Chuyên gia Mỹ nêu cách kiềm chế Trung Quốc
Với 7 bước đi, Mỹ và đồng minh sẽ vô hiệu hóa các mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
Trong cuốn sách mới được xuất bản, chuyên gia Mỹ Robert Haddich với 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu an ninh châu Á đã chỉ ra 7 bước đi nhằm đối phó với Trung Quốc. Cuốn sách của Haddich mang tên “Fire on the Water: China, America and Future of the Pacific” do Nhà xuất bản Viện Hải quân Mỹ phát hành tháng 9/2014.
Tác giả đặc biệt nhấn mạnh chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc và bên cạnh đó là tầm quan trọng của mạng lưới đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, để đối phó với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông cũng như sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, Mỹ cần kêu gọi các đối tác đóng góp nhiều hơn nữa với 7 bước đi.
Chiến hạm USS Freedom của Mỹ tại quân cảng Changi của Singapore
Đầu tiên, Mỹ cần kêu gọi các đối tác đẩy mạnh các vụ kiện pháp lý chống lại những hành động của Trung Quốc. Theo Haddich, nhân tố trung tâm trong chiến lược “cắt lát salami” là dần dần hợp pháp hóa các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ thông qua việc tăng cường tạo ra “những sự đã rồi trên biển”.
Video đang HOT
Các tuyên bố chủ quyền và hành động của Trung Quốc hầu như không có giá trị pháp lý và hiện bị cộng đồng quốc tế phản đối. Mỹ cần trợ giúp các đối tác thông qua các thể chế và luật quốc tế hiện tại. Ngoài ra, Mỹ cần tăng cường hỗ trợ ASEAN đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ràng buộc về mặt pháp lý để chống lại chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc.
Trung Quốc đang ngang nhiên xây dựng các đảo trên Biển Đông
Bước đi thứ hai mà các đối tác của Mỹ cần làm là bắt kịp sự hiện diện trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Chiến lược “cắt lát salami” được hậu thuẫn bằng sức mạnh kinh tế, công nghiệp giúp Trung Quốc duy trì được sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng dân sự, bán quân sự trên biển, nhằm tạo ra sự đã rồi và cuối cùng sẽ được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Haddich đề xuất, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Malaysia và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác cần phải tăng cường sự hiện diện trên biển, để bắt kịp Trung Quốc, nếu không sẽ bị coi như chấp nhận lùi bước trước Trung Quốc. Mỹ cần tập hợp Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, để tăng cường hỗ trợ các quốc gia nhỏ khác nâng cao thực lực hàng hải bán quân sự, gia tăng sự hiện diện của các tàu đánh cá dân sự tại Biển Đông và Hoa Đông.
Nhật Bản đã cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam
Bước thứ ba, các đối tác của Mỹ tại khu vực cần tăng cường các chiến dịch thông tin và các thông điệp ra thế giới. Nhằm đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông, các đối tác của Mỹ cần tận dụng lợi thế trong lĩnh vực thông tin truyền thông để cho thế giới thấy Trung Quốc cậy thế nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ nỗ lực này thông qua trợ giúp kỹ thuật hoặc thông qua các sáng kiến ngoại giao.
Bước thứ tư, Mỹ cần mở rộng và làm sâu sắc hơn mạng lưới đối tác ở khắp châu Á. Trên thực tế, quyết định “thoát Trung” của Myanmar mang lại một cơ hội tốt cho Mỹ, và Chính quyền Obama đang khai thác tốt khía cạnh này. Ngoài ra, Mỹ cần tính tới các quốc gia Trung Á, các quốc gia ở Himalaya và kể cả Nga.
Việc Nga xích lại gần Trung Quốc hiện nay chỉ là toan tính ngắn hạn. Về dài hạn, Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa đối với các lợi ích của Nga, hơn cả mối đe dọa từ Mỹ và EU. Ngoài ra, Mỹ cần đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ và Việt Nam, hai đối tác đáng chú ý tại châu Á-Thái Bình Dương, dù có những rào cản về chính trị và văn hóa.
Máy bay săn ngầm của Mỹ và đồng minh là một trong những nỗi khiếp sợ đối với Trung Quốc. Ảnh: AP-3C Orion của Australia.
Bước thứ năm, Mỹ cần dẫn đầu nỗ lực xây dựng sự nhận thức trên biển và chia sẻ thông tin trong mạng lưới đối tác. Mục tiêu là tạo ra một bức tranh chính xác và kịp thời về các hoạt động trên biển của Trung Quốc, cả dân sự và quân sự. Việc chia sẻ giúp các quốc gia thành viên mạng lưới có thể nâng cao năng lực đối phó.
Bốn quốc gia lớn trong mạng lưới là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ có thể hỗ trợ các đối tác nhỏ có được các thực lực về thiết bị không người lái nhằm tăng cường khả năng kiểm soát trên biển. Ngoài ra, sự hỗ trợ cho các tàu đánh cá dân sự các thiết bị liên lạc, điện thoại vệ tinh cũng quan trọng để giám sát các hoạt động quân sự, bán quân sự và dân sự của Trung Quốc trên biển.
Tàu đánh cá Trung Quốc nhiều lần ồ ạt tràn ra Biển Đông
Bước thứ sáu, Mỹ cần thúc giục các đối tác tại khu vực nâng cao các khả năng chống tiếp cận, qua đó làm phức tạp quá trình hoạch định chính sách quân sự, giảm bớt những lựa chọn của Trung Quốc và gia tăng thiệt hại cho Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự trong tương lai. Mỹ có thể thông qua Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để hỗ trợ kỹ thuật, hướng tới xây dựng các khả năng chống tiếp cận cấp khu vực. Đây là một giải pháp ít tốn kém với Mỹ và các đối tác, trong khi vẫn có thể tạo ra những thiệt hại đáng kể cho Trung Quốc.
Cuối cùng, Mỹ và các đối tác cần chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chiến không chính quy. Theo Haddich, các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc có xu hướng sử dụng thực lực quân sự truyền thống để răn đe hơn là triển khai trên thực tế, nhằm đạt được các mục tiêu chính trị và an ninh mà không cần tác chiến. Do đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ hướng tới các thủ thuật tác chiến không chính quy để tăng cường lợi thế chính trị và làm suy yếu đối thủ. Mỹ và đồng minh phải sẵn sàng đối phó với chiến thuật này của Trung Quốc.
Theo Đất Việt