Chuyên gia: Thương chiến Mỹ-Trung tạo thêm sức ép cho đà giảm tốc kinh tế Trung Quốc
Chuyên gia cho rằng thương chiến Mỹ-Trung đang tạo thêm sức ép cho đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện từ vài năm trước.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc mới đây công bố số liệu chính thức của nền kinh tế nước này, theo đó mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý II/2019 chỉ đạt 6,2% – mức thấp nhất trong 27 năm qua. Mặc dù con số này vẫn nằm trong biên độ tăng trưởng từ 6-6,5% mà chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2019, nhưng nó cho thấy rõ cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm qua với Mỹ đã gây nhiều áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc.
“Các điều kiện kinh tế vẫn còn phức tạp và khắc nghiệt ở trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, những bất ổn bên trong và bên ngoài đang gia tăng, sự phát triển không cân đối và không đầy đủ ở trong nước vẫn còn gay gắt, và nền kinh tế đang chịu áp lực đi xuống mới” – phát ngôn viên Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc Mao Sheng Yong cho biết.
Bình luận về những số liệu mới công bố của nền kinh tế Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định trên trang Twitter cá nhân, những chính sách thuế của Mỹ đang khiến hàng nghìn doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay xuống còn 6,2%.
Giải thích cho sự tăng trưởng thấp của nền kinh tế Trung Quốc, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.
“Trước hết là nguyên nhân chủ quan: Đây là kết quả của nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc từ bên trong. Mục tiêu quan trọng nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế mà Trung Quốc theo đuổi là làm sao giảm nợ và giảm dư thừa. Để giảm được nợ thì những chính sách kích thích kinh tế sẽ phải hướng nhiều hơn đến chính sách tài khóa, chứ không chỉ sử dụng chính sách tiền tệ nhiều như trước nữa và nó khiến cho đồng vốn chảy vào nền kinh tế sẽ không ồ ạt như trước đây” – chuyên gia nhận định.
Điều này lý giải vì sao trong nửa đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc chỉ ở mức 12,5% – rất thấp so với con số khoảng 20% một vài năm trước, đồng thời kéo theo sản xuất công nghiệp của Trung Quốc xuống mức thấp nhất (tăng trưởng 5% trong 6 tháng đầu năm 2019). Đi kèm với đó là đầu tư vào tài sản cố định (chỉ số phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào tương lai) cũng ở mức rất thấp – chỉ khoảng 6%.
Video đang HOT
Về nguyên nhân khách quan, theo TS. Thành, đó là cuộc chiến thương mại với Mỹ.
“Thương chiến đã làm thay đổi nền kinh tế Trung Quốc theo hướng tiêu cực, dẫn đến những nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế từ bên ngoài (giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu) bị đảo lộn. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn cao như nửa đầu năm ngoái, nhưng nhập khẩu giảm rất mạnh. Từ đó cho thấy cách ứng phó của Trung Quốc hiện nay đang là cố gắng thúc đẩy xuất khẩu. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng bên ngoài nền kinh tế nước này” – TS. Thành cho biết.
Đồng ý với quan điểm trên, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia, nhấn mạnh thương chiến Mỹ-Trung đang tạo thêm sức ép cho đà giảm tốc đã xuất hiện từ vài năm trước ở Trung Quốc, đồng thời vẫn sẽ là sức ép cho đà tăng trưởng của nước này trong tương lai.
“Liên quan tới thương chiến, đó là những tác động từ góc độ đầu tư nước ngoài, góc độ công nghệ – những yếu tố đảm bảo cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong dài hạn. Trung Quốc đang gặp phải không ít khó khăn liên quan tới các yếu tố này. Do đó, điều đáng lo ngại hơn với Trung Quốc hiện giờ chính là sự giảm tốc kéo dài trong tương lai” – chuyên gia kinh tế nhận định.
Tàu container hàng cập cảng Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: NBC News)
Theo TS. Thành, dường như ban đầu Trung Quốc đã bị động với thương chiến. “Họ không nghĩ rằng thương chiến có thể kéo dài như vậy và chính sách từ phía Mỹ lại cứng rắn như thế. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh chủ động hơn và họ có các gói giải pháp tương đối toàn diện trên cả 4 khía cạnh của đời sống Trung Quốc” – chuyên gia nói.
Đầu tiên, về mặt chính trị, Trung Quốc đang làm rất kỹ càng và nhiều tầng nấc, để làm sao tạo ra tâm lý chuẩn bị cho tất cả người dân về việc sẽ phải “trường kỳ kháng chiến” trong cuộc xung đột này. Trong lãnh đạo nội bộ, Bắc Kinh cũng cho thấy có sự chuẩn bị, thể hiện qua số lần họp của Bộ Chính trị liên quan đến vấn đề này. Tiếp đến, Trung Quốc điều chỉnh cách tuyên truyền với các sáng kiến lớn của mình, đặc biệt là “Made in China 2025″.
Về mặt kinh tế, các gói kích thích kinh tế lớn được tung ra. Từ năm ngoái đến nay, có tổng cộng 3.700 tỷ Nhân dân tệ đã được sử dụng thông qua tài khóa để kích thích nền kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là Nga và các nước nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đồng thời quay lại với chiến lược “Đại khai phá miền Tây” để làm sao khai thác thêm thị trường 350 triệu dân ở trong nước.
Về mặt xã hội, Trung Quốc ưu tiên tạo thêm nhiều việc làm. Và đặc biệt, về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang dùng chiến thuật đàm phán nhằm tìm kiếm thêm thời gian để Trung Quốc có thể chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi với Mỹ.
Xung đột thương mại Mỹ-Trung nổ ra từ tháng 7/2018, khi Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó là chuỗi những hành động trả đũa lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Washington. Nhiều vòng đàm phán đã được tổ chức nhưng chưa đạt được thỏa thuận làm giảm căng thẳng thương mại.
Cuối tháng 6 vừa qua, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại đàm phán và hoãn áp thuế bổ sung. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không có thời hạn đình chiến cụ thể nào được thiết lập, các mức thuế hiện hành được áp đặt trước đó vẫn được áp dụng, và cả hai bên vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong việc đi đến chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài từ giữa năm ngoái.
VĂN ĐỨC
Theo VTC
Tăng trưởng GDP Trung Quốc thấp nhất trong 27 năm, ông Trump 'tranh công'
Ông Trump khẳng định các biện pháp thuế quan của Mỹ với Trung Quốc đang hoạt động, khiến tăng trưởng GDP của Bắc Kinh thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng tác động tới từ các biện pháp bảo hộ của ông đang gây ra một cuộc "di cư" của các công ty muốn rời bỏ Trung Quốc để không phải chịu thuế, nhấn mạnh rằng hành động cứng rắn của ông đã buộc các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNP)
"Hàng ngàn công ty đang rời đi. Đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn tiến tới một thỏa thuận với Mỹ và ước đã không phá vỡ thỏa thuận ban đầu. Còn chúng tôi thì lại đang nhận được hàng tỷ USD từ thuế quan áp đặt lên Trung Quốc và có thể là nhiều hơn trong thời gian tới. Các khoản thuế này do người Trung Quốc trả chứ không phải là người nộp thuế ở Mỹ", ông Trump viết trên Twitter.
Tuyên bố này được vị Tổng thống Mỹ đưa ra sau khi Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc giảm từ 6,4% trong quý đầu tiên xuống 6,2% trong quý II, thấp nhất trong vòng 27 năm qua do ảnh hưởng của cuộc thương chiến với Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng gấp 4 lần so với Mỹ và mức thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đang đánh vào chính người Mỹ.
"Thuế được trả bởi các nhà nhập khẩu, trong trường hợp này là những người nộp thuế ở Mỹ", chuyên gia kinh tế Trevor Greetham cho hay.
Con số 6,2% nằm trong phạm vi dự đoán mục tiêu tăng trưởng của chính phủ Trung Quốc (từ 6,0% - 6,5%). Bắc Kinh trong năm nay đưa ra nhiều biện pháp để thúc đẩy kinh tế nhưng chưa thể bù đắp sự suy giảm trong nước và nước ngoài mà nguyên nhân phần nhiều xuất phát từ chiến tranh thương mại với Mỹ.
(Nguồn: The Guardian)
SONG HY
Theo VTC
TQ nhận ra điều gì từ thương vụ Mỹ bán vũ khí 2,2 tỉ USD cho Đài Loan? Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định cam kết đảm bảo an ninh và cải thiện năng lực phòng vệ cho Đài Loan bằng hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 2,2 tỉ USD, bất chấp sự tức giận của Trung Quốc. Ông Trump đã thể hiện rõ lập trường của Mỹ về vấn đề Đài Loan. Tờ SCMP...