Chuyển đường sắt sang bên kia sông Hồng: Bất tiện nghìn khách đi lại
Quy hoạch đường sắt quốc gia được Thủ tướng phê duyệt vẫn có ga trung tâm là ga Hà Nội hiện nay và chưa có gì thay đổi.
Xung quanh việc Thiếu tướng Phạm Xuân Bình – Phó GĐ Công an TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội đô, VietNamNet đã có trao đổi với đại diện cơ quan đường sắt và Bộ GTVT.
Đại diện Công an TP Hà Nội cho rằng: Đường sắt đang gây khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn giao thông
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, đường sắt trên toàn thế giới đều thể hiện 2 ưu điểm: An toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân.
Trách nhiệm của quản lý nhà nước phải đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân tốt nhất có thể chứ không phải tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong quản lý.
Còn nếu đường sắt ở Hà Nội hiện nay gây ách tắc giao thông thì có thể nghiên cứu phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao chứ không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm, trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn.
Theo ông Minh, nếu đường sắt không ở trung tâm thì phương tiện từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành sẽ tăng lên đáng kể.
Video đang HOT
“Một đoàn tàu 700-1.000 khách, thay vì vận chuyển như hiện nay thì vài trăm phương tiện khác đi vào sẽ vẫn gây áp lực lên giao thông nội đô. Do vậy, phải xem xét kỹ việc di chuyển đường sắt ra ngoại thành”, ông Minh nói.
Ông Minh cho biết, hiện TP Hà Nội đã làm quy hoạch về đường sắt giao thông đô thị kết nối với đường sắt quốc gia, trong đó ga Hà Nội vẫn được giữ nguyên.
Ga Hà Nội vẫn nằm trong quy hoạch đường sắt quốc gia
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin thêm, theo quy hoạch đường sắt được Thủ tướng phê duyệt thì đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là ga Hà Nội hiện nay và chưa có gì thay đổi.
Hơn nữa, quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) và số 3 (Nhổn – ga Hà Nội) đều có kết nối với đường sắt quốc gia tại ga Hà Nội chứ chưa có quy hoạch khác.
Thứ trưởng cho rằng, quy hoạch như vậy là phù hợp với xu thế chung của các đô thị lớn trên thế giới như: Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Tokyo (Nhật Bản)… . Tại các đô thị này đường sắt quốc gia đều được bố trí ở trung tâm đô thị và được kết nối với đường sắt nội đô.
Theo Vũ Điệp (VietnamNet)
Ý kiến trái chiều về đề xuất di dời ga Hà Nội khỏi nội đô
Công an Hà Nội đề xuất di dời ga trung tâm ra khỏi nội đô, tuy nhiên vị trí nhà ga này đã được cố định theo quy hoạch.
Tại hội nghị về trật tự an toàn giao thông ngày 8/8, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội nêu vấn đề, Thủ đô có khoảng 10 km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm với rất nhiều đường ngang giao cắt. Tình trạng này gây ra xung đột và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông trên đường sắt và gây mất mỹ quan đô thị.
Theo ông Bình, trên thế giới chỉ còn Hà Nội và năm thành phố khác là có đường sắt liên tỉnh trong nội thành.
Lãnh đạo Công an Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng Trung ương xem xét, di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố nhằm xoá bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành. Với biện pháp này, tướng Bình tin tưởng sẽ giúp loại bỏ xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô.
Ga Hà Nội được người Pháp xây dựng đã hơn 100 năm. Ảnh: Xuân Hoa.
Trước đề xuất trên, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, các nước phát triển như Nhật, Pháp đều có hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc nằm trong nội đô; qua đó tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại. Một số nước quy hoạch đường sắt nằm ngoài vành đai và kết nối vào nội thành.
Lãnh đạo Bộ Giao thông nói, năm 2016, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030, xác định ga Hà Nội là ga trung tâm, đầu mối trung chuyển hành khách cho tuyến đường sắt nội đô và đường sắt liên tỉnh. Bản quy hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng, xem xét nhiều yếu tố và lấy ý kiến của nhiều cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước.
Theo Thứ trưởng Đông, giải pháp để giảm ùn tắc là giảm các điểm giao cắt, làm thêm các tuyến đường sắt đô thị trên cao. Hiện các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội là tuyến số một (Yên Viên - Ngọc Hồi), số ba (Nhổn - ga Hà Nội) đã được xác định hướng tuyến đi qua ga Hà Nội, và đều thiết kế đi ngầm hoặc trên cao để giảm xung đột giao thông; chỉ có tuyến đường sắt liên tỉnh hiện đi đồng mức với với các phương tiện.
"Nếu Công an Hà Nội có văn bản đề xuất di dời ga Hà Nội, chúng tôi sẽ họp xem xét cụ thể theo thẩm quyền. Nếu di dời ga Hà Nội thì phải điều chỉnh quy hoạch giao thông Hà Nội", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt VN nêu quan điểm, đường sắt có lợi thế lớn là an toàn, đa số các nhà ga đều nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
"Giao cắt giữa đường sắt và đường bộ rất phổ biến ở các nước châu Âu như Áo, Đức. Thậm chí ở Áo, đường sắt đô thị có đoạn còn đi trên mặt đường song song với đường bộ", ông Minh nói.
Theo ông Minh, nếu đường sắt không ở trung tâm mà di chuyển ra bên ngoài sông Hồng hay khu vực Thường Tín như đề xuất, thì lượng phương tiện từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành và ngược lại còn làm tăng nhu cầu tham gia giao thông của người dân lên rất nhiều.
Đoàn Loan
Theo VNE
Hà Nội: Hiện trường cẩu tàu hỏa trật bánh ở ga Yên Viên Khoảng 4h30 sáng nay, đoàn tàu SP2 chở khách từ Lào Cai về Hà Nội, đến ga Yên Viên (Hà Nội) lại bị trật bánh khiến 2 toa tàu trật khỏi đường ray. Điều đáng nói, cũng tại vị trí này, sáng hôm qua đã xảy ra sự cố tương tự với tàu SP2. Ngành đường sắt cẩu toa tàu bị trật bánh...