Chuyên gia hiến kế trồng cây xanh ở Đà Nẵng
Nhiều chuyên gia cho rằng ngoài quản lý tốt quy hoạch, thành phố nên đưa ra yêu cầu trồng cây xong mới được bán đất nền, trồng cây đặc trưng.
Dù đã có nhiều đề án trong những năm qua, Đà Nẵng vẫn không thoát khỏi tình trạng chung của các đô thị lớn là tỷ lệ cây xanh đô thị không đạt tiêu chuẩn 8-9 m2/người. Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết thời gian đến thành phố cần tập trung mọi nguồn lực để tăng nhanh độ phủ xanh đô thị, nhất là cây xanh sử dụng công cộng.
Giải pháp được đưa ra là nhanh chóng đầu tư các công viên đã được phê duyệt, như công viên Bách thú – bách thảo quy mô hơn 200 ha tại xã Hòa Phú (huyện Hoà Vang); công viên văn hoá tâm linh Ngũ Hành Sơn; kiên trì quan điểm sử dụng các khu đất ven biển đã thu hồi để đầu tư công viên.
Thêm vào đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng sẽ yêu cầu các chủ đầu tư, cơ quan chuyên ngành phải đảm bảo bố trí đủ diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng khi thẩm định các đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500; rà soát, đánh giá hiện trạng đất cây xanh sử dụng hạn chế tại các trường học, bệnh viện, cơ quan công sở để xem xét đưa vào cây xanh công cộng…
Một góc đô thị Đà Nẵng ở quận Hải Châu và Sơn Trà cho thấy không có nhiều diện tích cho cây xanh đô thị. Ảnh: Thanh Hiếu.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói, Đà Nẵng đang gặp khó khăn khi cải thiện tỷ lệ cây xanh, bởi dân số sẽ tăng cao nhưng quỹ đất phát triển không gian đô thị không còn nhiều. Cùng với các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, thành phố biển trong tương lai “còn tệ hơn nữa” vì nhiều dự án đô thị mới đang tiếp tục đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên theo ông Sơn, Đà Nẵng với quy mô đô thị nhỏ nên còn có cơ hội khắc phục. Trong đó, thay vì xây dựng đô thị ở những khu vực quá sát với rừng Sơn Trà và danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố nên sử dụng một quỹ đất ở vùng đệm để tạo thành “vành đại xanh”.
Ven sông Hàn và sông Cu Đê cũng nên tính toán diện tích cây xanh, vườn dạo, thay vì việc cho phép xây dựng những toà nhà cao tầng. Trong quy hoạch hiện tại, thành phố có nhiều tuyến đường nối ra biển theo hướng Đông – Tây. Do đó KTS Sơn đề xuất nên bổ sung cây xanh phù hợp với hướng nắng.
“Cây xanh không chỉ giúp điều hoà khí hậu mà còn hạn chế ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, gia tăng trữ lượng nước ngầm trong tình huống Đà Nẵng đang ngày càng bị xâm nhập mặn. Thành phố chọn hướng phải triển bền vững thì không được bỏ qua việc đảm bảo tiêu chuẩn về cây xanh”, ông nói.
Video đang HOT
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngoài ra, KTS Sơn cho rằng khi phê quyệt quy hoạch các dự án, cơ quan chức năng thành phố phải kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư làm xong hạ tầng gồm đường, hệ thống ngầm, cây xanh, công viên mới được bán dự án. Tránh tình trạng nhiều dự án quy hoạch không bám thực tế, hoặc để cây xanh làm sau cùng nhưng thực chất là điều chỉnh để phân lô, bán nền.
“Trong xu hướng phát triển, các nhà đầu tư hướng theo lợi nhuận thì sẽ tập trung vào những dự án nhà ở, bán lấy tiền trước. Tôi cũng đã nhiều lần góp ý và đến nay TP HCM đã ra quyết định là yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị mới phải xây dựng hạ tầng song song với xây dựng dự án. Đà Nẵng cũng có thể áp dụng”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Thành Tiến – Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cũng cho rằng chính quyền thành phố nên rà soát lại quy hoạch, trong đó trú trọng vào khu vực trung tâm. Khi tái thiết lại không gian đô thị, phải kiên quyết ưu tiên cho diện tích cây xanh mới mong đạt được tiêu chuẩn đã được Bộ Xây dựng thẩm định.
Theo ý tưởng của ông Tiến, thành phố nên tận dụng ngay diện tích đất rẻo, đất chưa sử dụng để trồng cây xanh, có như thế mới nhanh chóng tăng khoảng xanh đô thị. Thêm vào đó, việc xã hội hoá cây xanh cần phải có chiến lược rõ ràng, tiếp cận đa chiều, tạo ra sự hưởng ứng thực sự từ người dân và du khách.
“ Du lịch thành phố có thể đón 7 – 8 triệu lượt khách, nếu có khu vực quy hoạch cho trồng cây xanh, thì việc vận động một du khách trồng một cây xanh không phải là điều khó khăn. Nhiều năm sau nữa, có thể họ quay lại Đà Nẵng với lý do đơn giản là muốn biết cây xanh mình trồng đã lớn như thế nào”, ông Tiến nói.
Tuyến đường Hoàng Hoa Thám thưa vắng cây xanh bóng mát. Ảnh: Nguyễn Đông.
“Thành phố cũng nên hình thành những tuyến phố có cây xanh đặc trưng ở khu vực trung tâm, nhằm tạo điểm nhấn và thu hút người dân địa phương cũng như du khách. Như nhắc đến Hải Phòng người ta nghĩ ngay đến thành phố hoa phượng, cố đô Huế là bằng lăng tím. Ở Đà Nẵng thì chưa trồng được loài hoa đặc thù”, ông nói.
Ông Tiến cũng mạnh dạn đề xuất thành phố nên giao Công ty công viên – cây xanh về cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, vì thành phố là đô thị loại 1, tỷ lệ đất nông nghiệp ít. Ngành xây dựng quá nhiều việc. Trong khi ngành nông nghiệp có chuyên gia về lâm nghiệp để tư vấn và trồng cây xanh tốt hơn.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, nói có một thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương, không riêng gì Đà Nẵng, là “cứ thấy cây nào dễ thì trồng”. Hà Nội đã từng sai lầm khi trồng hoa sữa là một ví dụ. Điều này cho thấy năng lực của đơn vị trực tiếp trồng, quản lý cây xanh.
“Mỗi địa phương đều có đặc thù riêng. Nếu thành phố Đà Nẵng muốn chỉnh trang lại cây xanh đô thị theo hương bền vững, có đặc thù riêng thì quan trọng nhất là phải mời được chuyên gia về lâm nghiệp, có năng lực thực sự, để tư vấn những loại cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu, cảnh quan đô thị”, ông Nghĩa nói.
Từ năm 2018 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã quy hoạch bổ sung thêm hơn 22 ha trồng cây xanh, vườn dạo, công viên để cải thiện chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị. Trong đó gồm 5 lối xuống biển xen kẽ tại các dự án khu resort nghỉ dưỡng ven biển Ngũ Hành Sơn; xây dựng 4 khu công viên ven biển và một công viên tại quận Hải Châu, từ việc thu hồi các dự án.
Áp dụng nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cây xanh trong đô thị
Sau nhiều sự cố cây xanh ngã đổ gây tai nạn thương tích, mới đây là vụ cây đè chết người xảy ra trên đường phố tại TP.HCM, đã gây lo lắng cho nhiều người, nhất là trong mùa mưa bão.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết:
TP.Biên Hòa đã triển khai kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị thuê bao chăm sóc (Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa và Công ty CP Môi trường Sonadezi) và 30 phường, xã thực hiện kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố hiện nay để người dân được yên tâm hơn?
- Trước sự cố cây xanh bị bật gốc, gãy cành... xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua, UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường tổ chức công tác tuần tra, kiểm tra cây xanh đô thị tại các tuyến đường trong thành phố. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp cây xanh bị chết, cây xanh có khả năng ngã đổ, gây nguy hiểm để phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố chỉ đạo xử lý theo quy định. Lập kế hoạch triển khai thực hiện chăm sóc, cắt tỉa cây xanh công viên, cây xanh đường phố tại các tuyến đường đảm bảo sinh trưởng phát triển của cây xanh, hạn chế cây xanh ngã đổ làm ảnh hưởng đến công trình, tài sản của tổ chức/cá nhân và an toàn giao thông trong khu vực.
* Riêng đối với cây xanh tự mọc trong các khu dân cư và cây xanh trong trường học, phòng đã có những giải pháp an toàn gì, thưa ông?
- Hiện phòng đang triển khai lập kế hoạch thực hiện quét vôi gốc cây xanh và đánh số các cây xanh đô thị; các cây tạp tại các tuyến đường được đưa vào thuê bao chăm sóc trên địa bàn quản lý. Trồng thay thế các cây xanh mới trồng bị chết, cây gãy ngọn và cây còi cọc; chống dựng lại những cây xanh bị nghiêng để đảm bảo cây xanh sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài ra, UBND thành phố chỉ đạo UBND 30 phường, xã tăng cường công tác quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm tra, chăm sóc, cắt tỉa và gia cố cây xanh trong khuôn viên tổ chức, gia đình mình để đảm bảo an toàn trước mùa mưa, bão.
Song song đó, chúng tôi đề nghị Phòng GD-ĐT phối hợp cùng lãnh đạo các trường học trên địa bàn thành phố, chính quyền các địa phương lập danh sách các cây xanh có khả năng gãy, đổ gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn cho các em học sinh, giáo viên trong trường học để phối hợp Phòng Quản lý đô thị và các đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo xử lý theo quy định. Đồng thời, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong khuôn viên trường học, hạn chế cho học sinh và cán bộ, giáo viên tập trung dưới gốc cây xanh khi có mưa, bão và dông lốc để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh và giáo viên trên địa bàn thành phố.
Đơn vị chức năng kiểm tra cây xanh tại Trường tiểu học Tam Phước 1 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa). Ảnh: Kim Liễu
Hiện tại, Phòng Quản lý đô thị đang phối hợp cùng các ban, ngành của thành phố, Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa, Công ty CP Môi trường Sonadezi và UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra, rà soát các cây xanh nguy hiểm có nguy cơ ngã đổ gây nguy hiểm để tham mưu UBND thành phố cấp giấy phép đốn hạ và trồng thay thế cây xanh phù hợp, đảm bảo an toàn cho các trường học trên địa bàn.
* Khi phát hiện các cây xanh nghiêng, không đảm bảo an toàn thì người dân liên hệ ở đâu để phản ánh?
- Nếu phát hiện cây xanh nguy hiểm, không đảm bảo an toàn thì người dân nên liên hệ với chính quyền địa phương gần nhất, các đơn vị thuê bao chăm sóc (Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa và Công ty CP Môi trường Sonadezi) hoặc liên hệ Phòng Quản lý đô thị thành phố để kịp thời kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.
* Hiện nay, có tình trạng hộ dân ở các khu dân cư tự ý trồng cây xanh trên vỉa hè trước nhà. Việc này có vi phạm các quy định về quản lý cây xanh hay không, thưa ông?
- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây xanh theo đúng quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch chuyên ngành cây xanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các hành vi bị cấm như: trồng cây xanh trên vỉa hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định; trồng các loại cây xanh trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
* Ở một số khu dân cư, đường phố có tình trạng rễ cây trồi lên trên vỉa hè, lấn vào cả tường nhà dân... Trường hợp này có được di dời cây xanh hay không và thủ tục ra sao thưa ông?
- Dự án quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh đô thị của TP.Biên Hòa được triển khai từ năm 2001 nên đến nay một số chủng loại cây xanh trồng theo dự án hoặc do nhân dân tự trồng trên một số tuyến đường không còn phù hợp, thuộc danh mục cây cấm trồng, cây trồng hạn chế như: cây viết, cây sò đo cam, cây bàng, cây trứng cá, cây bông gòn, cây xà cừ...
Ngoài ra, cây xanh tại một số tuyến đường, dự án khu dân cư trồng cây xanh (đại mộc) trong khi ở đây tuyến đường có vỉa hè nhỏ, vướng các công trình hạ tầng ngầm nên ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây xanh, không đảm bảo không gian sinh trưởng phát triển của bộ rễ, dẫn đến rễ cây "ăn nổi" làm hư hỏng vỉa hè và các công trình xây dựng của người dân trong khu vực.
Đối với tình trạng trên, khi có phản ảnh từ người dân Phòng Quản lý đô thị sẽ phối hợp các ban, ngành của thành phố kiểm tra, cân nhắc các điều kiện theo quy định để tham mưu, đề xuất UBND thành phố xem xét, cấp giấy phép chặt hạ hoặc dịch chuyển cây xanh đến vị trí phù hợp.
* Xin cảm ơn ông
Cây xanh đè chết người trong khu vực phòng khám, trách nhiệm thuộc về ai? Theo luật sư, trách nhiệm vụ cây xanh tét nhánh đè chết người trên địa bàn quận 10 thuộc về đơn vị quản lý, chủ sở hữu cây xanh trên. Hiện trường vụ cây gãy khiến 1 người tử vong. Liên quan đến vụ cây xanh đè chết người vào tối 13/6 trên địa bàn quận 10, TP.HCM, luật sư Trần Minh Cường...