Chuyên gia Ukraine khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế trong vấn đề ở Biển Đông
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, nhân dịp 5 năm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye ( Hà Lan) ra phán quyết về vấn đề Biển Đông (ngày 12/7/2016), chuyên gia Sergey Tolstov, Giám đốc Viện Phân tích chính trị và nghiên cứu quốc tế có trụ sở ở Kiev (Ukraine) đã có bài viết đề cao vai trò của luật pháp quốc tế và ý nghĩa phán quyết của PCA trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tàu Cảnh sát biển 8001 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 – Việt Nam) làm nhiệm vụ tại khu vực nhà giàn DK1/15 thuộc cụm Phúc Nguyên. Ảnh minh họa: Lâm Khánh/TTXVN
Trong bài phân tích đăng trên báo “Porady” của giới luật sư Ukraine, chuyên gia Sergey Tolstov nêu rõ PCA đã đưa ra phán quyết rõ ràng về yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích ở Biển Đông. Cụ thể, PCA đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên ở Biển Đông trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc không thể nêu yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cũng như không có “quyền lịch sử” để tuyên bố chủ quyền đối với hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực này.
Về ý nghĩa của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, chuyên gia Sergey Tolstov nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp quốc tế đã gây sự bất ổn về an ninh tại khu vực.
Theo chuyên gia này, “các bên cần tự nguyện tuân thủ UNCLOS và phán quyết của PCA”. Chuyên gia Ukraine khẳng định trong bối cảnh hiện nay, bước đi tích cực là việc các bên có thể thảo luận để tiến tới ký Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), theo đó coi trọng việc đảm bảo tự do hàng hải.
Nga bác cáo buộc mô phỏng tấn công tàu chiến Hà Lan
Nga tuyên bố tiêm kích Su-30 áp sát chiến hạm Evertsen nhằm ngăn hành động xâm phạm biên giới chứ không "mô phỏng tấn công" như Hà Lan cáo buộc.
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay công bố video tiêm kích đa năng Su-30SM áp sát tàu hộ vệ HNLMS Evertsen của Hà Lan trên Biển Đen, khẳng định các máy bay luôn duy trì khoảng cách an toàn với tàu chiến và tuân thủ luật pháp quốc tế.
"Tàu chiến Evertsen di chuyển trên vùng biển quốc tế hôm 24/6, nhưng sau đó đổi hướng và tiến về phía eo biển Kerch. Các tiêm kích được triển khai để ngăn chiến hạm này xâm phạm biên giới Nga. Tàu hộ vệ Hà Lan đã nhanh chóng chuyển hướng sau khi chiến đấu cơ Nga tiếp cận", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn viết.
Tiêm kích Su-30SM Nga áp sát tàu hộ vệ Evertsen hôm 24/6. Video: Bộ Quốc phòng Nga .
Bộ Quốc phòng Hà Lan trước đó cáo buộc tiêm kích Nga trang bị bom và tên lửa dẫn đường đã liên tục quấy rối tàu Evertsen trong nhiều giờ vào ngày 24/6. "Họ gây nguy hiểm khi bay thấp và ở khoảng cách gần, thực hiện các đòn tấn công mô phỏng. Hệ thống điện tử trên tàu Evertsen cũng bị gián đoạn hoạt động trong thời gian này", quân đội Hà Lan cho hay.
Hình ảnh do Hà Lan công bố cho thấy các biên đội tiêm kích Su-30SM Nga bay ở khoảng cách gần, trong đó một số phi cơ mang theo tên lửa diệt hạm Kh-31. Bộ Quốc phòng Hà Lan không cho biết vị trí diễn ra cuộc chạm trán, nhưng khẳng định tàu chiến Evertsen khi đó đang di chuyển ở vùng biển quốc tế ở phía tây nam bán đảo Crimea.
HNLMS Evertsen là tàu hộ vệ phòng không và chỉ huy thuộc lớp De Zeven Provincien hiện đại nhất của Hà Lan.
HNLMS Evertsen và HMS Defender thuộc biên chế nhóm tác chiến tàu sâu bay Queen Elizabeth của Anh đang thực hiện hành trình dự kiến kéo dài 28 tuần qua Địa Trung Hải, Biển Đỏ, Ấn Độ Dương, Biển Đông rồi tới Thái Bình Dương. Hai chiến hạm tách đội hình, tiến vào Biển Đen hôm 14/6 để làm nhiệm vụ riêng.
Cuộc chạm trán giữa hộ vệ hạm Hà Lan và tiêm kích Nga xảy ra chỉ một ngày sau khi tàu khu trục Anh HMS Defender tiến vào vùng biển 12 hải lý quanh bán đảo Crimea, khiến Nga triển khai nhiều tàu tuần tra và máy bay quân sự xua đuổi.
Vị trí bán đảo Crimea và eo biển Kerch. Đồ họa: Economist .
Các bên ở Myanmar cần ngừng ngay bạo lực, khôi phục lòng tin, bắt đầu đối thoại, hòa giải Ngày 18/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã họp và thông qua Nghị quyết về tình hình ở Myanmar với 119 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 36 phiếu trắng. Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đại sứ Đặng Đình Quý. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ) Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng...