Chuyên gia Trung Quốc: Hai loại vaccine của nước này ít hiệu quả với biến thể Delta
Một nhà nghiên cứu trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 24/6 nhận định rằng kháng thể hình thành từ hai vaccine phòng COVID-19 của nước này ít hiệu quả với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế giới thiệu về vaccine cho người tiêm tại một cơ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết biến thể Delta (B.1.617) vốn phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và nay đã lan truyền đến nhiều nơi trên thế giới.
Cựu Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CDC) Feng Zijian khi trả lời phỏng vấn kênh CCTV tuy không nêu chi tiết tên của hai loại vaccine phòng COVID-19 nhưng có đề cập đây là vaccine sống giảm độc lực. Ông cho biết những vaccine này ít hiệu quả chống lại Delta hơn so với các biến thể khác tuy nhiên việc tiêm vaccine vẫn đem lại khả năng bảo vệ cơ thể.
Video đang HOT
Có tới 5 trong tổng số 7 vaccine Trung Quốc phát triển và điều chế đồng thời được đưa vào chương trình tiêm đại trà là vaccine sống giảm độc lực. Trong đó có các vaccine do hãng dược Sinovac Biotech sản xuất.
Biến thể Delta đã xuất hiện trong các ca mắc COVID-19 mới tại 3 thành phố ở miền Nam tỉnh Quảng Đông. Có tới 85% các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Quảng Đông được ghi nhận ở thủ phủ Quảng Châu.
Ông Feng nêu rõ: “Trong đợt bùng phát dịch tại Quảng Đông, những trường hợp từng tiêm vaccine đều không rơi vào tình trạng sức khỏe biến chuyển xấu”.
Thụy Sĩ cảnh giác với nguy cơ từ biến thể Delta
Ngày 25/6, ông Christoph Berger, người đứng đầu Ủy ban Liên bang về Tiêm chủng của Thụy Sĩ, cảnh báo nguy cơ từ biến thể Delta, song cũng cho rằng người dân không nên quá lo ngại vào thời điểm này.
Hiện Chính phủ Thụy Sĩ đang theo dõi hết sức chặt chẽ sự lây nhiễm của biến thể Delta trong bối cảnh tiêm chủng vẫn chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng.
Biến thể Delta có thể chiếm tới 90% ca mắc COVID-19 mới tại EU vào cuối tháng 8/2021. Ảnh: dw.com
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ông Berge khẳng định Thụy Sĩ đã chuẩn bị kỹ lưỡng ứng phó cho biến thể Delta của COVID-19 được biết là dễ lây lan hơn những biến thể khác, nhưng những người tiêm vaccine đầy đủ được bảo vệ gần như 90%.
Ông Berger cũng nhấn mạnh rằng tình hình ở Thụy Sĩ khác với Anh, nơi biến thể Delta đã trì hoãn kế hoạch nới lỏng các hạn chế. Các nhà chức trách Anh đã tiêm phòng cho nhiều người càng nhanh càng tốt với một liều, có lẽ là điều đúng đắn nên làm vào thời điểm đó, nhưng hiện nay mọi người cần được bảo vệ bằng hai mũi tiêm.
Biến thể Delta đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch ở 1 số quốc gia nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 2% các trường hợp dương tính ở Thụy Sĩ. Bà Virginie Masserey, người đứng đầu bộ phận kiểm soát nhiễm trùng tại Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang, thừa nhận rằng sự lây lan của biến thể Delta phải được làm chậm lại trong thời gian cần thiết để tiêm chủng cho người dân.
Trên cơ sở diễn biến tích cực tình hình kiểm soát dịch bệnh, Hội đồng liên bang Thụy Sĩ ngày 23/6 đã quyết định tiếp tục nới lỏng mạnh hơn dự kiến trước đó các biện pháp hạn chế xã hội và quy định nhập cảnh Thụy Sĩ. Chính phủ Thụy Sĩ nhận định các bước nới lỏng trước đó từ 19/4 và 31/5 đã không có tác động tiêu cực. Tình hình dịch bệnh diễn biến khả quan với số ca nhiễm mới, ca nhập viện đều giảm mạnh. Khoảng 50% dân số trưởng thành sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 6/2021.
Việc triển khai tiêm chủng vẫn tiếp tục trên toàn quốc nhưng đã chậm lại. Tổng cộng, 7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm từ cuối tháng 12 đến ngày 23/6. Hơn 32% dân số được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi và gần 17% người dân đã được tiêm 1 liều. Chỉ còn lại khoảng 51% dân số Thụy Sĩ chưa được tiêm phòng.
Biến thể Delta đe dọa triển vọng phục hồi châu Âu Biến thể Delta lây lan khắp châu Âu, làm tăng nguy cơ bùng dịch và trì hoãn kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực. Dịch khiến Bồ Đào Nha phải phong tỏa thủ đô Lisbon vào cuối tuần trước. Ở Đức, các nhà khoa học cho rằng chủng Delta sẽ chiếm ưu thế trong những tháng...