Chuyên gia Mỹ: Tổng thống Ukraine đã “ngán” các chiến dịch quân sự
Trước tình hình đàm phán ngừng bắn ở miền Đông Ukraine không có dấu hiệu tiến triển, các chuyên gia cho rằng ông Poroshenko sẽ tiến hành cải cách đất nước thay vì tiếp tục đấu tranh quân sự kéo dài.
Pomerenz khẳng định Poroshenko sẽ không tiếp tục đấu tranh xung đột tại miền Đông Ukraine sau bầu cử quốc hội.
Phó Giám đốc Viện Kennan (Viện chuyên nghiên cứu về những vấn đề của Nga và các nước Liên Xô cũ có trụ sở tại Mỹ), ông William Pomeranz trả lời RIA Novosti rằng, nhiều khả năng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ chọn giải pháp hòa giải xung đột ở miền Đông Ukraine chứ không tiếp tục đối đầu quân sự với quân nổi dậy.
Pomeranz nói: “Tôi cho rằng ông Poroshenko đã nói rõ quan điểm của mình rằng ông đã chọn chính sách cải cách chính trị trong nước thay vì tiếp tục đối đầu quân sự. Ông ấy đã phải chịu đựng quá nhiều để có được thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine rồi”.
Ông Pomeranz không nghĩ việc thỏa thuận quân sự của xung đột sẽ không thể đạt được trong tương lai gần và tin Poroshenko sẽ đẩy mạnh cải cách ở những vùng ông đang nắm quyền kiểm soát, sau đó mới “tiếp tục đàm phán và cố gắng tái hợp với khu vực miền Đông trong thời gian dài”. Ngoài ra, chuyên gia này khẳng định thêm rằng thỏa thuận quân sự ở Ukraine cũng phụ thuộc vào ý kiến của Nga.
“Tình hình đóng băng xung đột vẫn sẽ còn tiếp diễn ở miền Đông Ukraine trong thời gian tới”, phó giám đốc Viện Kennan tiếp tục.
Pomeranz nhấn mạnh rằng trong cuộc bầu cử quốc hội ở Ukraine vào ngày Chủ nhật vừa rồi, Poroshenko đã làm việc với các chính đảng trong nước để áp dụng chương trình nghị sự của ông và thành lập một chính phủ liên hợp giữa các đảng.
Pomeranz kết luận: “Tôi nghĩ thành phần chính trị của các nhân vật trong Rada (quốc hội Ukraine) hiện nay rất khác so với lúc trước. Tôi vẫn chưa thể dùng từ “cấp tiến” đối với Rada hiện tại. Trong chính phủ Ukraine có nhiều đảng phái đối đầu với nhau rất kịch liệt, bao gồm những phe theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine và những phe theo chủ nghĩa dân túy muốn thiết lập quan hệ lâu dài với Nga”.
Video đang HOT
Cuộc bầu cử quốc hội ban đầu được tổ chức tại Ukraine vào ngày Chủ nhật. Theo số liệu của Hội đồng Bầu cử Trung ương, tỉ lệ người đi bỏ phiếu đạt 52.42%.
Cũng theo tổ chức này, hiện tại, với khoảng 55% tổng số phiếu bầu đã được kiểm, đảng Mặt trận Nhân dân đã có 21.6% số phiếu ủng hộ, còn đảng của Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko đang theo rất sát với 21.45%. Hai đang hiện đang xem xét việc thành lập chính phủ liên hợp.
Tiếp sau hai đảng đang dẫn đầu là đảng Samopornich, đứng đầu bởi thị trưởng Lviv Andriy Sadovy với 11.2% phiếu bầu, đảng Khối Đối lập với 9.8%, đảng đân tộc Cấp tiến của ông Oleh Lyashko với 7.34%, và đảng Batkivshchyna đứng đầu bởi cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko với 5.65%.
Theo Infonet
Chuyên gia Mỹ: Khủng hoảng Ukraine là do lỗi của phương Tây
Phương Tây luôn đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, giáo sư John J.Mearsheimer thuộc Đại học Tổng hợp Chicago lại cho rằng, những hỗn độn hiện nay ở Ukraine là do phương Tây.
Mở đầu bài viết đăng trên tờ Foreign Affairs (Đối ngoại), giáo sư John J.Mearsheimer khẳng định Mỹ và các đồng minh châu Âu là những đối tượng phải chịu trách nhiệm lớn nhất về cuộc khủng hoảng Ukraine. Gốc rễ của vấn đề này chính là sự khuếch trương của NATO với mục tiêu đưa Ukraine thoát khỏi "quỹ đạo" của Nga và đưa nước này hướng sang phía châu Âu. Đồng thời sự mở rộng của Liên minh châu Âu (EU) về phía đông và sự ủng hộ của phương Tây đối với phong trào dân chủ ở Kiev - bắt đầu với cuộc Cách mạng Cam năm 2004 - cũng là một nhân tố lớn gây ra tình trạng hiện nay tại miền Đông Ukraine.
Kể từ giữa những năm 1990, các nhà lãnh đạo Nga đã cực lực phản đối sự khuếch trương của NATO và trong những năm gần đây, họ đã khẳng định rằng sẽ không đứng yên để nhìn những nước láng giềng quan trọng bị biến thành một pháo đài của phương Tây. Đối với ông Putin, việc cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych, một tổng thống ủng hộ Nga, bị lật đổ giống như "giọt nước tràn ly". Đáp lại với hành động mà Nga không thể chấp nhận được đó, ông Putin dường như đã không mảy may do dự khi sáp nhập Crimea, bán đảo mà ông lo sợ rằng sẽ trở thành căn cứ hải quân của NATO. Đồng thời, ông Putin được cho là sẽ gây mất ổn định ở Ukraine cho đến khi nước này từ bỏ nỗ lực gia nhập EU.
Ông Putin đã nhiều lần cảnh báo sẽ không chấp nhận sự khuếch trương của NATO tới các nước láng giềng quan trọng của Nga.
Hành động đáp trả của ông Putin đối với mục đích của phương Tây chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Phương Tây đang di chuyển vào sân sau của Nga và đe dọa lợi ích chiến lược cốt lõi của Moscow bất chấp cảnh báo của ông Putin.
Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu đã mắc sai lầm trong việc cố gắng biến Ukraine thành một thành trì phương Tây ở sát biên giới Nga. Hiện, những hậu quả của sai lầm đó đã xuất hiện và chúng sẽ còn lớn hơn nữa nếu họ vẫn tiếp tục các chính sách thiếu chín chắn như vậy.
Công cụ cuối cùng của phương Tây nhằm kéo Kiev khỏi Moscow là truyền bá các giá trị phương Tây, thúc đẩy dân chủ ở Ukraine và các quốc gia hậu Xô Viết khác. Kế hoạch này thường đòi hỏi sự ủng hộ tài chính của các cá nhân và tổ chức thân phương Tây. Victoria Nuland, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu, ước tính kể từ năm 1991, Mỹ đã đầu tư hơn 5 tỷ USD để giúp Ukraine đạt được cái mà họ gọi là "tương lai xứng đáng" với nước này thay vì lệ thuộc vào Nga. Chính phủ Mỹ đã cấp vốn cho Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED). NED đã tài trợ cho hơn 60 dự án nhằm thúc đẩy dân chủ ở Ukraine. Sau khi ông Yanukovych giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào tháng 2/2010, NED cho rằng ông Yanukovych đã phá hoại mục tiêu của mình, và vì vậy tổ chức này tăng cường hỗ trợ phe đối lập và tăng cường các thể chế dân chủ ở Ukraine.
Khi các nhà lãnh đạo Nga nhìn vào những chiến lược trên của phương Tây ở Ukraine, họ lo lắng rằng đất nước của họ có thể sẽ trở thành "nạn nhân" tiếp theo. Và nỗi sợ hãi này không phải là không có căn cứ. Hồi tháng 9/2013, ông Gershman, Chủ tịch của NED, đã viết trên tờ Washington Post rằng: "Việc Ukraine lựa chọn gia nhập châu Âu sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ của hệ tư tưởng chủ nghĩa đế quốc Nga do Putin đại diện". Ông nói thêm: "Nga cũng phải đối mặt với một sự lựa chọn, và Putin sẽ bị thất bại không chỉ ở các nước láng giềng mà còn chính trong nước Nga".
Đến tháng 11/2013, tình hình căng thẳng bắt đầu được châm ngòi bằng việc ông Yanukovych từ chối một hợp đồng kinh tế lớn với EU và quyết định chấp nhận một thỏa thuận thay thế trị giá 15 tỷ USD từ phía Nga. Quyết định này đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ, leo thang thành bạo lực, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Các sứ giả phương Tây vội vã bay đến Kiev để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngày 21/2, chính phủ và phe đối lập đi đến thống nhất cho phép Yanukovych duy trì quyền lực cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức. Tuy nhiên, một ngày sau đó, ông này bị lật đổ và chạy sang Nga. Chính phủ mới được lập lên với cốt lõi là những người thân phương Tây và chống Nga.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain phát biểu trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Ukraine hồi tháng 12/2013.
Mặc dù chưa rõ Mỹ có tham gia vào cuộc đảo chính này hay không nhưng chắc chắn Washington ủng hộ sự kiện này. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Victoria Nuland và Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Chris Murphy cũng đã tham gia biểu tình chống chính phủ ở Ukraine. Ông John Mc Cain còn đe dọa sẽ có biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Viktor Yanukovych nếu nhà chức trách nước này tiếp tục giải tán biểu tình bằng bạo lực.
Sau khi ông Yanukovych bị lật đổ, ông Geoffrey Pyatt, Đại sứ Mỹ tại Ukraine còn tuyên bố, đó là một sự kiện trọng đại đối với Ukraine. Theo một đoạn ghi âm được tiết lộ, Nuland ủng hộ việc thay đổi chế độ và muốn chính trị gia người Ukraine Arseniy Yatsenyuk trở thành thủ tướng lâm thời. Ông Yatsenyuk đã lên làm thủ tướng đúng với mong muốn đó. Người Nga chắc chắn nghĩ rằng phương Tây đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ông Yanukovych bị lật đổ.
Do đó, hành động của Putin là dễ hiểu. Ukraine là một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với Nga. Không có nhà lãnh đạo Nga nào chịu được một liên minh quân sự được xem là kẻ thù của Moscow di chuyển tới Ukraine. Cũng không có bất kì nhà lãnh đạo Nga nào chịu đứng yên trong khi phương Tây đang có âm mưu cài đặt một chính phủ có mục đích đưa Ukraine về phe của phương Tây.
Washington có thể không thích lập trường của Moscow, nhưng phải hiểu được logic đằng sau đó. Các cường quốc luôn nhạy cảm với những mối đe dọa tiềm năng gần lãnh thổ của họ. Hãy tưởng tượng xem Washington sẽ phẫn nộ thế nào nếu Trung Quốc xây dựng một liên minh quân sự lớn và cố gắng kéo Canada và Mexico về phía mình. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng, họ không thể chấp nhận được việc NATO mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới Georgia và Ukraine, hay bất kỳ nỗ lực nào nhằm khiến những quốc gia này chống lại Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1998, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Nga, George Kennan cũng dự đoán rằng sự khuếch trương của NATO sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng.
Nga sẽ không thể bỏ qua bộ ba chính sách của phương Tây gồm sự khuếch trương của NATO, sự mở rộng của EU và chiến dịch thúc đẩy dân chủ.
Sau những lập luận trên, ông Mearshemer đã đề xuất giải pháp để phương Tây thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine:
Ông nói: "Có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tuy nhiên, nó sẽ đòi hỏi phương Tây phải suy nghĩ về đất nước này theo một cách hoàn toàn mới. Mỹ và các đồng minh nên từ bỏ kế hoạch tây hóa Ukraine mà thay vào đó khiến Kiev thành điểm trung hòa giữa NATO và Nga, giống như vị trí của Áo trong Chiến tranh Lạnh. Điều đó có nghĩa là, chính phủ tương lai của Ukraine không nghiêng về Nga cũng không nghiêng về phương Tây.
Các lãnh đạo phương Tây phải thừa nhận rằng ông Putin rất coi trọng các vấn đề của Ukraine và sẽ không cho phép xuất hiện một chế độ chống Nga tồn tại ở Kiev.
Mỹ và các đồng minh châu Âu hiện đang phải lựa chọn về Ukraine. Họ có thể tiếp tục chính sách hiện tại, làm trầm trọng thêm mối quan hệ với Nga và phá hủy Ukraine, một kịch bản mà tất cả sẽ là kẻ thua cuộc. Hoặc họ sẽ chuyển hướng, tạo ra một Ukraine thịnh vượng nhưng trung lập, một nước không đe dọa Nga và cho phép phương Tây sửa chữa các mối quan hệ với Moscow. Bằng cách đó, tất cả đều là người chiến thắng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tạp chí Foreign Affairs (FA), chuyên về phân tích các mối quan hệ quốc tế và các chính sách đối ngoại Mỹ. FA thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), một trong những trung tâm tham vấn uy tín nhất nước Mỹ về chính sách ngoại giao.
Theo An Ninh Thủ Đô
Chuyên gia Mỹ: Ông Putin không muốn đánh Ukraine Chuyên gia Mỹ cho rằng, kế hoạch xâm lược Ukraine chỉ là kế hoạch dư phòng cho kế hoạch dài hạn của ông Putin. NATO đang quan ngại, Tổng thống Nga Putin có thể sử dụng lý do đưa quân sang Ukraine để thực hiện sứ mệnh nhân đạo hay gìn giữ hòa bình như là cái cớ để xâm lược miền đông...