Chuyên gia tâm lý: “Chúng ta không đánh sếp nếu bực tức nhưng lại đánh con vì biết đó là đối tượng không có khả năng tự vệ”
“Người lớn luôn có quyền lựa chọn ra đi hay ở lại khi một mối quan hệ có dấu hiệu bạo lực, nhưng trẻ con thì không thể”, chuyên gia tâm lý nói.
- Chuyên gia tâm lý trẻ em Alicia Vũ (Quỳnh), hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh. Chị là người theo đuổi dự án với những câu chuyện của các nhân vật có thật, liên quan đến những tổn thương thời thơ ấu và ảnh hưởng của nó lên quá trình họ trở thành cha mẹ.
- Quan điểm: “Khi cha mẹ ổn, tự họ sẽ tìm ra cách phù hợp để nuôi dưỡng con cả về thể chất cũng như tinh thần”.
Người lớn có quyền lựa chọn ra đi hay ở lại khi có dấu hiệu bạo lực, nhưng trẻ con thì không thể
- Từ vụ bé gái 8 tuổi bị “mẹ kế” bạo hành đến chết, theo chị có phải người ta chỉ nhân danh tình yêu để dạy dỗ 1 đứa trẻ bằng đòn roi, chứ thực ra đó là 1 sự bất lực trong giáo dục trẻ em?
Có thể phụ huynh sẽ cảm thấy đụng chạm nhưng thực tế đúng là như vậy. Có một điểm mình muốn làm rõ ở đây, đó là sự bất lực này không đến từ đứa trẻ. Hành động xuống tay đánh trẻ thể hiện nỗi sợ mất quyền kiểm soát tình hình của người lớn.
Chúng ta không đánh sếp, không đánh đồng nghiệp, không đánh hàng xóm nếu chúng ta tức giận hay nếu họ trái ý ta. Chúng ta đánh con, trút giận lên chúng vì chúng ta biết đó là đối tượng không có khả năng tự vệ, cũng không có khả năng rời bỏ mối quan hệ này. Nếu thật sự đòn roi thể hiện tình yêu, tại sao bạn không đánh cha mẹ để thể hiện tình yêu với họ?
Bạn thấy đấy, con trẻ không bao giờ muốn làm tổn thương cha mẹ mình ngay cả khi bất mãn với họ. Chỉ có cha mẹ luôn nhân danh tình yêu để làm tổn thương con cái thôi. Người lớn luôn có quyền lựa chọn ra đi hay ở lại khi một mối quan hệ có dấu hiệu bạo lực, nhưng trẻ con thì không thể. Chúng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chịu tổn thương.
- Chúng ta cần nhìn lại về khái niệm những đứa trẻ bị gọi là hư đốn, cứng đầu… như thế nào?
Các cụ có câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nghĩa là vốn con người sinh ra đều mang tính thiện và hướng thiện. Trẻ con đứa nào cũng mong mình trở thành trẻ ngoan, chẳng đứa nào cố tình “hư đốn” cả. Nếu trẻ có hành vi chưa phù hợp, đó là do nhận thức trẻ chưa hoàn thiện và chưa có đủ kinh nghiệm cư xử trong thế giới người lớn. Trẻ không cố tình trở nên hư đốn và cứng đầu để gây khó dễ cho cha mẹ.
Trước hết, chúng ta nên ngừng gắn nhãn trẻ là hư đốn, thay vào đó hãy hiểu rằng đó chỉ là hành vi chưa phù hợp. Hành vi chưa phù hợp thì điều chỉnh và hướng dẫn, không phải là trừng phạt. Giáo dục không bao giờ đồng nghĩa với trừng trị. Cần tách bạch giữa hành vi chưa phù hợp và bản chất của một con người. Hành vi chưa phù hợp không có nghĩa là đứa trẻ hư đốn.
Thứ hai, từng cha mẹ hãy nghiêm túc định nghĩa lại “hư đốn” là như thế nào? Một đứa trẻ 2 tuổi khóc khi không lấy được món đồ mình muốn, hay một đứa trẻ 8 tuổi không tập trung vào bài học không thể gọi là hư đốn mà ở tuổi đó, khả năng của chúng chỉ có như vậy. Sự trừng phạt chỉ gieo rắc nỗi sợ và uốn nắn hành vi bề nổi, chứ không thể giúp trẻ tốt lên từ tâm trí.
Video đang HOT
Giáo dục không bao giờ đồng nghĩa với trừng trị
- Nghiêm khắc và đòn roi khác nhau như thế nào, thưa chị?
Như mình đã trình bày ở trên, “giáo dục không bao giờ đồng nghĩa với trừng trị”. Chúng ta không cần đánh đập con trẻ mà vẫn có thể thể hiện được cái uy và sự nghiêm khắc. Sự nghiêm khắc đúng đắn phải xuất phát từ tình yêu và sự thấu hiểu, không phải từ mong muốn thuần phục hay để đạt được mục đích cá nhân.
Có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc “đánh một hai cái có sao đâu” hay “lúc cần vẫn phải đánh”. Vấn đề ở đây là nếu bạn cho mình quyền làm tổn thương trẻ khi trẻ sai, trẻ cũng cho người khác cái quyền đó hoặc cho phép bản thân làm tổn thương người khác khi họ sai (ví dụ như em nhỏ).
Sự nghiêm khắc đúng đắn thì không như thế. Nghiêm khắc chỉ đơn giản là thực hiện đúng những cam kết, quy định và thỏa thuận đã đề ra; dạy trẻ biết được hệ quả của hành động, đôi khi để trẻ tự lãnh chịu hệ quả đó, từ đó trẻ tự tìm cách điều chỉnh hành vi của mình, trao cho trẻ quyền quyết định và cơ hội sửa sai. Sự nghiêm khắc đúng đắn dạy trẻ biết tôn trọng các giới hạn của bản thân, của người khác, của xã hội mà không mất đi sự tử tế.
- Lời khai của bà “mẹ kế” cho biết việc bạo hành thường xảy ra khi học online tại nhà. Dù điều đó không thể bao biện, nhưng thực tế không ít cha mẹ cũng cảm thấy “tăng xông” khi kèm con học, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh việc học online trở thành cách học phổ biến. Chuyện đòn roi và cảnh nước mắt rơi trên trang vở cũng xảy ra, theo chị giải pháp cho chuyện này có thể là gì?
Trong hầu hết tình huống dẫn đến xung đột cha mẹ – con cái, nguyên nhân phần lớn đến từ sự kỳ vọng chưa phù hợp và áp lực không cần thiết. Ví dụ, trong bối cảnh các cháu đều học online, việc phụ huynh kỳ vọng con sẽ tập trung, nghiêm túc, tiếp thu và hiểu bài như đi học trên lớp là những kỳ vọng chưa phù hợp. Hay như áp lực các cháu phải đạt thành tích tốt như khi đi học trên lớp cũng là những áp lực không cần thiết.
Thực tế, học online ở nhà luôn khiến trẻ dễ mất tập trung, kết quả không cao như khi học trên lớp là điều bình thường. Hãy tin rằng cháu nào cũng thế, cháu nào không thế đều là số ít và là ngoại lệ xuất chúng thôi.
Chấp nhận thực tế và giảm bớt kỳ vọng sẽ tránh được những xung đột không đáng có.
Những đứa trẻ có tuổi thơ êm đẹp trưởng thành rất khác
- Đã từng có nhiều nghiên cứu về tâm lý trẻ em, theo chị ngoài vết thương về thể xác thì vết thương về tâm lý với những đứa trẻ bị đánh, mắng, thậm chí là bị bạo hành có những hậu quả như thế nào, thưa chị?
Trong dự án sách mình đang theo đuổi gần 1 năm qua, các nhân vật đều có tuổi thơ không mấy tốt đẹp. Tất cả họ đều là nạn nhân của bạo hành thể xác hoặc bạo hành tâm lý gia đình. Từng cá nhân, từng câu chuyện cụ thể lại thể hiện một ảnh hưởng khác nhau nhưng điểm chung là không có ảnh hưởng nào tích cực.
Bên cạnh những cá nhân bị hủy hoại cả cuộc đời mà xã hội dễ dàng nhìn thấy được, điều đáng sợ hơn là bên cạnh đó có vô vàn những đứa trẻ có tuổi thơ bị đòn roi, mắng chửi hay bạo hành tâm lý mà lớn lên có biểu hiện bề ngoài không khác gì những đứa trẻ có tuổi thơ êm đẹp. Họ vẫn lớn lên, học hành giỏi giang, thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, họ có thể mắc những rối loạn hay lệch lạc về tâm lý mà bản thân họ còn không biết.
Hiện nay có một tranh cãi không hồi kết trong các hội nhóm nuôi dạy con, đó là: “Ngày xưa mình cũng bị đánh suốt có sao đâu”. Vấn đề chính là ở chữ “có sao đâu” ấy. Khi một đứa trẻ bị đánh quá thường xuyên bởi người mà chúng yêu thương, chúng sẽ hình thành nên một nhận thức lệch lạc rằng bạo lực là biểu hiện của tình yêu, rằng chúng đáng bị như vậy, rằng những tổn thương của chúng là “chẳng sao cả”.
Những đứa trẻ đó khi lớn lên có thể tiếp tục chấp nhận là nạn nhân của bạo hành, hoặc trở thành kẻ bạo hành trong gia đình mà vẫn coi đó là chuyện bình thường. Dễ thấy nhất là những phụ huynh có tuổi thơ bị đòn roi đó vẫn cho rằng họ có quyền đánh đập con họ, ngay cả khi pháp luật đã ngăn cấm, đơn giản vì họ chưa từng được trải qua cách dạy dỗ nào khác tốt hơn.
Những đứa trẻ có tuổi thơ êm đẹp đều trưởng thành rất khác. Chúng có một thứ mà những đứa trẻ tổn thương không bao giờ có. Đó là một tâm hồn lành lặn và bản năng tự nhiên để tiếp tục gieo những hạt giống tốt ở đời sau mà không phải chật vật hay bế tắc. Những đứa trẻ đó lớn lên cũng dễ dàng bao dung, thông cảm và yêu thương người khác, biết ơn cuộc sống, y như cách mà chúng đã được lớn lên.
- Vậy giáo dục trẻ em theo chị cần lấy điều gì làm trọng yếu để cha mẹ có đường đi đúng?
Theo mình, điều quan trọng nhất để dẫn cha mẹ có lối đi đúng là phải luôn nhớ rằng: Con là một cá thể độc lập, con không thuộc quyền sở hữu của chúng ta, không phải chịu ơn chúng ta, không sống thay những ước mơ và mong muốn mà chúng ta không đạt được.
Đừng cho rằng mình có thể can thiệp vào cuộc đời con hay uốn nắn con thành phiên bản mình muốn. Đặc biệt, chúng ta không có quyền làm tổn thương trẻ cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta hãy nhớ mình chỉ là người đồng hành và giúp đỡ của con thôi.
Vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành: Cứ gào lên đòi công bằng nhưng nhận lại là những ánh nhìn coi thường, cười khẩy
Nếu cứ im lặng mãi thì không biết sẽ còn bao nhiêu cô bé, cậu bé phải chịu bất hạnh trong chính gia đình của mình.
Những ngày gần đây, câu chuyện đau lòng về cô bé 8 tuổi tử vong do bị mẹ kế bạo hành trong chính ngôi nhà của mình khiến dư luận vô cùng căm phẫn. Bé gái đã phải chịu những trận đòn roi, những lời mắng chửi, chịu đựng sự bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần trước khi vĩnh viễn ra đi. Và sự việc lần này chính là một hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người.
Mới đây, bà mẹ bỉm sữa Hằng Túi đã có những chia sẻ về sự việc trên trang cá nhân về lý do tại sao những người xung quanh cô bé dù biết chuyện nhưng không thể can thiệp.
"Tôi đã rất nhiều lần bị nhìn như 1 con điên, 1 bà điên vì nhiều chuyện. Thấy người ta quên chân chống, thấy ông bố 1 tay lái xe 1 tay ôm con, thấy em bé ngồi sau ngủ gật, thấy em bé hàng xóm 3 tuổi không ai trông đang đi trên sân thượng chưa có rào, thấy 1 bà giúp việc đang cáu chửi em bé nhỏ, thấy người ta đánh trẻ con, ra cấu thử xem những em bé nằm trên tay những người ăn xin có phải bị đánh thuốc mê không...
Tôi cứ gào lên, mắng loạn lên như việc của mình, rồi nhận lại những ánh nhìn coi thường, thậm chí cười khẩy! Có những lúc vì viết bài đòi công bằng cho ai đó, tôi còn bị doạ đủ thứ nhưng không hiểu sao chẳng thể im lặng được! Ai cũng bảo tôi là điên, hâm, hám fame... ôi tôi mặc kệ, tôi chỉ biết ở thời điểm đó, nếu tôi im lặng sẽ có 1 sinh linh bất hạnh, oan ức. Khi họ nguy hiểm hay tuyệt vọng chỉ một câu nói cũng có thể thay đổi được sự việc thì sao?", Hằng Túi chia sẻ.
Cô bé 8 tuổi trong vụ việc đau lòng.
Đáng sợ thứ nhất là sự lạnh giá của lòng người
Đồng tình với bà mẹ 6 con, một người khác bình luận: "Đọc những thông tin người ta biết rõ cháu bị đánh, bị hành hạ ngày đêm trong cả thời gian dài mà không làm gì giúp cháu, cứu cháu thì tôi thấy thật sự đáng sợ.
Đáng sợ thứ nhất bởi sự lạnh giá của lòng người. Người ta sợ va chạm, sợ ảnh hưởng đến sự bình yên của mình nên không dám, không thể có động thái hay có biện pháp gì để bảo vệ cháu.
Đáng sợ thứ 2 bởi sự vô tình, người có trách nhiệm ở nơi đó khi được báo tin nhiều lần cũng không báo cơ quan chức năng, bởi sợ phiền và quan trọng nhất chính là cho rằng sự tôn trọng gia đình khác là văn minh của nơi đó.
Đáng sợ nữa là cháu sống cùng bố cháu, bố cháu không thể không biết con mình bị đánh, nhưng im lặng đồng loã cho đến khi cháu bị đánh chết, đây chính là điều đáng sợ hơn cả, bởi đấy hẳn không phải là một người xem cháu là máu mủ, máu mủ không ai nỡ nhìn con mình bị hành hạ bởi một người khác!
Cứ nghĩ đến những lời kể của hàng xóm, nghe tiếng đánh đập la khóc ngày đêm từ năm ngoái đến năm nay. Bé con ơi, nguyện cho con đến được nơi vui tươi và hạnh phúc quên đi những tháng ngày sầu khổ trên cõi nhân gian này".
Những vết thương trên người bé gái khiến ai cũng căm phẫn.
Phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này xảy ra?
1. Nếu thấy có trường hợp bạo hành trẻ em nào, báo ngay cho ban quản lý tòa nhà và đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111. Đồng thời, nếu đang sống trong chung cư, hãy liên tục cập nhật, theo dõi hoặc giám sát. Cách tốt nhất là báo lên group chung của chung cư, thậm chí có thể là mạng xã hội, thông tin trên mạng sẽ được lan truyền nhanh hơn.
2. Theo dõi và cập nhật sự việc tới mọi người để xem tình trạng bạo hành của gia đình đó có được cải thiện hay không, đồng thời kêu gọi Ban quản trị, hàng xóm cùng những người có liên quan. Không để tình trạng bạo hành bị kéo dài.
3. Bản thân cùng mọi người trong xã hội cần kiên quyết nói không với bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực trẻ em. Cố gắng khuyên can hoặc gián tiếp khuyên can những người mình biết đang có dấu hiệu của bạo hành hoặc tìm mọi cách giúp đỡ họ. Đừng thờ ơ, vô tâm bởi biết đâu bạn đang giúp người khác có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Gửi Trang: Hành động "dạy dỗ" con chồng bằng roi mây, dù là dạy thật hay "dạy vờ" thì đều là cách giáo dục THẤT BẠI NHẤT! "Roi, vọt" theo nghĩa đen là cách giải quyết thiếu bình tĩnh, thiếu làm chủ cảm xúc, và mang cả sự bất lực của những bậc cha mẹ thiếu bản lĩnh. 19h45 ngày 22/12, cơ quan chức năng nhận tin báo từ một bệnh viện ở phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM) về ca cấp cứu một bé gái trong tình trạng hôn...