Chuyên gia: Rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ có thể tăng hiện diện ở Biển Đông
Giới phân tích cho rằng Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông sau khi rút quân khỏi Afghanistan, nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.
Các máy bay tạo thành đội hình phía trên hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tại Biển Đông vào tháng 7/2020 (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Báo Business World (Philippines) dẫn lời Renato C. de Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle, nhận định việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một “sự rút lui” chiến lược nhằm giải phóng năng lực của Mỹ trong việc cạnh tranh với các đối thủ như Trung Quốc và Nga.
“Mỹ đã nhận ra rằng việc ở lại Afghanistan không mang lại bất kỳ lợi ích nào. Họ đã bỏ rất nhiều tiền mà không thu lại được gì”, ông De Castro nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Bạn sẽ làm gì khi nhận ra rằng khoản đầu tư của mình không thu được lợi nhuận? Bạn phải rút lui. Điều này được gọi là rút lui chiến lược”, ông De Castro nói thêm.
Theo ông De Castro, Mỹ đã “dành quá nhiều nguồn lực cho Afghanistan và những nguồn lực này phải được cắt giảm vì họ có những ưu tiên khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Nhà phân tích cho rằng Mỹ hiện có thể tập trung vào các vấn đề chính sách đối ngoại cấp bách hơn, bao gồm vấn đề Biển Đông.
Ông De Castro nói rằng Philippines có thể kỳ vọng Mỹ triển khai thêm tàu tuần tra ở Biển Đông, đồng thời giúp quốc gia Đông Nam Á tăng cường lực lượng hải quân.
“Trọng tâm của Mỹ sẽ là ở khu vực này. Họ sẽ dành cho chúng ta nhiều sự quan tâm hơn. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều nguồn lực hơn từ họ”, ông De Castro nhận định.
Video đang HOT
Theo Victor Andres Manhit, chủ tịch một tổ chức tư vấn chính sách tại Philippines, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cho thấy mức độ nghiêm túc của Mỹ trong việc đối mặt với các thách thức an ninh từ các cường quốc trong khu vực. Ông Manhit cho rằng việc Mỹ tập trung vào mục tiêu kiểm soát các nhóm cực đoan tại Afghanistan đã tạo cho Trung Quốc “không gian để trỗi dậy ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
“Việc rút quân khỏi Afghanistan là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tập trung vào những thách thức chiến lược cốt lõi, đặc biệt là những thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Joe Biden coi là quan trọng hơn”, chuyên gia Manhit nhận định.
Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan thân Mỹ và khiến thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban, đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về mức độ tin cậy của Mỹ trong cam kết với các đồng minh, bao gồm Philippines.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Đài Loan rằng, Mỹ sẽ không sát cánh với Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị Bắc Kinh tấn công.
“Họ không thể tin tưởng vào Washington, vì Afghanistan không phải là nơi đầu tiên mà Mỹ bỏ rơi đồng minh của mình, và cũng sẽ không phải là nơi cuối cùng”, Thời báo Hoàn cầu bình luận.
Robin Michael Garcia, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng Philippines khó có thể trở thành Afghanistan tiếp theo vì lợi ích của họ “rất phù hợp với lợi ích của Mỹ”.
“Lợi ích thực tế của Mỹ sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu. Đó là một thực tế trong chính trị quốc tế”, ông Garcia nói.
Theo giáo sư Garcia, Philippines vẫn có thể trông cậy vào việc đảm bảo an ninh từ Mỹ trong vấn đề Biển Đông, vì đây là tuyến giao thương trên biển quan trọng.
“Mỹ luôn kêu gọi một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, đặc biệt là kêu gọi tự do hàng hải, vì sự kìm hãm thương mại ở khu vực này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận họ kiếm được. Rõ ràng là ở Biển Đông, lợi ích của Mỹ là rất lớn vì liên quan đến thương mại”, ông Garcia cho biết.
Ông Garcia cho rằng khó có thể so sánh hành động của Mỹ ở Trung Đông hoặc ở Afghanistan với hành động của nước này ở châu Á.
“Lợi ích của Mỹ rất phù hợp với lợi ích của các nước Đông Á và Đông Nam Á”, chuyên gia Garcia nhận định.
Vì sao Trung Quốc kêu gọi không gây sức ép quá mạnh với Taliban?
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo việc gây sức ép quá mạnh với Taliban có thể sẽ phản tác dụng, trong bối cảnh Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư vào Afghanistan.
Một tay súng Taliban ở thủ đô Kabul (Ảnh: AP).
Các quan chức Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, các công ty nước này sẵn sàng "cung cấp sự đầu tư thực chất và hỗ trợ kỹ thuật" sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt nghiêm trọng của phương Tây nhằm vào Afghanistan có thể gây nguy hiểm cho kế hoạch của họ.
Các nước phương Tây bắt đầu áp lệnh trừng phạt lên Taliban, bao gồm quyết định đóng băng 9,5 tỷ tài sản của chính quyền Afghanistan tại các tổ chức ở Mỹ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 20/8 đã cảnh báo người đồng cấp Anh Dominic Raab rằng việc gây sức ép quá mạnh với Taliban có thể sẽ phản tác dụng.
Bắc Kinh đã đặt hy vọng vào việc có thể tác động lên Taliban để thành lập một chính phủ ôn hòa và ổn định tại Afghanistan với cam kết hội nhập kinh tế khu vực. Báo chí phương Tây đã có những bài viết về kho khoáng sản trị giá 1.000 tỷ USD chưa được khai thác của Afghanistan và việc Bắc Kinh quan tâm tới những mỏ đất hiếm giá trị tại quốc gia Trung Á này. Ngoài ra, Trung Quốc được cho là cũng đang tìm cách đưa Afghanistan vào quỹ đạo "Vành đai Con đường" của nước này.
Afghanistan không phải là một điểm đến mới đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng đối với Bắc Kinh, việc Mỹ rút quân, cùng với chiến thắng chớp nhoáng của Taliban, có lẽ đã tạo ra những điều kiện tốt nhất cho hòa bình ở nước này trong nhiều thập niên.
"Chúng tôi đã được hưởng lợi rất nhiều từ các kế hoạch kinh doanh của mình ở Afghanistan trong 5 năm qua và chúng tôi tin rằng hoạt động này sẽ hiệu quả hơn sau khi tình hình ổn định", Cassie, một công nhân Trung Quốc tại khu China Town ở thủ đô Kabul của Afghanistan, nơi đặt một số nhà máy của Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 24/8.
Yu Minghui, Giám đốc Ủy ban Xúc tiến Thương mại và Kinh tế Ả Rập Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng các doanh nhân Trung Quốc đã tạo dựng được rất nhiều thiện chí với người Afghanistan, bao gồm cả Taliban, đồng thời lưu ý rằng Taliban đã cam kết bảo vệ các nhà đầu tư vì "bất kỳ ai ở lại" Afghanistan sau khi NATO rút quân đều là "đang giúp đỡ người Afghanistan".
Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một số doanh nhân Trung Quốc cho biết họ tương đối "miễn nhiễm" với các lệnh trừng phạt của phương Tây, tuy nhiên nếu quan hệ giữa Afghanistan với Mỹ và Anh tiếp tục trở nên tồi tệ, nó có thể khiến việc đầu tư thêm rủi ro và khiến một số doanh nghiệp e ngại.
Qian Feng, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa, cho rằng có "một nghìn công việc đang chờ được thực hiện" ở Afghanistan mà Trung Quốc có thể đầu tư mạnh mẽ, bao gồm việc tái thiết và mở rộng hầu hết cơ sở hạ tầng, từ thông tin liên lạc đến giao thông, khai thác khoáng sản và nông nghiệp.
Người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen gần đây đã nói với Kênh Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc rằng đầu tư của Bắc Kinh tại Afghanistan sẽ được chào đón trong tương lai.
"Chúng tôi cần xây dựng lại đất nước của mình và tạo ra việc làm cho người dân", người phát ngôn Taliban cho biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, các hoạt động kinh doanh của họ "sẽ phù hợp với chiến lược quốc gia của Trung Quốc", trong đó quan tâm đến sự ổn định trước tiên.
Nhiều người cho rằng Bắc Kinh sẽ do dự đổ tiền vào Afghanistan, nơi có đường biên giới chung với Trung Quốc, ít nhất cho đến khi Taliban đưa ra một số kết quả cụ thể về những lời hứa của mình, bao gồm cam kết chấm dứt hỗ trợ cho nhóm khủng bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Bắc Kinh cáo buộc ETIM gây ra các cuộc tấn công bạo lực ở khu vực Tân Cương của nước này, tuy nhiên Taliban hứa sẽ không cho phép lực lượng nào sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để âm mưu chống lại Trung Quốc.
Khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 15/8, Bắc Kinh đã hối thúc lực lượng này thực hiện các chính sách tôn giáo ôn hòa và duy trì quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác.
Giới quan sát cho rằng mặc dù Bắc Kinh chưa công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, nhưng Trung Quốc coi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Taliban là yếu tố quan trọng cho các nỗ lực chống khủng bố của họ trong khu vực.
Dư luận Trung Quốc tranh cãi khi Bắc Kinh "chìa tay" với Taliban Cách tiếp cận dường như thực dụng với Taliban của Trung Quốc khi nhóm vũ trang này lên nắm quyền ở Afghanistan đã gây ra làn sóng tranh luận trong dư luận nước này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (bên phải) gặp phó thủ lĩnh Taliban Mullah Baradar Akhund tại Thiên Tân, Trung Quốc hôm 28/7 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)....