Chuyên gia bác bỏ ‘thả Covid-19 đạt đỉnh’
Các nhà nghiên cứu y học bác bỏ phương án nới lỏng các biện pháp chặn dịch viêm phổi, vì sẽ dẫn tới sự quá tải của hệ thống y tế và làm tăng ca tử vong.
“Có nhiều người nghĩ rằng nếu thả Covid-19 đạt đỉnh, người dân sẽ miễm nhiễm và dịch bệnh chấm dứt. Tuy nhiên, cần xem xét hai vấn đề”, William Schaffner, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm, Trường Y khoa, Đại học Vanderbilt, Nashville, Mỹ, nói với VnExpress, khi đề cập đến việc một quốc gia nên siết chặt các biện pháp chống dịch bệnh hay nới lỏng để phát triển kinh tế.
Theo ông, hai vấn đề cần xem xét khi nới lỏng biện pháp chặn dịch là năng lực của hệ thống y tế và nguy cơ với nhóm người cao tuổi. Khi chính quyền không áp lệnh cách ly trên diện rộng, sẽ có nhiều người nhiễm bệnh, dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải. Nếu nhiều người lớn tuổi nhiễm bệnh, số ca tử vong sẽ tăng cao.
Các thống kê đến nay cho thấy, phần lớn người tử vong vì nCoV là người già, có bệnh lý nền. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Trung Quốc, tỷ lệ tử vong ở nước này cao nhất là người trên 80 và có bệnh sẵn, thấp nhất ở nhóm tuổi teen. Tại Italy, nơi 1/4 dân số là người trên 65 tuổi, các ca tử vong rơi phần lớn ở độ tuổi từ 63 tới 95 và đều mắc các bệnh lý nền nghiêm trọng trước đó.
Một người dân được đo thân nhiệt tại Naples, Italy hôm 10/3. Ảnh: Reuters.
Các nước châu Âu dường như vẫn chần chừ phong tỏa để ngăn Covid-19 vì lo ngại hậu quả kinh tế. Tại Anh, chính phủ vẫn chưa thực hiện bất cứ biện pháp quyết liệt nào để ngăn virus lây lan. Giới chức Pháp cũng tránh lệnh phong tỏa quy mô lớn như ở Italy, tâm dịch châu Âu, bởi lo ngại về ảnh hưởng kinh tế. Đức, nơi số người nhiễm sắp chạm ngưỡng 2.000, vẫn chưa áp lệnh bắt buộc hủy hoặc hoãn các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc, mà chỉ dừng lại ở mức kêu gọi.
Giáo sư Schaffner phân tích khi Covid-19 đạt đỉnh, dịch có thể chấm dứt. Nhưng vấn đề là các nước sẽ mất bao lâu để có kết quả đó.
Video đang HOT
“Nếu thực hiện các biện pháp kiềm chế dịch, chúng ta sẽ kiểm soát được số người bị nhiễm. Khi đó các bệnh viện và phòng khám sẽ hoạt động dễ dàng hơn, vì không rơi vào tình trạng quá tải trong một khoảng thời gian ngắn”, Schaffner nói, ủng hộ các quốc gia siết các biện pháp chặn Covid-19.
Tiến sĩ Brandon Brown, Trường Y khoa, Đại học California, Mỹ, cũng khẳng định hệ thống y tế của một nước sẽ phải đối diện với thách thức lớn khi nhiều người nhập viện, khi dịch đạt đỉnh. Ông cho rằng các quốc gia cần tính toán năng lực của mình để đáp ứng nhu cầu của một lượng lớn bệnh nhân, như “ba triệu người cùng nhập viện”.
Theo Brown, nếu các nước nới lỏng biện pháp chặn Covid-19, nhiều người sẽ nhiễm bệnh, số tử vong sẽ gia tăng. Vì thế, mục tiêu của các nước hiện nay là giảm số lượng ca nhiễm, giữ sức khoẻ của người dân.
“Các chính phủ cần cân nhắc tác động tiềm ẩn về y tế do Covid-19 gây ra, so với tác động đến kinh tế”, Brown nói.
Hai kịch bản về tỷ lệ lây lan của virus. Đồ họa: Twitter/Carl Bergstrom
Brown dẫn lại nghiên cứu của Carl Bergstrom, chuyên gia tại Đại học Washington, Mỹ, về hai kịch bản lây lan của virus. Thứ nhất, nếu virus lây lan nhanh không có kiểm soát trong một thời gian ngắn (đường cong trên biểu đồ), hệ thống y tế, trong đó có các cơ sở đặc trị sẽ bị quá tải. Trong trường hợp này, tỷ lệ tử vong có thể ở mức cao, những người nhiễm bệnh không được điều trị như mong muốn. Kịch bản thứ hai, quá trình virus lây lan chậm (đường thẳng trên biểu đồ), nhờ có các biện pháp kiểm soát dịch. Các ca nhiễm vẫn xuất hiện nhưng trong một khoảng thời gian dài hơn, giúp giảm tải cho các nhân viên và cơ sở y tế. Người bệnh được bảo đảm chữa trị trong điều kiện tốt hơn và tỷ lệ tử vong thấp.
Giáo sư David Heymann, Trường Vệ sinh và y tế nhiệt đới London, Anh, lưu ý hiện số lượng ca nhiễm “nhập khẩu” của các nước vẫn tiếp tục tăng. Do đó, các quốc gia cần thận trọng nếu ngưng các biện pháp chặn dịch. Ông cho rằng các quốc gia nên thực hiện nghiêm hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về đánh giá rủi ro thường xuyên.
Covid-19 đến nay xuất hiện ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 126.000 người nhiễm, hơn 4.600 người chết.
Giáo sư Schaffner c ảnh báo Covid-19 sẽ “xâm chiếm” phía nam bán cầu, khi khu vực này chuẩn bị đón mùa đông. Nhiệt độ thấp được cho là điều kiện để nCoV phát triển.
“Chưa rõ điều gì sẽ xảy ra ở các nước Australia, New Zealand, châu Phi và Nam Mỹ. Vì thế tôi rất lo lắng”, Schaffner nói.
“Chúng ta chưa thấy phần tồi tệ nhất do Covid-19 bùng phát. Dịch sẽ lây lan trên diện rộng ở nhiều nước”, Schaffner nói.
Việt Anh
Theo vnexpress.net
Mỹ: Thủ đô Washington D.C ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên
Ngày 7/3 (sáng 8/3 theo giờ Việt Nam), chính quyền thủ đô Washington D.C của Mỹ thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Thị trưởng Muriel Bowser trên trang mạng cá nhân Twitter cho biết phòng xét nghiệm sức khỏe cộng đồng tại Sở Khoa học pháp y DC đã xác nhận trường hợp được cho là dương tính với virus SARS-CoV-2.
Thị trưởng Muriel không cho biết thêm thông tin về nạn nhân, nơi ở hay cách nạn nhân đã tiếp xúc với nguồn bệnh như thế nào. Trước đó, nhà chức trách đã ghi nhận ba ca nhiễm COVID-19 tại Maryland và đó là những bệnh nhân đầu tiên tại khu vực Washington D.C và các vùng phụ cận.
Trước đó cùng ngày, Thống đốc bang New York của Mỹ Andrew Cuomo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca được xác nhận nhiễm COVID-19 ở bang Đông Bắc này lên đến con số 76 người. Phát biểu họp báo, ông Cuomo cho biết thành phố New York, thủ phủ đông dân cư nhất của bang, hiện đã có 11 ca dương tính với SARS-CoV-2, hạt Westchester County cũng ghi nhận thêm 23 ca so với một ngày trước đó, lên đến 57 trường hợp.
Trước những lo ngại ngày càng tăng về khả năng sẽ bùng phát nhanh tại Mỹ, một số trường đại học lớn tại Mỹ, như trường Đại học Washington, trường đại học Stanford University đã thông báo ngừng các lớp học trực tiếp và chuyển sang học trực tuyến.
Dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi tại Mỹ khi nước này tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới và tử vong trong ngày 6/3 do virus SARS-CoV-2. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn một nửa số bang của Mỹ xuất hiện virus SARS-CoV-2.
Giới chức y tế bang Florida, Mỹ ngày 6/3 xác nhận có 2 ca tử vong do SARS-CoV-2. Đây là những ca tử vong đầu tiên nằm ngoài hai bang Washington và California. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 16 người.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 6/3 cho biết có 21 người trên tàu Grand Princess có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 19 thủy thủ và 2 hành khách, sau khi cơ quan chức năng Mỹ tiến hành xét nghiệm 46 người trên tàu này. Tàu Grand Princess hiện có hơn 3.500 người trên tàu và chiếc tàu này có liên quan đến ca tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2 ở Mỹ. Hiện tàu đã nhận lệnh hoãn lịch trình quay trở lại thành phố San Francisco và tạm neo ngoài biển.
Grand Princess có cùng chủ sở hữu tàu Diamond Princess - con tàu chở gần 3.800 người phải cách ly ngoài khơi Nhật Bản hồi đầu tháng 2 do có ca nhiễm SARS-CoV-2 và đến nay đã có 700 người trên tàu có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã công bố kế hoạch đưa tàu Grand Princess tới một cảng phi thương mại và đưa hành khách nhiễm virus cách ly tại một căn cứ quân sự của Mỹ. Với thủy thủ đoàn, ông Pence cho biết họ sẽ cách ly trên tàu. Ông Pence nhấn mạnh toàn bộ người trên tàu phải tiến hành xét nghiệm với SARS-CoV-2 và tham gia cách ly.
Trong ngày 6/3, có thêm 8 bang của Mỹ ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên gồm Pennsylvania, Indiana, Minnesota, Kentucky, Oklahoma, Nebraska, South Carolina và Hawaii. Điều này có nghĩa hơn một nửa trong tổng số 50 bang của Mỹ đã xuất hiện virus SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ở thời điểm hiện tại, chưa đưa ra báo cáo mới nhất về tổng số ca mắc bệnh ở nước này.
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Đại học Washington sản xuất game dựa trên COVID-19 Từ dịch Coronavirus (COVID-19) đang hoành hành trên khắp thế giới, Đại học Washington thiết kế một game như thí nghiệm sản xuất vắc xin. Để giải quyết dịch bệnh COVID-19, Đại học Washington, Mỹ đã đưa ra một trò chơi giải đố thách thức người chơi xây dựng một loại protein có thể ngăn virus tấn công tế bào người. Trò chơi...