Chuyên gia nói về hiểm họa môi trường do tham vọng bành trướng Biển Đông của Trung Quốc
Chuyên gia Vince Beiser (Mỹ) cho rằng trong các hoạt động bồi đắp phi pháp và bành trướng Biển Đông Trung Quốc đã sử dụng cát và việc Bắc Kinh lạm dụng nguồn tài nguyên này có thể gây tác động rất tiêu cực tới môi trường.
Trung Quốc ngang nhiên triển khai các khí tài quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh minh họa: Reuters)
Căng thẳng trên Biển Đông không có dấu hiệu hạ nhiệt do Trung Quốc liên tiếp có những hành động trái với luật pháp quốc tế như bồi đắp, quân sự hóa các đảo san hô tại khu vực. Biển Đông là vùng biển có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng, là một trong những tuyến đường vận tải đông đúc nhất, và sở hữu 10% trữ lượng cá trên toàn thế giới. Hơn nữa, vùng biển này được cho là chứa hàng tỉ thùng dầu thô và hàng nghìn m3 khí tự nhiên.
Trung Quốc dường như không giấu diếm tham vọng muốn chiếm Biển Đông “làm của riêng”. Nước này đưa ra cái gọi là yêu sách “đường chín đoạn”, tuyên bố chủ quyền lịch sử với khu vực, bất chấp sự phản đối của cộng đồng và tòa án quốc tế.
Chuyên gia Vince Beiser, tác giả cuốn sách “Câu chuyện về cát và cách nó biến đổi nền văn minh”, cho rằng Trung Quốc đã sử dụng cát là nguyên liệu để thực hiện kế hoạch xâm lấn trái phép Biển Đông và động thái này có thể gây những tổn hại không nhỏ tới môi trường, phá hủy rạn san hô và môi trường sinh thái tại khu vực.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một đội tàu có nhiệm vụ nạo vét đại dương, sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Sản lượng cát và bùn họ nạo vét từ dưới lòng biển đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000, tương đương với hơn 1 tỷ m3, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Từ cuối năm 2013, Bắc Kinh điều một đội tàu nạo vét tới hút hàng triệu tấn cát từ lòng đại dương và dùng chúng để bồi đắp phi pháp các đảo san hô trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong vòng 18 tháng, các tàu này bồi đắp được gần 12 km2 đất mới.
Video đang HOT
Hiện thời, phương pháp xây dựng và bồi đắp như vậy ngày càng phổ biến. Trong hàng chục năm qua, những tiến bộ kỹ thuật cho phép chi phí khai thác hạ thấp, dễ tiếp cận ở khu vực biển sâu và vận chuyển chính xác tới điểm đích. Tàu nạo vét lớn nhất thế giới dài hơn 213 m, cao ngang 1 tòa nhà ở 60 tầng và được trang bị đường ống có thể hút cát từ khoảng cách hơn 150 m dưới mặt nước biển. Singapore, Hà Lan và các quốc gia khác đã sử dụng biện pháp này để mở rộng bờ biển, hoặc xây các hòn đảo nhân tạo từ con số không.
Theo ông Beiser, chỉ tính riêng trong năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp đảo nhân tạo với diện tích gần 2 lần quận Manhattan – nơi đông đúc và sầm uất nhất ở New York, Mỹ.
Quá trình này gây nên mối hiểm họa nghiêm trọng tới môi trường. Trung Quốc gần đây đã dừng các hoạt động cải tạo đất thương mại vì chúng có thể làm tổn hại các rạn san hô và hệ sinh thái khu vực duyên hải. Trung Quốc đổ quá nhiều cát lên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa tới mức một nhà sinh học đại dương người Mỹ đã nhận định đây là “hành động khiến tốc độ các rạn san hô biến mất vĩnh viễn nhanh nhất trong lịch sử nhân loại”.
Nhưng điều đáng quan ngại hơn, theo New York Times, đó là việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực bồi đắp trái phép. Ngay khi cát trên các rạn san hô khô đi, Trung Quốc sẽ ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự, mang khí tài, vũ khí phi pháp tới khu vực này, trái với cam kết năm 2015 họ từng đưa ra rằng Trung Quốc sẽ “không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa” các đảo trong khu vực.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ New York Times
Cảnh báo ngầm của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc trước chuyến thăm châu Á
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi duy trì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "tự do và mở" trước thềm chuyến thăm tới Đông Nam Á trong một động thái được cho là nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc.
Ngoại trưởng Pompeo phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Washington ngày 30/7 (Ảnh: Getty)
Theo AFP, Ngoại trưởng Pompeo sẽ rời Mỹ vào cuối tuần này để tới thăm một loạt quốc gia Đông Nam Á gồm Malaysia, Singapore và Indonesia. Mục đích của chuyến thăm nhằm củng cố cam kết của chính quyền Tổng thống Donald Trump tới khu vực, đồng thời thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo tới Đông Nam Á diễn ra trong bối cảnh đang xuất hiện những căng thẳng liên quan tới các động thái của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngầm đề cập tới vấn đề này trong bài phát biểu của ông tại Washington hôm qua 30/7 trước các lãnh đạo doanh nghiệp từ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
"Khi chúng ta nói khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "tự do", điều đó có nghĩa rằng chúng ta mong muốn tất cả quốc gia có thể bảo vệ chủ quyền của mình trước tình trạng bị cưỡng ép bởi các quốc gia khác. Khi chúng ta nói khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "mở", điều đó có nghĩa rằng chúng ta mong muốn mọi quốc gia đều được hưởng quyền tiếp cận tự do với cả đường biển và đường hàng không. Chúng ta muốn một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp hàng hải", Ngoại trưởng Pompeo nói.
Phát biểu tại hội thảo, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ sẽ là một đối tác tin cậy tại Ấn Độ - Thái Bình Dương và Washington không tìm kiếm "sự thống trị" tại khu vực này.
"Chủ đề quan trọng cho cam kết của chúng tôi đó là: bất kể nơi nào người Mỹ đến, chúng tôi đều tìm kiếm sự hợp tác, chứ không thống trị", ông Pompeo nói.
Theo Guardian, mặc dù không nhắc tới Trung Quốc, song Ngoại trưởng Pompeo đã nói với các lãnh đạo doanh nghiệp từ Ấn Độ - Thái Bình Dương rằng vai trò của Mỹ trong khu vực được xác định dựa trên lập trường phản đối bất kỳ quốc gia nào tìm cách gây ảnh hưởng đối đầu.
"Chúng tôi không bao giờ và sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt sự thống trị tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, và chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào làm điều đó", ông Pompeo nói.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo sẽ mở rộng chủ đề về "tự do và mở" tại cuộc họp thường niên với ngoại trưởng các nước ASEAN tại Singapore.
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Pompeo trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này là Malaysia. Từ ngày 1-5/8, ngoại trưởng Mỹ sẽ có các cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao của Malaysia. Từ Kuala Lumpur, ông Pompeo sẽ tới Singapore để dự hội nghị ASEAN, dự kiến diễn ra từ ngày 3-4/8. Điểm đến cuối cùng của Ngoại trưởng Pompeo là thủ đô Jakarta, Indonesia.
"Ngoại trưởng sẽ thảo luận về cam kết chung của chúng tôi đối với việc phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng Triều Tiên, tăng cường trật tự dựa trên luật lệ tại Biển Đông và đối phó chủ nghĩa khủng bố", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Trong chuyến thăm tới Trung Quốc hồi tháng 6, Ngoại trưởng Pompeo từng đề cập tới nhiều vấn đề nằm trong mối quan tâm của Mỹ và Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông. Khi đó, ông Pompeo tái khẳng định mối quan ngại sâu sắc về việc xây dựng và quân sự hóa các căn cứ trên Biển Đông, cũng như những hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp hóa và leo thang tranh chấp, gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại và làm tổn hại tới ổn định khu vực
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Philippines chỉ trích Trung Quốc liên tục cản trở trên Biển Đông Philippines bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc ngày càng tăng cường việc cảnh báo các tàu và máy bay của Philippines qua sóng radio khi các phương tiện này hoạt động gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Ảnh vệ tinh chụp đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi...