Chuyên gia Pháp nói về Việt Nam đắc cử Hội đồng nhân quyền
“Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền LHQ – Cơ quan liên chính phủ quan trọng nhất trong vấn đề quyền con người – mở ra một trang mới về uy tín và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam”.
“Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền LHQ – Cơ quan liên chính phủ quan trọng nhất trong vấn đề quyền con người – mở ra một trang mới về uy tín và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam”.
Đó là khẳng định của bà Martine Anstett, Phó Vụ trưởng Vụ nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền thuộc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) khi trả lời phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp.
Bà Anstett (trái) trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN
PV: Thưa bà, Việt Nam vừa trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và là quốc gia được nhiều phiếu bầu nhất trong số các ứng cử viên. Là một trong những người phụ trách về các vấn đề nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền trong Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, bà có nhận xét như thế nào về sự kiện này ?
Bà Martine Anstett: Sự kiện Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền LHQ là rất quan trọng. Đây là Cơ quan liên chính phủ cao nhất trên thế giới trong lĩnh vực nhân quyền. Tôi biết là Việt Nam đặt ưu tiên lớn cho việc ứng cử vào Hội đồng nhân quyền và có vai trò trong việc đưa ra các quyết định trong hội đồng và đã vận động từ nhiều tháng qua nên thành công này rất có ý nghĩa. Việt Nam giờ có vị thế và trách nhiệm quốc tế quan trọng trong vấn đề này.
Việt Nam là quốc gia có sự phát triển năng động về nhiều mặt, kinh tế, giáo dục, đào tạo đại học và đạt được nhiều thành tựu tích cực cho người dân được thụ hưởng. Hơn nữa, việc Việt Nam là đại diện của ASEAN, cũng như là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ ra tranh cử, cũng đem lại cho các bạn một số lợi thế trong cuộc bầu chọn. Tổ chức quốc tế Pháp ngữ rất ủng hộ việc Việt Nam tranh cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ và luôn đồng hành với Việt Nam trước đây và sau này trong quá trình triển khai các cam kết trong nhiệm kỳ là thành viên của hội đồng.
PV: Bà vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam cũng như đã có nhiều năm hợp tác với Việt Nam, bà nhận định như thế nào về những hoạt động của chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền cơ bản cho người dân?
Bà Martine Anstett: Việt Nam là một quốc gia năng động và phát triển trên nhiều lĩnh vực nhưng các bạn cũng rất cần chú ý đến phát triển đồng đều tổng thể các mặt. Quyền con người chúng ta nói đến là tổng thể các quyền cả chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và phải đầy đủ tất cả, không thể sao nhãng một quyền nào.
Việt Nam, cũng như mọi quốc gia khác, có những đặc điểm riêng về chính trị, văn hóa…, nhưng tôi tin rằng Việt Nam có các phương tiện, kế hoạch cần thiết để đảm bảo nhân quyền theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Video đang HOT
Trong chuyến công tác của tôi cuối tháng 10 vừa rồi theo lời mời của chính phủ Việt Nam, tôi đã làm việc với nhiều cơ quan, bộ ngành quan trọng của Việt Nam và tôi thấy nhận có nhiều bước tiến, nhiều kế hoạch của Việt Nam đi đúng hướng trong việc thúc đẩy phát triển xã hội. Mới nhất, Việt Nam đã ký Công ước LHQ về chống tra tấn. Theo tôi đây là một bước tiến rất quan trọng.
Với việc Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền LHQ, một trang mới đã mở ra trong các nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy nhân quyền. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam đã, đang và sẽ có những nỗ lực tích cực không ngừng trong vấn đề này và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ luôn đồng hành với các bạn.
PV: Xin bà cho biết những hợp tác cụ thể giữa Tổ chức quốc tế Pháp ngữ với Việt Nam trong các vấn đề nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền mà bà phụ trách. Tổ chức quốc tế Pháp ngữ có hỗ trợ Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên khác trong việc làm sáng tỏ những quan điểm khác biệt trong vấn đề này hay không ?
Bà Martine Anstett: Như tôi đã nói, các vấn đề nhân quyền là vấn đề chung của tất cả các quốc gia. Chúng tôi có nhiều năm hợp tác với Việt nam, chủ yếu trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật. Chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam nhiều trong việc vận hành Nhà pháp luật Việt Pháp. Chúng tôi có hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư pháp của Việt Nam, thúc đẩy đào tạo cán bộ tòa án, chuyên gia về quyền con người…
Vào tháng 3 năm tới, Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ sẽ sang thăm Việt Nam và đây là một cơ hội quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa tổ chức với Việt Nam hiệu quả hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền.
Hiện nay, chúng tôi đang cùng phía Việt Nam thảo luận khả năng thành lập Viện quốc gia về nhân quyền, tập trung vào thúc đẩy quyền con người, xã hội dân sự. Đây là một cam kết quan trọng của Việt Nam, cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy vấn đề nhân quyền.
Viện này dĩ nhiên phải đảm bảo các nguyên tắc quốc tế (được gọi là các Nguyên tắc Paris) được LHQ thống nhất cách đây 20 năm; trong đó đáng chú ý nhất là Viện phải có vai trò, hoạt động độc lập; đồng thời phải hợp tác với tất cả các chủ thể, từ nhà nước đến xã hội dân sự, lắng nghe người dân. Nhưng trên hết, mô hình xây dựng và phát triển viện như thế nào hoàn toàn do Việt Nam lựa chọn phù hợp với những đặc điểm chính trị- kinh tế- xã hội riêng của đất nước các bạn.
Việc thành lập một Viện quốc gia về nhân quyền có thể là một giải pháp để làm sáng tỏ những khác biệt trong quan điểm về vấn đề nhân quyền, nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Đất nước các bạn phát triển rất năng động và điều quan trọng là thúc đẩy sự năng động đó một cách hài hòa, cân bằng các lĩnh vực chính trị- kinh tế- xã hội.
Việc phát triển hài hòa và đồng đều là yêu cầu đối với mọi quốc gia để đảm bảo mọi công dân đều được hưởng lợi; và đó là hướng đi thành công đã được minh chứng ở nhiều quốc gia.
PV: Xin cảm ơn bà!
Theo Thùy Vân-Đào Dũng
VOV-Paris
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Thế và lực của đất nước ngày một vững chắc
Việt Nam sẽ thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc. Đây là khẳng định của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với báo chí nhân dịp Việt Nam lần đầu tiên trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: Ngọc Thắng
Trả lời câu hỏi về mục đích, ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết:
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là một trong những vấn đề quốc tế lớn, là một trong ba trụ cột hoạt động chính của Liên Hiệp Quốc, bên cạnh các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và hợp tác phát triển.
Với tầm quan trọng như vậy của vấn đề quyền con người, năm 2006, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thành lập Hội đồng Nhân quyền để thay thế Ủy ban Nhân quyền trước đây bị các nước phê phán là hoạt động kém hiệu quả. Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên đại diện cho tất cả các khu vực, được bầu với nhiệm kỳ 3 năm, là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
Hội đồng có nhiều cơ chế giúp việc như Ủy ban Tư vấn, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, các Thủ tục đặc biệt gồm 48 báo cáo viên đặc biệt, chuyên gia độc lập hoặc nhóm làm việc. Đặc biệt là Cơ chế Kiểm điểm phổ cập định kỳ (UPR) mà theo đó, tất cả các nước phải định kỳ nộp báo cáo và kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền về việc đảm bảo quyền con người tại nước mình.
Việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại "là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" và "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.
Quyết tâm này cũng thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi quyền con người là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, thể hiện chính sách nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của ta trên lĩnh vực này.
Vì vậy, việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền với số phiếu rất cao, thể hiện sự tín nhiệm mà đông đảo các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc dành cho Việt Nam, có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt.
Trước hết, điều này cho thấy sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới toàn diện, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.
Trong nhiều năm qua, có thể nói, mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, nhưng việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên Hiệp Quốc luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Trong sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước là sửa đổi Hiến pháp, vấn đề quyền con người cũng được chú trọng, theo hướng vừa thể hiện chính xác hơn chức năng cơ bản của Hiến pháp trong việc ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời hiến định một số nguyên tắc và quyền con người cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York - Ảnh: TTXVN
Việc Việt Nam trúng cử là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.
Thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, nó thể hiện thế và lực của đất nước đang ngày một vững chắc hơn, là sự tiếp nối của những thành công của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM, của việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.
* Xin Phó thủ tướng cho biết những định hướng lớn của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền với tư cách là quốc gia thành viên?
- Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trong ba năm tới, với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của ta, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc.
Là một quốc gia thành viên, chúng ta sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội, cải cách tư pháp; thực tế tôn trọng và đảm bảo các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị tại Việt Nam, kết quả tích cực về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển, qua đó góp phần phản bác các thông tin sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Ta cũng có thêm điều kiện tranh thủ những kinh nghiệm quốc tế phù hợp.
Việt Nam cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách cân bằng, tổng thể và toàn diện; đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền.
Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, việc tham gia vào các công việc của Hội đồng Nhân quyền cũng là cơ hội tốt để ta nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các cơ chế đa phương quan trọng trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế.
Theo TNO
Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất Sáng 12.11 (theo giờ Mỹ), Đại hội đồng LHQ khóa 68 đã bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York Với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và...