Chuyên gia Mỹ nhận định về Thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức ở Việt Nam
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sắp diễn ra tại thủ đô Việt Nam. Chuyên gia Mỹ đưa ra các nhận định về sự kiện trọng đại này.
Chỉ còn một tuần nữa là diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 được cả thế giới chú ý. Việt Nam đã được nhắc tới nhiều lần bởi truyền thông cũng như các nhà phân tích và chuyên gia nước ngoài không những vì đây sẽ là địa điểm sẽ diễn ra cuộc gặp mà còn vì vị thế và vai trò của Việt Nam trong các vấn đề của khu vực và quốc tế.
Ông Nelson (bìa phải) trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.
Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ đã cuộc trao đổi với Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương tại Tập đoàn Tư vấn Albright Stonebridge của Mỹ về chủ đề này.
PV: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Việt Nam?
Anthony Nelson: Tại thời điểm này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tận dụng thời gian đàm phán nhằm đạt được một số kết quả sau thượng đỉnh. Đại diện đặc biệt, Đại sứ Stephen Biegun đã dành nhiều thời gian trực tiếp gặp các quan chức Triều Tiên và thảo luận với các bên liên quan để cuộc gặp được hiệu quả nhất có thể. Nhiều người đã chỉ trích rằng ở cuộc gặp trước Tổng thống Trump đã gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và đã trao cho Triều Tiên nhiều sự quan tâm và tính hợp pháp tuy nhiên không đạt được kết quả nào đáng kể. Do đó mà, phía Mỹ đang cố gắng làm thế nào để cuộc gặp lần này có được những kết quả cụ thể.
PV: Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng tới kết quả cuộc gặp thưa ông?
Anthony Nelson: Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất mà chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách giải quyết trước cuộc gặp này đó là khiến các đồng minh của mình yên tâm. Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, có nhiều lo ngại về một thỏa thuận hợp thức hóa việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump có thể sẽ muốn tạo tiếng vang mặc dù cuộc gặp này sẽ không làm thay đổi nhiều tới kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Phía Mỹ cần làm thế nào đó để các đồng minh chủ chốt của mình không cảm thấy bị bỏ rơi.
PV: Vậy vai trò của Việt Nam trong việc được chọn là địa điểm cho thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai là gì thưa ông?
Anthony Nelson: Bản thân tôi cho rằng Việt Nam không đóng một vai trò cụ thể trong cuộc gặp này nhưng sự kiện này là điều ghi nhận vị thế quốc tế đang lên của Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam là một nước có quan hệ mạnh mẽ với nhiều cường quốc và là một trong những quốc gia vẫn còn có thể nói chuyện với Triều Tiên. Triều Tiên đặc biệt muốn ASEAN tham gia tại cuộc gặp này giống như Singapore ở cuộc gặp đầu tiên. Triều Tiên duy trì quan hệ tốt với ASEAN trong khi ASEAN tìm cách tăng cường vai trò của mình trong khu vực và Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất của ASEAN. Cuộc gặp cũng là sự ghi nhận của Mỹ đối với Việt Nam như một đối tác trong các vấn đề an ninh.
PV: Kết quả cuộc gặp lần này có thể có những khả năng nào thưa ông?
Video đang HOT
Anthony Nelson: Cũng có nhiều dự đoán về khả năng kết quả cuộc gặp và khả năng lớn nhất đó là Triều Tiên đồng ý cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình, đây cũng là điều mà Mỹ muốn. Cũng đã có nhiều người đề cập tới khả năng Mỹ có thể chính thức mở một phái đoàn ngoại giao ở Bình Nhưỡng do tới nay thì Mỹ vẫn thực hiện các hoạt động của mình thông qua phái đoàn của Thụy Điển.
Còn một số khả năng khác đó là hai bên tái thiết lập quan hệ ngoại giao với ý nghĩa mang tính biểu tượng có thể là việc thông báo chính thức một thỏa thuận chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên cũng là một khả năng, tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc vào việc Triều Tiên sẽ có những nhượng bộ gì. Quốc hội Mỹ sẽ rất lo ngại về việc giảm sức ép đối với Triều Tiên mà đổi lại không đạt được một nhượng bộ đáng kể nào từ phía Bình Nhưỡng.
Theo Phạm Huân
VOV
Phóng viên quốc tế 'đổ bộ' Hà Nội chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Còn 9 ngày nữa, thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đông đảo các phóng viên nước ngoài đã có mặt tại thủ đô Việt Nam cả tuần nay để đưa tin sự kiện được chú ý hàng đầu thế giới vào thời điểm này.
Ekip của một hãng tin Hàn Quốc tác nghiệp ngay trước cửa khách sạn Metropole
ẢNH ĐẬU TIẾN ĐẠT
Dễ dàng nhận thấy có mặt sớm nhất và hùng hậu tại Hà Nội thời điểm này là các hãng tin Hàn Quốc.
Ngày 16.2, ngày đoàn công tác của Triều Tiên có mặt ở Hà Nội để tiền trạm cho hội nghị, có sự xuất hiện của ít nhất 7 hãng tin của Hàn Quốc, bao gồm: SBS, KBS, MBC, JTBC, YTN, News1, Yonhap... và một số hãng tin của Nhật như NHK tại Đại sứ quán Triều Tiên, khách sạn Metropole, Nhà khách Chính phủ, khách sạn Melia...
Nhóm phóng viên này cũng chứng tỏ được nguồn tin rất nhanh nhạy của mình, khi có mặt ở rất đúng vị trí vào đúng thời điểm. Số ít ỏi phóng viên ảnh của Việt Nam có mặt tác nghiệp cùng cũng phải thừa nhận sự chuyên nghiệp của những người này, đặc biệt là các đồng nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Phóng viên của News1 và Yonhap tác nghiệp ngay trên thềm khách sạn Melia
ẢNH V.H
Theo đại diện một số hãng tin (đề nghị không nêu cụ thể), tại thời điểm này, nhiều nhân sự từ các văn phòng Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Indonesia... đều đã được điều động sang Việt Nam. Có những hãng tin huy động đến hàng trăm người, rải quân khắp các điểm được dự đoán sẽ có sự xuất hiện của lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ.
Ngoài nguồn tin tốt thì chiến thuật "biển người" cũng sẽ có hiệu quả trong những sự kiện lớn như lần này, bởi tính bất định trong lịch trình của những lãnh đạo tham gia sự kiện, đặc biệt là phía Triều Tiên. Theo ghi nhận, đã có khoảng 5.000 phóng viên trên toàn thế giới đến đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 diễn ra tại Singapore. Hội nghị lần này tại Việt Nam cũng đón chờ số lượng tương tự.
Truyền hình Hàn Quốc trước cửa Nhà khách Chính phủ
ẢNH ĐẬU TIẾN ĐẠT
Qua trao đổi nhanh của phóng viên Thanh Niên với các phóng viên Hàn Quốc tại Hà Nội, không hãng tin nào cho biết sẽ giảm số lượng nhân sự so với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1. Đại diện một hãng tin Nhật Bản cho biết họ sẽ gửi sang ít nhất 80 người vào 2 ngày diễn ra hội nghị.
Cùng với các thông tin dự báo lịch trình của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Việt Nam kể từ ngày 25.2 tới, hãng tin SBS và KBS của Hàn Quốc cũng đã lập tức cử người về các khu vực này và đã đưa tin đón đầu.
Theo thông tin chúng tôi có được, dù các phóng viên Nhật Bản và Hàn Quốc được miễn thị thực 15 ngày khi nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng một số hãng tin đã đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ cấp visa để ở lại lâu lơn, đề phòng việc lịch trình hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có thay đổi.
Phóng viên JTBC dẫn live tại hiện trường
ẢNH ĐẬU TIẾN ĐẠT
Khách sạn được các phóng viên quốc tế lựa chọn để lưu trú cũng khá đa dạng, nhưng đều xung quanh các địa điểm được dự đoán sẽ diễn ra hội đàm, quanh Đại sứ quán Triều Tiên, hay khách sạn ông Trump và ông Kim sẽ chọn.
Tuy chưa có thông báo chính thức nào từ các bên liên quan, nhưng cho đến thời điểm này, cánh phóng viên có vẻ đã nắm khá rõ thông tin và có chuẩn bị kỹ càng.
Theo khảo sát của chúng tôi quanh khu vực sân bay Nội Bài thì các phóng viên Hàn Quốc cũng đã có mặt để tranh thủ những vị trí đẹp nhất.
Nữ phóng viên Hàn Quốc ngồi bệt bên lề đường làm việc
ẢNH ĐẬU TIẾN ĐẠT
Đứng trước 'bước ngoặt lịch sử', Triều Tiên cần 'chạy nhanh, nhắm xa'Cuộc đua của Singapore với thượng đỉnh Mỹ - Triều Viễn cảnh chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2
Sẽ ganh đua nhau từng mẩu tin và từng vị trí chụp ảnh, nhưng các phóng viên quốc tế cũng khá cởi mở trong việc chia sẻ thông tin với phóng viên Việt Nam. Với mối quan hệ rất tốt đẹp gần đây giữa 2 nước, đặc biệt sau thành tích của đội tuyển bóng đá Việt Nam và HLV Park Hang Seo, một số phóng viên Hàn Quốc tỏ ra hài lòng sự kiện đã được tổ chức tại Hà Nội, nơi họ cảm thấy được chào đón.
Một số phóng viên của Hong Kong, Trung Quốc và các hãng tin Mỹ cũng đã có mặt.
Theo Thanhnien
Sức mạnh đặc nhiệm tinh nhuệ bảo vệ thượng đỉnh Trump - Kim tại Singapore Để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2018, Singapore đã huy động lực lượng đặc nhiệm gốc Nepal - những chiến binh mũ nồi với kỹ năng thiện nghệ. Đặc nhiệm Gurkha tuần tra bên ngoài khách sạn Shangri-la tại Singapore - nơi diễn ra nhiều sự kiện...