Chuyên gia đánh giá điểm yếu của tên lửa Triều Tiên
Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên hiện vẫn chưa đạt được thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cũng như hoàn thiện công nghệ hồi quyển cho tên lửa, dù Bình Nhưỡng tuyên bố tên lửa nước này có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ.
Chuyên gia Hàn Quốc phân tích sóng địa chấn được cho là gây ra bởi vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên hồi tháng 9/2016. (Ảnh: Reuters)
Triều Tiên hồi tháng trước tuyên bố nước này đã phát triển thành công các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới bất kỳ mục tiêu nào ở Mỹ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn đạt được mục tiêu do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra, đó là chế tạo thành công một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ và nhẹ để lắp vừa trên tên lửa, và phải đảm bảo rằng việc lắp đặt đó không ảnh hưởng tới tầm phóng cũng như khả năng quay trở lại khí quyển trái đất của tên lửa.
Theo giới chuyên gia, để đạt được mục tiêu trên, Triều Tiên có thể muốn tiến hành ít nhất một vụ thử hạt nhân và đây sẽ là vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước này. Ngoài ra, Bình Nhưỡng chắc chắn cũng muốn thực hiện thêm các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa để hoàn thiện công nghệ.
Các chuyên gia cho rằng trong hai vụ thử ICBM hồi tháng trước, các tên lửa Triều Tiên dường như mang theo lượng chất nổ ít hơn so với các đầu đạn hạt nhân thực tế mà nước này đang phát triển.
Một trong những cách để có thể chế tạo đầu đạn nhẹ hơn trước khi lắp lên tên lửa là tập trung vào việc phát triển bom nhiệt hạch – loại bom được cho là có sức công phá mạnh hơn nhiều so với kích cỡ và trọng lượng của nó.
Ông Hans Kristensen, Giám đốc Chương trình Thông tin hạt nhân thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, cho biết Triều Tiên đã tuyên bố thử bom nhiệt hạch, tuy nhiên thông tin này cho đến nay vẫn chưa được xác nhận.
Video đang HOT
“Để làm được điều đó Triều Tiên sẽ cần phải tiến hành thêm vài vụ thử hạt nhân nữa. Ưu điểm của đầu đạn nhiệt hạch là nó tích hợp sức mạnh lớn hơn nhưng mang trọng lượng nhẹ hơn”, Reuters dẫn lời ông Hans cho biết.
Những thách thức
Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên trong vụ phóng hồi tháng 7/2017. (Ảnh: Reuters)
Ông Choi Jin-woo, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ritsumeikan của Nhật Bản và là cựu chủ tịch Viện Thống nhất quốc gia của Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên có thể muốn tiến hành một vụ thử hạt nhân lần thứ 6 để nước này có thể phát triển tên lửa ICBM gắn đầu đạn hạt nhân thành công.
“Để tạo ra một đầu đạn hạt nhân khả thi, nó phải có kích cỡ nhỏ và trọng lượng nhẹ, tuy nhiên Triều Tiên dường như chưa đạt được công nghệ này”, ông Choi nhận định.
Bên cạnh việc phát triển bom nhiệt hạch thu nhỏ để gắn lên tên lửa, một số chuyên gia cho rằng các nhà khoa học tên lửa của Triều Tiên có thể vẫn chưa đạt được công nghệ bảo vệ đầu đạn tên lửa khỏi sức nóng và áp suất cực lớn khi quay trở lại trái đất trong môt vụ phóng liên lục địa.
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc ngày 13/8 nói rằng Triều Tiên sẽ cần ít nhất từ 1 đến 2 năm nữa mới có thể đạt được công nghệ hồi quyển tên lửa.
“Việc thu nhỏ đầu đạn để gắn lên tên lửa đạn đạo mới chỉ là một trong số nhiều thử thách mà Triều Tiên cần phải vượt qua trước khi đạt được mục tiêu tấn công Mỹ bằng ICBM. Tên lửa phải sống sót khi hồi quyển và đầu đạn phải hoạt động. Tôi nghi rằng Triều Tiên vẫn chưa hoàn thiện tất cả các bước này”, David Albright, nhà vật lý kiêm người sáng lập Viện Khoa học và An ninh quốc tế tại Washington, Mỹ, cho biết.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Mỹ nghi Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa
Báo cáo gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vật thể hình cầu được cho là đầu đạn hạt nhân (Ảnh: Rodong Sinmun)
"Cộng đồng tình báo nhận định Triều Tiên đã chế tạo được các vũ khí hạt nhân để có thể được phóng từ tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa", Washington Post ngày 8/8 dẫn báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết.
Ngoài ra, Washington Post cũng dẫn một báo cáo khác cho thấy Mỹ ước tính Triều Tiên hiện có khoảng 60 vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của nước này. Con số này gia tăng đáng kể so với các dự đoán trước đây của giới chuyên gia.
Các nhà phân tích từ lâu vẫn nghi ngờ về khả năng Triều Tiên có thể đạt được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa đạn đạo. Theo đó, báo cáo của DIA là tài liệu nội bộ đầu tiên của chính phủ Mỹ thừa nhận công nghệ mới của này của tên lửa Bình Nhưỡng.
Nếu thông tin của DIA là chính xác thì đây lại là một bước tiến vượt trội nữa của Triều Tiên, cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang tiến gần hơn đến việc phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa tới toàn bộ lục địa Mỹ.
Theo RT, sách trắng quốc phòng của Nhật Bản cũng cho rằng Triều Tiên có thể đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa, song Tokyo mới chỉ dừng lại ở bước phỏng đoán, thay vì khẳng định như báo cáo của DIA.
Trong khi đó, Nga vẫn nghi ngờ năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng Bình Nhưỡng phải mất rất nhiều năm nữa mới có thể đạt được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa.
Năm 2016, Triều Tiên từng tuyên bố thử nghiệm thành công công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chưa có bằng chứng xác thực nào được đưa ra để chứng minh cho tuyên bố của Bình Nhưỡng.
Thành Đạt
Theo Dantri
Triều Tiên tuyên bố tên lửa vừa thử mang được đầu đạn hạt nhân Triều Tiên hôm nay cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa nước này mới phát triển có thể mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng. Tên lửa Hwasong-14 được Triều Tiên phóng hôm qua. Ảnh: Reuters. Hãng thông tấn nhà nước KCNA sáng nay thông báo Triều Tiên đã hoàn thiện công nghệ tái nhập khí quyển cho các tên lửa...