Chuyên gia Anh cảnh báo khí hậu tiến gần đến điểm ‘không thể quay đầu’
Khí hậu Trái Đất đang thay đổi nhanh đến mức nhân loại không còn cơ hội để cứu vãn điều này.
Đây là cảnh báo của nhà khoa học người Anh Jane Goodall, đồng thời là nhà hoạt động tích cực vì môi trường trong hàng thập kỷ qua.
Vũng nước đọng tại đầm lầy Storflaket ở Norrbotten, Thụy Điển. Storflaket là khu vực được ưu tiên nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu về tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với tầng đất đóng băng vĩnh cửu. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bà Goodall cho rằng không còn nhiều thời gian để ngăn chặn tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra. Bà nhấn mạnh thế giới đang tiến gần đến điểm “không thể quay đầu” theo nghĩa đen.
Bà Goodall, 88 tuổi, được biết đến với công trình nghiên cứu tiên phong về hành vi của tinh tinh ở Tanzania kéo dài 6 thập kỷ qua. Bà Goodall bắt đầu nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường khi làm việc ở Mông Cổ vào những năm 1980 của thế kỷ trước.
Bà nhận ra rằng nếu không giúp nông dân nghĩ cách mưu sinh mà không phải phá rừng để trồng trọt, môi trường sống của tinh tinh và các loài động vật khác sẽ bị đe dọa. Bà cho biết mặc dù đã có một số thay đổi tích cực trong những thập kỷ gần đây, song thế giới vẫn cần nhanh chóng hành động để đảo ngược những tác động đối với môi trường.
Jane Goodall là nhà linh trưởng học, tập tính học và nhân chủng học người Anh và là sứ giả hòa bình của Liên hợp quốc. Bà được xem là chuyên gia hàng đầu thế giới về tinh tinh với hàng chục năm nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội và gia đình của tinh tinh hoang dã trong vườn quốc gia Gombe Stream, Tanzania. Năm 2021, bà được vinh dự trao Giải thưởng Templeton trị giá 1,3 triệu USD.
Đây là giải thưởng thường niên dành cho những người có đóng góp lớn cho khoa học để tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi mà nhân loại phải đối mặt. Số tiền thưởng đã được chuyển đến Viện Jane Goodall, một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã và môi trường toàn cầu, điều hành các chương trình dành cho thanh, thiếu niên ở 66 quốc gia.
Ai Cập nêu các ưu tiên tại COP27
Phát biểu tại Khóa họp 77 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), ngày 24/9, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã nêu bật các ưu tiên của nước này với tư cách là nước chủ nhà và Chủ tịch của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về về biến đổi khí hậu (COP27), sẽ diễn ra từ ngày 6 - 18/11 tại thành phố Sharm El-Sheikh ở Biển Đỏ.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry phát biểu tại Khóa họp 77 Đại Hội đồng LHQ ở New York, Mỹ ngày 24/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Ai Cập tuyên bố sẽ nỗ lực giải quyết các mối quan tâm của châu Phi về khí hậu, bao gồm việc thực hiện các cam kết về khí hậu và khẳng định rằng châu lục này không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng khí hậu, song phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực nhất trên các mặt kinh tế, xã hội, an ninh và chính trị.
COP27 cũng sẽ chú trọng tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như việc cung cấp nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước đang phát triển.
Quan chức ngoại giao Ai Cập cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng hỗ trợ cho các quốc gia nghèo đang đối mặt với sự tàn phá của biến đổi khí hậu, khẳng định thêm rằng các nước nghèo "là những nước xứng đáng nhất được hỗ trợ".
Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Shoukry cũng bày tỏ quan ngại về các thách thức mà thế giới đang đối mặt như khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu... Ông nhấn mạnh tới cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay của châu Phi, khi cứ 5 người sống trên lục địa này thì có một người có nguy cơ bị đói. Theo ông, đại dịch COVID-19 cùng với tác động của biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến chi phí và nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ai Cập đã phải vay tiền để mua lúa mì nhằm cung cấp cho người nghèo ở đất nước Bắc Phi này.
Pakistan kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 50 quốc gia bị khủng hoảng Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 23/9, Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 50 quốc gia đang phát triển phải hứng chịu nhiều tác động từ các cú sốc như đại dịch COVID-19, giá cả hàng hóa tăng, gia tăng xung đột và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu...