Chuyên gia đầu ngành nhận định dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội sẽ phức tạp
Các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về bệnh truyền nhiễm đều chung nhận định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh sởi, sốt xuất huyết (SXH) nói riêng.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống SXH tại quận Thanh Xuân
Trước xu hướng gia tăng của tình hình dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức hội nghị xin ý kiến chuyên gia về công tác tiêm chủng mở rộng và các biện pháp phòng chống 2 dịch bệnh này.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.147 ca mắc SXH tại tất cả quận, huyện, thị xã, không có trường hợp tử vong. Đối với bệnh sởi, tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến nay là 1.585 ca. Đáng chú ý, hiện dịch SXH đang bước vào mùa cao điểm với số mắc tăng nhanh, trong khi số ca mắc sởi hàng tuần vẫn ở mức cao.
Về công tác tiêm chủng mở rộng, tính đến hết tháng 6-2019, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi ở Hà Nội đạt 59,3%; tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh đạt 83%; tiêm vaccine sởi – rubella cho trẻ từ 18 – 23 tháng tuổi đạt 81,4%… Như vậy, tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng vẫn chiếm khá cao.
Video đang HOT
Tại hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng các chuyên gia đầu ngành đều nhận định, thời gian qua, ngành y tế Hà Nội đã triển khai hiệu công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng.
Dù vậy, các chuyên gia cũng thống nhất nhận định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh sởi, SXH nói riêng.
Lý do vì dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng gia tăng trên quy mô cả nước do biến đổi khí hậu, di biến động dân cư, tình trạng đô thị hóa. Hà Nội lại là địa phương có mật độ dân số cao, vệ sinh môi trường kém…
Đặc biệt, các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chủng không đầy đủ rất dễ dẫn đến khả năng mắc bệnh và lây truyền dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.
Qua lắng nghe ý kiến phân tích của các chuyên gia, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trên cơ sở này, ngành y tế Hà Nội sẽ tập trung đánh giá lại hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng đã triển khai trong thời gian qua để đưa ra các giải pháp cụ thể, chi tiết.
Trước mắt, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thêm các nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp về giám sát ca bệnh, ổ dịch, véc tơ gây bệnh, mô hình cảnh báo sớm bệnh SXH; nhóm giải pháp về đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng gắn với chất lượng tiêm chủng và nhóm về truyền thông huy động cộng đồng dân cư cùng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo anninhthudo
Những con số nổi bật về tiêm chủng trong năm 2018
95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vaccine; 297.391 trẻ được tiêm phòng vaccine bại liệt bất hoạt dạng tiêm (IPV); duy trì tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh ở mức trên 70%... là những con số nêu lên thành tựu trong tiêm chủng tại Việt Nam năm 2018.
Tiêm vaccine cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội
Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là một trong những dự án ưu tiên thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020. Theo thông tin Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp chiều 7/1, năm 2018 là năm thứ 18 Việt Nam bảo vệ thành công kết quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 13 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Dịch sởi theo chu kỳ được khống chế, số ca mắc rubella ở mức thấp. 95% trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc tiêm đầy đủ 8 loại vaccine.
Trong đó, Việt Nam thành công đưa vaccine IPV vào tiêm trên tất cả các trạm y tế xã, phường trên toàn quốc với số lượng 297.391 trẻ em được tiêm phòng trong 6 tháng cuối năm; chuyển đổi sử dụng từ vaccine sởi - rubella nhập khẩu sang vaccine do Việt Nam sản xuất; duy trì tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở mức cao (trên 70%), mở rộng tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ tại nhiều địa phương, đặc biệt là một số tỉnh, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh tiêm vaccine sởi - rubella và vaccine DPT cho trẻ 18 tháng, tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai.
Nhiều con số khả quan khác cũng đã được đưa ra. Cụ thể, để chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch sởi, dự án TCMR đã tổ chức 3 đợt chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại các vùng có nguy cơ cao. Đối với dịch bệnh viêm não Nhật Bản, đã có 173.138 trẻ thuộc 16 tỉnh được tiêm đủ 3 mũi vaccine, đạt tỷ lệ 94,2%. Số ca mắc viêm não Nhật Bản giảm từ 232 ca (năm 2017) xuống 197 ca (năm 2018).
Trong triển khai hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, đã có 11.183 trạm y tế trên cả nước (đạt tỷ lệ 99%), 2.261 cơ sở khám chữa bệnh sử dụng hệ thống để quản lý tình trạng tiêm chủng cá nhân; trên 1.700.000 trẻ em sinh ra được đăng ký trên hệ thống, thuận lợi cho công tác quản lý tiêm chủng tuyến cơ sở.
Chia sẻ về những thành tựu của dự án TCMR, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, việc tiêm vaccine và toàn bộ chương trình TCMR có ý nghĩa rất quan trọng bởi nếu không có hoạt động tiêm chủng hoặc tiêm chủng không tốt thì dịch bệnh sẽ bùng phát. Do đó, Bộ Y tế luôn hướng tới việc tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng cao nhất, an toàn và đạt chất lượng tốt nhất.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Cục trưởng Trần Đắc Phu cũng chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong thực hiện chương trình TCMR như nhu cầu tiêm chủng trong xã hội ngày càng tăng cao, trong khi đó sự lan truyền dịch bệnh trở nên phức tạp, khó kiểm soát hơn. Nguy cơ bệnh bại liệt xâm nhập từ bên ngoài, dịch sởi, ho gà, bạch hầu quay trở lại vẫn còn hiện hữu khi tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc trì hoãn tiêm chủng cho trẻ. Việc vận động các bậc phụ huynh phối hợp với nhân viên y tế trong theo dõi tình hình dịch bệnh ở trẻ, khám sàng lọc, theo dõi trẻ sau tiêm cũng gặp khó khi nhiều phụ huynh không hợp tác hoặc không tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế,...
Do đó, trong năm 2019, dự án TCMR tiếp tục phấn đấu duy trì tỷ lệ 95% trẻ trên toàn quốc được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine; tăng cường tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ sau sinh nhằm phòng chống bệnh viêm gan B mãn tính, thúc đẩy tiêm tại các cơ sở khám chữa bệnh có phòng sinh; tổ chức tiêm bù vaccine 5 trong 1 ComBE Five nhóm trẻ chưa tiêm trong các tháng cuối năm 2018; hoàn thành đợt 2 và 3 của chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi ở vùng có nguy cơ cao; trong quý I năm 2019 cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi uống bổ sung vaccine bại liệt tại 67 huyện của 23 tỉnh; trong quý III tiêm bổ sung vaccine ngừa uốn ván để chủ động phòng chống dịch bạch hầu, uốn ván ở trẻ 7 tuổi tại 27 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao.
Theo kinhtedothi
Sốt xuất huyết nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏe mạnh? Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt cao nên cơ thể mệt mỏi, chán ăn. Vậy sốt xuất huyết nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi bệnh? Sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm do virus Dengue, được lây truyền nhờ muỗi vằn. Hầu hết bệnh nhân sẽ tự khỏi bệnh sau 2 tuần, việc điều trị bao...