Chuyên gia nhận định về diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2023
Các chuyên gia dự báo, nền kinh tế và tài chính của Việt Nam trong thời gian tới cũng bị tác động rất lớn bởi những ảnh hưởng của biến động trên thế giới như lạm phát, tỷ giá hối đoái, tình hình khan hiếm của xăng dầu và bất ổn chính trị – xã hội ở nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng phải chịu những tác động kinh tế này. Do đó, năm 2023 thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Việt Nam nhận xét, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức ổn, tuy nhiên, nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Những phân khúc như bất động sản công nghiệp và văn phòng vẫn hoạt động tốt và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.
Ở góc độ tài chính, theo ông Khương, những dự án đang dở dang cần phải được giải ngân để tiếp tục quá trình xây dựng, tạo ra nguồn cung mới cho thị trường, không làm khó người mua. Đối với những dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý, đủ điều kiện để đi vay và hoàn thành thì các ngân hàng cần cân nhắc trong việc cho vay vốn đầu tư.
Với những dự án chưa đủ điều kiện, chủ đầu tư cần chờ thêm một thời gian để hoàn tất đầy đủ thủ tục cần thiết để đảm bảo tính minh bạch của thị trường và quyền lợi của các bên. Ngoài ra, chủ đầu tư cần bổ sung nguồn vốn từ FDI, các quỹ đầu tư hoặc đối tác liên doanh để giải quyết bài toán khó khăn về tài chính.
Đáng chú ý, ngày 17/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Tổ công tác mới này sẽ đạt được những kỳ vọng của các nhà phát triển bất động sản trong việc tháo gỡ khó khăn cũng như sự tồn đọng về vấn đề pháp lý của các dự án trong thời gian qua – ông Khương nêu vấn đề.
Trên thực tế, pháp lý và vốn là những vấn đề cần sớm giải quyết để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Đánh giá của chuyên gia Savills cho thấy, trên bình diện của một nền kinh tế, việc Nhà nước thắt chặt tín dụng và lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề, bao gồm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng…
Thực tế, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó, vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.
Video đang HOT
“Để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho doanh nghiệp. Thời gian tới, những nút thắt này cần sớm được tháo gỡ để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư cũng như giải quyết được bài toán về nhà ở cho đại bộ phận người dân, giúp họ có thể tiếp cận với ước mơ sở hữu nhà ở với mức giá hợp lý hơn”, ông Sử Ngọc Khương chia sẻ.
Hiện nay, nhiều đơn vị phát triển bất động sản bắt đầu đưa ra kế hoạch phát triển các dự án nhà ở xã hội. Theo vị giám đốc cấp cao của Savills, đây là một động thái rất tích cực và đáng mừng, thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với xã hội.
Tuy nhiên, về tổng quan toàn thị trường, bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman&Wakefield Việt Nam nhìn nhận, thị trường bất động sản tháng cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ vẫn ghi nhận xu hướng tăng giá bán với loại hình bất động sản nhà ở.
Chỉ riêng trong quý III/2022, giá bán căn hộ tại Tp.Hồ Chí Minh đạt mức trung bình 66 triệu đồng/m2, tăng 1% so với quý trước. Loại hình biệt thự, nhà phố cũng ghi nhận giá sơ cấp tăng gần 30% so với quý trước và gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức trung bình 293 triệu đồng/m2.
“Không chỉ là trong quý III mà cả các quý tới đây, giá bất động sản vẫn duy trì đà tăng. Có nhiều yếu tố sẽ khiến giá nhà khó lòng đi xuống, từ việc giá đất, giá vật liệu xây dựng đã tăng rất cao so với các năm trước. Chi phí phát triển dự án, nhân công gia tăng buộc các chủ đầu tư có dự án triển khai phải tính toán lại giá sản phẩm bán ra thị trường để cân bằng ngân sách. Ngoài ra, thời gian thẩm định pháp lý và hoàn thiện hồ sơ cấp phép dự án kéo dài cũng làm ngân sách dự án bị dội lên, khiến các dự án mở bán sau dù khó lòng đưa ra mức giá thấp hơn dự án cùng phân khúc trước đó…” – bà Trang phân tích.
Đặc biệt, việc giá bán căn hộ và nhà liền thổ liên tục tăng cao cũng ít nhiều có sự tác động đến thanh khoản của thị trường nhưng không phải là nguyên nhân gây ảnh hưởng mạnh đến quyết định của người mua nhà. Theo bà Trang, tác động lớn nhất vẫn là yếu tố tâm lý của người mua.
Người mua có xu hướng thận trọng khi xuống tiền trong giai đoạn tín dụng khó khăn. Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư nuôi kỳ vọng thị trường thời gian tới sẽ có những chuyển biến mới nên giữ tâm lý quan sát, phòng thủ thay vì tham gia thị trường lúc này.
Chuyên gia này phân tích, hơn 2 năm qua giá nhà có xu hướng tăng mạnh nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung chào bán giai đoạn này tập trung vào loại hình cao cấp, hạng sang kéo giá bán trung bình toàn thị trường tăng lên. Đây là động thái mang tính cục bộ và không đại diện cho giá nhà trên toàn thị trường hiện tại.
Năm 2023, dự kiến sẽ có nhiều hơn những dự án thuộc phân khúc trung cấp, bình dân triển khai ra thị trường. Điều này sẽ giúp cân bằng giá nhà và giúp lượng lớn người có nhu cầu mua ở thực tiếp cận với nguồn cung phù hợp hơn. Cũng cần nhìn nhận khách quan, dù giá nhà đang tăng khá cao nhưng tầng lớp thu nhập trung lưu của Việt Nam cũng đang trên đà phát triển.
Thu nhập của người Việt có sự cải thiện rõ ràng qua từng năm cùng với nhu cầu mua nhà và đầu tư bất động sản tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Đây sẽ là động lực giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn sau này.
Năm 2022 với quá nhiều khó khăn đổ dồn lên thị trường bất động sản đang dần khép lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng như nhiều doanh nghiệp vẫn có những niềm tin về sự ổn định và “thanh lọc” cho lĩnh vực này trong thời gian tới để có thể phát triển bền vững.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng tìm giải pháp 'khơi thông' thị trường bất động sản
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng chiều 3/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường - Đoàn Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cần có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản (BĐS).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời phiên chất vấn chiều 3/11.
"Thị trường tài chính, thị trường BĐS và tăng trưởng kinh tế giống như 3 chân kiềng, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong dự báo thế giới có thể rơi vào nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Vậy với tư cách là cơ quan chức năng quản lý thị trường BĐS, Bộ trưởng dự báo về xu thế phát triển thị trường BĐS ở Việt Nam thời gian tới như thế nào? Bộ trưởng dự kiến có những giải pháp ra sao để khắc phục những tồn tại, khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS trong thời gian tới?", ĐBQH Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Cường về dự báo về thị trường BĐS, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Hiện nay, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS vẫn còn một số bất cập; cơ cấu sản phẩm BĐS còn chưa phù hợp, phổ biến là BĐS ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp; còn BĐS du lịch có biểu hiện dư thừa; cơ cấu nguồn lực cho thị trường này còn bất hợp lý.
"Trong khi đó, nguồn vốn vay của thị trường BĐS chủ yếu dựa từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng mức đầu tư của dự án. Chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường", "tư lệnh" ngành Xây dựng trăn trở.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cần có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận: Giao dịch BĐS chưa minh bạch, hiện tượng "hai giá", tức là kê khai thấp hơn giá giao dịch thực để trốn thuế trong giao dịch kinh doanh BĐS còn khá phổ biến. So với thu nhập của người dân hiện nay, giá BĐS, đặc biệt nhà ở, đất ở liên tục tăng cao. Thời gian tới, Bộ Xây dựng dự báo thị trường BĐS tiếp tục khó khăn, nguồn cung tiếp tục bị hạn chế. Cơ cấu hiện có cải thiện nhưng còn hạn chế. Các phân khúc như: Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nhu cầu còn lớn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, kiểm soát cơ cấu BĐS, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp BĐS làm ăn đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, ngành Xây dựng sẽ kiểm soát phát hành trái phiếu huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ khó khăn vưỡng mắc, đầu tư đất đai, tạo nguồn cung trên thị trường.
Đề cập về Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) băn khoăn về nguồn ngân sách để hiện thực hóa Đề án này, đặc biệt trong bối cảnh nhà ở xã hội hiện không hấp dẫn doanh nghiệp. "Trách nhiệm và giải pháp của Bộ Xây dựng trước tình trạng một số doanh nghiệp khi lập dự án nhà ở xã hội nhưng chuyển đổi sang nhà ở thương mại để bán, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong phiên chất vấn chiều 3/11.
Trả lời vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: Nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp đô thị và công nhân khu công nghiệp còn rất lớn, việc triển khai thực hiện trên thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu này. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã xây dựng Đề án này bao gồm nhiều gói giải pháp từ xây dựng pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện cho đến huy động nguồn lực. Bộ trưởng Bộ Xây dựng kỳ vọng cùng với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, Đề án này có thể đảm bảo tính khả thi.
"Để chuyển đổi từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại cần đáp ứng nhiều điều kiện như: Đảm bảo quy hoạch, đảm bảo phù hợp chương trình kế hoạch phát triển nhà ở và phù hợp với quy định pháp luật có liên quan", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Theo Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội hiện mới đạt 36% so với nhu cầu; đạt 7,79 triệu m2 so với yêu cầu 12 triệu m2. Trong khi đó, việc phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn về quy định pháp luật, đặc biệt Luật Nhà ở và Luật khác có liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư, giá nhà ở xã hội, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% cho thuê...Việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn khi mới đáp ứng được 35% yêu cầu.
Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân nên chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất; chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực làm nhà ở xã hội và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia xây nhà ở xã hội.
Khu nhà ở xã hội Ecohome 1 là một trong những Dự án nhà ở xã hội tiêu biểu của Hà Nội. Nguyễn Thắng/TTXVN
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Các cơ quan sẽ tập trung triển khai đề án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Theo Bộ Xây dựng, số liệu tổng hợp về nhà ở từ hơn 40 địa phương cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 2,6 triệu căn hộ và mục tiêu hoàn thành cho giai đoạn này là khoảng 1,8 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu về NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 700.000 căn (đáp ứng khoảng 54% nhu cầu).
Sang giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 1,1 triệu căn (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu).
Sắp có thêm 8.300 căn nhà ở xã hội Đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có thêm 8.300 căn nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu an cư của người dân, nhất là người thu nhập thấp. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa có cuộc họp với các sở, ngành, địa phương liên quan về tình hình phát triển nhà ở xã hội...