Chuyên gia: MH370 bị cố tình điều khiển xuống Nam Cực
Ngày 23/2, tờ Mirror của Anh dẫn lời các chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng chuyến bay xấu số MH370 đã bị ai đó trong buồng lái cố tình điều khiển để xuống thẳng Nam Cực, tuy nhiên chiếc máy bay đã hết nhiên liệu và rơi xuống biển khi mới đi được nửa đường.
Nhận định này của các chuyên gia sẽ được trình bày trong bộ phim tài liệu “MH370: Chuyện gì đã xảy ra” chiếu trên kênh National Geographic vào ngày 8/3 tới đây, sau khi những chuyên gia này xem xét kỹ lưỡng các dữ liệu do vệ tinh thu thập được về chiếc máy bay bí ẩn.
Họ tin rằng MH370 đã chuyển hướng ba lần sau khi mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu, đầu tiên là rẽ trái về hướng tây, rồi tiếp tục rẽ chếch sang trái hai lần nữa, khiến chiếc máy bay này hướng thẳng tới Nam Cực.
Các chuyên gia nhận định MH370 đã bị cố tình điều khiển xuống Nam Cực
Ông Malcolm Brenner, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về tai nạn hàng không cho rằng điều đó “chứng tỏ một cách mạnh mẽ” rằng có ai đó trong buồng lái đã cố tình điều khiển chiếc máy bay tới một nơi hoang vu, hẻo lánh.
Ông Brenner nói: “Vụ tai nạn này đã gây ra sự chú ý của thế giới theo cách mà tôi chưa từng thấy trong sự nghiệp hàng không 40 năm của mình”. MH370 biến mất vào ngày 8/3 năm ngoái, và cho đến nay tung tích của nó vẫn còn là một trong những bí ẩn lớn nhất của hàng không thế giới.
Tuyên bố trên của các chuyên gia hàng không thế giới được đưa ra trong bối cảnh Cục An toàn Giao thông Úc cho hay nhiều khả năng họ sẽ tìm thấy chiếc máy bay mất tích vào tháng Năm tới đây.
Video đang HOT
Hiện Cục An toàn Giao thông Úc đang phụ trách chiến dịch tìm kiếm và trục với chiếc máy bay xấu số. Ông Martin Dolan, người đứng đầu chiến dịch cho biết: “Ngày nào tôi cũng thức dậy và hy vọng đây sẽ là ngày tìm thấy chiếc máy bay, và tôi hy vọng ngày đó sẽ diễn ra trong khoảng từ nay đến tháng Năm”.
Môt thiết bị tìm kiếm MH370 dưới đáy biển
Tuy nhiên, ông Dolan cũng nhấn mạnh rằng ông không “dám chắc” rằng sẽ tìm thấy chiếc máy bay mất tích, bởi sự bí ẩn cũng như quy mô tìm kiếm quá lớn của MH370.
Ông Dolan cho biết hiện Cục An toàn Giao thông Úc đang làm việc với các chuyên gia hàng không để xây dựng các mô hình nhằm xác định chính xác vị trí mà xác máy bay có thể trôi dạt đến.
Hiện các thiết bị tìm kiếm dưới nước của Trung tâm Điều phối Hỗn hợp đã khảo sát được hơn 22.000 km vuông đáy biển, tương đương với 36% diện tích tìm kiếm trên vùng biển Ấn Độ Dương xa xôi.
Tàu khảo sát Go Phoenix cùng 3 tàu khác là lực lượng chủ lực trong chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn này, và nếu như công việc được tiến hành thuận lợi, chiến dịch sẽ kết thúc vào tháng Năm theo đúng như tuyên bố của ông Dolan.
Theo Khampha
Nhiều phát hiện mới tại "Nghĩa địa tàu cổ đắm" ở Quảng Ngãi
Các chuyên gia khảo cổ dưới nước vừa phát hiện nhiều mảnh gốm sứ và các phiến đá cổ dưới ở vùng biển đảo Bé, Lý Sơn (Quảng Ngãi), được cho là dấu tích của hai con tàu cổ đắm nằm lại ở vùng biển này.
Vị trí tàu cổ chở đá. Ảnh: Công ty Đoàn Ánh Dương cung cấp
Những phát lộ mới nhất cho cái nhìn rõ hơn về vùng biển "Nghĩa địa tàu cổ đắm" ở Quảng Ngãi, đồng thời mở ra tiềm năng du lịch tìm về quá khứ dưới đáy biển.
Những mảnh gốm sứ có hình hoa dây độc đáo được cho là có niên đại khoảng thế kỷ XV-XVII, cùng với các phiến đá cổ được gia công mài nhẵn được tìm thấy ở độ sâu 4-10m dưới đáy biển, theo ghi nhận ban đầu là đá sa thạch, một vật liệu xây dựng phổ biến ở nhiều thế kỷ trước.
Căn cứ vào những hiện vật này, các chuyên gia cho rằng Lý Sơn có dấu tích của tàu cổ chìm, bởi đây từng là nơi có giao thương hàng hải với thế giới bên ngoài từ rất sớm.
Vị trí tàu cổ chở gốm sứ cổ. Ảnh: Công ty Đoàn Ánh Dương cung cấp
Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm- Chuyên gia Khảo cổ học dưới nước của Công ty CP Đầu tư& Phát triển Đoàn Ánh Dương, người trực tiếp tham gia khảo sát ở vùng biển Lý Sơn nhận định, nếu khảo sát kỹ hơn cả vùng biển Lý Sơn thì có khả năng tìm ra nhiều tàu cổ hơn nữa.
Từ thời năm 1999 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 10 tàu cổ đắm ở các vùng biển Quảng Ngãi, tập trung nhiều nhất ở khu vực Bình Châu(H. Bình Sơn, gần đảo Lý Sơn). Theo quan điểm của các chuyên gia khảo cổ, vùng biển Bình Châu-Bình Sơn thực sự là một "nghĩa địa tàu cổ đắm" với những phát lộ liên tục trong những năm qua. Điều này gợi lại ký ức về con đường hải hàng từng tồn tại nhiều thế kỷ trước.
PGS-TS Nguyễn Đình Chiến - Phó giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia - kiểm tra niên đại tiền trên tàu cổ đắm Bình Châu hồi tháng 1.2014. Ảnh: L.P
Nhà thám hiểm người Anh William Dampier đã đến hòn Cù Lao Ré( đảo Lý Sơn) và các đảo ven bờ khác trong khi giong buồm chu du từ Côn Sơn( Côn Đảo) ra hướng bắc. Theo miêu tả của Dampier trong cuốn "Một chuyến du hành đàng ngoài" năm 1688, đây là những hòn đảo có nhiều tàu thuyền tới lui để giao thương buôn bán. Dampier cũng đề cập tới những con tàu bị đắm, và giới cai trị khét tiếng với việc nô dịch hà khắc những thủy thủ bị chìm tàu.
Ông Nguyễn Đăng Vũ-Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngành văn hóa đang phân vân giữa phương án giữ nguyên hiện trạng xác tàu dưới đáy biển hay đưa về bảo tàng để phục vụ nghiên cứu, tham quan du lịch. Việc cân nhắc giữa các phương án sẽ dựa trên tham vấn ý kiến các chuyên gia khảo cổ trong thời gian tới.
Theo LDO
Bí mật về 3 khẩu thần công dưới đáy biển Hì hục gần 2 tuần nhưng vẫn không thể đưa được 3 khẩu thần công "Bảo quốc an dân Đại tướng quân" của triều Nguyễn dưới đáy biển lên, nhóm thợ lặn người Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã "hợp đồng" với một chiếc thuyền có cần cẩu của ngư dân xã Thạch Kim. Khi trục vớt thành công, phía thợ lặn lấy 2...