Chuyên gia lý giải vì sao không thấy mảnh vỡ MH370
Sau khi rơi xuống Ấn Độ Dương, hoặc chiếc máy bay MH370 đã bị chìm xuống đáy đại dương trong tình trạng vẫn còn nguyên vẹn, hoặc các mảnh vỡ của nó đã bị một cơn bão đi ngang qua khu vực đó ngay khi cuộc tìm kiếm bắt đầu cuốn đi nơi khác, các chuyên gia thuộc cơ quan điều phối công tác tìm kiếm của Úc (JACC) giải thích cho câu hỏi vì sao không tìm ra mảnh vỡ.
Tàu hải quân Ocean Shield của Hải quân Úc đang thả phao thủy âm để hỗ trợ việc tìm kiếm nguồn phát ra tín hiệu điện tử bắt được từ dưới đáy Ấn Độ Dương – Ảnh: AFP
Vào cuối tháng 3, cơn bão nhiệt đới Gillian đã được hình thành ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, khiến nhiều người lo ngại công tác tìm kiếm lúc bấy giờ sẽ bị ảnh hưởng, trang tin News.com.au (Úc) ngày 10.4 dẫn lời các chuyên gia JACC cho hay.
Còn nếu máy bay rơi vào vùng biển yên tĩnh, nhiều khả năng chiếc máy bay đã bị chìm xuống trong trạng thái còn nguyên vẹn, các chuyên gia Úc nhận định, đồng thời cũng cho biết thêm rằng đã từng có các phi hành đoàn thời chiến nhảy dù ra ngoài và cho máy bay ném bom lao tự do xuống biển mà không để lại dấu vết gì.
Trang tin News.com.au cho biết hiện đang có 14 chiếc tàu và 14 máy bay đang lùng sục khu vực tình nghi là nơi máy bay MH370 đã rơi, nhưng cho đến nay chưa có bất kỳ mảnh vỡ nào được tìm thấy.
“Lùng sục một khu vực rộng bát ngát là một công việc rất nặng nhọc, nhưng chúng tôi quả là có bối rối khi không tìm thấy mảnh vỡ”, một nguồn tin thân cận với cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích nói với trang tin Úc.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã kỳ vọng tìm thấy một số mảnh vỡ máy bay, chẳng hạn như thùng nhiên liệu ở cánh vốn là thứ kín khí và có thể nổi trên mặt nước”, vị này cho biết.
Các chuyên gia JACC cũng nói thêm rằng thời lượng pin của hộp đen máy bay Boeing 777 chở theo 239 người, mất tích vào hôm 8.3, có thể kéo dài đến 45 ngày.
Do đó, tàu hải quân Ocean Shield của Hải quân Úc, đang chở theo thiết bị định vị thủy âm tối tân Towed Pinger Locator của quân đội Mỹ (dùng để tìm kiếm hộp đen dưới biển), vẫn còn khoảng 12 ngày để xác định được vùng phát ra tín hiệu điện tử.
Khi điều đó xảy ra, một tàu ngầm không người lái sẽ được gửi xuống vị trí nằm sâu 4.500m dưới đáy biển để lùng tìm, thu hồi hộp đen và chụp ảnh xác máy bay, nếu có, theo các chuyên gia Úc.
Mỹ dự kiến sẽ gửi một tàu hậu cần đến vùng tìm kiếm trong tuần này để tiếp nhiên liệu cho tàu hậu cần HMAS Success, vốn đã hoạt động tại khu vực này 24/24 trong suốt 18 ngày qua.
Được biết, vào hôm 8.4, tàu hải quân HMAS Ocean Shield của Úc, với sự hỗ trợ của thiết bị định vị thủy âm của Hải quân Mỹ, đã phát hiện được 2 tín hiệu điện tử. Cụ thể, tín hiệu ban đầu kéo dài trong 5 phút 25 giây, tín hiệu còn lại phát đi trong 7 phút, tướng Angus Houston, chỉ huy JACC, thông báo trong cuộc họp báo ngày 9.4.
Vài giờ sau khi họp báo kết thúc, một máy bay tham gia tìm kiếm chiếc MH370 đã phát hiện nhiều vật thể nổi tại khu vực tàu Úc bắt được tín hiệu điện tử nghi phát ra từ hộp đen của máy bay mất tích, theo báo cáo từ quan chức trên tàu Hải tuần 01 (Trung Quốc).
Tuy nhiên, Cơ quan An toàn Hàng hải Úc sau đó thông báo những vật thể này không phải là mảnh vỡ của MH370.
Theo TNO
Thân nhân hành khách MH370 hoài nghi về tín hiệu ở Ấn Độ Dương
Một số người thân của hành khách trên máy bay Malaysia mất tích không tin chiếc máy bay đã rơi xuống Ấn Độ Dương, cũng như khẳng định tín hiệu điện tử do Úc và Trung Quốc bắt được ở khu vực tìm kiếm không phải của MH370 vì họ cho rằng hộp đen trên chiếc Boeing 777 đã hết pin trước khi tín hiệu được phát hiện.
Phóng viên CNN phỏng vấn cô Sara Bajc (phải), bạn gái của anh Philip Wood, một trong ba hành khách người Mỹ trên chuyến bay MH370 - Ảnh chụp màn hình CNN
Hãng tin CNN ngày 9.4 dẫn lời cô Sara Bajc, bạn gái của anh Philip Wood, một trong ba hành khách người Mỹ trên chuyến bay MH370, giải thích vì sao cô không tin rằng chiếc máy bay chở theo 239 người đang nằm dưới đáy Ấn Độ Dương.
"Tôi cho rằng suy nghĩ chung của các gia đình hành khách là thời điểm các tín hiệu điện tử vừa được phát hiện trùng với thời điểm pin của hộp đen máy bay cạn kiệt", cô Bajc nói.
"Vì thế tất cả chúng tôi cùng đồng tình một cách chắc chắn rằng khi nào còn chưa tìm được xác chiếc máy bay, xác hành khách và chưa xác định được rằng chiếc hộp đen còn nguyên vẹn, thì chúng tôi sẽ không tin máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương", cô Bajc nhận định.
Được biết, thời lượng pin của hộp đen của máy bay Boeing 777 theo ước tính đã hết cách đây 2 ngày, theo Reuters. Chiếc MH370 chở theo 239 người đã cất cánh tại Kuala Lumpur vào hôm 8.3.
Reuters dẫn lời ông Anish Patel, người đứng đầu Dukane Seacom, công ty sản xuất máy phát sóng siêu âm ở Mỹ, cho biết mặc dù thời lượng pin quy ước của hộp đen là 30 ngày, "nhưng trong thiết kế cho phép độ chênh lệch thời lượng pin khoảng vài ngày".
Bajc cũng nói thêm rằng cô vẫn tin chiếc máy bay còn nguyên vẹn "vì không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy điều ngược lại. Và thực ra, phần lớn các bằng chứng đều hướng về khả năng máy bay bị không tặc".
"Tôi không biết nguyên nhân vì sao và tôi không biết là ai, nhưng tôi cho rằng chiếc máy bay đã bị ai đó bắt đi", thân nhân hành khách MH370 này nói.
Khi được phóng viên CNN hỏi liệu cô sẽ cảm thấy thế nào nếu chiếc máy bay không bao giờ được tìm ra, cô Bajc nói: "Đó là trường hợp đáng sợ nhất, vì tôi nghĩ nếu bạn chắc chắn người thân của mình đã chết, bạn có thể đau khổ và rồi bạn có thể vượt qua nỗi đau này. Nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho chuyện đó".
Bajc nói cô hi vọng sự xuất hiện trên truyền thông của mình sẽ không chỉ giúp người bạn trai nhận ra nếu anh còn sống đâu đó trên trái đất này, mà còn "giúp khuyến khích những ai biết được điều gì đó bước ra trước công chúng".
Theo TNO
Phát hiện trở lại tín hiệu nghi của hộp đen MH370 Giữa lúc xuất hiện lo ngại hộp đen của chuyến bay MH370 đã hết pin sau khi không còn bắt được tín hiệu, một tàu của Úc trong chiều và tối qua (8/4) đã hai lần thu được tín hiệu nghi của hộp đen. Khu vực máy bay lao xuống đã được thu hẹp. Thông tin được ông Angus Houston, chỉ huy lực...