Chuyên gia Hong Kong: ‘COVID-19 có thể xem là đại dịch’
Từ ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ, chuyên gia Hong Kong nói rằng dịch bệnh này có thể xem là đại dịch toàn cầu vì mức độ lây lan nhanh chóng của nó.
Giáo sư Gabriel Leung từ Đại học Hong Kong nói rằng COVID-19 hiện nay có thể gọi là đại dịch toàn cầu. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Báo South China Morning Post ngày 1-3 dẫn lời một chuyên gia y tế hàng đầu ở Hong Kong rằng dịch COVID-19 có thể xem là đại dịch toàn cầu vì nó đã lây lan rất nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ca tử vong đầu tiên tại Mỹ là “phần nổi tảng băng trôi”
GS Gabriel Leung, Trưởng khoa y của ĐH Hong Kong (HKU), nói rằng ca tử vong đầu tiên vì dịch COVID-19 tại Mỹ là một điều đáng lo ngại bởi có thể số ca nhiễm tại nước này nhiều hơn con số được xác nhận.
Ca tử vong vì COVID-19 đầu tiên ở Mỹ xảy ra tại Trung tâm Y tế EvergreenHealth ở Kirkland, bang Washington. Ảnh: AP
Trong bài phát biểu trên đài phát thanh, ông Leung nói rằng ca tử vong này có thể là “phần nổi của tảng băng trôi”.
“Một ca tử vong có thể có nghĩa là có 100 ca nhiễm được xác nhận trong khu vực. Và có thể chưa ghi nhận đủ các ca nhiễm vì vẫn chưa xét nghiệm đủ số người” – ông nói. “Vì vậy, khi làn sóng bùng phát dịch bệnh có thể được kiểm soát ở Trung Quốc đại lục, thì làn sóng đầu tiên bên ngoài Trung Quốc có thể chỉ mới bắt đầu. Điều này có vẻ không thể tránh khỏi”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa gọi COVID-19 là đại dịch. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, các quan chức y tế vẫn chưa chứng kiến vụ lây lan toàn cầu hay dịch bệnh có quy mô lớn, hoặc nhiều người tử vong liên quan đến đại dịch.
Khi được hỏi vì sao COVID-19 chưa phải là đại dịch toàn cầu, ông Leung cho biết một nguyên nhân là vì “nó có thể gây ra nỗi sợ cộng đồng”.
“Về cơ bản, đây là một đại dịch vì nó đang lan rộng tại nhiều quốc gia nhưng WHO chỉ gọi khi sự bùng phát tại một quốc gia vượt quá khả năng kiểm soát” – ông Leung nói.
GS Leung nói rằng dịch bệnh đang được kiểm soát ở Trung Quốc đại lục nhưng các nhà chức trách phải cảnh giác trước làn sóng thứ hai có thể gây ra khi các hoạt động công nghiệp và kinh doanh bắt đầu làm việc trở lại.
Hong Kong và Singapore kiểm soát tốt dịch bệnh
Trước đó, những người đứng đầu ĐH Hong Kong (HKU) đã đến thăm Anh gần đây và được các quan chức Anh khen ngợi vì Hong Kong đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
“Họ nói rằng cả Singapore và Hong Kong đang kiểm soát tốt bởi vì số lượng các ca nhiễm bệnh ở hai nơi là tương tự nhau” – ông Leung nói. Cho đến nay, Hong Kong và Singapore đã xác nhận lần lượt là 95 và 96 ca nhiễm mới, theo South China Morning Post.
Một phụ nữ Hong Kong đi ngang qua một sân bóng công cộng. Ngày 1-3, Hong Kong xác nhận một ca mới nhiễm COVID-19. Ảnh: AFP
“Dân số Hong Kong cao hơn tới 1/3 so với Singapore, tôi nghĩ rằng đây là điều chúng tôi đạt được cùng nỗ lực của toàn xã hội” – ông nói thêm.
“Đến nay, chúng ta có vài ca nhiễm mới mỗi ngày. Nếu chiến lược ngăn chặn có hiệu quả, chúng tôi hy vọng chỉ có một ca mới trong vài ngày hay vài tuần. Khi đó, chúng ta mới thở phào rằng dịch bệnh đã được ngăn chặn một ít. Nhưng lý tưởng nhất vẫn là trong 28 ngày không có ca nhiễm nào” – ông David Hui nói với South China Morning Post.
Theo PLO
WHO: Không thiên vị khi khen Trung Quốc chống virus corona
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12-2 cho biết số trường hợp nhiễm virus corona mới (tên chính thức Covid-19) ở Trung Quốc đã "ổn định" nhưng sự lây lan chậm lại của dịch bệnh cần được xem xét hết sức thận trọng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp tại Geneva - Thụy Sĩ: "Sự bùng phát dịch bệnh vẫn có thể diễn biến theo bất kỳ hướng nào".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) phát biểu trong cuộc họp tại Geneva. Ảnh: EPA-EFE
Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày về khoa học và đổi mới trong các biện pháp giải quyết sự bùng phát của virus corona mới, ông Tedros hoan nghênh phản ứng tích cực của cộng đồng nghiên cứu nhằm đưa ra các kế hoạch cụ thể và cam kết hợp tác.
Người đứng đầu WHO nói thêm một nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu đến Trung Quốc vào đầu tuần này đã có "tiến bộ tích cực" trong hợp tác và quy mô công việc của họ.
Thiết bị y tế tại sân bay quốc tế Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh hôm 12-2 chuẩn bị đưa đến tỉnh Hồ Bắc để hỗ trợ ngăn sự lây lan của virus corona mới. Ảnh: Tân Hoa Xã
Cũng tại cuộc họp, ông Tedros đã bảo vệ lời khen ngợi trước đó của ông dành cho phản ứng của Trung Quốc trước dịch bệnh gây chết người.
Đáp lại những lời chỉ trích cho rằng những lời khen ngợi của mình chỉ để giữ thể diện cho Trung Quốc, ông Tedros nhấn mạnh rằng Trung Quốc không cần phải được khen ngợi vì những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới.
"Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để ngăn sự lây lan của Covid-19. Cả thế giới có thể nhận xét về điều đó. Không có sự thiên vị nào ở đây cả" - ông Tedros nhấn mạnh.
Theo nhà lãnh đạo WHO, những bình luận của ông không chỉ đơn thuần là cá nhân mà còn thể hiện quan điểm của tổ chức.
Trung Quốc hôm 12-2 ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới thấp nhất trong hai tuần qua. Trong khi đó, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, cho hay còn quá sớm để dự đoán thời điểm khởi đầu, đỉnh điểm và kết thúc của dịch bệnh.
Cơ quan y tế tỉnh Hồ Bắc hôm 13-2 ghi nhận 14.840 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, cao gần gấp 10 lần con số được báo cáo một ngày trước đó trong khi số ca tử vong mới đã tăng lên 242, nhiều hơn gấp đôi chỉ trong ngày.
Số liệu mới nâng tổng ca nhiễm và tử vong tại tỉnh Hồ Bắc lần lượt lên 48.206 và 1.310. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm liên quan đến virus corona mới trên toàn cầu là 60.062 và trường hợp tử vong là 1.363.
Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), nhiều trường hợp tử vong bị nghi nhiễm Covid-19 không được đưa vào số liệu chính thức.
Các bác sĩ địa phương cho biết họ nghe về nhiều trường hợp tử vong có các triệu chứng giống nhiễm Covid-19 và nhiều người dân ở tâm dịch Vũ Hán phàn nàn người thân họ không được chẩn đoán chính xác do bệnh viện tuyến đầu quá tải cũng như thiếu nguồn cung y tế và bộ kit xét nghiệm.
Bà Wei Peng, một bác sĩ ở Vũ Hán, cho rằng nhân viên y tế không được phép tuyên bố virus corona mới là nguyên nhân tử vong khi trường hợp nghi nhiễm chưa được xác nhận. Thay vào đó, họ chỉ có thể kết luận nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của bệnh nhân như bệnh tiểu đường hoặc suy nội tạng.
Xuân Mai
Theo Reuters, SCMP/nguoilaodong
Hong Kong sắp ban bố lệnh giới nghiêm? Tờ Hoàn cầu Thời báo vừa xóa một tweet trong đó thông báo giới chức Hong Kong dự kiến sẽ ban bố lệnh giới nghiêm vào cuối tuần này. "Giới chức Hong Kong dự kiến sẽ công bố lệnh giới nghiêm vào cuối tuần này", Hoàn cầu Thời báo viết trên trang Twitter của tờ này. Tuy nhiên, dòng tweet này chỉ tồn...