Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc thực sự muốn gây chiến với Mỹ
Trung Quốc “đang muốn đấu một trận” với Mỹ và đồng minh của Washington tại Đông Á, sau khi ra lệnh cho một tàu đổ bộ ngăn chiến hạm USS Cowpens tại biển Đông, một chuyên gia quân sự Mỹ nhận định trên trang tin The Washington Free Beacon.
Chiến hạm USS Cowpens lướt ngang qua tàu sân bay USS George Washington tại biển Đông hồi tháng 9.2010 – Ảnh: Reuters
Vào hôm 5.12, USS Cowpens được cho là đang di chuyển trong vùng biển quốc tế tại biển Đông thì một tàu đổ bộ Trung Quốc xuất hiện và yêu cầu chiến hạm Mỹ rời khỏi khu vực, theo The Washington Free Beacon.
Chiến hạm mang tên lửa Mỹ khi đó đang tiến hành theo dõi hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh (Trung Quốc).
Vì cho rằng mình đang trong vùng biển quốc tế nên USS Cowpens từ chối chuyển hướng.
Tàu Trung Quốc sau đó đã chặn hướng di chuyển của chiến hạm Mỹ, buộc tàu Mỹ phải quay đầu gấp để tránh va chạm.
Nhận định về vụ việc trên, Richard Fisher, chuyên gia nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, nói: “Trong giai đoạn mới dùng đến sức mạnh hải quân vừa có được, Trung Quốc đang cố ra vẻ và tỏ ra bắt nạt, đồng thời nước này cũng đang muốn đấu một trận để dọa nạt Mỹ, Nhật và Philippines”.
Vụ việc kể trên cũng cho thấy Bắc Kinh không cho phép Mỹ hiện diện tại biển Đông, ông Fisher nói thêm.
“Họ (Trung Quốc) có thể đã sẵn sàng để “hi sinh” một chiếc tàu đổ bộ LST (chuyên vận chuyển xe tăng) vì họ sở hữu khoảng 27 chiếc. Họ thường trang bị cho tàu LST một hoặc hơn hai ụ pháo 37 li. Loại pháo này có thể gây thiệt hại nặng nề cho tàu chiến loại nhỏ của Hải quân Mỹ ở tầm gần”, ông Fisher nói thêm.
Chuyên gia David Finkelstein tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) cũng nói với tờ Washington Post rằng các chỉ huy hải quân Trung Quốc đã áp dụng một phương pháp sai lầm để bảo vệ tàu sân bay trong sự cố đụng độ với tàu Mỹ hôm 5.12.
Chiến hạm USS Cowpens bị một tàu hải quân Trung Quốc ngặn chặn khi đang di chuyển trong vùng biển quốc tế tại biển Đông – Ảnh: Reuters
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng đã có những nhận định về việc tàu Trung Quốc chặn chiến hạm Mỹ.
Tờ China Daily dẫn lời ông Su Hao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại Trường đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói: “Trung Quốc cho thấy quyết tâm và khả năng kháng cự lại những động thái gây hấn tại biển Đông”.
“Trung Quốc chỉ hành động sau khi tàu Mỹ từ chối tuân theo cảnh báo. Mỹ cần phải thừa nhận rằng quân đội Trung Quốc đã lớn mạnh hơn và nên đánh giá lại các chiến lược của mình dựa theo quan hệ hiện tại giữa 2 nước, thay vì tìm cách kiềm hãm Trung Quốc”, ông Su nói.
Chuyên gia quân sự Ni Lexiong nói động thái của Trung Quốc trong vụ đối đầu nói trên cho thấy nước này “không còn yếu đuối như trước đây”.
Video đang HOT
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã từ chối đề cập trực tiếp về vụ việc nói trên tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 16.12. Bà Hoa đề nghị phóng viên nên đặt câu hỏi với bộ quốc phòng nước này.
“Tôi có thể nói với quý vị rằng Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải và hàng không theo đúng quy định của luật pháp quốc tế”, AFP dẫn lời bà Hoa.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong khi đó, cũng không đưa ra bình luận gì.
Việc Trung Quốc tránh đề cập đến vụ đụng độ với tàu chiến Mỹ hoàn toàn trái ngược với các động thái chỉ trích mạnh mẽ Nhật Bản gần đây của Bắc Kinh khi Tokyo lên tiếng phản đối vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Hoa Đông của Trung Quốc.
Hoàng Uy
Theo TNO
Những cuộc chiến ngớ ngẩn nhất thế giới (Kỳ 3)
Anh và Tây Ban Nha đánh nhau chỉ vì một cái tai bị cắt đứt của một viên thuyền trưởng, còn Mỹ và Anh vẫn đánh nhau sau khi ký hiệp ước hòa bình.
Trong lịch sử loài người, chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn cuộc chiến tranh nổ ra trên khắp thế giới vì nhiều lý do và mục đích khác nhau. Vị tướng nổi tiếng William Tecuseh Sherman của phe Liên bang Miền Bắc trong cuộc nội chiến Mỹ, vị "tướng lĩnh đầu tiên của nền quân sự hiện đại" đã từng thốt lên: "Chiến tranh là địa ngục."
Quả thật, ngoài những cuộc chiến tranh chính nghĩa vì mục đích cao cả, trong lịch sử loài người không thiếu những cuộc chiến tranh phi lý với những lý do vô cùng ngớ ngẩn và nực cười, nhưng hậu quả mà chúng để lại thì vô cùng khủng khiếp.
Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu với bạn đọc những cuộc chiến tranh phi lý và ngớ ngẩn nhất trong lịch sử loài người, để chúng ta hiểu thêm về bản chất tàn bạo và vô nghĩa của chiến tranh.
5. Cuộc chiến Tai Jenkins (1739-42)
Một giai đoạn lịch sử quan trọng của đế quốc Anh nằm trong tay một người đàn ông, và điều đặc biệt là người đàn ông đó lại mất một bên tai, và chiếc tai bị mất ấy là nguyên nhân gây ra một cuộc chiến kinh hoàng.
Cuộc chiến bắt đầu như thế nào?
Robert Jenkins là một thuyền trưởng chỉ huy một tàu chiến thuộc Hải quân Hoàng gia Anh. Năm 1731, chiếc tàu chiến của thuyền trưởng Jenkins bị Lực lượng Tuần duyên Tây Ban Nha tấn công trong vịnh Caribean. Theo lời thuyền trưởng Jenkins kể lại thì viên thuyền trưởng Tây Ban Nha đã trói ông ta và dùng gươm xẻo mất một bên tai của ông.
Robert Jenkins đã bị một thuyền trưởng Tây Ban Nha dùng gươm cắt mất một tai
Trong thời kỳ đó quan hệ giữa Anh và Tây Ban Nha không lấy gì làm tốt đẹp, tuy nhiên chiến tranh giữa hai nước vẫn chưa phải là nguy cơ hiển hiện bởi ngài Thomas Walpole, Thủ tướng Anh đã lập ra một chính sách kiềm chế hết sức.
Tuy nhiên đến năm 1739, người Anh đã chán ngấy với việc ngoảnh mặt làm ngơ trước người Tây Ban Nha, nhưng khốn nỗi họ không có cái cớ nào để gây chiến. Thế là trong một buổi điều trần của Quốc hội, vụ thuyền trưởng Jenkins bị xẻo tai 8 năm trước đó được lôi ra. Jenkins được dịp mang ra chiếc tai bị cắt rời đã khô quắt lại để cho các thành viên trong quốc hội xem.
Tất cả các thành viên trong Quốc hội đều lập tức tuyên bố rằng đây là một nỗi nhục lớn lao đối với quốc thể, và họ phải tuyên chiến ngay. Thế là ngài Thủ tướng Walpole phải tuyên bố chiến tranh với Tây Ban Nha.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Thực ra mọi việc phức tạp hơn thế. Khi Jenkins mang chiếc tai đó lên trình trước Quốc hội, một số nghị sĩ còn lớn tiếng chất vấn liệu chiếc tai quắt queo đựng trong chiếc hộp đó có thực sự là cái tai bị cắt của ông ta hay không. Nhiều người cho rằng ông ta đã bị mất tai trong một trận ẩu đả tại quán rượu, và toàn bộ sự việc chỉ là một màn diễn chính trị được dựng lên nhằm gây sức ép phát động chiến tranh đối với Thủ tướng Walpole mặc dầu ông không hề muốn.
Dù sự thật có thế nào đi nữa thì sự tàn bạo có dẫn chứng đó đã châm ngòi cho sự phẫn nộ của công chúng. Nước Anh nổi giận, và chiến tranh được phát động.
Cuộc chiến kéo dài trong nhiều năm tiếp theo với liên tiếp những vụ hải quân hai nước ăn miếng trả miếng nhau trên vịnh Caribbean và dọc bờ biển Nam Mỹ. Do những rắc rối trong các liên minh chính trị ở châu Âu trong thời kỳ này, cuộc chiến Tai Jenkins đã biến thành cuộc chiến kế thừa ngôi báu ở Áo.
Những trận hải chiến quyết liệt giữa hải quân Anh và Tây Ban Nha
Người anh hùng của nước Anh trong cuộc chiến này là Đô đốc Edward Vernon. Vernon nổi tiếng nhờ trận tấn công vào thị trấn thuộc địa Porto Bello của Tây Ban Nha, hiện nay là một phần của Panama, khi ông tổ chức lực lượng tấn công chỉ với sáu tàu chiến và giành được thắng lợi.
Khoảng nửa triệu người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh đẫm máu này. Nó cũng là nguyên nhân chính làm bùng phát Cuộc chiến Bảy Năm ở châu Âu khiến khoảng 1,25 triệu người chết và góp phần đưa nước Anh trở thành một cường quốc thống trị thế giới.
Ai giành thắng lợi?
Mặc dù Tây Ban Nha đã tuyên bố giành được thắng lợi ngoại giao trong cuộc chiến này song trên thực tế, cuộc chiến này chẳng khác gì một cuộc ẩu đả bằng túi xách giữa hai bà lão với nhau. Khi cuộc chiến này biến thành cuộc chiến giành ngôi báu ở Áo và Cuộc chiến Bảy Năm, không ai có thể ngờ rằng toàn bộ thảm cảnh chết chóc, đau thương với đại bác và thuốc súng đó lại xuất phát từ chiếc tai bị cắt của một viên thuyền trưởng.
6. Cuộc chiến 1812 giữa Mỹ và Anh
Đầu thế kỷ 19, Mỹ và Anh là hai quốc gia không ưa gì nhau, và giữa hai nước đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ. Trong số những cuộc chiến đó, Cuộc chiến năm 1812 là kết quả của sự sai lầm khủng khiếp về thời điểm, bởi đó là cuộc chiến nổ ra khi lý do gây chiến không còn và vẫn tiếp diễn sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết.
Trận chiến bắt đầu như thế nào?
Vào đầu thế kỷ 19, Mỹ vẫn chỉ là một quốc gia đang phát triển vừa mới giành được độc lập. Mặc dù cuộc Cách mạng Mỹ đem lại độc lập cho nước này đã kết thúc được 20 năm, Mỹ vẫn chưa giành được sự độc lập về kinh tế.
Trong khi đó, ở châu Âu, đế quốc Pháp dưới sự trị vì của hoàng đế Napoleon Bonaparte đã kiểm soát phần lớn lục địa này, và Anh là một trong số ít quốc gia không bị xâm chiếm và do đó trở thành kình địch của Pháp. Khi hoạt động thương mại giữa hai quốc gia kình địch này bị đình trệ, Mỹ đứng giữa trở thành kẻ hưởng lợi khi cung cấp hàng hóa cho cả 2 bên.
Cuộc chiến năm 1812 còn được gọi là cuộc chiến của Tổng thống Mỹ Madison
Tức tối với việc Mỹ vi phạm lệnh cấm vận thương mại đối với Pháp, người Anh thực thi chính sách bắt các thương gia người Mỹ sung quân, và đây là một trong những nguyên nhân chính làm nổ ra cuộc chiến. Đến năm 1811, hải quân Hoàng gia Anh đã bắt sung quân ít nhất 6.000 thủy thủ của Mỹ.
Ngoài ra, Ủy ban Chính phủ còn ban hành Đạo luật về cấm vận thương mại, cản trở hoạt động làm ăn của người Mỹ. Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Anh hủy bỏ đạo luật này nhưng không thành công, và thế là vào ngày 18/6/1812, Quốc hội Mỹ tuyên chiến với Anh.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Người Mỹ không ngờ được rằng trước khi họ tuyên chiến 2 ngày, chính phủ Anh đã hủy bỏ Đạo luật cấm vận thương mại này mà người Mỹ vốn rất căm ghét này. Nói cách khác, nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến này đã không còn nữa.
Sau này Tổng thống Mỹ James Madison thú nhận rằng nếu ông biết được Anh đã thay đổi chính sách, ông đã không tuyên bố chiến tranh. Nhưng phải mất nhiều tháng thì thông tin này mới tới được Washington...và đến khi đó thì lời tuyên chiến đã được phát đi.
Cuộc chiến năm 1812 diễn ra trên 3 mặt trận chính. Trên biển, tàu chiến và tàu lùng của các bên thi nhau tấn công vào tàu buôn của đối phương, trong khi hải quân Anh phong tỏa bờ biển Đại Tây Dương ngoài khơi nước Mỹ và tiến hành hàng loạt cuộc tấn công quy mô lớn ở giai đoạn sau.
Mỹ và Anh đánh nhau bất phân thắng bại suốt 2 năm trời
Mặt trận thứ hai diễn ra trên biên giới Mỹ-Canada, nơi các trận chiến diễn ra dọc theo vùng Hồ Lớn, sông Saint Lawrence và phía bắc hồ Champlain. Mặt trận thứ 3 diễn ra ở phía nam nước Mỹ và vùng Gulf Coast, nơi quân Mỹ đánh bại các đồng minh thổ dân của Anh và lực lượng viễn chinh Anh ở New Orrleans.
Với phần lớn lực lượng đang phải đối chọi với quân Pháp ở châu Âu, ban đầu quân Anh chỉ áp dụng chiến lược phòng thủ và đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân Mỹ ở vùng Thượng và Hạ Canada.
Tuy nhiên sau đó người Anh thay đổi chiến thuật và tổ chức lực lượng tấn công vào Maine vào tháng 9/1814 và chiếm giữ khu vực này trong suốt cuộc chiến. Sau khi Napoleon thất bại vào cuối năm 1814, quân Anh tấn công dữ dội hơn và cử tới Mỹ 3 đạo quân xâm lược lớn. Họ đã tiến được vào Washington D.C và nổi lửa đốt rụi nơi này, nhưng sau đó bị quân Mỹ đánh bật ra.
Ai giành thắng lợi trong cuộc chiến này?
Suốt 2 năm trời, quân Anh và quân Mỹ đánh nhau quyết liệt không phân thắng bại. Trận chiến nổi tiếng nhất của cuộc chiến này là chiến thắng mang tính quyết định của Tướng Andrew Jackson trước quân Anh trong trận chiến New Orleans vào ngày 8/1/1815. Trận chiến này đã đưa Jackson trở thành anh hùng dân tộc, và cuối cùng đã đưa ông đến với cương vị Tổng thống Mỹ.
Thế nhưng trận chiến này thực chất lại là một sai lầm còn tệ hơn nữa. Hiệp ước Ghent chính thức kết thúc cuộc chiến đã được chính phủ 2 nước ký kết vào ngày 24/12/1814. Nói cách khác, trận chiến đó diễn hai tuần sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.
Lời kết: Chiến tranh dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa cũng là điều tàn khốc mà không ai mong muốn xảy ra, và hậu quả mà nó để lại rất nặng nề. Từ bao đời nay, hòa bình vẫn luôn là khát vọng cháy bỏng của nhân loại, nhưng để đạt được khát vọng đó, con người cần phải nỗ lực hết mình để vượt qua những điều tầm thường, nhỏ nhặt, ngớ ngẩn và phi lý nhất để tránh khỏi nỗi ám ảnh của bóng ma chiến tranh.
Theo Khampha
Những cuộc chiến ngớ ngẩn nhất thế giới (Kỳ 1) Lịch sử loài người chứng kiến không ít những cuộc chiến tranh vì những lý do ngớ ngẩn và phi lý nhưng để lại hậu quả thực sự tàn khốc. Trong lịch sử loài người, chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn cuộc chiến tranh nổ ra trên khắp thế giới vì nhiều lý do và mục đích khác nhau. Vị tướng nổi...