giữa và cuối kỳ, có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và hầu hết đồng thuận với phương án triển khai theo từng giai đoạn. Về tổng mức đầu tư dự án, đề xuất 58 tỷ USD không cao hơn nhiều so với mức đầu tư 56,7 tỷ USD được tính toán trong báo cáo nghiên cứu trình Quốc hội vào năm 2010. Việc tăng thêm 2 tỷ USD liên quan đến quy mô đầu tư và các yếu tố liên quan. Tổng mức đầu tư được đưa ra cũng căn cứ trên phân tích suất đầu tư khoảng 34 triệu USD/km đường sắt tốc độ cao, là suất đầu tư chung của thế giới.
Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, quá trình nghiên cứu không nhận được đề xuất, báo cáo nghiên cứu nào cho phương án đầu tư 26 tỷ USD. Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được trình mới phát sinh đề xuất phương án trên, Bộ KH-ĐT có cơ sở tính toán, nghiên cứu nào để đưa ra con số 26 tỷ USD. Việc đưa ra tổng mức đầu tư cần phải có căn cứ, dựa trên nghiên cứu, phân tích cụ thể và có sự phản biện. Bộ GTVT sẽ xem xét khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
BẢO VÂN - BÍCH QUYÊN
Theo SGGP
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khó cạnh tranh với máy bay giá rẻ Không ai làm đường sắt tốc độ cao với tuyến dài 1.500km như Việt Nam vì giá vé đắt, khó cạnh tranh với máy bay giá rẻ. Theo tờ trình Thủ tướng về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Bộ GTVT, tuyến đường dài hơn 1.500km, đường sắt đôi khổ ray...