Chuyên gia Canada khẳng định sự cần thiết đeo khẩu trang ở trường học
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều trẻ em phải nhập viện mặc dù vaccine ngừa căn bệnh này đã giúp tăng cường khả năng miễn dịch của con người một cách đáng kể.
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở British Columbia, Canada. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Số liệu thống kê cho thấy trẻ vị thành niên chưa tiêm phòng có nguy cơ nhập viện cao gấp 10 lần so với những trẻ đã được tiêm chủng. Mặc dù vậy, trong số tất cả các trẻ em đã nhiễm virus SARS-CoV-2 – kể cả đã được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng, vẫn có khoảng 1% số trường hợp phải nhập viện điều trị do bệnh nặng và cần phải can thiệp y tế để đảm bảo sự sống.
Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh do nhiễm biến thể Omicron dần lắng dịu, chính phủ nhiều nước bắt đầu tranh luận về sự cần thiết của các biện pháp phòng dịch, bao gồm cả các yêu cầu đeo khẩu trang tại trường học. Liên quan vấn đề này, bác sĩ Julian Daniel Sunday Willett làm việc tại Đại học McGill (Canada) khẳng định việc đeo khẩu trang và duy trì giãn cách ở trường học sẽ giúp giảm tối đa nguy cơ trẻ em mắc COVID-19, theo đó cũng sẽ giảm số ca trẻ em phải nhập viện vì căn bệnh này.
Theo bác sĩ Willett, việc đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách vật lý an toàn với người đối diện sẽ mang lại sự bảo vệ cần thiết cho mỗi chúng ta và tầm quan trọng của những biện pháp này đã và đang được chứng minh một cách liên tục trong suốt đại dịch COVID-19, do có thể ngăn chặn trực tiếp con đường lây truyền của virus.
Bác sĩ Willett giải thích, việc duy trì khoảng cách vật lý an toàn sẽ hạn chế việc chúng ta dung nạp virus từ người khác, do virus đã bị phát tán và loãng ra trong không khí. Trong khi đó, khẩu trang có thể ngăn chặn các giọt bắn hô hấp khi giao tiếp, thông qua việc tạo thành một vách ngăn giữa dịch tiết đường hô hấp của người này và đường hô hấp của người kia.
Video đang HOT
Bác sĩ Willett khẳng định rằng quy định đeo khẩu trang tại học đường sẽ cho thấy lợi ích rõ ràng khi cân nhắc việc bảo vệ trẻ em, và cả gia đình của các em, khi trẻ phơi nhiễm và mang virus về nhà.
Hồi tháng 10/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng đã công bố hai báo cáo khoa học về việc đeo khẩu trang ở trường học. Nghiên cứu đầu tiên cho thấy ở các hạt của Mỹ mà trường học có quy định học sinh phải đeo khẩu trang, số ca trẻ em mắc COVID-19 đã giảm ít nhất 50%.
Trong khi đó, nghiên cứu thứ hai, tập trung vào các hạt ở bang Arizona, cũng khẳng định rằng quy định đeo khẩu trang giúp trẻ em an toàn hơn, khi các trường học không yêu cầu học sinh đeo khẩu trang có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 cao gấp 3 lần so với các trường học áp dụng quy định này.
CDC và Học viện Nhi khoa Mỹ hiện vẫn đang khuyến cáo tất cả trẻ em trên 2 tuổi và học sinh ở các trường học nên đeo khẩu trang, bất kể tình trạng tiêm chủng của các em như thế nào.
Thế giới đã ghi nhận trên 404,4 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 10/2 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 404.431.058 ca mắc COVID-19 và 5.798.613 ca tử vong.
Số bệnh nhân hồi phục là 324.413.108 người.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 78.824.393 ca mắc và 935.922 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 42.478.060 ca mắc và 506.549 ca tử vong, Brazil với 26.960.153 ca mắc và 635.189 ca tử vong...
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu, đặc biệt tại Campuchia, Thái Lan và Indonesia. Theo đó, tại Campuchia, số ca nhiễm biến thể Omicron đã tăng 3 chữ số trong ngày thứ 6 liên tiếp với 262 ca, trong đó có 26 ca nhập cảnh. Chính quyền thủ đô Phnom Penh đã yêu cầu tất cả 14 quận trong thành phố, các sở và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; tại các địa điểm đông người và các nhà hàng, tiệc cưới, không xếp chỗ ngồi quá 7 người/bàn và giữ khoảng cách. Chủ kinh doanh phải kiểm tra thẻ tiêm phòng của khách hàng. Khách hàng chưa tiêm mũi tăng cường 4 tháng sau khi tiêm đủ liều cơ bản không được ra vào chỗ công cộng.
Trong khi đó, nhà chức trách Thái Lan cũng đang cân nhắc tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 vào dịp Lễ tình nhân (14/2) trong tuần tới và Tết Songkran trong tháng 4 do số ca mắc mới trong 1 ngày liên tục vượt ngưỡng 10.000 trong những ngày qua. Ngày 10/2, Thái Lan ghi nhận 14.822 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong 5 tháng qua kể từ ngày 11/9/2021.
Còn tại Indonesia, 40.618 ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận trong ngày 10/2, nâng tổng số ca mắc kể từ đầu dịch đến nay lên 4.667.554 ca. Tổng Vụ trưởng Vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ thuộc Bộ Y tế Indonesia, ông Abdul Kadir, dự báo số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể sẽ đạt đỉnh trong 2-3 tuần tới.
Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tại Nhật Bản, tối 10/2, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa tỉnh Kochi ở phía Tây nước này vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm từ ngày 12/2, nâng tổng số địa phương nằm trong danh sách này lên 36 tỉnh, thành, đồng thời gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 13 tỉnh, thành tới ngày 6/3. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chưa có dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 sẽ sớm lắng dịu ở Nhật Bản sau hơn 1 tháng áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm. Ngày 9/2, Nhật Bản vẫn ghi nhận thêm 97.833 ca mắc và 152 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở nước này ở trên ngưỡng 90.000 ca/ngày sau khi chạm đỉnh 104.345 ca vào ngày 3/2. Đáng chú ý, các chuyên gia y tế Nhật Bản cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 6 ở nước này vẫn chưa đạt đỉnh.
Trong khi đó, ở châu Âu, Chính phủ Séc chuẩn bị nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế tại nước này. Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết nước này có thể chỉ còn áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm tra chứng nhận tiêm phòng tại các nhà hàng, dịch vụ, tại các sự kiện văn hóa và thể thao từ ngày 10/2.
Theo Bộ trưởng Y tế Vlastimil Válek, kế hoạch giảm thiểu các biện pháp nêu trên có được thực thi hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh và sự lây lan của biến thể Omicron. Nếu dịch bệnh chuyển biến theo dự đoán của các chuyên gia, các biện pháp phòng dịch sẽ có thể được giảm triệt để từ ngày 1/3 tới.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Vancouver, British Columbia, Canada. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Mỹ Latinh, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang có xu hướng giảm. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 9/2 công bố báo cáo cho biết số ca mắc mới COVID-19 và số trường hợp nhập viện vì căn bệnh này tại một số quốc gia Mỹ Latinh đã bắt đầu giảm trong những ngày gần đây. Cụ thể, số ca mắc mới COVID-19 trong tuần vừa qua đã giảm 31% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia của tổ chức y tế này cảnh báo tác động của dịch bệnh vẫn còn đáng kể do số trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Mỹ Latinh trong tuần trước đã tăng 13%, đặc biệt là ở Trung và Nam Mỹ.
Ngoài ra, PAHO cũng cho biết trong tuần qua ở Bắc Mỹ, số ca mắc COVID-19 và số trường hợp tử vong tại Canada, Mỹ và Mexico đều có xu hướng giảm so với trước đó. Trong khi đó, tất cả các quốc gia tại Trung Mỹ ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm khoảng 70%, tuy nhiên số trường hợp tử vong lại tăng 30%. Tại Nam Mỹ, số ca mắc COVID-19 cũng giảm đáng kể so với trước đây, đặc biệt là tại Argentina và Peru với tỷ lệ mắc mới giảm tới trên 50%.
CDC Mỹ phản đối bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở trường học Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định giờ chưa phải là thời điểm dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại trường học và các điểm công cộng khác. Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Miami, Mỹ, ngày 18/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Theo hãng tin Reuters, Giám đốc CDC Mỹ...