Chuyện gì sẽ xảy ra sau vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin ở Lebanon
Chuyên gia Navvar Saban gọi đợt tấn công là ‘hàng nghìn vụ ám sát cùng lúc xảy ra ở nhiều nơi là đòn giáng mạnh vào tâm lý’ và sẽ tác động tới Hezbollah.
Đám tang bé Fatima Abdullah, nạn nhân 9 tuổi trong vụ nổ máy nhắn tin hàng loạt ở Lebanon hôm 17/9. Ảnh: New York Times.
Liệu đây có phải là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công sâu rộng hơn hay là toàn bộ thông điệp gửi đến Hezbollah?
Đó là câu hỏi then chốt trong 48 giờ tới ở Trung Đông, khi nhóm chiến binh Lebanon này phải đối mặt với sự gián đoạn và xâm phạm toàn diện các phương tiện liên lạc cẩn mật nhất của họ.
Chấn động
Vụ nổ loạt máy ghi âm bùng phát hôm 17/9 ở Lebanon có thể sẽ gây kinh động tới Hezbollah – nhóm chiến binh vốn thường được biết đến cũng như rất tự tôn về tính bí mật và sự bảo mật công nghệ mà các thành viên của họ tuân thủ. Tuy nhiên, chính nỗ lực giữ bí mật – sử dụng máy nhắn tin công nghệ thấp chứ không phải điện thoại thông minh dễ theo dõi hơn – dường như đã dẫn đến những cái chết và hàng nghìn người bị thương hôm 17/9.
Đợt phát nổ hàng loạt của các máy nhắn tin đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, trong đó có một bé gái 9 tuổi được xác định là Fatima Abdullah, và hàng nghìn người bị thương.
Hẳn là một cú sốc địa chấn khi các thành viên Hezbollah giờ đây không chỉ quan ngại liệu có an toàn khi liên lạc với đồng đội của mình hay không mà còn đối diện với câu hỏi những người nhận liên lạc đó có bình an vô sự không?
Navvar Saban, chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Omran ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định loạt vụ nổ “là đòn tấn công xâm nhập quy mô lớn” không chỉ ảnh hưởng đến Hezbollah tại Lebanon mà còn cả thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Syria.
“Nhiều người cho rằng thiết bị nhắn tin đã cũ. Tuy nhiên, Hezbollah và IRGC mới nhận mẫu thiết bị tiên tiến được sản xuất gần đây. Các thành viên Hezbollah ở Lebanon và Syria đều dùng thiết bị này”, ông Saban nói.
“Vụ việc này là dấu hiệu cho thấy có lỗ hổng an ninh lớn đối với Hezbollah”.
Nhận định về quy mô sự cố, chuyên gia Saban cho rằng “hàng nghìn vụ ám sát cùng lúc xảy ra ở nhiều nơi là đòn giáng mạnh vào tâm lý” và sẽ tác động tới Hezbollah.
“Mục đích của chiến dịch này là đánh vào tâm lý, gây ra nỗi sợ hãi trong khu vực và tạo thêm áp lực lên Hezbollah”, ông cho biết.
Israel thường không nhận trách nhiệm, nhưng nếu họ đứng sau vụ tấn công như Lebanon và Hezbollah cáo buộc, thì câu hỏi đặt ra là liệu cuộc tấn công lớn và chưa từng có tiền lệ này có nhằm mục đích báo trước một cuộc chiến rộng lớn hơn hay không.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Video đang HOT
Sẽ là chiến lược hợp lý đối với bên chủ mưu khi tạo ra một khoảnh khắc hỗn loạn dữ dội như thế này ngay trước khi có một cuộc tấn công quân sự lớn hơn vào nhóm chiến binh ở Lebanon.
Thời điểm cho thấy điều đó, theo CNN. Mới chỉ trước đó một ngày, vào hôm 16/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã nói trong một cuộc họp với đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein rằng thời gian ngoại giao với Hezbollah đã qua và sức mạnh quân sự có thể trở thành tâm điểm.
Chỉ vài giờ sau, toàn bộ cơ sở hạ tầng liên lạc của lực lượng mà Tel Aviv coi là kẻ thù đã hứng chịu một cuộc tấn công gây sốc. Một nguồn tin an ninh của Lebanon nói rằng thủ phạm vụ tấn công đã sử dụng máy nhắn tin do Hezbollah mua trong “những tháng gần đây”, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị lâu dài trong quá trình lập kế hoạch cho chiến dịch.
Di ảnh của nạn nhân 9 tuổi, Fatima Abdullah, tại lễ tang. Ảnh: New York Times.
Vụ bạo lực một lần nữa cho thấy khoảng cách về công nghệ giữa Israel và các đối thủ. Thế giới đã chứng kiến điều này nhiều lần trong các vụ ám sát gây chú ý ở Tehran trong những năm qua: sự chuẩn xác của một cuộc tấn công rõ ràng của Mossad nhằm vào một thủ lĩnh al-Qaeda vào năm 2020. Sự tinh vi đằng sau vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh được cho là đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để bắn súng máy. Và vụ ám sát gần đây đối với thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, được cho là đã sử dụng một quả bom điều khiển từ xa giấu trong phòng ngủ dành cho khách.
Nguy cơ xảy ra chiến tranh lan rộng với Israel một lần nữa đã trở thành hiện thực cấp bách kể từ các cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas.
Tuy nhiên, nó đặt Hezbollah vào một vị thế mong manh – rơi vào hỗn loạn, với áp lực lớn buộc họ phải thể hiện sức mạnh một lần nữa. Họ cũng đối diện tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự sau vụ chỉ huy cấp cao Fu’ad Shukr bị ám sát vào tháng 8. Hezbollah cảm thấy buộc phải phản ứng và duy trì sự răn đe. Tuy nhiên, dường như họ không muốn xung đột đi xa hơn. Người đứng đầu Hezbollah Hassan Nasrallah đã trì hoãn phản ứng khá lâu, và cuộc đọ tên lửa và không kích diễn vào ngày 25/8 được giữ trong tầm kiểm soát.
Đồng thời, suy nghĩ rằng Israel không thực sự muốn chiến tranh cũng đang dần xói mòn. Các cuộc không kích của Israel nhắm vào các mục tiêu ở phía bắc của nước này hầu như diễn ra hàng ngày, và dường như cũng không để tâm tới phản ứng của Hezbollah. Cuộc tấn công trên diện rộng vào Lebanon hôm 17/9 sẽ buộc Hezbollah phải tìm cách thể hiện sức mạnh thông qua việc trả đũa, nhưng một lần nữa cho thấy khoảng cách giữa năng lực của họ và quốc gia láng giềng phía nam.
Một cuộc chiến tranh trên bộ kéo dài giữa hai bên sẽ chứng kiến lực lượng Israel, quá căng thẳng và kiệt sức sau một chiến dịch tàn khốc kéo dài một năm ở Gaza, phải đối mặt với kẻ thù ở phía bắc vốn được huấn luyện tốt hơn Hamas. Hezbollah vẫn có thể gây tổn hại đáng kể cho Israel nếu một trận chiến toàn diện nổ ra. Nhưng Israel có thể đã đánh giá chắc chắn rằng Hezbollah muốn tránh chiến tranh, và do đó họ lặp đi lặp lại sự khiêu khích.
Nguy cơ tính toán sai lầm vẫn nhãn tiền; thời điểm Hezbollah xác định Israel đã không còn coi họ là mối đe dọa đáng ngại sẽ là lúc họ cảm thấy buộc phải hành động mạnh tay nhất.
Vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin có thể nói lên một cuộc chiến mà một bên tự tin vào lợi thế lớn của mình về mặt công nghệ, nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đi kèm khi gây ra sự bối rối trên diện rộng cho kẻ thù. Chúng ta sẽ biết trong những ngày tới liệu các tính toán đằng sau cuộc tấn công có tránh được sự leo thang hay kích động bạo lực.
Máy nhắn tin là gì và bị kích nổ hàng loạt ở Lebanon như thế nào?
Hàng trăm máy nhắn tin của nhóm vũ trang Hezbollah đã đồng loạt phát nổ trên khắp Lebanon, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 2.750 người bị thương, theo các cơ quan an ninh và Bộ trưởng Y tế Lebanon cho biết.
Máy nhắn tin là gì? Tại sao Hezbollah sử dụng chúng?
Máy nhắn tin là thiết bị liên lạc nhỏ được sử dụng rộng rãi trước khi điện thoại di động trở nên phổ biến. Các thiết bị này sẽ hiển thị tin nhắn văn bản ngắn cho người dùng, được chuyển tiếp qua điện thoại thông qua một tổng đài viên.
Không giống như điện thoại di động, máy nhắn tin hoạt động bằng sóng vô tuyến, người vận hành sẽ gửi tin nhắn bằng tần số vô tuyến, thay vì internet, tùy thuộc vào thiết bị của người nhận.
Công nghệ cơ bản của máy nhắn tin cũng như sự phụ thuộc của chúng vào phần cứng vật lý được cho là giúp tăng cường bảo mật, khiến chúng trở nên phổ biến với các nhóm chiến binh như Hezbollah, nơi tính di động và an ninh được quan tâm tối đa.
Các chiến binh Hezbollah đã sử dụng máy nhắn tin như một phương tiện liên lạc công nghệ thấp nhằm tránh bị Israel theo dõi vị trí.
Máy nhắn tin. Ảnh: GI
Vụ máy nhắn tin phát nổ xảy ra như thế nào?
Chuỗi hàng nghìn vụ nổ trên khắp Lebanon bắt đầu vào khoảng 4:45 chiều 17/9 và kéo dài trong khoảng một giờ. Số thương vong vẫn đang được xác nhận. Một bé gái 8 tuổi nằm trong số những người tử vong.
Mohammad Mahdi Ammar, con trai của nghị sĩ Hezbollah Ali Ammar, cũng được cho là đã thiệt mạng. Hezbollah xác nhận hai chiến binh của họ đã thiệt mạng.
Bộ trưởng Y tế Lebanon Firass Abiad cho biết: "Khoảng 2.750 người bị thương... hơn 200 người trong tình trạng nguy kịch" với hầu hết các vết thương được báo cáo ở mặt, tay và bụng.
Theo đoạn video từ bệnh viện, các vụ nổ đã làm nhiều thành viên Hezbollah bị thương ở nhiều mức độ khác nhau trên mặt, mất ngón tay và vết thương hở ở hông, nơi có thể đã đeo máy nhắn tin. Đại sứ Iran tại Lebanon, Mojtaba Amani, cũng bị thương trong vụ nổ.
Lực lượng Phòng vệ Dân sự Lebanon khiêng một người đàn ông bị thương vì máy nhắn tin cầm trên tay bất ngờ phát nổ, tại thành phố cảng Sidon, ngày 17/9. Ảnh: AP
Ai đứng sau vụ tấn công?
Nhiều bên và nhiều nguồn tin báo chí trên thế giới, bao gồm cả Hezbollah, đang chỉ trích và đổ lỗi cho Israel. Một nguồn tin an ninh cấp cao của Lebanon và một nguồn tin khác cho biết cơ quan tình báo Mossad của Israel đã cài thuốc nổ vào 5.000 máy nhắn tin do nhóm Hezbollah của Lebanon nhập khẩu vài tháng trước vụ nổ.
Vụ nổ máy nhắn tin xảy ra vào thời điểm gia tăng lo ngại về căng thẳng giữa Israel và Hezbollah, hai bên đã tham gia vào cuộc chiến tranh xuyên biên giới kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra vào tháng 10 năm ngoái.
"Chúng tôi cho rằng Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tội ác này", Hezbollah cho biết, nói thêm rằng Israel "chắc chắn sẽ phải nhận hình phạt thích đáng cho hành động tội lỗi này".
Israel vẫn giữ im lặng trước vụ việc.
Tại sao những vụ nổ tương tự lại không xảy ra ở Gaza?
Theo Hamza Attar từ Khoa Quốc phòng tại Đại học King's College ở London, phương pháp tương tự không thể được sử dụng ở Gaza vì Hamas có trình độ hiểu biết về mạng sâu sắc hơn so với Hezbollah.
"Họ rất có năng lực trong lĩnh vực viễn thông", ông nói về Hamas, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực mà nhóm này đang thực hiện để mã hóa thông tin liên lạc.
"Họ không sử dụng điện thoại hoặc điện thoại di động. Họ có mạng lưới, internet và phương tiện liên lạc riêng và không cần bất cứ thứ gì trên mặt đất", ông nói.
Máy nhắn tin phát nổ như thế nào?
Hiện nguyên nhân máy nhắn tin phát nổ hàng loạt vẫn chưa rõ. Một số người suy đoán rằng nguyên nhân nằm ở mạng lưới vô tuyến mà máy nhắn tin dựa vào, cho rằng mạng lưới có thể đã bị tấn công, khiến hệ thống phát ra tín hiệu kích hoạt phản hồi trong các máy nhắn tin đã bị can thiệp (được cho rằng bị gắn vật liệu nổ).
Nhà phân tích dữ liệu Ralph Baydoun cho biết: "Tôi nghĩ điều đã xảy ra là mọi [thành viên] Hezbollah ở một cấp độ cụ thể đều bị tấn công".
Các nhà phân tích khác, chẳng hạn như cựu sĩ quan quân đội Anh và chuyên gia vũ khí hóa học Hamish de Bretton-Gordon, cho rằng máy nhắn tin của Hezbollah có thể đã bị can thiệp và "được kết nối để phát nổ theo lệnh".
Túi của một người đàn ông phát nổ trong một siêu thị ở Beirut, Lebanon, ngày 17/9. Ảnh: Social Media
Nguồn tin cấp cao của Lebanon cho biết các máy nhắn tin đã được cơ quan tình báo Israel sửa đổi "ở cấp độ sản xuất".
"Mossad đã đưa một bảng mạch chứa vật liệu nổ có thể nhận mã vào bên trong thiết bị. Rất khó để phát hiện ra nó bằng bất kỳ phương tiện nào, ngay cả với bất kỳ thiết bị hoặc máy quét nào", nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cho biết 3.000 máy nhắn tin đã phát nổ khi một tin nhắn mã hóa được gửi đến chúng, đồng thời kích hoạt chất nổ.
Một nguồn tin an ninh khác cho biết có tới ba gram thuốc nổ được giấu trong các máy nhắn tin mới và "không bị Hezbollah phát hiện" trong nhiều tháng.
Nếu pin lithium của máy nhắn tin bị kích hoạt quá nhiệt, quá trình mất kiểm soát nhiệt sẽ được kích hoạt. Về cơ bản, một phản ứng dây chuyền hóa học sẽ xảy ra, dẫn đến nhiệt độ tăng cao và cuối cùng là pin phát nổ dữ dội.
Chuyến thăm Trung Đông 'nặng gánh' của Ngoại trưởng Mỹ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/9 đã tới Ai Cập trong chuyến công du Trung Đông lần thứ 10 nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về nguy cơ xung đột đang ngày một lan rộng ra toàn khu...