Chuyên gia Nga: Không ai trên thế giới công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc
Việc TQ đưa giàn khoan trái phép đến vùng biển VN có thể hàm chứa một mưu đồ thứ hai sâu xa hơn, có liên quan tới cả cấu trúc quan hệ quốc tế tại khu vực.
Bài viết của tác giả Dmitry Mosyakov – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương, thuộc Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm KH Nga đăng trên tạp chí “ Thế giới đa cực” cho thấy Trung Quốc có nhiều mưu đồ khi đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.
Dmitry Mosyakov – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á
Dưới đây là tóm lược nội dung bài viết.
Tình hình ở khu vực Hoàng Sa đang trở nên đáng lo ngại. Một số hình ảnh cho thấy, các tàu Trung Quốc đâm vào tàu của Việt Nam. Đã có khoảng 10 người bị thương xung quanh vụ việc.
Bắc Kinh còn tuyên bố rằng tất cả khu mặt nước này thuộc về Trung Quốc và cấm bất kỳ tàu nước ngoài nào tiếp cận vào khu vực phạm vi 5 km xung quanh giàn khoan.
Không còn nghi ngờ, hành động của TQ đang phá hoại nền hòa bình trong khu vực.
Trong Hội nghị cấp cao ASEAN 24 diễn ra ngày 11/5 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng, các hành động của Trung Quốc tại biển Đông là cực kỳ nguy hiểm và đe dọa trực tiếp tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi kế hoạch triển khai (trái phép) giàn khoan Hải Dương 981 của TQ trong vùng biển của Việt Nam là đi ngược lại luật pháp quốc tế. Nhưng bất chấp những cảnh báo này, Trung Quốc tiếp tục làm nóng tình hình ở khu vực khi phô trương sức mạnh quân sự với việc liên tiếp cho máy bay không quân của mình bay trên các tàu của Việt Nam ở độ cao 800-900 m..
Rõ ràng, Trung Quốc đang đe dọa lực lượng chấp pháp của Việt Nam bằng sức mạnh và khả năng quân sự để ép họ từ bỏ bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Để biện minh cho chính sách của mình, Bắc Kinh tuyên bố rằng, “việc sở hữu quần đảo Hoàng Sa cho Bắc Kinh quyền khai thác thềm lục địa của nó”. Ở đây, chính quyền Trung Quốc đã quên rằng, không một ai trên thế giới công nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo này vào tháng 1/1974 bằng xâm lược quân sự.
Sự xuất hiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa là sự tiếp tục của hành động xâm lược kiểu này.
Video đang HOT
Khi phân tích tất cả những sự kiện, đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền Trung Quốc quyết định gây bất ổn tình hình một cách nghiêm trọng như vậy trong thời điểm này, và đặc biệt, họ đạt được những gì.
Thoạt đầu, câu trả lời có vẻ rất rõ ràng – họ muốn đánh chiếm và hợp pháp hóa lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông, họ hy vọng sẽ tìm kiếm được dầu ở đó để phục vụ cho lợi ích của mình.
Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định ban đầu. Trong tất cả các sự kiện này đều hàm chứa một mưu đồ thứ hai sâu xa hơn, có liên quan tới cả cấu trúc quan hệ quốc tế tại khu vực. Bắc Kinh đặt cược vào vấn đề này còn cao hơn, vì vậy họ chấp nhận nguy cơ bất lợi trong xung đột hiện nay. Bởi vì tại vị trí giàn khoan không có dầu và không biết liệu có hay không.
Bản thân trong các vấn đề trên trường quốc tế, Trung Quốc đã làm nhiều việc để các nước ASEAN sẽ phản ứng có chừng mực xung quanh các sự kiện này. Một vài nhà quan sát cho rằng, những phản ứng (của ASEAN) đối với các hành động của Trung Quốc là không thật sự mạnh mẽ, trong đó kêu gọi hai bên kiềm chế và không để tình hình tiếp tục leo thang.
Nhưng nếu quan sát những cuộc thảo luận trong Hội nghị cấp cao ASEAN vào ngày 11/5 vừa qua thì nhận thấy rằng, các nước ASEAN đã lên án chính sách của Trung Quốc và họ đứng về phía Việt Nam.
Về phía Mỹ, các hành động mang tính xâm lược của Bắc Kinh có thể khiến các nước ASEAN sẽ ngày càng quan tâm tới sự hỗ trợ từ phía Mỹ.
Chính vì vậy, vài ngày trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố, trong đó vấn đề trên biển Đông được diễn tả như “một sự kiện mang tính khiêu khích và đe dọa tới ổn định của toàn khu vực”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông báo với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng, Washington quan ngại sâu sắc về sự phát triển các sự kiện và các hành động của phía Trung Quốc.
Có thể thấy rõ là trong lúc vẫn chưa tìm được gì, thì Trung Quốc đã sa vào một tình thế phức tạp, khi mà hầu như khắp nơi trên thế giới đều có đánh giá tiêu cực về những hành động của họ. Liên quan đến điều này, nhiều nhà quan sát không loại trừ rằng, cơ sở cho những hành động của Trung Quốc nằm ở vấn đề chính sách đối nội.
Ở khía cạnh khác, còn có những lý do giải thích cho những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc. Đặc biệt có khả năng rằng, cơ sở của những hành động này là một kế hoạch nhằm tạo ra tình hình xung đột Trung Quốc – Việt Nam ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin.
Hiện Nga đang ở trong tình hình phức tạp trước các mối đe dọa phong tỏa và cấm vận từ phương Tây và việc Nga phải quan tâm phát triển quan hệ với Trung Quốc là rất rõ ràng. Lợi dụng tình hình này, hoàn toàn có khả năng các nhà chính trị Trung Quốc đang tính toán phá vỡ quan hệ của Nga với người bạn cũ, đồng minh truyền thống là Việt Nam. Nếu như vậy, kế hoạch này là rất nguy hiểm và không được phép để nó xảy ra.
Theo Trí Thức Trẻ
Chuyên gia Nga:Biện pháp đối phó Trung Quốc cho đến nay hoàn toàn đúng đắn
Hành động nguy hiểm của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Những ngày qua, hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Tiến sỹ Sử học Grigori Lokhshin, chuyên gia Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga về vấn đề này.
Tiến sỹ Sử học Grigori Lokhshin
PV: Ông có thể cho biết đánh giá của mình về tình hình căng thẳng đang xảy ra trên Biển Đông?
Tiến sỹ G.Lokshin: Thứ nhất, sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 tại vùng biển đối diện với tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam là hết sức nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, nước này đã chuyển từ lời nói, yêu sách, tuyên bố... sang hành động cụ thể.
Giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc đã được chuẩn bị từ lâu và tiêu tốn một khoản tiền lớn, 1 tỷ USD, nay được đưa vào khu vực Biển Đông với hơn 80 tàu hộ tống. Đây là bước đi mới của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, làm nảy sinh đối đầu, va chạm giữa lực lượng bảo vệ biển Việt Nam với các tàu hộ tống của Trung Quốc.
Phải nói, hành động của Trung Quốc là rất đáng quan ngại, bởi vì từ đầu năm 2012 đến giữa năm 2013 quan hệ Trung Quốc với Việt Nam rất tích cực, diễn ra nhiều chuyến thăm, ký thỏa thuận cùng nghiên cứu khu vực ranh giới ngoài Vịnh Bắc Bộ... không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dẫn đến tình hình phức tạp như hiện nay.
Do đó bằng hành động này, Trung Quốc trên thực tế đã vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này là một bên tham gia ký kết năm 2002, luật pháp quốc tế, tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và cơ bản là đã vi phạm các nguyên tắc giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đã được lãnh đạo Trung Quốc đặt bút ký với lãnh đạo Việt Nam năm 2011. Trong các văn bản này nêu rõ mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao, không bên nào được có hành động gây phương hại đến an ninh và ổn định trong khu vực. Do đó, những gì Trung Quốc đang làm hiện nay đã vi phạm tất cả các trách nhiệm mà lãnh đạo nước này đã thông qua.
PV: Theo ông, nguyên nhân và mục đích của Trung Quốc trong hành động này là gì?
Tiến sỹ G.Lokshin: Thứ nhất, sau chuyến thăm các nước Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Trung Quốc thấy rằng Mỹ sẽ không tích cực can dự sâu vào sự kiện này.
Thứ hai, thời điểm hiện nay cả thế giới phương Tây đang đổ dồn sự chú ý tới tình hình khủng hoảng tại Ukraine. Và như những lần trước, Trung Quốc đã hành động khi cho rằng sẽ không có ai can dự, can thiệp hay giúp đỡ gì cụ thể cho Việt Nam.
Nguyên nhân thứ ba theo tôi là đó là tình hình nội bộ của Trung Quốc đang có vấn đề về tham nhũng, vấn đề dân tộc... nên họ muốn hướng sự quan tâm của người dân ra bên ngoài thay vì các vấn đề trong nước.
Mục tiêu của Trung Quốc trong hành động này rõ ràng là nhằm củng cố sự chiếm hữu của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc từng đề nghị đàm phán song phương về an ninh trên biển, đàm phán với ASEAN về an ninh hàng hải song chưa bao giờ và chưa nơi nào người Trung Quốc nói đến việc đàm phán về tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Vấn đề Việt Nam hay Trung Quốc có các bằng chứng về chủ quyền của mình ở Hoàng Sa thì chưa bao giờ người Trung Quốc tỏ ý định sẽ nghiêm túc xem xét, thảo luận để giải quyết tranh chấp. Do đó, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông sẽ làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
PV: Ông đánh giá như thế nào về các hành động, phản ứng của Việt Nam đối với những vi phạm của phía Trung Quốc?
Tiến sỹ G.Lokshin: Những hành động của phía Việt Nam đến nay hoàn toàn đúng đắn, gồm cả việc đưa vấn đề ra thảo luận trong ASEAN. Bởi vì sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 không chỉ ngay sau chuyến thăm Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ có vài ngày, mà còn xảy ra ngay trước Hội nghị ASEAN.
Đây là một thách thức đối với tất cả các nước ASEAN, không thèm đếm xỉa tới ý chí, quan điểm của cộng đồng này. Toan tính này của Trung Quốc nhằm chia rẽ nội bộ ASEAN, để các nước trong khối không đạt được thỏa thuận hay thống nhất quan điểm về vụ việc. Rất may là điều này đã không xảy ra.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn ASEAN vừa qua là tuyên bố đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam về tình hình ở Biển Đông, và lần đầu tiên sau nhiều năm Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã ra Tuyên bố thể hiện rõ quan điểm chung của các nước ASEAN lên án hành động khiêu khích trên biển Đông của Trung Quốc. Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam và sự ủng hộ của các nước trong khu vực.
Về các cuộc biểu tình của người Việt ở trong và ngoài nước phản đối hành động của Trung Quốc, tôi cho rằng các hành động này là hoàn toàn đúng đắn. Người Việt Nam luôn có tinh thần yêu nước, họ đấu tranh vì độc lập, tự do. Hành động của họ hiện nay là phản ứng chính đáng của những người yêu nước, không phải chủ nghĩa dân tộc, không phải chống Trung Quốc, mà chống lại hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình. Những hành động này là hợp pháp.
PV: Theo ông, nước Nga có vai trò gì trong vấn đề này?
Tiến sỹ G.Lokshin: Nga có quan hệ đối tác chiến lược với cả Trung Quốc và Việt Nam và chúng tôi hoàn toàn không muốn rắc rối trong quan hệ với các đối tác của mình. Chính sách đối ngoại của Nga là giữ vững độc lập, tự chủ.
Có thể Nga sẽ có kênh tác động hoặc ảnh hưởng nào đấy mà không cần tuyên bố, tuyên truyền công khai, còn nhiều biện pháp khác Nga có thể thông qua đối với tình hình hiện nay. Tôi tin rằng, Nga sẽ làm hết khả năng để ngăn chặn xung đột leo thang.
PV: Ông có dự báo gì về tình hình sắp tới?
Tiến sỹ G.Lokshin: Diễn biến tiếp theo của tình hình rất khó nói trước, vì hành động của lãnh đạo Trung Quốc thường rất khó dự báo, tất cả chỉ là suy đoán. Song có thể khẳng định, nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách cứng rắn sẽ thôi thúc tất cả các nước ASEAN vào một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc, vì đây là nguy cơ chung đối với tất cả các nước chứ không riêng Việt Nam.
Điều này sẽ làm suy yếu chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời hành động này sẽ vấp phải hành động phản kháng, tinh thần dân tộc, yêu nước của người Việt Nam. Điều này đã thể hiện qua các cuộc biểu tình và nhiều hoạt động phản đối Trung Quốc đang diễn ra khắp nơi. Tất cả những điều này, đáng tiếc là sẽ gây ra những thiệt hại to lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam trong nhiều năm tới.
Vấn đề này đang được cộng đồng quốc tế quan tâm, các phát ngôn chính thức từ Liên Hợp Quốc, Anh, Mỹ, Nhật, nhiều nước châu Âu... đều phản đối hành động của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng sẽ có một giải pháp về chính trị - ngoại giao cho tình hình hiện nay và tất cả các hành động của Việt Nam đến thời điểm này là rất đúng đắn nhằm phản đối Trung Quốc, không để xảy ra tình huống nghiêm trọng hơn./.
Theo Đoan Hải
VOV-Moscow
Chuyên gia Nga: "6 năm nữa, TQ sẽ đánh bại Mỹ" Đến năm 2020, Mỹ có nguy cơ bại trận trước Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tiềm tàng nổ ra tại khu vực Đông Á. Trung Quốc với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của mình sẽ rất có thể sẽ đánh bại nước Mỹ trong một cuộc chiến tiềm tàng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong vòng 6 năm...