Chuyện EURO 2016: Bóng đá, sex và bia
Mua dâm bị phạt nặng, không được tụ tập xem bóng đá trước quán bar, các quý ông đam mê túc cầu có phần thất vọng vì EURO 2016.
1. Thierry Braillard, Bộ trưởng Thể thao Pháp, vừa ra quyết định khiến nhiều CĐV bóng đá, chủ yếu là phái nam, phải thất vọng.
Quyết định mới này cấm việc tụ tập theo dõi bóng đá phía trước các quán bar, cũng như trên sân thượng. Bởi vì, theo Bộ trưởng Braillard, “cơ quan chức năng không đủ phương tiện để đảm bảo an ninh cho các khu vực như vậy.”
Tụ tập uống bia trước các quán bar bị cấm.
EURO 2016 bị đặt trong tình trạng báo động ở mức cao nhất. Chính phủ Pháp đã phải huy động lực lượng an ninh lên đến 60.000 người để đảm bảo độ an toàn trong một tháng diễn ra giải vô địch châu Âu.
Việc tụ tập trước hoặc trên sân thượng cá quán bar, beer club hay một nhà hàng lớn đồng nghĩa an ninh khó kiểm soát. Điều đó tạo cơ hội cho những phần tử khủng bố trà trộn.
Nhiều CĐV thể hiện sự thất vọng trước quyết định này, dù hiểu rằng tất cả vì mục đích an toàn. Có rất nhiều nhóm người hâm mộ từ các quốc gia khác đến Pháp nhưng không vào sân. Thay vào đó, họ thích uống bia và xem bóng đá cùng nhau ở các quán bar, hoặc tụ tập ở một nơi công cộng nào đó.
Thất vọng hơn cả là chủ các quán bar. Quy định này khiến họ mất đi một lượng khách rất lớn.
Ở Đức 2006, mại dâm được hợp pháp hóa, nhưng tại Pháp thì không.
Ban đầu, trước khi Bộ trưởng Braillard ra quyết định chính thức, thị trưởng thành phố Marseille, Marie-Louise Lota, đã hạn chế các quán bar đưa màn hình ra bên ngoài phục vụ khách. Điều này tạo nên phản đối mạnh mẽ.
2. “Chúng tôi đã uống bia, cùng nhau hò hét bên ngoài các quán bar và thậm chí còn có gái nữa, khi đến Đức 10 năm trước,” một CĐV Anh tâm sự sau khi biết rằng mình sẽ không thể làm điều tương tự trong trận đấu giữa đội nhà và Nga. “Bóng đá rõ ràng đã mất đi sự thú vị.”
Ở World Cup 2006, các quán bar ở Đức được hoạt động rất thoải mái, để phục vụ cho người hâm mộ đến từ khắp nơi.
Một thực tế là các quốc gia tham dự EURO hoặc World Cup thường có những nhóm CĐV tập trung đi theo bằng đường bộ. Họ, phần lớn là nam giới, tự lái xe riêng đi vòng quanh châu Âu, và không muốn thiếu bia khi xem bóng đá. Sau đó là những cuộc vui với các cô gái.
Trong thời gian tổ chức World Cup 2006, Đức còn cho phép hoạt động mại dâm. Chính vì thế, có nhiều người tuyên bố thời gian ở Đức 10 năm trước là những ngày sống trên thiên đường.
Ngoài nỗi lo khủng bố, Pháp còn đối mặt nguy cơ công nhân đường sắt đình công và biểu tình.
Sẽ không có chuyện tụ tập uống bia ở Pháp. Không chỉ vậy, Quốc hội nước này cũng thông qua đạo luật phạt 1.500 euro cho các hành động mua dâm. Nếu tái phạm, tiền phạt lên đến 3.500 euro.
3. Sau những cuộc tấn công khủng bố vào Paris, lệnh cấm là điều hoàn toàn hợp lý. Các CĐV vẫn có những khu vực fanzone riêng để thỏa sức thể hiện mình.
Ngoài nguy cơ khủng bố, Pháp còn đang đối mặt với những rắc rối lớn, khi các công nhân đường sắt đe dọa đình công vì nhiều vấn đề khác nhau.
Hiện tại, ở Paris có khoảng 3.000 tấn rác chưa được thu gom. Tại thành phố cảng Marseille, thành phố có mức độ bạo loạn cao (có ít nhất 2 trận đấu của Marseille mùa giải 2015-16 xảy ra bạo loạn), còn nhiều rác hơn thế nữa.
Cuộc sống không thể lúc nào cũng là sự hưởng thụ.
Theo Vietnamnet
Nước Pháp trước giờ G: Cầu Chúa ban phước lành
Người Pháp đã sẵn sàng cho ngày hội bóng đá EURO 2016, nhưng mối đe doạ khủng bố là có thật. Và khi mọi sự chuẩn bị được đặt ở mức cao nhất vẫn không thể đảm bảo cho một lời hứa, người ta chỉ còn biết cầu Chúa ban phước lành...
Chỉ còn hơn 48 giờ đồng hồ nữa, quả bóng EURO 2016 sẽ lăn trên sân cỏ đất nước hình lục lăng, đánh dấu cuộc chơi lần đầu có 24 đội tham dự so với 16 như trước đây.
Lẽ ra, ở thời điểm này, nước Pháp phải chứa đầy sự hoan hỉ, nụ cười của người mang đến cuộc "cách mạng" ấy. Nhưng bê bối đã khiến quyền lực Michel Platini (Chủ tịch UEFA) sụp đổ trong chớp mắt. Tan mộng leo lên ghế Chủ tịch FIFA, cũng chẳng thể oai phong làm trưởng BTC giải đấu 4 năm mới có 1 lần, diễn ra trên quê hương mình. Ông đang bị điều tra, chịu án phạt nặng và có thể làm gì, ngoài vung tay đập bàn trong nỗi hận?
Cảnh sát tập trận chống khủng bố EURO 2016. Ảnh: Internet.
Nhưng Platini chỉ là một câu chuyện rất nhỏ trong mối lo to của người Pháp. Các cuộc tấn công súng, bom từ xa phát nổ và thậm chí máy bay không người lái mang theo chất nổ và vũ khí hoá học,... chỉ là một vài trong số những mối đe doạ khủng bố mà các nhà chức trách Pháp chuẩn bị đối phó khi EURO 2016 được khởi tranh vào thứ Sáu này (10/6).
Như tổng thống Pháp, Francois Hollande và các quan chức khác của Pháp thừa nhận, 100% an toàn và không có rủi ro là không thể đảm bảo. ISIS đã nói rõ ý định nhằm vào giải đấu. Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh France Info, ông Hollande cho biết: "Chúng tôi đã đầu tư tất cả các phương tiện để thành công và không để bị áp lực bởi những mối đe doạ." Nhưng ông cũng thừa nhận: "Mối đe doạ, nó tồn tại."
Sau các cuộc tấn công Paris, ngay bên ngoài sân Stade de France hồi tháng 11 năm ngoái, khiến 130 người thiệt mạng, an ninh Pháp được đặt ở mức cao nhất cho ngày hội bóng đá EURO 2016. Gần 100.000 lực lượng an ninh được huy động cho giải đấu, "căn cứ" đóng quân của 24 đội góp mặt, tại các nơi diễn ra cuộc tranh tài, khu fan hâm mộ và những nơi mà các cầu thủ thứ 12 tụ tập,... Nhưng nhiệm vụ quả lắm chông gai với tất thảy 51 trận đấu, diễn ra ở 10 địa điểm khác nhau, cho một sự kiện thể thao lớn, thu hút hàng triệu người đổ về từ khắp châu lục.
24 đội sẽ chiến đấu cho chiếc cúp vô địch. Ảnh: Internet.
Cùng theo huy động về người, nước Pháp lên đủ các kế hoạch hòng có thể ứng phó với mọi biến cố. Nào là công nghệ được cài ở quanh các SVĐ để kiểm soát và chuyển hướng bay không người lái hơn là tiêu diệt chúng. Nào là kiểm tra ID, máy dò kim loại, giám sát video, chó, nào là tập trận giả, với những kịch bản thảm hoạ có thể xảy ra,...
Tuy nhiên, một thử nghiệm đầu tiên của công tác an ninh thực tế - trận chung kết Cúp QG Pháp, giữa PSG - Marseille hồi tháng 5 vừa qua, không phải là một thành công lớn. Mặc dù an ninh được nâng cao, nhưng vẫn để "lọt" một số fan hâm mộ đốt pháo và bom khói.
Đã có thêm những bài học sau đó, mà một trong số ấy là người hâm mộ không được phép mang túi lớn. Các khu Fan Zone (nơi các CĐV tụ tập xem trận đấu qua màn hình khổng lồ) là mối lo không nhỏ bởi nguy cơ cao bị khủng bố nhắm vào, như Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo. Nhưng, giải đấu nhất thiết phải có nó, bởi nơi đây tạo không khí cho ngày hội và quan trọng hơn, nó liên quan đến vấn đề quảng cáo - tên tuổi các nhà tài trợ. Dự kiến, điểm lớn nhất chính là ở chân tháp Eiffel, với 90.000 người tụ về đây.
Fan Zone là một trong những mối lo lớn bị khủng bố nhắm vào. Ảnh: Internet.
Theo cựu cảnh sát Frédéric Péchenard, các khu Fan Zone chẳng khác nào tạo điều kiện cho những kẻ khủng bộ "thực hiện một cuộc thảm sát". Chính phủ lập luận rằng, để mọi người tập trungvề một nơi an toàn thì sẽ an toàn hơn là rải rác ra nhiều địa điểm.
Richard Walton, lãnh đạo cơ quan chống khủng bố tại London, từng có kinh nghiệm tại Olympic London 2012, đưa ra lời khuyên cho người Pháp: đổ lực lượng cảnh sát đông đảo ra các nẻo đường không phải là giải pháp duy nhất. Thay vào đó, chủ nhà EURO 2016 nên tập trung trí tuệ, bằng cách thu thập tin tức và các hệ thống chỉ huy, kiểm soát,..
Bất kể những khó khăn, thách thức, Tổng thống Pháp tuyên bố chính phủ của ông quyết tâm biến EURO 2016 thành "một lễ hội châu Âu, lễ hội của mọi người". Vì một tinh thần thể thao tốt đẹp, để bóng đá xua tan đi âu lo, hận thù, xích lại gần nhau, không chỉ người Pháp cầu Chúa ban phước lành...
Theo Vietnamnet
Tàu ngầm Nga trực chiến trước trận bóng đá AnhNga Việc đảm bảo an ninh cho vòng chung kết EURO 2016 không chỉ là nhiệm vụ tối hậu của nước chủ nhà Pháp mà còn là trách nhiệm được chia sẻ bởi các quốc gia có đội tuyển tham gia tranh tài tại đây từ ngày 11-6. Theo nhật báo The Sun, một tàu ngầm chiến đấu lớp Kilo của Nga với tên...