Chuyên gia đánh giá sức mạnh hạm đội tàu ngầm Việt Nam
Theo thông tin từ cảng St.Petersburg, sáng 17/12 tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa tiếp tục ra biển thử nghiệm và con tàu sẽ được bàn giao cho Việt Nam trong năm 2015.
Tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa thử nghiệm
Theo Diễn đàn quân sự airbase (Nga) cho biết Nhà máy Admiralty đưa tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa thử nghiệm tiếp trên biển từ ngày 17/12.
Đây là chiếc tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo thứ 4 Nhà máy này đóng cho Hải quân Việt Nam trong lô hàng 6 chiếc.
Ba chiếc đã bàn giao, gồm HQ-182 Hà Nội, HQ-183 TP.Hồ Chí Minh, và HQ-184 Hải Phòng (đang trên đường về nước bằng tàu hàng Rolldock Star).
Đợt thử nghiệm trước đó của tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa được thực hiện hồi tháng 8/2014 trên vùng biển Baltic. Hãng thông tấn Itar-Tass dẫn nguồn tin từ tổ hợp quân sự-quốc phòng Nga cho biết.
Tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa được hạ thủy hồi tháng 3/2014. Trái ngược với các thông tin trước đây, chiếc tàu ngầm Kilo thứ tư vừa được hạ thủy cho Hải quân Việt Nam mang tên HQ-185 Khánh Hòa chứ không phải HQ-185 Đà Nẵng – thông tin trên đã được hàng loạt phương tiện truyền thông nhà nước Nga chính thức xác nhận trong lễ hạ thủy tàu ngầm hôm nay (28/3).
Điều này cũng đồng nghĩa, tên thành phố Đà Nẵng sẽ được đặt cho chiếc tàu ngầm Kilo thứ năm. Tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa sau khi hạ thủy, sẽ tiếp tục thực hiện qui trình hoàn thành lắp đặt thiết bị, thử nghiệm và bàn giao cho Hải quân Việt Nam (dự kiến vào năm 2015) giống như 3 chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên.
Tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa từ cảng St.Petersburg tiến ra biển thử nghiệm.
Hạm đội tàu ngầm Việt Nam theo nhận định của chuyên gia
Việc tiếp nhận những chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Việt Nam đã khiến các phương tiện truyền thông và học giả nước ngoài đặc biệt quan tâm và có những đánh giá khác nhau về sức mạnh của hạm đội tàu ngầm Việt Nam.
Hồi cuối tháng 9/2014 vừa qua, tại một hội nghị quốc tế về Chính sách Hàng hải của Trung Quốc đã được Đại học Ma Cao tổ chức. Tại đây, Giáo sư người Australia Carlyle Thayer có bài tham luận “Chiến lược Biển Đông của Việt Nam và Quan hệ Việt-Trung”.
Trong bài tham luận, Giáo sư Thayer cho rằng những tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông là động lực quan trọng nhất thúc đẩy Việt Nam hiện đại hóa quân đội, ưu tiên cho hải quân, và nhất là trang bị cho mình một hạm đội tàu ngầm.
Theo đó, hợp đồng đặt mua sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo đã được ký kết vào năm 2009 và đang lần lượt được giao, cho đến năm 2016 là chiếc cuối cùng.
Hiện đã có hai chiếc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được giao cho Hải quân Việt Nam, chiếc thứ ba là Hải Phòng dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 11/2014, chiếc thứ tư là Đà Nẵng đã được Nga hạ thủy hồi tháng 3/2014 và đang trong quá trình chạy thử. Hai chiếc còn lại là Khánh Hòa đang được thử nghiệm và Bà Rịa Vũng Tàu sẽ hạ thủy vào tháng 9/2015 để bàn giao cho Việt Nam vào năm 2016.
Video đang HOT
Cận cảnh tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa trong buổi lễ hạ thủy hôm 28/3/2014
Theo Giáo sư Thayer, một khi bắt đầu hoạt động, với hệ thống vũ khí tối tân được trang bị, các tàu ngầm Việt Nam có thể thực hiện song song hai nhiệm vụ, gồm: 1/ Phát hiện tàu lạ ở khu vực ngoài khơi bờ biển Việt Nam và vùng xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 2/ Tăng cường sức răn đe của Việt Nam trong trường hợp bị Trung Quốc bất ngờ tung quân đánh chiếm các đảo, bãi đá đang do Việt Nam kiểm soát tại vùng Biển Đông.
Giáo sư người Australia nhận định đội tàu ngầm lớp Kilo sẽ cung cấp cho Việt Nam một năng lực chống tiếp cận khu vực, dù hạn chế, nhưng hữu ích.
Ông Lyle Goldstein, Giáo sư tại Học viện Hải quân Mỹ, cho rằng Bắc Kinh không nên coi thường năng lực quốc phòng của Việt Nam. Theo ông, tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam có khả năng “đánh những đòn chí mạng bằng ngư lôi hay tên lửa hành trình chống hạm”.
Trong khi đó, các ý kiến khác cho rằng một trong những lợi thế lớn của Việt Nam là khoảng cách địa lý.
Chuyên gia Gary Li nói: “Đội tàu chiến và tàu ngầm trang bị tên lửa của Việt Nam có thể tấn công và rút lui về căn cứ một cách dễ dàng, trong lúc hạm đội kẻ thù bị tấn công thì ít nhiều phải lênh đênh”.
Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam không cần phải so sánh số lượng tàu của mình với Trung Quốc, mà nên áp dụng chiến thuật du kích trên biển. Một chiến lược phi đối xứng, kèm theo với việc liên minh đúng lúc với các đối thủ của Trung Quốc, sẽ đặt Việt Nam vào một vị trí tốt.
Chuyên gia Brian Benedictus thì cho rằng các chiến hạm lớp Gepard, Molniya của Việt Nam cũng như của tàu ngầm lớp Kilo giúp Việt Nam tăng cường năng lực tung lực lượng ra Biển Đông “giáng cho tàu Trung Quốc những tổn thất lớn, điều mà Bắc Kinh phải tính toán trước khi quyết định thách thức Hải quân Việt Nam”.
Đối với ông Benedictus, tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam còn có tiềm năng phá hoại đội tàu của đối phương bằng nhiều cách khác nhau, nhất là khi năng lực chống tàu ngầm của Trung Quốc còn kém cỏi.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, dù lực lượng còn mỏng song Việt Nam hiện sở hữu những loại vũ khí “đặc trị” chống Trung Quốc, cộng thêm yếu tố “địa lợi” giúp tăng giá trị răn đe của chiến lược quốc phòng Việt Nam đối với Trung Quốc.
Theo Giáo sư Thayer, nếu tính toàn bộ số vũ khí đã mua và sắp mua, hệ thống vũ khí của Việt Nam “sẽ bắt Trung Quốc phải trả giá rất đắt nếu gây chiến trong khu vực rộng từ 200 đến 300 hải lý, trải dọc theo bờ biển Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn năng lực tấn công căn cứ Hải quân chủ yếu của Trung Quốc tại Tam Á, trên đảo Hải Nam và các cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa”.
Tuy nhiên, cũng tại hội nghị này, giới phân tích cho rằng Việt Nam phải mất thêm nhiều năm mới làm chủ được vũ khí hiện đại.
Chuyên gia Mỹ Zachary Abuza thuộc trường Simmons College nói: “Việt Nam cần phải có thêm nhiều năm nữa mới có thể hoàn tất đợt hiện đại hóa quốc phòng đang được tiến hành, cũng như phát triển các học thuyết và chiến thuật để sử dụng các công nghệ mới vừa trang bị. Vũ khí tốt nhất của Việt Nam vẫn là ngoại giao và luật pháp quốc tế”.
Giáo sư người Mỹ Lyle Goldstein cũng đồng ý với quan điểm của ông Abuza là chiến lược tốt nhất của Việt Nam để chống Trung Quốc vẫn là “hy vọng có được một sức răn đe khả dĩ, trong lúc tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp”.
Theo Đất Việt
Báo Trung Quốc lu loa, thổi phồng mối đe dọa tàu ngầm Việt Nam
Nga sắp bàn giao thêm tàu ngầm Kilo cho Việt Nam, tạo ra "mối đe dọa" lớn hơn đối với Trung Quốc - nước có tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo.
Tờ "Tầm nhìn" ngày 2 tháng 11 đăng bài viết "Việt Nam vì sao có sức mạnh đoạt Biển Đông với Quân đội Trung Quốc: 4 tỷ mua tàu ngầm là có thể". Bài báo được cho là dẫn lại từ tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông, Trung Quốc.
Theo bài báo, trang mạng Đài tiếng nói nước Nga đưa tin, quan chức cao cấp lĩnh vực đóng tàu Nga cho biết, tàu ngầm Type 636 động cơ diesel-điện thứ ba sẽ bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2014.
Quan chức này còn tiết lộ, Chính phủ Nga đã ký văn kiện liên quan cung ứng tàu ngầm diesel-điện thứ tư cho Hải quân Việt Nam, sau này sẽ tổ chức hạ thủy và bàn giao kiểm tra, dự kiến năm 2015 sẽ bàn giao cho bên đặt hàng Việt Nam.
Theo bài báo, tàu ngầm lớp Kilo là tàu ngầm thông thường kiểu tấn công thế hệ thứ năm của Nga, cũng là tàu ngầm thế hệ mới nhất hiện có. Tàu ngầm Type 636 dài 73,8 m, lượng giãn nước 2.350 tấn, tốc độ lặn tối đa 20 hải lý/giờ, độ sâu lặn tối đa 300 m, thủy thủ đoàn là 52 người. Vũ khí chủ yếu trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo là 4 quả tên lửa (số lượng còn có thể tăng thêm), 18 quả ngư lôi và 24 quả thủy lôi.
Công dụng tác chiến chính của tàu này là săn ngầm và chống tàu chiến mặt nước, cũng có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tuần tra. Đặc điểm lớn nhất của tàu ngầm lớp Kilo là khả năng chạy êm rất xuất sắc.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo.
Sự phát triển của công nghệ săn ngầm hiện đại đã làm cho sự sinh tồn của tàu ngầm bị đe dọa rất lớn. Để đối phó với các loại mối đe dọa trên không, mặt nước và dưới nước, tàu ngầm chỉ có tận dụng đặc điểm của bản thân - tính bí mật. Ngoài có thể lặn lâu, còn đòi hỏi phải có tiếng ồn thấp nhất khi chạy, giảm khoảng cách bị thiết bị định vị thủy âm của địch phát hiện.
Trong khi đó, tàu ngầm Type 636 đã đáp ứng những yêu cầu này, cho nên được cho là một loại tàu ngầm động cơ diesel chạy êm nhất trên thế giới, được phương Tây khen là "lỗ đen đại dương".
Bài báo xuyên tạc cho rằng, Việt Nam "nhòm ngó" Biển Đông đã lâu, để tăng cường kiểm soát Biển Đông, Việt Nam không tiếc chi mạnh để mua sắm quân bị. Năm 2009, khi thăm Nga, Thủ tướng Việt Nam đã ký kết một hợp đồng mua vũ khí lớn đầu tiên của Việt Nam, trị giá 3,2 tỷ USD, trong đó 2 tỷ đùng để mua 6 tàu ngầm lớp Kilo cộng với xây mới căn cứ, cơ sở chi viện hậu cần và vũ khí đạn dược đồng bộ, tổng trị giá hợp đồng đạt 4 tỷ USD, tương đương 17 lần chi phí mua sắm trang bị của Hải quân Việt Nam năm 2009.
Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu ngầm tấn công động cơ thông thường lớp Kilo đầu tiên mà Hải quân Việt Nam đặt mua của Nga đã được vận chuyển tới vịnh Cam Ranh, điều này đánh dấu Hải quân Việt Nam đã sở hữu tàu ngầm tấn công đầu tiên của mình.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo.
Cùng với sự tiến bộ của trang bị, báo "nước lớn" Trung Quốc lu loa rằng, "thế lực chống Trung Quốc" ở Việt Nam càng mạnh hơn, sau khi đã nhập khẩu một số hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển Bastion, trong nước Việt Nam thậm chí đã xuất hiện những lời kêu gọi sử dụng tên lửa này để "tấn công Quế Lâm" (- bài báo bịa đặt để dễ bề kích động dư luận TQ), trong khi đó, tàu ngầm lớp Kilo càng linh hoạt, bí mật hơn, "mối đe dọa đối với Trung Quốc lớn hơn".
Đối với Quân đội Việt Nam, sở hữu tàu ngầm lớp Kilo là bước nhảy mang tính cột mốc về vũ khí trang bị, có nghĩa là phạm vi tác chiến của Quân đội Việt Nam đã mở rộng xuống dưới mặt biển, sau khi trang bị tàu ngầm lớp Kilo, cân bằng sức mạnh trên biển ở Biển Đông sẽ bắt đầu có thay đổi, năng lực kiểm soát dưới nước của Việt Nam đối với khu vực Biển Đông được tăng cường, đồng thời có năng lực "cắt đứt tuyến đường hàng hải" ở Biển Đông trong những thời điểm đặc biệt.
Theo bài báo xuyên tạc dụng ý tuyên truyền, tuy nhiên, do năng lực nghiên cứu khoa học và nền tảng công nghiệp của Việt Nam khá yếu, năng lực tổng hợp hải quân của Việt Nam nằm ở mức thấp trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam ngoài "lôi kéo" Nga can thiệp Biển Đông, còn có ý định "chọn Ấn Độ làm thầy".
Ấn Độ đã đáp ứng hỗ trợ Việt Nam huấn luyện 500 binh sĩ tàu ngầm Việt Nam tiến hành tác chiến dưới nước. Gần đây, Việt Nam còn giơ "cành ô liu" cho Chính phủ Ấn Độ. Trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ, quan chức cấp cao Việt Nam và Ấn Độ đã trả lời phỏng vấn báo chí, đã bày tỏ quan tâm đến việc hai bên thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo.
Đại sứ mới của Việt Nam ở Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết: "Chúng tôi hy vọng Ấn Độ có thể có nhiều doanh nghiệp dầu khí hơn ở Việt Nam, chúng tôi sẽ cung cấp điều kiện ưu đãi và cung cấp bảo vệ an ninh cho họ".
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết, Ấn Độ thúc đẩy hợp tác dầu mỏ với Việt Nam trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ấn Độ mong muốn khai thác dầu khí ở Biển Đông đã lâu, có ý định dựa vào đó để thúc đẩy chiến lược "Đông tiến". Công ty OVL của hãng Oil & Natural Gas Ấn Độ năm 2006 đã nhận được quyền khai thác 2 lô 127 và 128 ở Biển Đông. Trong thời gian thăm Việt Nam vào tháng 9 của Tổng thống Ấn Độ Mukherjee, công ty OVL và Việt Nam đã đạt được đồng thuận, xem xét tham gia thăm dò và khai thác 2 - 3 lô trong số 5 lô ở Biển Đông do Việt Nam đưa ra vào năm 2013.
Việt Nam hợp tác với Ấn Độ, không những nhận được sự ủng hộ công nghệ của Ấn Độ trong ngành công nghiệp quân sự, mà còn thể hiện thái độ "liên kết với Ấn Độ để chống Trung Quốc" (bài báo lu loa).
Tàu ngầm thông thường Hà Nội HQ 182 lớp Kilo của Hải quân Việt Nam.
Theo bài báo, từ tháng 4 năm 2014 đến nay, Việt Nam điều động nhiều tàu cảnh sát biển, tàu chiến hải quân (?), đến "vùng biển quần đảo Hoàng Sa" (bài báo tự nhận là của Trung Quốc, thực chất là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, không có tranh chấp), tiến hành "theo dõi, quấy rối và cản trở, ngăn chặn" đối với giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và các tàu kỹ thuật khác (thực ra là Trung Quốc kéo giàn khoan 981 cùng với một lực lượng quân sự, bán quân sự quy mô lớn vào xâm lược vùng biển của Việt Nam). Trong tình hình này, "xung đột quyền lợi biển" giữa Trung-Việt (thực chất là Trung Quốc đòi ăn cướp) thể hiện ngày càng rõ.
Theo bài báo, tuy nhiên, cùng với việc hoàn thành xây dựng căn cứ tàu ngầm mới ở tỉnh Hải Nam và trang bị tàu sân bay đầu tiên, thực lực của Hải quân Trung Quốc ở khu vực Biển Đông sẽ tăng cường rõ rệt. Nhưng, để "tranh đoạt lợi ích biển", Việt Nam đã gia tăng đầu tư đối với hải quân và mua sắm rất nhiều vũ khí tiên tiến từ nước ngoài.
Trong tương lai, 6 tàu ngầm đi vào hoạt động không chỉ có thể khắc phục điểm yếu về lực lượng tàu ngầm, năng lực tác chiến dưới nước yếu của Việt Nam, mà còn có thể tạo ra "mối đe dọa" đối với tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của "nước khác". - báo của TQ cố gắng gào thét, kích động dư luận.
Tàu ngầm diesel - điện Tp.Hồ Chí Minh lớp Kilo của Hải quân Việt Nam.
Theo Giáo Dục
Đại Công báo: 6 tàu ngầm Việt Nam ảnh hưởng nặng đến quan hệ với Trung Quốc Chuyên gia Nga nói mặc dù có quan hệ kinh tế gần gũi nhưng Hà Nội luôn cảnh giác với sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc đặc biệt là trên khu vực Biển Đông. Tờ Đại Công báo xuất bản ở Hồng Kông Trung Quốc vừa có bài bình luận trong đó có nhận định cho rằng việc Việt Nam mua...