Chuyên gia “giải mã” thông điệp liên bang của Tổng thống Putin
Thông điệp liên bang cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ và ngay trước thềm bầu cử của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/3 được cho là hàm chứa nhiều ý nghĩa, thu hút sự chú ý của dư luận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Kremlin)
Thông điệp liên bang đặc biệt
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/3 đã đọc Thông điệp liên bang cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Thông điệp liên bang lần này của ông Putin dài kỷ lục 1 tiếng 55 phút. Ông Putin dành một nửa bài phát biểu để nói về chính sách phát triển kinh tế xã hội và nửa còn lại để nói về năng lực quốc phòng của Nga và an ninh thế giới.
Thông điệp liên bang lần này của ông Putin được cho là đặc biệt trước hết ở tính thời điểm khi buổi đọc Thông điệp liên bang được lùi từ tháng 12 hàng năm đến tháng 3, chỉ 17 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống.
Bài phát biểu gây sự chú ý đặc biệt khi ông chủ Điện Kremlin dành thời lượng lớn để nói về những vũ khí chiến lược mới của Nga.
Những vũ khí chiến lược mới mà ông Putin cho rằng sẽ khiến thế giới phải lắng nghe gồm có tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, tên lửa hành trình hạt nhân với tầm bắn không giới hạn, thiết bị lặn không người lái tốc độ cao, tên lửa siêu thanh, vũ khí trượt siêu âm, vũ khí laser.
Chuyên gia giải mã
Thông điệp liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Putin nhận được khá nhiều ý kiến đánh giá.
Video đang HOT
Truyền thông phương Tây cáo buộc bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga châm ngòi cho một cuộc “chạy đua vũ trang” hay một cuộc “chiến tranh lạnh” mới. Joe Cirincione, chủ tịch quỹ Ploughshares chuyên đấu tranh chống phổ biến vũ khí hạt nhân, nhận định: “Một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ông Putin vừa tiết lộ 4 loại vũ khí hạt nhân mới, đó là câu trả lời cho 3 vũ khí hạt nhân mới mà Mỹ công bố tháng trước”.
Một số chuyên gia bắt đầu đồn đoán liệu ông Putin muốn gửi thông điệp này tới ai. Cựu đại sứ Mỹ tại Moscow Michael McFaul bình luận: “Tuyên bố của ông Putin về vũ khí hạt nhân mới nhằm vào Mỹ có thể coi là một thông điệp gửi tới chính quyền Tổng thống Trump: Đã đến lúc nối lại đàm phán kiểm soát vũ khí. Ngay lập tức”.
Phóng viên của BBC Steven Rosenberg bình luận: “Bài phát biểu chứa nhiều thông điệp. Trước hết là tới phương Tây: Đừng thách thức chúng tôi (Nga). Và tiếp theo là thông điệp dành cho người dân Nga: Bỏ phiếu cho ông Putin nghĩa là bỏ phiếu cho an ninh quốc gia”.
Trong khi đó, các nghị sĩ Nga đánh giá rất cao về Thông điệp liên bang này. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev nói: “Tổng thống Putin đã truyền đạt rất rõ thông điệp rằng, Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào, Nga không thách thức bất cứ quốc gia nào và cũng không có ý định áp đặt lợi ích của mình lên bất cứ quốc gia nào”.
Quan chức này cho rằng, cộng đồng quốc tế sẽ lắng nghe những tuyên bố mới nhất này của ông Putin và cuối cùng sẽ tìm thấy “những cánh cửa cơ hội” để cùng nhau giải quyết những thách thức chung.
Chuyên gia quân sự Alexander Zhilin nhận định: “Mục đích chính của Thông điệp chi tiết về quốc phòng này là nhằm làm dịu sự thái quá của phương Tây, những người đã đặt cược vào việc giải quyết các vấn đề bằng vũ lực, tiến đến gần biên giới Nga. Tổng thống chỉ ra rằng, quan hệ với Nga theo cách này là hoàn toàn vô vọng, không nên đe dọa chúng ta, hãy ngồi xuống bàn đàm phán. Trong bối cảnh gia tăng các lệnh trừng phạt, Tổng thống đã cho người dân biết không cần phải lo lắng cho an ninh của mình: quân đội và vũ khí của chúng ta bảo vệ chắc chắn tổ quốc”.
Phản ứng của Mỹ
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White (Ảnh: VOA)
Bình luận về Thông điệp liên bang được cho là lời cảnh báo dành cho Mỹ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White nói: “Chúng tôi không bất ngờ với những tuyên bố này. Người Mỹ cần an tâm rằng chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng”.
Tại cuộc họp báo hôm qua, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói: “Tổng thống Putin đã xác nhận những gì mà chính phủ Mỹ đều biết từ rất lâu nhưng Nga thì phủ nhận. Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí gây bất ổn suốt hơn một thập niên qua, vi phạm trực tiếp các cam kết hiệp ước. Tổng thống Trump hiểu được các mối đe dọa mà nước Mỹ và các đồng minh phải đối mặt trong thế kỷ này và quyết tâm bảo vệ đất nước và gìn giữ hòa bình bằng sức mạnh”.
Hiện Tổng thống Trump chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về Thông điệp liên bang của người đồng cấp Nga. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, ông Trump sẽ không chỉ hồi đáp bằng những bình luận trên Twitter mà rất có thể sẽ bằng việc áp thêm các lệnh trừng phạt với Nga.
Minh Phương
Theo Dantri
Vì sao Tổng thống Putin chuyển địa điểm đọc thông điệp liên bang?
Tổng thống Vladimir Putin ngày 1/3 đã đọc thông điệp liên bang tại một địa điểm khác so với truyền thống, trước thềm cuộc bầu cử Nga diễn ra trong tháng này.
Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang ngày 1/3 (Ảnh: Getty)
Tổng thống Putin ngày 1/3 đã đọc thông điệp liên bang trước hàng trăm quan chức và nghị sĩ khi chỉ còn vài tuần nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống Nga - cuộc đua mà ông Putin tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Đọc thông điệp liên bang là một trong 3 sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc gia mà Tổng thống Putin thực hiện hàng năm, hai sự kiện còn lại là cuộc họp báo và phiên trả lời chất vấn với công chúng.
Sự kiện ngày 1/3 là lần thứ 14 Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang trước hai viện của Quốc hội, các bộ trưởng chính phủ, các thẩm phán của tòa án hiến pháp và tòa án tối cao, các quan chức khu vực và các thành viên của hệ thống chính trị Nga. Đây cũng là thông điệp liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 của ông Putin.
Theo TASS, thông thường Tổng thống Putin sẽ đọc thông điệp liên bang vào tháng 12 hàng năm tại hội trường St. George bên trong Điện Kremlin. Tuy nhiên năm nay, lần đầu tiên trong một thập niên, bài phát biểu thông điệp liên bang bị hoãn đến tận ngày 1/3. Ngoài ra, địa điểm tổ chức sự kiện cũng được dời sang hội trường triển lãm Manezh ở bên ngoài Quảng trường Đỏ và nằm sát Điện Kremlin.
Một số nhà quan sát cho rằng, việc bài phát biểu thông điệp liên bang của ông Putin liên tục bị hoãn và thời điểm tổ chức sự kiện diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga (18/3) có thể nhằm phục vụ cho chiến dịch tái tranh cử của nhà lãnh đạo Nga.
"Mặc dù thông điệp liên bang được (ông Putin) đọc dưới danh nghĩa tổng thống, chứ không phải ứng viên tổng thống, nhưng không ai có thể cấm ông Putin thể hiện tầm nhìn của ông về tương lai", Vladimir Slatinov, nhà khoa học chính trị tại Moscow, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti.
"Tất nhiên, ông Putin không thể lợi dụng vị trí (tổng thống) chính thức của ông để phục vụ cho chiến dịch tranh cử. Nhưng ông ấy có thể chia sẻ tầm nhìn về sự phát triển của đất nước cũng giải pháp cho những vấn đề quan trọng mà nước Nga đang phải đối mặt. Động thái này rõ ràng nhằm mục đích làm cho chiến dịch tranh cử trở nên sôi động hơn", chuyên gia Slatinov nhận định.
Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang trước một màn hình lớn chiếu nhiều đồ họa và bảng biểu (Ảnh: RT)
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Putin nói rằng Manezh được chọn làm địa điểm tổ chức sự kiện đọc thông điệp liên bang vì số lượng khách mời năm nay tăng đột biến. Ngoài ra, Manezh cũng là nơi có thể đặt các màn hình lớn để chiếu video và các công nghệ kỹ thuật khác để trình chiếu các đồ họa cũng như các ứng dụng đa phương tiện. Điện Kremlin đã sử dụng màn hình để chiếu nhiều hình ảnh, từ các biểu đồ về số liệu thống kê cho tới mô phỏng trên máy tính về vụ phóng tên lửa Sarmat.
Vào ngày 27/2, ứng viên tổng thống Grigory Yavlinsky của đảng Yabloko, một trong 7 đối thủ của ông Putin, cho biết việc nhà lãnh đạo Nga "chọn thời điểm đọc thông điệp liên bang và chuyển nó sang hình thức phát biểu tranh cử là vi phạm hiến pháp của Liên bang Nga".
Tổng thống Putin trước đó đã từ chối tham gia vào các cuộc tranh luận dành cho các ứng viên tổng thống được truyền hình trực tiếp cũng như các sự kiện vận động tranh cử công khai theo truyền thống. Thông điệp liên bang lần này của Tổng thống Putin cũng được coi là dịp để ông tuyên bố cương lĩnh tranh cử mà không cần tham gia vào bất cứ cuộc tranh luận trực tiếp nào.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tổng thống Putin: Nga không bao giờ bỏ qua vụ đại sứ quán ở Syria bị pháo kích Nga sẽ không dung thứ cho các hành động pháo kích hàng ngày của phiến quân ở Đông Ghouta nhằm vào thủ đô Damascus và gần đây là vào đại sứ quán Nga ở Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 28/2 tuyên bố. Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters) Tuyên bố trên của Tổng thống Putin được đưa ra sau...