Chuyên gia Đức: Bất ngờ khi Trung Quốc triển khai giàn khoan thứ hai
Bên lề hội thảo quốc tế “Hoàng Sa- Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại Đà Nẵng, Tiến sỹ người Đức Gerhard Will, chuyên gia về Biển Đông, đã bày tỏ bất ngờ trước thông tin Trung Quốc triển khai giàn khoan thứ hai vào Biển Đông.
Tiến sỹ người Đức Gerhard Will, chuyên gia về Biển Đông, trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa- Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại Đà Nẵng, ngày 19/6.
Trả lời phỏng vấn nhanh của phóng viên Dân Trí bên lề Hội thảo quốc tế tế “Hoàng Sa- Trường Sa: Sự thật lịch sử” đang diễn ra ở Đà Nẵng, Tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của Quỹ khoa học và chính trị (SWP), Viện Chính trị và An ninh quốc tế Đức, bày tỏ bất ngờ trước thông tin Trung Quốc đang kéo giàn khoan thứ hai vào Biển Đông.
Theo thông tin được đăng tải trên trang web Cục Hải sự Trung Quốc ngày 17/6, giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) đã được tàu kéo kéo từ vị trí có tọa độ 1738 vĩ độ Bắc 11012.3 vĩ độ Đông tới vị trí có tọa độ 1714.1 vĩ độ Bắc 10931 vĩ độ Đông trên Biển Đông, phía nam đảo Hải Nam. Giàn khoan này dự kiến di chuyển từ ngày 18-20/6 và sẽ tiến gần hơn tới bờ biển Việt Nam.
Thông tin “làm tôi “sốc” bởi Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa mới ở Hà Nội vào ngày hôm qua và cùng lúc họ triển khai giàn khoan thứ hai”, Tiến sỹ Gerhard Will cho hay.
Tiến sỹ Gerhard Will cũng nhận định, Trung Quốc có những “nhân tố” khác nhau tham gia vào vấn đề Biển Đông, trong đó có Bộ Ngoại giao, những công ty dầu khí lớn…Và theo ông “hoạt động của những nhân tố này được phối hợp rất chặt chẽ với nhau”.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng lợi các lợi ích của Trung Quốc “đối chọi nhau”.
“Một mặt Trung Quốc yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc với “đường 9 đoạn”, mặt khác Trung Quốc thừa hiểu rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc liên quan mật thiết với mối quan hệ tốt đẹp về kinh tế với các nước láng giềng. Nhưng hai điều này dường như không thể đi cùng nhau”, ông cho hay.
Video đang HOT
Hoặc “một mặt là một cường quốc quân sự, Trung Quốc muốn tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng mặt khác, là một cường quốc về kinh tế, Trung Quốc phải có mối quan hệ tốt với các nước láng giềng”
Ông cũng chỉ trích “Giấc mơ Trung Hoa” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Ông cho rằng “giấc mơ” là điều không thực, là điều Trung Quốc phải đuổi theo. Theo ông, sau giấc mơ, “khi thức dậy bạn phải quyết định điều gì là thực, nếu không giấc mơ sẽ trở thành ác mộng”.
Thùy Trang
Theo Dantri
"Quốc hội cần chỉ đạo việc khởi kiện Trung Quốc"
Phiên thảo luật về dự án luật Căn cước công dân tại hội trường Quốc hội sáng 19/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bất ngờ phát biểu... lạc đề. Ông Nghĩa nói về tình hình Biển Đông và yêu cầu cấp thiết cần một Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này.
Vị đại biểu là luật sư trao đổi thêm với báo chí về đề xuất "lạc đề" của mình bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Khởi kiện Trung Quốc không dễ dàng nhưng có lợi hơn là không làm gì" (ảnh: Việt Hưng).
Phần phát biểu của ông tạo ra một bất ngờ lớn tại phiên họp sáng nay. Dù "lạc đề", nội dung ông đề cập vẫn nhận được sự ủng hộ, đồng tình, tạo điều kiện của Quốc hội. Động lực nào thôi thúc ông có lựa chọn phát biểu về vấn đề Biển Đông, khác với chương trình phiên thảo luận như vậy?
Tôi thấy chương trình nghị sự của Quốc hội không có mục gì thể hiện quyết sách về Biển Đông. Từ đầu kỳ họp đến nay chỉ có một phiên thảo luận về tổ và thảo luận tại hội trường về việc này nhưng chưa có dự định về một nghị quyết hay một tuyên bố chính thức đối với những diễn biến trên biển. Do đó, không phải tôi mà chính là rất nhiều cử tri, nhiều tầng lớp đồng bào, từ những người dân bình thường đến cán bộ lão thành đều có ý kiến là Quốc hội không thể không có động thái gì chính thức.
Tôi xem trong chương trình từ nay đến ngày bế mạc kỳ họp (thứ 3 tuần tới) thì không còn một nội dung gì về Biển Đông nữa. Vấn đề cần thiết bố trí chương trình bây giờ không phải để bàn, thảo luận nữa mà là để thống nhất một hành động cụ thể nào đó. Vậy nên hôm nay tôi phải nêu ý kiến xen vào giữa nội dung thảo luận về luật căn cước. So với vấn đề Biển Đông, vấn đề chủ quyền thì việc bàn hoặc thông qua một số luật như dự kiến không cấp thiết và có thể nói là không quan trọng bằng.
Nếu Quốc hội ra Nghị quyết, ông mong muốn nội dung văn bản này thể hiện thế nào?
Trước hết, Quốc hội phải nói rõ, Việt Nam có lập trường chính nghĩa ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vừa rồi Trung Quốc tung ra thế giới, đưa cả lên Liên hợp quốc một cách chính thức những nội dung sai trái về cái gọi là chủ quyền của họ ở Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy chúng ta phải có lời đáp lại một cách chính thức, từ cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.
Nghị quyết cũng phải lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, nêu rõ hành vi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực và hành vi kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là đi ngược lại với tất cả những điều đã cam kết, tuyên bố với Việt Nam và các nước ASEAN. Trung Quốc đã thể hiện ý định không từ bỏ âm mưu hiện thực hoá đường lưỡi bò vô lý, mưu toan độc chiếm Biển Đông, cả về tài nguyên lẫn tự do hàng hải trên biển. An ninh trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vì vậy bị ảnh hưởng. Việc kéo giàn khoan đến là một bước đi trong tiến trình thực hiện âm mứu lâu dài hơn như thế.
Sau nữa, trong tuyên bố của Quốc hội cần khẳng định tình hữu ghị của Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, chỉ thị cho các cơ quan chức năng của Việt Nam dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Quốc hội cũng cần khẳng định trong Nghị quyết việc chỉ đạo các cơ quan nhà nước chuẩn bị, tiến hành việc khởi kiện Trung Quốc về việc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực sai trái với luật pháp quốc tế. Ta làm thế để nhân dân ta, nhân dân toàn thế giới không bị đánh lừa bởi Trung Quốc, chỉ rõ họ nói một đằng làm một nẻo, họ vừa đấm vừa xoa. Họ nằm ở Biển Đông 2 tháng nay mà một mặt họ lại nói Đảng, Nhà nước Trung Quốc vẫn tôn trọng tình hữu nghị, đại cục... Họ nói những điều mà trước khi có giàn khoan đã nói rồi đến giờ vẫn nói như là chưa có cái giàn khoan đang nằm đó. Ta không chấp nhận lối lập luận và thái độ kiểu đó.
Mới đây đã có thông tin về việc giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc đang được nhăm nhe kéo vào Biển Đông. Sự cấp thiết của yêu cầu Quốc hội lên tiếng như ông nói càng cần xem xét?
Đúng thế, thực ra thông tin họ kéo giàn khoan thứ 2, 3 nữa đến thì cũng đã có từ lâu, được phán đoán thế. Điều đó càng chứng minh họ nói một đằng làm một nẻo, nói thì tốt, làm thì xấu. Nhưng nói chung, không chỉ là vấn đề 1-2 giàn khoan mà các hành vi đó của Trung Quốc nằm trong hệ thống, chắc chắn sẽ tiếp tục và liên tục.
Diễn biến mới đây, Trung Quốc còn tiến hành xây dựng trên đảo Gạc Ma. Có ý kiến cho rằng tính chất nguy hiểm của việc này còn cao hơn việc đặt giàn khoan?
Hành động của Trung Quốc không thể xem chỉ ở khía cạnh họ xây thêm một công trình hay đặt thêm một giàn khoan trên biển mà ngiêm trọng ở chỗ, họ sẽ dùng sức mạnh kinh tế, quân sự để kiểm soát Biển Đông, chi phối tự do hàng hải ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tác động vào lợi ích của các quốc gia khác để phục vụ lợi ích ích kỷ của họ. Vậy nên có xây thêm gì ở Gạc Ma thì cũng là hành động nhằm phục vụ ý đồ đó mà thôi.
Về đề nghị khẳng định việc khởi kiện Trung Quốc trong Nghị quyết của Quốc hội như ông nêu ra, từ trước đến nay phương án này đã được cân đong đo đếm nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ khó khăn, không hề dễ dàng. Với tư cách là một luật sư, ông nhận định thế nào về việc này?
Khởi kiện là bắt đầu một quá trình đấu tranh pháp lý mà lại về một đề tài phức tạp như thế, trong bối cảnh phức tạp như thế, tại một cơ quan tài phán quốc tế thì rõ ràng là không bao giờ dễ dàng, thậm chí là không thuận lợi. Vấn đề liên quan đến chủ quyền, khi nào cũng có những điểm yếu và những điểm mạnh. Nhưng các chuyên gia pháp luật của Việt Nam và quốc tế từng nghiên cứu đã nói Việt Nam có những điểm mạnh và có thể đạt được nhiều mục tiêu. Tóm lại khởi kiện sẽ có lợi hơn là không làm gì. Tất nhiên, chúng ta phải rất khôn ngoan, hành động chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo.
Không khó hình dung cảm giác của người dân nếu Quốc hội không có hành động tương xứng?
Nếu Quốc hội không làm gì thì người dân chắc chắn sẽ thất vọng. Còn hiện tại, mọi người vẫn đang chờ đợi những động thái của Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)
Theo Dantri
Trung Quốc đang chuyển từ "phản ứng quyết liệt" sang "đối đầu chủ động" Trong bối cảnh căng thẳng lãnh thổ trên Biển Đông leo thang bởi một loạt các hành động khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc, chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đang thay đổi phương pháp tiếp cận tranh chấp trên biển từ "phản ứng quyết đoán" sang "đối đầu chủ động, tích cực". Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí...