Chuyên gia đề xuất giải pháp ứng phó khi đại dịch kéo dài
Trong bối cảnh đại dịch kéo dài, nhiều chuyên gia hiến kế Việt Nam cần xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt, đẩy mạnh chiến lược vaccine và thiết kế lại các dịch vụ xã hội.
Phát biểu tại cuộc làm việc chiều 1/9 với hơn 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn.
Theo ông, phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp… Nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm “sống chung”, thích ứng với dịch bệnh. Vaccine và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài, công cụ quyết định.
Tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng cho biết lãnh đạo thành phố đã tính đến kịch bản “sống chung với dịch”; đồng thời “mở lại hoạt động nào thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có điều kiện kèm theo”.
Đồng tình với các chủ trương trên, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định dịch bệnh ngày càng khó dự báo bởi đã lan rộng ở nhiều nơi, bùng phát trên nhiều địa bàn. Hơn 80% ca nhiễm có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng càng khiến mầm bệnh dễ phát tán.
“Tình hình hiện nay đã thay đổi, phải xác định rất khó có thể truy vết, cách ly triệt để tất cả F0 trong cộng đồng như trước đây, hay nói cách khác là rất khó để đưa dịch về con số 0, chúng ta chỉ có thể kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh”, ông Nga nêu quan điểm.
GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia), phân tích đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay xảy ra khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam. Theo ông, có ba yếu tố dẫn đến thực trạng này, là thời gian, biến thể virus, mật độ dân số. Tốc độ gia tăng số ca nhiễm trong cộng đồng tại TP HCM nhanh, cho thấy có thể dịch đã “bén rễ” từ lâu. Hồi giữa tháng 7, chỉ trong hai tuần, số ca nhiễm tại thành phố tăng gấp đôi, chứng tỏ hệ số lây lan của virus trong đợt dịch này “khá cao so với trước”.
“Ở nhiều nơi trên thế giới, dịch bệnh bùng phát tại những vùng có mật độ dân số cao. Điều này phù hợp với tình hình TP HCM và các khu công nghiệp tại Bình Dương, Long An”, GS Tuấn phân tích.
Hai chuyên gia đều cho rằng khi xác định đại dịch còn kéo dài thì Việt Nam cần có chiến lược ứng phó phù hợp. GS Nguyễn Văn Tuấn nói dịch bệnh “đến rồi đi, không ở lại mãi”, song virus có thể tiếp tục biến chủng và tồn tại. “Theo quy luật tiến hóa thông thường, virus sẽ có khả năng lây lan nhiều hơn nhưng ít nguy hiểm hơn (độc lực giảm). Sống chung với nCoV là chúng ta phải thay đổi lối sống để thích nghi với hoàn cảnh mới”, ông Tuấn nói.
PGS Nguyễn Huy Nga giải thích thêm, sống chung với nCoV không có nghĩa là buông lỏng việc chống dịch. “Chúng ta chấp nhận có những ca F0 phát sinh trong cộng đồng, sẵn sàng tâm thế ứng phó khi có ổ dịch bùng phát”, ông Nga nói và nêu thực tế nhân loại đang sống chung với nhiều virus gây dịch bệnh truyền nhiễm khác nhau.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chiến lược đầu tiên , theo PGS Nguyễn Huy Nga là sớm cho phép cách ly F1, F0 triệu chứng nhẹ tại nhà trên toàn quốc, thay vì chỉ áp dụng tại một số địa phương như hiện nay. “Biện pháp này giúp chủ động ứng phó khi dịch bùng phát, tránh quá tải bệnh viện. Cùng với đó tất cả người dân thực hiện tốt 5K. Nơi có dịch thì ưu tiên chống dịch, nhưng nơi an toàn ưu tiên sản xuất. Duy trì sản xuất cũng là duy trì nguồn lực để chống dịch lâu dài”, ông nói.
Tiếp theo , chuyên gia này nhìn nhận phong tỏa chỉ nên là biện pháp cuối cùng trong chống dịch. Địa phương cần linh hoạt áp dụng biện pháp giãn cách, “nếu phát hiện F0 chỉ nên phong tỏa một vài cụm nhà, ngõ phố, thay vì giãn cách cả thôn xóm, phường xã”.
“Bản lĩnh của lãnh đạo là vừa chống dịch hiệu quả nhưng vừa đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa. Nếu các địa phương không sớm xác định tinh thần sống chung với nCoV mà vẫn áp dụng biện pháp cứng nhắc trong thời gian dài thì sẽ để lại hệ lụy lớn về kinh tế – xã hội”, PGS Nga nhìn nhận và khuyến cáo các tỉnh, thành tham khảo ý kiến chuyên gia dịch tễ, xây dựng kế hoạch chống dịch lâu dài và kịch bản sống chung với nCoV phù hợp với điều kiện thực tế từng nơi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, cũng cho rằng để chống dịch lâu dài, điều quan trọng là phải xây dựng được các kịch bản linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, thời kỳ, nguồn lực. Những vùng dịch bùng phát thì tập trung cứu chữa ca nhiễm, giảm F0 chuyển nặng, giảm tỷ lệ người bệnh nặng tử vong…
Giáo sư Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Hoàng Phong
Thiết kế lại mô hình tổ chức xã hội, thay đổi thói quen để thích ứng với cuộc sống “bình thường mới” , là đề xuất của GS Nguyễn Văn Tuấn.
Video đang HOT
Ông Tuấn đề nghị cần thiết kế lại các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng. Xe chở khách cần giảm số hành khách, bố trí lại ghế ngồi. Ông dẫn chứng, ở Australia trước đây một ghế trên tàu hỏa dành cho ba khách ngồi, nay giảm còn hai người. Ghế cho hai khách nay còn một người. Các nhà hàng cũng giảm khách mỗi bàn ăn. “Sắp tới, máy bay, xe điện, xe buýt, rạp chiếu phim… đều phải thiết kế lại chỗ ngồi để tuân thủ quy định giãn cách”, ông nói.
Với mỗi người dân, ông Tuấn cho rằng những việc như rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn, đi vệ sinh, thăm khám bệnh nhân… phải trở thành thói quen thường xuyên. Các bình diệt khuẩn được bố trí tại nhiều điểm công cộng.
Làm việc từ xa cũng sẽ là giải pháp quan trọng và xu hướng trong tương lai. Tại Australia, nhiều nơi đã xây dựng kế hoạch cho nhân viên làm việc tại nhà lâu dài. Những người đến công sở chủ yếu là làm việc cần máy móc tại chỗ. Công nghệ thông tin cần được ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa vào việc “sống chung”.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Đại học Tôn Đức Thắng
Đẩy mạnh chiến lược vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng cũng là giải pháp quan trọng để sống chung với nCoV. GS Nguyễn Anh Trí phân tích, sớm bao phủ vaccine cho tất cả người dân là cách nhanh nhất để Việt Nam thoát khỏi đại dịch. Trong khi nguồn cung vẫn hạn chế, nhất là khi một số nước triển khai tiêm mũi ba, Việt Nam có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, như mua, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất; mua lại, chuyển nhượng, vay mượn vaccine. “Đây là việc cần thiết và cấp bách”, ông Trí nói.
PGS Nguyễn Huy Nga đề nghị trong lúc chưa đủ vaccine bao phủ toàn dân thì ưu tiên cho người cao tuổi, bệnh nền. Ông lý giải, chủ trương này sẽ giảm tải cho hệ thống y tế nếu dịch bệnh bùng phát. Bởi người già, có bệnh nền nếu nhiễm Covid-19, phải vào viện điều trị sẽ lâu khỏi, nguy cơ tử vong cao. Cơ hội để cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 khác, cũng như người mắc bệnh khác, sẽ giảm.
Tuy nhiên, ông khuyến cáo, khi Việt Nam đã tiêm đủ vaccine cho 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng, thì mọi người vẫn cần tuân thủ 5K.
Đồng thời, nhà chức trách cần sớm nghiên cứu các quy định áp dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine vào cuộc sống, như việc đi lại, sử dụng dịch vụ công cộng…
Về lâu dài , GS Nguyễn Văn Tuấn đề nghị Chính phủ cần ưu tiên cải tiến hệ thống giám sát dịch bệnh. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc thiết kế các hệ thống báo động và theo dõi dịch bệnh trực tuyến từ cơ sở có thể giúp dự báo dịch bệnh nhanh, chính xác hơn.
Nhà nước cần đầu tư vào y tế công cộng. Hệ thống y tế công cộng của Việt Nam hiện nay đã tốt, nhưng cần đầu tư để tốt và hữu hiệu hơn. Cơ sở y tế cấp huyện cần được trang bị về nhân sự, thiết bị xét nghiệm, để nếu dịch bệnh bùng phát có thể kiểm soát nhanh nhạy.
Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và vaccine là chiến lược lâu dài. Đại dịch Covid-19 cho thấy, Việt Nam bị phụ thuộc vào nguồn vaccine từ nước ngoài, trong khi nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư cho nghiên cứu phát triển vaccine và thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. “Nghiên cứu vaccine xác suất thất bại cao, nhưng một xác suất thành công nhỏ có thể đem lại lợi ích rất lớn cho quốc gia”, GS Tuấn nói.
Những dấu ấn của Việt Nam trong một năm đương đầu đại dịch
Sau những ca mắc Covid-19 đầu tiên từ cuối tháng 1, ngành y tế Việt Nam đã trải qua một năm 2020 đầy khó khăn cùng những dấu ấn nổi bật.
Đại dịch Covid-19 bùng phát được nhiều chuyên gia nhận định là thảm họa với cả thế giới và Việt Nam. Sau những khó khăn ban đầu, Việt Nam hiện được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế, chúng ta đã cách ly hơn 730.000 người; xét nghiệm cho 1,7 triệu người; triển khai 1.608 điểm chốt biên giới với gần 10.000 người bám biên từ Tết Canh Tý đến nay.
Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập được virus corona chủng mới. Chỉ trong một thời gian ngắn Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19.
Tới 30/12, Việt Nam có tổng 1.454 bệnh nhân mắc Covid-19 với tỷ lệ ca mắc trên một triệu dân thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong chặng đường đó, y tế Việt Nam đã để lại những dấu ấn nhất định mang tầm quốc tế.
Hình ảnh virus SARS-CoV-2 dưới siêu kính hiểu vi. Ảnh: BYT.
Nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2
Ngày 7/2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy thành công SARS-CoV-2 ở phòng thí nghiệm trong bối cảnh Việt Nam vừa ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên.
Quá trình này được thực hiện khi Việt Nam có ca dương tính đầu tiên (2 trường hợp bố con người Trung Quốc nhiễm bệnh). Sau khi nhận được mẫu bệnh phẩm dương tính, các nhà nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã gây lây nhiễm, làm tăng số lượng (phân lập) virus trên dòng tế bào vero và thành công khi virus xuất hiện vào 72 giờ sau.
Ở thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2. Trước đó, nhiều nơi cũng công bố xác định được các ca nhiễm nhưng không phân lập được virus. Một số đơn vị nuôi cấy virus nhiều tháng nhưng cũng không thành công.
Thực tế sau đó đã chứng minh tầm quan trọng của thành tựu này khi tạo điều kiện cho chúng ta xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus. Ngoài ra, việc nuôi cấy và phân lập thành công còn là tiền đề cho quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống SARS-CoV-2, đồng thời giúp chúng ta biết độc lực của chúng, góp phần điều trị cho các bệnh nhân.
Sản xuất thành công bộ sinh phẩm rRT-PCR
Ngày 5/3, Bộ Y tế quyết định cho phép sản xuất đại trà bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 nhằm phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm, đồng thời xuất khẩu và hỗ trợ quốc tế trong việc phòng, chống Covid-19. Qua đó, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đầu tiên có thể tự sản xuất sản phẩm này, bên cạnh WHO, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Mỹ.
Sau một tháng, Học viện Quân y cùng Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 với khả năng sản xuất khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên ba lần.
Bộ kit được kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với các tiêu chí độ nhạy, đặc hiệu, chính xác, độ lặp lại. Kết quả cho thấy các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do CDC Mỹ và WHO sản xuất. Đặc biệt, bộ kit được đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế đều cho kết quả chính xác, tin cậy tại tất cả thiết bị và các lần thử nghiệm.
Quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và sản xuất có quy trình hết sức nghiêm ngặt. Bộ kit rRT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2 được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8.
Bộ kit đã được WHO chấp thuận và dán nhãn CE (tiêu chuẩn châu Âu). Đến nay, 8 quốc gia trên thế giới đang sử dụng bộ kit rRT-PCR do Việt Nam cung cấp.
Lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam ra chỉ thị giãn cách xã hội toàn dân để phòng dịch. Ảnh minh họa: Hoàng Giám.
Nhiều lần kiểm soát dịch thành công
Ngày 30/1, sau nhiều thông tin về dịch bệnh lạ mang tên Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam phát hiện 5 bệnh nhân đầu tiên là người Việt trở về từ khu vực này tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Không còn là căn bệnh xa lạ trên thế giới, sự kiện này đã phần nào dấy lên sự lo lắng và hoang mang của người Việt. Tuy nhiên, bất chấp hiểu biết hạn chế về SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đã phần nào phong tỏa cách ly thành công 16 người dương tính với chủng virus này thời điểm đó.
Tiếp đó, Hà Nội ghi nhận BN17. Mang theo virus từ Pháp, BN17 vượt qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng và mở ra một giai đoạn mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công tác truy vết, cách ly và điều trị được đẩy mạnh cùng số ca dương tính tăng vọt.
Lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam đưa ra chỉ thị giãn cách xã hội. Người dân được khuyến cáo ở nhà và hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, chỉ ra đường khi cần thiết.
Tuy nhiên, động thái quyết liệt của Chính phủ đã cho thấy hiệu quả khi sau đó, Việt Nam đã trải qua 99 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Đợt dịch này đã để lại nhiều bài học và kinh nghiệm cho Việt Nam. Thời gian tiếp theo cũng là giai đoạn chúng ta kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh, các chuyến bay bị hạn chế, đặc biệt tại những vùng có dịch.
Tới ngày 25/7, Việt Nam một lần nữa đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, thách thức lần này lớn hơn rất nhiều khi BN416 được phát hiện liên quan các bệnh viện lớn tại Đà Nẵng. Đây là môi trường có nhiều người cao tuổi, mang bệnh lý nền cùng sức đề kháng kém.
Đáng nói hơn, chúng ta không tìm ra F0 khi nguồn lây nhiều khả năng đến từ hành vi nhập cảnh trái phép. Đà Nẵng nhận lệnh giãn cách xã hội, đồng thời phong tỏa mọi hoạt động ra vào thành phố.
Tuy nhiên, động thái này không ngăn được số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tăng kỷ lục trong thời gian ngắn. Với đối tượng bệnh nhân đặc thù, chúng ta cũng phải chứng kiến những ca tử vong đầu tiên.
Trong khó khăn, chúng ta được chứng kiến sự phối hợp và vào cuộc của toàn ngành y tế cùng mọi đơn vị trên cả nước. Một lần nữa, Việt Nam lại vượt qua giai đoạn được đánh giá là khốc liệt nhất của dịch Covid-19 với lệnh dỡ phong tỏa cho các bệnh viện ở Đà Nẵng.
Công tác khử khuẩn tại khu dân cư Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Giám.
Số người nhiễm virus trong cộng đồng dừng lại, chúng ta may mắn được sống trong trạng thái bình thường mới, phát triển kinh tế kết hợp các biện pháp phòng dịch. 89 ngày sau đó, Việt Nam tiếp tục triển khai chặt chẽ công tác cách ly người nhập cảnh và điều trị cho các bệnh nhân từ nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các chuyên gia luôn nhấn mạnh các nguy cơ từ nguồn lây này. Mới đây, chúng ta cũng ghi nhận các trường hợp cách ly sai quy định và nhập cảnh trái phép, mang đến nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng. Bộ Y tế và Chính phủ đã phát lệnh đẩy mạnh công tác phòng dịch thời điểm cuối năm, qua đó giúp người dân đón Tết Nguyên đán an toàn.
Ba lần cơ bản kiểm soát tốt tình hình cùng thành công trong nhiều giai đoạn rải rác khi ứng phó nhanh, dập dịch từ những ca nghi ngờ, Việt Nam đã giữ vững thành quả chống dịch.
Cứu sống các bệnh nhân nặng
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), từng cho hay hành trình điều trị và hồi phục của BN19 (bác BN17) là điều anh và các đồng nghiệp không thể quên.
BN19 nhập viện ngày 7/3. 9 ngày sau, nữ bệnh nhân bất ngờ tổn thương phổi nặng 80%, 2 lá phổi gần như trắng xóa. Bà nhanh chóng suy hô hấp, khó thở, sốt cao, diễn biến bệnh nghiêm trọng. Tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu và khó lượng, thậm chí có thời điểm ngừng tuần hoàn.
May mắn, sau những nỗ lực cấp cứu, BN19 ổn định dần, không có di chứng và được công bố khỏi bệnh ngày 26/5. BN19 được đánh giá là bệnh nhân Covid-19 có thời gian điều trị dài ngày nhất ở Việt Nam thời điểm đó. Sự thành công trong điều trị ca bệnh này đã thể hiện rõ tâm huyết và khả năng của ngành y tế Việt Nam ở bối cảnh chúng ta chưa có thuốc điều trị Covid-19.
Việc điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Phạm Thắng.
Một trường hợp khác gây tiếng vang lớn cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam là BN91. Nam phi công người Anh 43 tuổi được công bố khỏi bệnh ngày 6/7 sau gần 3 tháng điều trị.
Trước đó, BN91 được ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2 ngày 18/3. Từ khi nhiễm virus, nam phi công liên tục có nhiều chuyển biến xấu, phổi có lúc tổn thương đến 90%.
Sau 65 ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19, tình trạng phổi hồi phục 20-30%. Ngày 22/5, ông được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, tuy nhiên, tình trạng phổi của BN91 chưa thực sự khả quan.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định bệnh nhân mắc Covid-19 cùng hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, viêm phổi do Burkholderia cepacia, nhiễm nấm máu và tổn thương thận cấp, tiên lượng nặng. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ, BN91 may mắn hồi phục tốt. Ngày 8/6, ông có thể ngồi dậy, đung đưa 2 chân và viết vào bảng. Một ngày sau, bệnh nhân thậm chí có thể sử dụng điện thoại.
Ngày 11/7, BN91 chính thức xuất viện. Ông được các đơn vị phối hợp tổ chức đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Nam phi công cùng bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy tới sân bay Nội Bài (Hà Nội) trước khi lên máy bay trở về quê hương lúc 23h cùng ngày.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chỉ riêng tháng 4, khi BN91 rất nặng, Tiểu ban điều trị đã có 4 buổi hội chẩn liên tiếp nhằm tìm giải pháp cho bệnh nhân này. Công việc của họ tương tự vào các tháng sau đó trước khi BN91 về nước.
Đây là 2 ca bệnh nặng nhất trong các khoảng thời gian khác nhau của dịch Covid-19 tại Việt Nam và được cứu sống trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, ở những giai đoạn sau, chúng ta còn ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng vì Covid-19 và may mắn được chữa khỏi như BN793, BN1045 hay BN812.
TPHCM: Phong tỏa, cách ly ngôi nhà người phụ nữ nhập cảnh 'chui' ở Q.Tân Phú Ngôi nhà có người phụ nữ nhập cảnh "chui" từng ở tại Q. Tân Phú (TPHCM) được cơ quan chức năng tạm thời phong tỏa, cắt cử người canh giữ 24/24. Khu vực có căn hộ bị phong tỏa trở nên vắng vẻ Sáng ngày 1/1, phóng viên báo Tiền Phong đã có mặt tại ngôi nhà người phụ nữ nhập cảnh "chui"...