Chuyên gia sử học Campuchia đánh giá cao sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia đang chuẩn bị kỷ niệm trọng thể Ngày quân và dân Campuchia với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979-7/1/2024) – sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu sự hồi sinh của đất nước và nhân dân Campuchia sau những năm tháng tan thương dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, khiến hàng triệu người dân vô tội thiệt mạng.
Giáo sư sử học Sombo Manara trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Hoàng Minh/PV TTXVN tại Campuchia
Cách đây gần 45 năm, ngày 7/1/1979, lực lượng vũ trang tập hợp những người yêu nước dưới ngọn cờ Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia, cùng sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào giải phóng Phnom Penh, lật đổ chế độ Pol Pot, giải cứu kịp thời hơn 5 triệu nạn nhân của chế độ diệt chủng tàn bạo chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư sử học Sombo Manara thuộc Đại học Panasastra Campuchia cho rằng khi nói về Chiến thắng 7/1/1979 là nói về sự kiện trọng đại đối với đất nước, con người Campuchia. Trong quãng thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày, họa diệt chủng đã khiến Campuchia mất đi sức mạnh dân tộc, mất đi nền tảng nguồn lực quốc gia, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế và mọi thứ gần như trở về con số 0.
Theo Giáo sư Sombo Manara, trong tận cùng nỗi sợ hãi, không một người dân nào ở Campuchia dám nghĩ và mơ tới một ngày nào đó có thể thoát khỏi sự giết chóc, về quê nhà, đi làm việc. Lúc đó, họ chỉ có một suy nghĩ duy nhất là liệu có thể ngày sống tiếp đến ngày mai, ngày kia hay không. Chính vì vậy, ý nghĩa quan trọng của Chiến thắng 7/1/1979 là ngày người dân Campuchia biết rằng mình còn sống, thoát khỏi mưu toan bức hại khó tưởng tượng của Pol Pot nhằm vào giới trí thức, những người có năng lực, nhất là nguồn lực phát triển đất nước.
Video đang HOT
Từng là một nạn nhân sống sót từ chế độ diệt chủng Pol Pot, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Khmer Sombo Manara cho rằng đối với người dân Campuchia, ngày 7/1/1979 có ý nghĩa lịch sử, để những người còn sống được gặp lại anh em, họ hàng, thoát khỏi mưu toan bức hại thông qua các hình thức hành hạ, đàn áp của Pol Pot. Bên cạnh đó, là có tự do để thực hiện những phần việc của cuộc đời mình, để lại được sống, được học hành và làm việc.
Giáo sư Sombo Manara nhấn mạnh khi đề cập đến Chiến thắng 7/1/1979, không thể không nói đến vai trò của quân tình nguyện Việt Nam trong công cuộc đánh đổ chế độ diệt chủng ở Campuchia cách đây gần nửa thế kỷ, cũng như quá trình gắn bó, kề vai sát cánh với quân đội và nhân dân Campuchia trong công cuộc tái thiết đất nước và ngăn chặn mưu toan quay lại cầm quyền của tàn quân Pol Pot.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Giáo sư Sombo Manara đề cao giá trị cao cả đối với vai trò của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam ở thời điểm đó, trong việc phụng sự lợi ích của quốc gia và tinh thần nhân đạo, giải cứu người dân Campuchia khỏi bị giết hại bởi chế độ diệt chủng. Ông nêu rõ: “Đó là những giá trị mà chúng ta đã chia sẻ với nhau từ thời chống Pháp. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã lưu tâm, suy nghĩ, tìm cách giải quyết vấn đề ở quốc gia láng giềng này, giúp thoát khỏi nạn diệt chủng. Thế nên, khi có hoạt động huy động, kêu gọi đều được hưởng ứng, tham gia”.
Vị Giáo sư thuộc Đại học Panasastra Campuchia chia sẻ nhiều góc nhìn khá mới mẻ về sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước ông cách đây gần nửa thế kỷ. Đánh giá cao nghĩa vụ tình nguyện và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, Giáo sư Sombo Manara đi sâu phân tích và nhấn mạnh ý nghĩa của cụm từ “Bộ đội tình nguyện Việt Nam” theo cách gọi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, có nghĩa là đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người khác và cộng đồng một cách tự nguyện, bằng ý chí và trái tim, không suy tính gì đến chuyện đền đáp.
Ông khẳng định: “45 năm qua chúng ta luôn luôn dùng từ “Bộ đội tình nguyện Việt Nam”. Nói tới chữ “tình nguyện” nghĩa là không yêu cầu đền đáp gì cả. Trong tiếng Khmer cũng như ngôn ngữ nước ngoài, từ “tình nguyện” đều mang ý nghĩa đề cao giá trị đạo đức xuất phát từ trái tim”.
Theo Giáo sư Sombo Manara, cần đề cao giá trị đạo đức, giá trị nhân đạo của “Bộ đội tình nguyện Việt Nam” trong hỗ trợ nhau và cần tăng cường điều đó hơn nữa cho hành trình phát triển tương lai, vì sự chung sống hòa hợp của quốc gia.
Campuchia dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang và xét nghiệm nhanh COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, từ chiều 19/4, người dân ở Vương quốc Campuchia không phải đeo khẩu trang tại các cuộc gặp mặt, hội họp dưới mọi hình thức, cũng như không phải thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi tham gia các buổi lễ, hội nghị như quy định trước đây.
Người dân Campuchia thực hiện nghi thức sớt bát trong dịp Tết cổ truyền năm 2023 tại chùa Preah Vihear Sour (xã Preah Vihear Sour, huyện Khsach Kandal, tỉnh Kandal).
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết sau khi kết thúc Tết cổ truyền của người dân nước này, Chính phủ Hoàng gia nhận thấy COVID-19 không còn lây lan.
Qua đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát lại các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn mới và đưa ra quyết định bãi bỏ quy định đeo khẩu trang tại các cuộc gặp mặt, hội họp dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen cho rằng người dân Campuchia vẫn có thể đeo khẩu trang nếu muốn.
Liên quan việc dỡ bỏ quy định xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi tham gia các cuộc hội họp dưới mọi hình thức, Thủ tướng Hun Sen cho rằng mỗi người dân có thể chọn thực hiện xét nghiệm nhanh theo ý muốn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia vẫn kêu gọi toàn thể người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn; đồng thời yêu cầu Bộ Y tế nước này tiếp tục phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng khuyến khích những người có triệu chứng nghi ngờ cần tuân thủ biện pháp "3 không, 3 phòng", tự xét nghiệm nhanh COVID-19 và theo dõi sức khỏe bản thân, tiếp tục đeo khẩu trang, duy trì việc rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách với người khác và không đến những nơi tụ tập đông người, địa điểm có không gian kín.
Sau khi tái khởi động các hoạt động kinh tế, xã hội từ cuối năm 2021 đến nay, Vương quốc Campuchia tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19 với tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cao cho người dân từ 3 tuổi trở lên, chiếm hơn 95,5% dân số, tính đến trung tuần tháng 4 này.
Nhờ vậy, sau nhiều năm không được hưởng không khí đón Năm mới theo nghi thức truyền thống, người dân Campuchia có cơ hội đón Tết cổ truyền năm 2023 trọn vẹn trong ba ngày từ ngày 14 - 16/4 với các hoạt động lễ hội diễn ra ở các ngôi chùa và các tụ điểm vui chơi giải trí trên phạm vi toàn quốc, thu hút trên 13 triệu lượt du khách nội địa và quốc tế.
Theo nhận định của Bộ Du lịch Campuchia, trong dịp Tết cổ truyền 2023 vừa qua, các điểm đến du lịch ở quốc gia Đông Nam Á này đã thu hút lượng du khách tăng đột biến ngoài dự kiến, thậm chí đông hơn thời điểm trước dịch COVID-19, xuất phát từ niềm tin của người dân vào khả năng miễn dịch cộng đồng đối với dịch COVID-19.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế Campuchia, sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền vừa qua, trong ba ngày từ ngày 17 - 19/4 không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào ở quốc gia Đông Nam Á này.
Campuchia kỷ niệm 44 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong những ngày qua, nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp trung ương, địa phương và người dân Campuchia trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 44 năm "Chiến thắng 7/1", sự kiện đánh dấu thắng lợi lịch sử vào ngày 7/1/1979, ngày lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot,...