Chuyên gia an ninh Mỹ: Không ai đồng tình với Trung Quốc tại Shangri-La
Trên thực tế những tuyên bố của Trung Quốc không hề được coi trọng tại diễn đàn an ninh châu Á này.
Đó là khẳng định của tiến sỹ Ely Ratner, Phó giám đốc Chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ (Center for a New American Security) trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV ngay sau khi ông vừa trở về từ Đối thoại Shangri-La tại Singapore. Tiến sỹ Ratner cũng là chuyên viên của Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và bài viết trên các tạp chí và tờ báo lớn như Foreign Affairs, Foreign Policy, The Washington Post, The New York Times và The Wall Street Journal.
PV: Tranh chấp lãnh thổ đã trở thành chủ đề “ nóng” nhất tại Đối thoại Shangri-La 2014 tại Singapore. Là người trực tiếp tham dự sự kiện này, ông thấy tranh chấp tại Biển Đông đã được đề cập như thế nào và quan điểm chung của các đoàn tham dự đối thoại về vấn đề này?
Tiến sĩ Ratner: Tranh chấp lãnh thổ đã trở thành chủ đề chi phối tại Đối thoại Shangri-La, trong cả phiên thảo luận chung lẫn các cuộc đối thoại riêng. Đối thoại về các vấn đề khác như Triều Tiên, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm hoạ, tình hình Nga và Ukraine cũng có nhưng rất hạn chế. Có thể nói là hầu như tất cả các cuộc thảo luận đều tập trung vào vấn đề an ninh tại khu vực Biển Đông.
Tiến sĩ Ratner
Quan điểm chung tại diễn đàn Shangri-La lần này là Mỹ và Nhật Bản đã sẵn sàng công khai phản đối thái độ cứng rắn của của Trung Quốc. Tất cả các nước trong khu vực cũng đều lo ngại về thái độ đó, và đã trao đổi với các quan chức tham gia các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, cũng như giữa ông Hagel với các quan chức trong khu vực. Rõ ràng là có mối quan ngại chung về những hành động hiện nay của Trung Quốc.
PV: Tại đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chỉ trích mạnh mẽ hành động “đơn phương và gây bất ổn của Trung Quốc”. Theo ông, tại sao lần này phía Mỹ lại tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc như vậy?
Tiến sĩ Ratner: Tại đối thoại Shangri-La năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cứng rắn hơn so với trước đó. Thái độ này thể hiện quan điểm rộng hơn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama. Ngược thời gian một chút, tháng 11/2013, chính quyền Mỹ đã bắt đầu tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, tôi nghĩ đầu tiên là để đáp trả tuyên bố về Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đưa ra tại biển Hoa Đông. Sau thời điểm đó thì chính quyền tổng thống Obama ngày càng quan ngại và cứng rắn hơn trước cách hành xử của Trung Quốc.
PV: Vậy thông điệp đằng sau bài phát biểu của ông Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La là gì?
Tiến sĩ Ratner: Có một loạt những thông điệp từ bài phát biểu đó. Tôi nghĩ thông điệp đầu tiên mà ông Hagel muốn nhấn mạnh là sự hiện diện và vai trò lâu dài của Mỹ tại khu vực, và Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo tại châu Á. Một thông điệp quan trọng khác mà bài phát biểu đề cập đến là Mỹ đã xây dựng được một loạt các mối quan hệ đồng minh và đối tác an ninh tại khu vực, trong đó có những nước như Việt Nam, và đây chính là một trong những yếu tố đã tạo nên sự khác biệt của nước Mỹ.
Video đang HOT
Nhật sẽ hỗ trợ cho ASEAN tại Biển Đông
PV: Tại đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố Nhật Bản sẽ “hỗ trợ tối đa cho các nước ASEAN trong việc đảm bảo an ninh hàng không và hàng hải tại khu vực”. Theo ông, Nhật có thể hỗ trợ gì cho các nước ASEAN?
Tiến sĩ Ratner: Nhật Bản có quá trình can dự lâu dài và mang tính lịch sử tại Đông Nam Á. Họ giữ một vai trò lớn tại khu vực và rõ ràng đó cũng là ưu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe. Từ khi lên nhậm chức, ông Abe đã thăm tất cả các nước ASEAN, thảo luận về các biện pháp khác nhau để xây dựng quan hệ với các quốc gia trong khu vực. Trong vấn đề an ninh, thứ nhất, Nhật Bản có thể hỗ trợ bằng can dự về thể chế, thứ 2 là hỗ trợ phát triển chính thức, xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến các lực lượng an ninh trong khu vực, và thứ 3 là hỗ trợ trực tiếp nhằm giúp tăng cường năng lực và đào tạo quân sự cho các nước, chẳng hạn như cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam. Do đó, tôi nghĩ Nhật Bản có thể làm được nhiều và có những đóng góp quan trọng cho khu vực.
PV: Trong bài phát biểu tại Shangri-La, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Vương Quán Trung nói rằng Trung Quốc không bao giờ là bên gây sự trước, đồng thời tỏ thái độ gay gắt trước phát biểu của Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Hagel. Ông Vương cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ “đầy những lời lẽ mang tính bá quyền và hăm doạ đối với Trung Quốc”. Ông bình luận gì về phát biểu của phía Trung Quốc?
Tiến sĩ Ratner: Tôi nghĩ ngoài Trung Quốc ra thì chẳng mấy ai đồng tình với bài phát biểu đó. Hơn nữa, tôi thấy sự tham dự của đoàn Trung Quốc tại Shangri-La rất thiếu chuyên nghiệp và không giúp ích gì cho các cuộc đối thoại. Tôi rất ngạc nhiên với phát biểu của tướng Vương Quán Trung khi ông ta nói rằng Trung Quốc không bao giờ là bên châm ngòi cho các rắc rối tại Biển Đông. Tôi cho rằng đó đơn thuần chỉ là chiêu bài tuyên truyền của Trung Quốc, và xin nhắc lại là không ai, trừ phía Trung Quốc, tin vào điều đó. Tôi nghĩ bài phát biểu của ông Vương không được coi trọng. Theo tôi thì bài phát biểu đó chỉ nhắm vào công chúng Trung Quốc, và tướng Vương cố thể hiện với các cử tọa đồng nghiệp cũng như chính phủ Trung Quốc là ông ta đang tỏ ra cứng rắn. Cho dù ông Vương có kỳ vọng như thế nào thì kết quả cuối cùng mà bài phát biểu mang lại vẫn là những ấn tượng tiêu cực về Trung Quốc.
Ngoài ra, không ít lần người điều hành tại đối thoại Shangri-La đã phải ngăn hoặc cố gắng ngăn các câu hỏi khiếm nhã và hung hăng mà các thành viên đoàn Trung Quốc đưa ra đối với các diễn giả, trong đó có Bộ trưởng Chuck Hagel. Không có thành viên của bất cứ đoàn nào có cách hành xử kỳ cục giống như đoàn Trung Quốc. Trong tình huống tương tự, ngay cả các thành đoàn viên đoàn Mỹ cũng sẽ không bao giờ hành xử thô lỗ như vậy với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Chuyện đó không bao giờ xảy ra cả. Tôi cho rằng cách hành xử của đoàn Trung Quốc tại Shangri-La rất không chuyên nghiệp và thể hiện sự thiếu tự tin của một cường quốc.
PV: Theo ông, với cách hành xử như hiện nay tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức gì?
Tiến sĩ Ratner: Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam đã gây ngạc nhiên không chỉ với Trung Quốc mà còn cả các nước trong khu vực và sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc kỹ càng trong những hành động tiếp theo. Tuy nhiên, câu chuyện chưa kết thúc và mọi người đang chờ đợi xem những gì sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Thách thức đầu tiên mà Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt, là nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài quốc tế thì điều đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới khu vực, tới Trung Quốc và cả thế giới là Việt Nam và cả ASEAN coi trọng một hệ thống vận hành theo luật pháp tại châu Á. Một thách thức khác với Trung Quốc trong tình hình hiện nay là sự tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Á khác, trước mắt không chỉ Nhật Bản, mà còn cả Malaysia và Philppines. Nếu những mối quan hệ này mạnh lên, đặc biệt là trên mặt trận an ninh, thì chắc chắn sẽ tạo ra thách thức lớn với Trung Quốc./.
Theo VOV
Thủ tướng quyết định đầu tư thêm 200 triệu USD đóng 4 tàu kiểm ngư cỡ lớn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định sẽ đầu tư thêm 200 triệu USD để đóng thêm 4 chiếc tàu như tàu kiểm ngư cỡ lớn KN-781, có lượng giãn nước trên 2.000 tấn.
Lực lượng Kiểm ngư sẽ sở hữu 8 tàu lớn, hiện đại
Ngày 4-6, trong buổi làm việc với các bộ, ngành trung ương và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định sẽ đầu tư thêm 200 triệu USD để đóng thêm 4 chiếc tàu như tàu kiểm ngư cỡ lớn KN-781, đưa số tàu có lượng giãn nước trên 2.000 tấn của lực lượng kiểm ngư lên 6 chiếc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát tàu kiểm ngư KN-781
Cùng với hai tàu kiểm ngư có cùng công suất như tàu kiểm ngư KN-781 đã được bàn giao và đi vào hoạt động và 6 tàu loại KN-781, lực lượng Kiểm ngư sẽ có 8 tàu lớn được trang bị hiện đại, có lượng giãn nước trên 2.000 tấn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý cho đóng thêm 15 tàu kiểm ngư tầm trung. Như vậy, trong tương lai gần, với 30 tàu kiểm ngư đã và sắp được bàn giao, cùng với các tàu nêu trên, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam sẽ có hơn 50 tàu hiện đại, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiệm vụ chấp pháp trên biển, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân, cứu hộ cứu nạn trên biển.
Kiểm ngư Việt Nam linh hoạt tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981
Chiều 4-6, Cục kiểm ngư Việt Nam cho biết, mặc cho phía Trung Quốc sử dụng số lượng lớn tàu các loại ngăn cản, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì, khéo léo, linh hoạt tiếp cận giàn khoan Haiyang Shyou 981 (Hải Dương 981) ở khoảng cách 7-8 hải lý tuyên truyền, vận động phía Trung Quốc phải rút giàn khoan.
Trung Quốc ngăn cản quyết liệt tàu Việt Nam
Theo đó, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì từ 110- 115 tàu vỏ sắt, trong đó có 35-40 tàu hải cảnh, 30 tàu kéo, tàu vận tải, 40-45 tàu cá và 4 tàu quân sự hoạt động ở phía Đông - Đông Nam giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981).
Phía trên khu vực giàn khoan có 1 máy bay trinh sát bay lượn gầm rú nhằm uy hiếp ngư dân Việt Nam đang khai thác, đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam.
Đáng chú ý, Trung Quốc sử dụng số lượng từ 35-40 tàu cá vỏ sắt cỡ lớn cùng với 2 tàu hải cảnh có hành động ngăn cản quyết liệt khi thấy lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời đe dọa hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam.
Cấm nhà thầu nâng cấp quốc lộ 18 tham gia dự án giao thông khác
Cũng trong ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có công điện gửi công ty cổ phần BOT Đại Dương (nhà đầu tư) và Ban quản lý dự án 2, yêu cầu thực hiện việc nghiêm cấm các đơn vị tư vấn thiết kế-giám sát và nhà thầu thi công dự án BOT quốc lộ 18 Uông Bí-Hạ Long tham gia các dự án ngành giao thông trong vòng ba năm.
Sau khi đưa vào khai thác một thời gian ngắn, đã xuất hiện một số hư hỏng trên quốc lộ 18 đoạn Uông Bí-Hạ Long. (Ảnh: TTXVN)
Theo công điện của Bộ trưởng Đinh La Thăng, để thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất lượng công trình, không lặp lại các hiện tượng tương tự tại các dự án khác, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư xử lý trách nhiệm các đơn vị có liên quan tham gia dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí-Hạ Long.
Nguyên nhân là do đoạn quốc lộ này sau khi vừa thi công và đưa vào khai thác một thời gian ngắn đã có một số đoạn xuất hiện hư hỏng (lún nứt, hằn vệt bánh xe...) trên mặt đường.
Nhật Bản sẽ không dừng dự án ODA đối với Việt Nam
Trước thông tin về việc ngày 2-6 Nhật Bản thông báo với Chính phủ Việt Nam rằng, Tokyo sẽ tạm hoãn viện trợ phát triển chính thức (ODA) do nghi án hối lộ liên quan tới dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội được Nhật Bản cấp vốn, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH-ĐT khẳng định: Nhật Bản sẽ không dừng các dự án ODA đối với Việt Nam.
Theo đó, đối với các dự án ODA mới, phía Nhật Bản sẽ phê duyệt dựa trên cơ sở phía Việt Nam cam kết thực hiện điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân hoặc tập thể liên quan đến nghi án Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ; xây dựng các biện pháp phòng ngừa phát sinh những vụ việc tương tự.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT Việt Nam sẽ xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra các dự án ODA nói chung, đặc biệt là các dự án ODA Nhật Bản; lấy ý kiến sửa đổi, hoàn thiện các quy định có liên quan nhằm minh bạch hóa công tác đấu thầu, tài chính doanh nghiệp.
Theo ANTD
Dồn sức cho ngư dân Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu nhất trí khẳng định, đã đến lúc phải dồn sức đầu tư đội tàu lớn cho ngư dân mua, thuê để có thể bám biển dài ngày. Một số đại biểu kiến nghị Quốc hội kỳ họp này ra một nghị quyết riêng cho ngư dân. Đồng thuận với tiếng nói của Quốc hội, của...