Chuyên gia Anh cảnh báo về ‘các sự kiện siêu lây lan bệnh đậu mùa khỉ’
Giới chuyên gia Anh cảnh báo các lễ hội âm nhạc có thể là “sự kiện siêu lây lan bệnh đậu mùa khỉ trong mùa Hè”, sau khi Vương quốc Anh xác nhận 106 trường hợp mắc bệnh này, đồng thời nhấn mạnh rằng ai cũng có thể là mục tiêu của virus gây bệnh.
Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo các quan chức y tế, số bệnh nhân ngày càng gia tăng cho thấy virus đang lan truyền trong cộng đồng. Tiến sĩ Will Nutland thuộc trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho biết bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan tại các lễ hội và “tiềm ẩn nguy cơ” phát tán xa hơn. Ông đồng thời lấy ví dụ cụ thể về lễ hội nhạc pop Mighty Hoopla diễn ra tại công viên Brockwell (thuộc khu vực phía Nam của thủ đô London) trong hai ngày 27-28/5 vừa qua – một sự kiện “thu hút rất nhiều người đồng tính”, mặc dù ban tổ chức lễ hội này khẳng định “cam kết làm việc theo hướng dẫn của chính phủ về y tế liên quan đến an toàn cho cộng đồng tại các sự kiện”.
Trong bối cảnh một tỷ lệ cao các trường hợp bệnh nhân đậu mùa khỉ tại Anh là nam giới đồng tính và lưỡng tính, Tiến sĩ Will Nutland cũng đã tổ chức một hội thảo trực tuyến cho cộng đồng LGBTQ (gồm những người đồng tính luyến ái nam/nữ, song tính luyến ái và đang trong giai đoạn xác định giới tính của bản thân) về nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Hồi đầu tháng này, Tiến sĩ Hans Kluge – Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – bày tỏ lo ngại rằng “các cuộc tụ tập đông người, lễ hội và tiệc tùng”, có thể làm tăng tốc độ lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ. Ông đồng thời nêu rõ các trường hợp mắc bệnh được xác định “là những người có tham gia hoạt động tình dục”.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Mateo Prochazka – nhà dịch tễ học thuộc Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh – nhấn mạnh mọi người không nên chủ quan cho rằng bệnh đậu mùa khỉ chỉ là mối đe dọa đối với cộng đồng LGBTQ . Theo ông, căn bệnh này có thể lây truyền cho bất cứ ai thông qua tiếp xúc gần – bao gồm cả tiếp xúc với các vật dụng mà người bệnh từng sử dụng.
Nhóm Giám sát nguy cơ và các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người (HAIRS) – một nhóm cố vấn khoa học cho Chính phủ Vương quốc Anh – đã kêu gọi tiến hành cách ly trong vòng 3 tuần đối với các vật nuôi như hamster, thỏ hay các loài gặm nhấm khác của những người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Theo HAIRS, loài gặm nhấm là những động vật có nguy cơ lây nhiễm virus cao nhất và chúng có thể lan truyền căn bệnh này tới các quần thể động vật hoang dã. Nếu giả thuyết này xảy ra, đậu mùa khỉ sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu và khó có thể xóa sổ, như trường hợp của các khu vực Tây và Trung Phi.
Trong khuyến nghị ban hành ngày 27/5, HAIRS cho biết: ‘Dựa trên những bằng chứng hiện có, các hộ gia đình có người nhiễm bệnh nên tạm thời cách ly (đưa ra khỏi nhà) các vật nuôi là động vật gặm nhấm trong vòng 21 ngày, đồng thời tiến hành xét nghiệm đối với vật nuôi để loại trừ nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là khi người bệnh đã có tiếp xúc trực tiếp và trong thời gian dài với vật nuôi hoặc vật liệu lót chuồng của chúng”. Các vật nuôi khác như chó, mèo… không cần thực hiện cách ly, nhưng phải “được khám thú y thường xuyên” để đảm bảo chúng không nhiễm virus.
Bà Justine Shotton – Chủ tịch Hiệp hội Thú y Anh – cho biết hiệp hội đang theo sát các diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ. Tuy tin rằng nguy cơ lây nhiễm cho vật nuôi vẫn ở mức thấp, nhưng bà “ủng hộ một cách tiếp cận thận trọng” trong khi các cơ quan chức năng tìm hiểu về loại virus này. Bà Shotton khẳng định: ‘Sẽ là một quyết định hợp lý nếu bạn giữ khoảng cách với vật nuôi trong khi bị cách ly. Nếu tôi bị chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ, tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để hạn chế tiếp xúc, chẳng hạn như nhờ bạn bè hoặc người thân chăm sóc. Hiện tại không có bằng chứng về sự lây truyền giữa người và chó hay mèo, nhưng chúng tôi biết thỏ và các loài gặm nhấm là những động vật dễ mắc bệnh”.
Các quan chức tin tưởng rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ sẽ không phát triển theo cấp số nhân như COVID-19, đồng thời cho rằng nguy cơ đối với công đồng vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, họ đã khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người có quan hệ tình dục đồng giới nam, lưu ý khi xuất hiện bất cứ nốt phát ban, vết loét hoặc mụn nước nào trên cơ thể. Những người có nguy cơ cao được khuyến cáo nên tự cách ly tại nhà trong 3 tuần và tránh tiếp xúc với trẻ em.
Bệnh đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh lên đến 21 ngày, có nghĩa là có thể mất 3 tuần để các triệu chứng xuất hiện. Các triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức. Phát ban có thể sẽ xảy ra, thường bắt đầu trên mặt, sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể – bao gồm cả bộ phận sinh dục. Phát ban có thể trông giống như bệnh thủy đậu hoặc bệnh giang mai, có thể hình thành vảy nến và sau đó bong ra.
EU cấp chứng nhận CE cho các bộ xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ của Trung Quốc
Một số công ty công nghệ sinh học Trung Quốc thông báo đã được Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận CE đối với các bộ xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời ghi nhận gia tăng lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài, trong bối cảnh nguy cơ về căn bệnh này đe dọa sức khỏe cộng đồng tại nhiều quốc gia.
Virus đậu mùa khỉ nhìn dưới kính hiển vi. Ảnh: AFP/TTXVN
Các công ty Trung Quốc được EU cấp chứng nhận CE cho bộ xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ bao gồm Jiangsu Bioperfectus Technologies, Sansure Biotech Inc và Wondfo Biotech. Với chứng nhận CE, các bộ kit xét nghiệm này có thể được bán ở các nước EU và các khu vực theo tiêu chuẩn này. Chứng nhận CE được coi như một "hộ chiếu thương mại", chứng nhận sản phẩm đã vượt qua một số thử nghiệm theo tiêu chuẩn châu Âu và theo đó được phép bán trên thị trường EU và Khu vực Kinh tế châu Âu.
Theo một thông báo mà Jiangsu Bioperfectus Technologies gửi cho tờ Thời báo Hoàn cầu, trước nhu cầu khẩn cấp đối với các bộ xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, Jiangsu sẽ bàn giao khoảng 100.000 bộ xét nghiệm cho 50 quốc gia và khu vực. Công ty này đã bắt đầu đăng ký kinh doanh ở một số quốc gia và khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Một nhà sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm khác là Sansure Biotech cho biết công ty nhận được hàng chục yêu cầu mỗi ngày từ nước ngoài, thậm chí từ trước khi công ty được cấp chứng nhận CE ngày 25/5. Trong số các quốc gia khách hàng của Sansure Biotech có Tây Ban Nha, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nam Phi.
Theo Sansure Biotech, hợp chất sử dụng trong xét nghiệm virus gây bệnh đậu mùa khỉ hoạt động nhanh hơn bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Hợp chất này có thể phát hiện virus trong vòng 8 phút thực hiện xét nghiệm và 96 mẫu trong 30 phút thông qua phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Công ty này cho biết có thể cải thiện khả năng sản xuất bộ xét nghiệm, tùy thuộc nhu cầu của khách hàng.
Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Israel. Ảnh: Reuters/TTXVN
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan tại 23 quốc gia, trong đó có nhiều nước hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Hơn 100 trường hợp được xác nhận nhiễm và nghi nhiễm được ghi nhận, phần lớn ở châu Âu.
Trung Quốc hiện chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nào, song các chuyên gia khuyến nghị cần phổ biến kiến thức về căn bệnh này cho người dân ngay lập tức.
Vaccine phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả khoảng 85% đối với virus gây bệnh đậu mùa khỉ, do đó có thể giúp phòng ngừa bệnh này.
Israel phát hiện thêm một ca bệnh đậu mùa khỉ Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Bộ Y tế Israel vừa thông báo đã phát hiện thêm một trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, là trường hợp thứ hai được phát hiện tại quốc gia này. Một phần tế bào da của một con khỉ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: REUTER/TTXVN Bệnh nhân là một nam giới 30 tuổi,...