Chuyên gia phong thủy dự đoán tương lai Hong Kong
Khoảng cách giàu nghèo sâu hơn, có thể mất vị thế trung tâm tài chính, là một số dự đoán của các chuyên gia phong thủy về Hong Kong.
Đánh dấu 20 năm Hong Kong về với Trung Quốc, một số chuyên gia phong thủy đã áp dụng những lý thuyết của Đạo giáo về âm dương ngũ hành để dự đoán các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế trong tương lai của đặc khu hành chính này, theo SCMP.
Khoảng cách giàu nghèo sâu hơn
“Hong Kong sẽ biến thành ‘nhà đỏ đen’ khi lượng tiền đầu cơ không ngừng tràn vào còn nền kinh tế thực sự vẫn tiếp tục sụt giảm. Kết quả là khoảng cách giàu nghèo sẽ tiếp tục rộng hơn và chỉ người giàu mới sống nổi ở đây”, chuyên gia phong thủy nổi tiếng sinh năm 1967 Mạch Linh Linh dự đoán.
Theo bà Mạch, năm 2026 Hong Kong sẽ có biến chuyển mạnh mẽ, gây bất ổn thị trường bất động sản và chứng khoán.
“Vào kỷ niệm 60 năm Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (năm 2026), tôi lo ngại lịch sử sẽ tiếp tục lặp lại”, bà nói. Tuy nhiên, bà Mạch dự đoán mọi sự sẽ được cải thiện vào năm 2027.
“Quan sát nhân tướng học trên mặt bà Carrie Lam, tôi thấy rằng bà ấy là một nhà lãnh đạo cứng rắn. Một số người có thể không coi trọng bà ấy nhưng tôi cho là bà ấy sẽ kiểm soát mọi việc tốt hơn người tiền nhiệm”, bà Mạch nhận xét về tân lãnh đạo Hong Kong.
“Về ngắn hạn, bà Carrie Lam ( Lâm Trịnh Nguyệt Nga) sẽ là người có ảnh hưởng nhất ở Hong Kong. Chữ Nguyệt, nghĩa là mặt trăng, biểu thị yếu tố âm. Điều này cho thấy bà ấy không phải là người bốc đồng mà sẽ từng bước giải quyết sự việc”, chuyên gia phong thủy Hoàng Tấn Hổ nhận định.
“Chữ Lâm nghĩa là rừng, yếu tố đem lại tri thức biểu thị bà Lâm sẽ lãnh đạo Hong Kong hết sức thông minh. Trong những năm tới, Hong Kong sẽ phát triển ổn định. Giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng, chỉ số Hang Seng sẽ đạt 28.000 vào năm 2020. Lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ phát triển vượt bậc”, Hoàng Tấn Hổ dự đoán.
Theo chuyên gia này, “nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ vẫn tiếp tục duy trì sau năm 2047 và sẽ được công bố trước thời điểm này vài năm để giảm bớt lo ngại”.
Từ trái qua phải: bà Mạch Linh Linh, ông Âu Trọng Đức, Hoàng Tấn Hổ, Ngô Lập Quân. Ảnh: SCMP.
Vị thế trung tâm tài chính
“Chúng ta đang ở trong chu kỳ xoay của hành Thổ. Hành Thổ vượng khiến giá bất động sản tăng cao, kèm theo sự bất bình của người dân. Tới năm 2024, khi hành Hỏa thay thế, giá nhà sẽ giảm xuống, số lượng các cuộc biểu tình ở Hong Kong sẽ giảm 70%”, chuyên gia phong thủy Âu Trọng Đức dự đoán.
Video đang HOT
“Ngoài ra, trưởng đặc khu Lương Chấn Anh là người mang yếu tố dương, vì vậy ông ấy có xu hướng cứng rắn hơn so với bà Carrie Lam, một người mang yếu tố âm, đồng nghĩa với việc ôn hòa hơn. Do đó, xã hội sẽ có ít xung đột hơn khi bà ấy nhậm chức”.
Theo ông Âu, vào năm 2047, khi toàn bộ Hong Kong về với Trung Quốc và ở giữa vòng xoay của hành Thủy, vùng phía bắc sẽ đông dân cư hơn, người Hong Kong sẽ tràn tới Trung Quốc đại lục tìm cơ hội làm ăn. Hong Kong sẽ mất dần vị thế là một trung tâm tài chính và hợp nhất với Trung Quốc”.
“Theo thuyết phong thủy, nước là nguồn gốc của thịnh vượng. Hệ thống đường thủy của Hong Kong, nhất là các bến cảng, đang bị thu hẹp do xây dựng nhà cửa. Tương lai Hong Kong sẽ đi xuống nếu chúng ta tiếp tục đòi lại đất ở Trung Hoàn và Vạn Chài”, chuyên gia Ngô Lập Quân dự đoán.
Theo ông Ngô, đặc khu cần làm tốt câu châm ngôn “gia hòa vạn sự hưng” của người Trung Quốc, nghĩa là gia đình có hòa thuận thì mới hưng thịnh. Tuy nhiên, người Hong Kong đang phát sinh tranh chấp và vì thế, Hong Kong khó thịnh vượng.
“Khi vòng xoay của hỏa tới, phía đông sẽ gặp may hơn còn phía tây thì không. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc đại lục, các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu chắc chắn sẽ vượt qua Hong Kong”, Ngô Lập Quân nhận định.
Theo Tuyên bố chung Trung – Anh được lãnh đạo hai nước ký vào ngày 19/12/1984, đặc khu hành chính Hong Kong trong 50 năm sau ngày trao trả (1/7/1997) vẫn được hưởng quyền tự trị cao, gồm quyền có hệ thống tư pháp riêng, duy trì nhiều đảng phái chính trị cũng như quyền tự do ngôn luận và lập hội, tuy nhiên các vấn đề đối ngoại và quốc phòng phải do Trung Quốc định đoạt. Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào năm 2047.
Chu Diệc Đồng. Ảnh: Apple Daily.
Tuy nhiên, nữ chuyên gia phong thủy 30 tuổi Chu Diệc Đồng tỏ ra lạc quan về tương lai của Hong Kong. Thành phố nằm ở vị trí đắc địa, có nước bao bọc xung quanh, đây là một yếu tố ngũ hành tốt xét theo khía cạnh phong thủy.
“Hội tụ những yếu tố trên, Hong Kong sẽ đánh bại thách thức từ các đối thủ như Singapore và Thượng Hải, duy trì vị thế mạnh của mình”, Chu Diệc Đồng dự đoán.
“Thay vì nói người dân sẽ không hạnh phúc cho tới năm 2047, tôi tin rằng giải pháp ‘một quốc gia, hai chế độ’ sẽ vẫn duy trì, mặc dù có thể xảy ra xung đột bởi các ý kiến trái chiều. Hai lĩnh vực gặp thách thức nhiều nhất sẽ là chính trị và kinh tế nhưng cuối cùng, Hong Kong sẽ vẫn phát triển tốt”.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Tân nữ lãnh đạo 59 tuổi của Hong Kong
Bà Carrie Lam nhậm chức trong bối cảnh Hong Kong đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị và bất bình đẳng kinh tế.
Ông Tập Cận Bình và bà Carrie Lam tại lễ nhậm chức Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong ngày 1/7. Ảnh: SCMP.
Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), 59 tuổi, sáng nay nhậm chức trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo đặc khu này sau 20 năm được trao trả cho Trung Quốc. Bà Lam được cho là sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức trong nỗ lực xây dựng sự đồng thuận và "khôi phục niềm tin và hy vọng" ở Hong Kong vốn đang ngày càng bị chia rẽ.
Trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, bà Lam nổi lên như ứng viên sáng giá nhất vì nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ Bắc Kinh, theo BBC.
Khi bà từ chức phó trưởng đặc khu hành chính Hong Kong để chuẩn bị ra tranh cử, bà đã nhanh chóng được Bắc Kinh phê chuẩn. Trong khi đó, đối thủ của bà, ông Tăng Tuấn Hoa, mất tới hơn một tháng mới được lãnh đạo Trung Quốc thông qua việc từ chức Vụ trưởng Tài chính.
Hong Kong không chọn trưởng đặc khu thông qua bỏ phiếu phổ thông mà một ủy ban bầu cử gồm 1.200 cử tri, chủ yếu là những người thân Bắc Kinh, chọn ra người lãnh đạo cho đặc khu này. Kết quả, bà Lam giành được 777 phiếu bầu và ông Tăng Tuấn Hoa được 365 phiếu.
"Hong Kong, ngôi nhà của chúng ta, đang bị chia rẽ nghiêm trọng và đã tích tụ rất nhiều thất vọng, ưu tiên của tôi là hàn gắn sự chia rẽ", bà Lam phát biểu trong diễn văn chiến thắng.
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em với cha mẹ là người Thượng Hải nhập cư, bà Lam từng theo học ngành xã hội học tại Đại học Hong Kong, theo Channel News Asia.
Khi còn là sinh viên trong thập niên 1970, bà Lam cũng là một nhà hoạt động. Một bức ảnh đăng trên tờ SCMP cho thấy bà đang tuần hành phản đối việc trục xuất 4 sinh viên "cánh tả".
Bà sau đó làm việc cho chính quyền. Từ một công chức bình thường, bà Lam dần thăng tiến lên làm cấp phó cho ông Lương Chấn Anh, cựu trưởng đặc khu được Bắc Kinh ủng hộ.
Năm 2007, bà trực tiếp đứng ra đối thoại với người biểu tình phản đối việc dỡ bỏ một cầu cảng lịch sử có từ thời thuộc địa Anh. Cầu cảng này sau đó đã bị tháo dỡ.
Trong cuộc khủng hoảng biểu tình của sinh viên Hong Kong năm 2014, bà đã gặp gỡ đại diện của phong trào này để bàn về cải cách chính trị. Phong trào sinh viên sau đó không thành công trong việc đòi bầu cử tự do hoàn toàn cho Hong Kong.
Bà Lam ủng hộ lập trường không nhượng bộ của Bắc Kinh trước những yêu cầu về một cuộc bầu cử độc lập nhằm chọn ra người lãnh đạo Hong Kong. Bắc Kinh cho phép người dân Hong Kong chỉ được lựa chọn lãnh đạo của họ từ những ứng viên đã được phê duyệt trước.
Trước sức ép biểu tình của một bộ phận người dân Hong Kong kêu gọi tách thành phố này khỏi Trung Quốc, bà Lam tuyên bố cứng rắn không có chuyện để Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc.
Hàn gắn rạn nứt
Bà Lam đã từ bỏ kế hoạch sang Anh sống cùng chồng, giáo sư về hưu Lam Siu Por, để trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Hong Kong.
"Chồng tôi đã hy sinh cho tôi quá nhiều. Xin lỗi anh, anh sẽ phải tiếp tục hy sinh thêm nữa", bà Lam nói về người đàn ông đã chung sống với bà 32 năm. Hai người có hai con trai trưởng thành.
Trước công chúng, tân trưởng đặc khu tập trung xây dựng hình ảnh một chính trị gia thấu hiểu những vấn đề mà người dân đang phải đối mặt thông qua các chính sách tập trung giải quyết chênh lệch giàu nghèo và nhà ở.
Nhưng trên thực tế, bà Lam gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh một lãnh đạo gần dân. Khi sử dụng hệ thống tàu điện ngầm trong đợt tranh cử, bà tỏ ra lúng túng không biết cách cà thẻ từ để mở barrier vào bến.
Người biểu tình giơ những tấm biển in hình bà Carrie Lam ngày 5/2. Ảnh: AP.
Sau khi nhậm chức, ngoài ưu tiên hàng đầu là hàn gắn những rạn nứt nghiêm trọng trong xã hội Hong Kong, bà Lam sẽ nỗ lực "tăng cường mối quan hệ giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục".
Bà Lam cũng cam kết sẽ hiện thực hóa những lời hứa mà bà đưa ra trong quá trình tranh cử, bao gồm thuế lợi nhuận "hai cấp", giảm thuế để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, giải quyết vấn đề giá nhà tăng cao thông qua tăng nguồn cung đất, và tăng ngân sách cho giáo dục. Bà cũng hứa bảo vệ chế độ pháp quyền và tự do ngôn luận, coi đó như một phần không thể tách rời trong sự thịnh vượng của Hong Kong.
Về giáo dục, bà Lam muốn đưa đưa vào chương trình học ngay từ cấp mẫu giáo những bài học về lòng yêu nước và bản sắc của người Trung Quốc.
"Hong Kong cần lối tư duy mới", bà tuyên bố.
An Hồng
Theo VNE
Hong Kong - nơi vực thẳm giàu nghèo sâu nhất 40 năm qua Chênh lệch giàu - nghèo ở Hong Kong đang ở mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Gần một triệu người Hong Kong sống trong đói nghèo, theo số liệu của chính phủ công bố năm 2015. Ảnh: SCMP. Vào 1/7, người dân Hong Kong sẽ kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong chính thức được trao trả cho Trung Quốc...