Chuyên gia đề xuất điều kiện ‘mở cửa có lộ trình’
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, lựa chọn hoạt động và dịch vụ phù hợp để ưu tiên mở cửa… là đề xuất của các chuyên gia đối với lộ trình nới lỏng của Việt Nam.
Tại một số cuộc họp gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần phát biểu không thể dùng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn.
Ông cho rằng phải có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc điều trị. Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động, theo nguyên tắc “mở cửa có lộ trình, từng bước, có kiểm soát, liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh”.
Bày tỏ ủng hộ chủ trương này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nêu thực tế với chủng Delta, nhiều nước trên thế giới đã chuyển từ chiến lược loại bỏ hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng sang chấp nhận “sống chung an toàn”.
Với Việt Nam, ông Cường đề xuất vẫn nên duy trì các biện pháp cần thiết phòng chống, ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan rộng. “Nhưng chúng ta phải chấp nhận có dịch trong tầm kiểm soát, đồng thời mở cửa, phát triển kinh tế. Tất nhiên mở cửa phải có lộ trình, có kiểm soát, chứ không phải bằng mọi giá”, ông nói.
Ông lưu ý các địa phương cần tránh hai trạng thái cực đoan khi mở cửa trở lại là: Đợi đến khi không còn F0 cộng đồng mới mở cửa, hoặc nôn nóng chạy theo đòi hỏi nới lỏng mà bỏ qua việc đảm bảo an toàn.
Theo ông Cường, điều kiện đầu tiên mở cửa trở lại là khả năng kiểm soát dịch bệnh , số ca mắc mới giảm liên tục, nằm trong năng lực điều trị của ngành y tế; các địa bàn nguy cơ cao cũng giảm, điểm nóng được khống chế chặt chẽ…
Video đang HOT
“An toàn trong bối cảnh hiện nay cần được hiểu là nơi đó phải có biện pháp để chủ động phòng tránh dịch, nếu xuất hiện ca bệnh thì xử lý được ngay, không để lan rộng, không để quá tải hệ thống y tế, hạn chế tối đa ca bệnh tử vong”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Hoàng Phong
PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng, sau một thời gian giãn cách xã hội, việc mở cửa trở lại để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội “là cần thiết”. Tuy nhiên ông lưu ý, vấn đề kiểm soát dịch bệnh phải được ưu tiên hàng đầu.
Mỗi địa phương căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn để xây dựng kịch bản nới lỏng phù hợp. “Có thể nới lỏng theo từng vùng khác nhau, đảm bảo thu hẹp dần vùng đỏ, giữ vững và mở rộng vùng xanh”, ông Phu đề xuất và đơn cử tại TP HCM, quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ đã kiểm soát được dịch bệnh, có thể xem xét mở cửa trở lại từng bước; với các quận, huyện khác thì thận trọng hơn.
Trong khi đó, Hà Nội đã trải qua hơn 50 ngày giãn cách xã hội, về cơ bản hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát. Sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi một (từ 15/9), thành phố có thể xem xét nới lỏng các hoạt động dịch vụ.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, Đại học California San Francisco – UCSF (Mỹ), cũng cho rằng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và tình hình không đồng nhất giữa các nơi, nên từng địa phương cần phân tách rõ vùng đỏ, vàng, xanh dựa trên kết quả xét nghiệm.
Vùng đỏ tiếp tục giãn cách, xét nghiệm thường xuyên để đưa số F0 cộng đồng giảm dần, đồng thời giảm tử vong; đầu tư hơn cho dịch vụ và phương tiện trị liệu. Vùng vàng làm xét nghiệm PCR gộp, người dân được tham gia các dịch vụ thiết yếu có giới hạn. Vùng xanh làm xét nghiệm PCR gộp định kỳ, cho mở lại các dịch vụ cơ bản.
Điều kiện thứ hai là bao phủ vaccine . “TP HCM và Hà Nội cơ bản tiêm xong mũi một cho người dân từ 18 tuổi trở lên, đang tiếp tục tiêm mũi 2. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Do vậy chúng ta phải triển khai tiêm chủng nhanh hơn, nhất là giai đoạn cuối năm vaccine về nhiều”, đại biểu Cường nhìn nhận.
PGS Trần Đắc Phu cũng cho rằng tỷ lệ tiêm chủng là điều kiện quan trọng để mở cửa trở lại; người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh song sẽ giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. “Chúng ta phải hướng đến mục tiêu trên 70% dân số tiêm chủng đủ liều, để trong trường hợp dịch tái bùng phát thì không gây quá tải hệ thống y tế”, ông nói.
Người dân Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 tại Cung Hữu Nghị, tháng 9/2021. Ảnh: Ngọc Thành
TS Nguyễn Đức Thái khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên tiêm chủng cho những nhóm nguy cơ cao, như người trên 65 tuổi, người có bệnh nền huyết áp, thận, béo phì…; đồng thời có kế hoạch chứng nhận tiêm chủng giúp người dân đã tiêm đủ 2 mũi quay trở lại công việc, di chuyển trong vùng hoặc tham gia chống dịch.
Chủng Delta lây rất nhanh, nên bên cạnh xét nghiệm sàng lọc và tiêm chủng cần chú ý đến đầu tư vào khâu điều trị như bộ gói thuốc, máy đo oxygen, bình oxy…
Điều kiện thứ ba, các địa phương cần lựa chọn các hoạt động phù hợp để ưu tiên mở cửa trước . Đại biểu Cường đề nghị ưu tiên các hoạt động ít tiếp xúc và ở không gian rộng, như sản xuất nông nghiệp ngoài trời; công trường xây dựng ngoài trời…
Tiếp theo là mở lại hoạt động sản xuất công nghiệp trong khu vực khép kín, có thể kiểm soát được dịch bệnh. “Khu vực khép kín là nơi các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo tách biệt từng bộ phận và kiểm soát được toàn bộ chu trình. Nghĩa là nếu có F0 thì chỉ cần khoanh vùng một nhóm nhất định trong cơ sở, chứ không cần đóng cửa toàn bộ nhà máy”, ông Cường phân tích.
Quán phở trên đường Bùi Bằng Đoàn, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM mở bán mang về, ngày 9/9. Ảnh: Quỳnh Trần
Các dịch vụ liên quan đến đời sống người dân như nhà hàng, quán ăn… cũng nên được xem xét mở cửa theo lộ trình, bởi đây đều là những dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh này phải đảm bảo an toàn. Chẳng hạn, nhà hàng ở trong nhà có thể chưa cho khách dùng đồ ăn tại chỗ, nhưng nếu dịch vụ ăn uống ngoài trời, bãi biển thì “có thể xem xét”.
Những dịch vụ nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như vũ trường, quán bar, karaoke, massage…, theo ông Cường “chưa thể mở cửa ngay được”.
“Trong tình hình hiện nay, kế hoạch mở cửa cũng chính là kế hoạch phòng chống dịch. Đó là xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng toàn diện. Về lộ trình mở cửa cần dựa theo kết quả xét nghiệm và tiêm chủng vaccine”, TS Thái góp ý.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 620.166, ghi nhận ở 62 tỉnh thành.