Chuyên gia phản bác nguyên nhân thuỷ triều đỏ làm chết cá
Hiện tượng tảo nở hoa thường làm chết cá tầng mặt, dễ phát hiện bằng mắt thường trong khi ở miền Trung cá lại chết ở tầng đáy, không có biểu hiện rõ ràng, nhiều chuyên gia phân tích.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung. Theo đó, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa được khoanh vùng. Tuy nhiên, hướng điều tra này lại khiến một số nhà khoa học không tin tưởng.
“Không thể có hai nguyên nhân này một lúc, bởi có chất độc thì không có tảo và ngược lại”, một chuyên gia 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu thủy sản nói.
Theo ông, nếu do tác động của độc tố hóa học khiến cá to chết nghĩa là cá nhỏ cũng vậy, trong đó có sinh vật phù du, tức là tảo cũng sẽ chết. “Tảo chết rồi thì làm gì nở hoa được”, ông nói và khẳng định hiện tượng này đúng ra gây hại với cá tầng mặt chứ không phải tầng đáy.
Vẫn theo chuyên gia này, nếu tảo nở hoa nước sẽ có màu đỏ rực hoặc màu xanh chủ đạo trên cả vùng biển. Khi dạt vào bờ nó sẽ gây mùi hôi thối khó chịu, trong khi các biểu hiện này không có ở khu vực ven biển miền Trung.
Thủy triều đỏ từng xuất hiện bờ biển Bình Thuận. Ảnh: Viện Hải dương học Nha Trang.
Video đang HOT
Đồng tình quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng. Nó thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy. “Làm gì có chuyện tảo nở hoa trong cả sinh khối nước từ đáy lên mặt”, ông Dũng nói.
Về lý do độc tố từ nước thải con người, ông Dũng đề nghị làm rõ đó là độc tố là gì, “chứ không thể công bố chung chung như thế”.
Phát hiện thủy triều đỏ không khó, mọi người đều có thể nhìn bằng mắt thường. Các tỉnh có nhiều cá chết chưa tỉnh nào báo cáo có thủy triều đỏ, đó cũng là băn khoăn của Viện trưởng Y học biển Việt Nam Nguyễn Trường Sơn. Ông cho rằng nguyên nhân nước biển bị ô nhiễm do hoạt động của nhà máy, khu công nghiệp… cần được chú ý nghiên cứu càng sớm càng tốt.
Một mảnh tảo hiếm hoi trên bờ biển Hà Tĩnh những ngày qua. Ảnh: Đức Hùng.
Chia sẻ kinh nghiệm khi gặp thủy triều đỏ, một chuyên gia thuỷ sản cho hay người nuôi thường dìm lồng bè sâu xuống đáy hoặc di chuyển đến nơi khác để tránh lớp nước mặt. Nếu là do tảo thì người dân sẽ phát hiện nó dạt vào bờ hoặc có mùi khó chịu.
Thủy triều đỏ là tên gọi chung cho những đợt tảo biển sinh sôi nảy nở mạnh, tích tụ ở cửa sông, biển khiến mặt nước đục hoặc chuyển màu khác nhau tùy loại tảo như tím, hồng, xanh hoặc đỏ.
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài cá sống ở tầng đáy.
Cá chết lan rộng ở miền Trung như thế nào.
Ngày 25/4, những nguyên nhân bệnh dịch, động đất, tràn dầu bị loại trừ. Các mũi điều tra khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên, tuy nhiên, độc tố đó là gì thì chưa được xác định.
Phạm Hương
Theo VNE
500 tấn gạo cứu đói người dân bị ảnh hưởng cá chết
Quảng Bình phân bổ 500 tấn gạo cứu đói người dân ven biển của 6 địa phương bị ảnh hưởng bởi cá biển chết hàng loạt.
Cá biển chết hàng loạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con ngư dân. Ảnh: Đức Hùng
Ngày 27/4, tỉnh Quảng Bình có quyết định phân bổ 500 tấn gạo hỗ trợ cứu đói nhân dân 6 huyện thị, thành phố ven biển bị ảnh hưởng do cá chết bất thường với mức 10kg cho mỗi hộ.
Chính quyền cho rằng tình trạng cá chết hàng loạt trong những ngày vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, việc làm của ngư dân. Đa số người dân vùng biển không dự phòng lương thực nên nếu không ra khơi đánh bắt thì sẽ bị thiếu đói. Không chỉ ngư dân, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, làm muối, kinh doanh dịch vụ du lịch hay hậu cần nghề cá cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tình trạng cá biển chết xuất hiện đầu tiên ở xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) vào ngày 14/4 và lan dần về các huyện phía nam. Sở Nông nghiệp Quảng Bình cho hay có khoảng 25-30 tấn cá biển chết. Ước tính hiệt hại lên đến 115 tỷ đồng, trong đó khai thác thủy sản thiệt hại hơn 60 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản gần 41 tỷ đồng, các cơ sở dịch vụ nghề cá hơn 10 tỷ đồng.
Hoàng Táo
Theo VNE
Yêu cầu lấy mẫu nước biển ở Quảng Bình để xét nghiệm Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài trong cuộc họp vào chiều nay 27.4. Quảng Bình là nơi nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, được du khách thích thú đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hiện tượng cá chết- Ảnh: Trương Quang Nam Chiều nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã có cuộc làm việc...