Chuyện đời tướng biệt động
Trong pho sử huyền thoại về Biệt động Sài Gòn – Gia Định, vị chỉ huy trưởng Tư Chu có lẽ cũng chiếm vài chương. Cuộc đời ông chở theo bao huyền thoại và luôn đong đầy tình đồng đội, đồng chí chân thành.
Tôi đốt nén nhang, kính cẩn nghiêng mình bên di ảnh cố Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) – nguyên Phó Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Các Lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Trên vách tường gần đó là tấm ảnh ông ngồi cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ấm cúng, thân tình. Cách đó không xa là danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân dành cho ông, đề ngày 3/1/2012. Mang hàm cấp tá nhưng là chỉ huy cao nhất của biệt động thành nên ông Tư Chu thường được gọi là “tướng biệt động”. Ngôi nhà thoáng đãng, yên ắng được che bóng bởi nhiều cây xanh, nằm ở khu Thảo Điền ven sông Sài Gòn dịu mát là nơi tập hợp của các gia đình biệt động vào mùng 6 Tết hằng năm. “Sắp tới đám giỗ lần thứ hai của ông xã tôi rồi (ông mất ngày 16/5/2012 – NV). Năm nào nhà tôi cũng làm giỗ bộ đội biệt động, chỉ mỗi năm nay tôi bệnh nên không làm” – bà Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ), vợ ông Tư Chu, bộc bạch.
Người con xứ Bắc của cách mạng miền Nam
Nguyễn Đức Hùng sinh năm 1928, quê xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm lên 8, vào Nha Trang kiếm sống, sau đó vào Sài Gòn tham gia cách mạng từ năm 1945.
Vào Nam, ông được gửi đi học một khóa Quân chính của Quân khu 7 ở Hội Đồng Sầm (Đồng Tháp Mười) rồi được phân công về Sài Gòn – Chợ Lớn công tác với nhiệm vụ là xây dựng cơ sở vũ trang và hoạt động quân sự. Lúc này, giặc Pháp đã bình định xong nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn, chuẩn bị đưa quân viễn chinh đánh chiếm tiếp các tỉnh khác ở Nam Bộ. Năm 1947, Nguyễn Đức Hùng được điều ra khu giải phóng để chỉ huy một đơn vị tập trung thuộc Chi đội 6, Trung đoàn 306 miền Đông Nam Bộ, sau đó được điều về phía Tây Nam Sài Gòn chỉ huy một đơn vị biệt động, có phiên hiệu 2766, trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, chuyên tổ chức các trận đánh đột kích vào lòng địch. Đối thủ trực tiếp một mất một còn của Biệt động 2766 là bọn PSE Gia Định (Cảnh sát đặc biệt miền Đông) đóng tại bót Hàng Keo Gia Định. Đây là bọn Việt gian, bắt giết quân dân ta hết sức dã man; Biệt động 2766 lên kế hoạch phải diệt cho bằng được.
Bà Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ) kể lại quá trình hoạt động cách mạng của mình và người chồng – ông Tư Chu (cố đại tá Nguyễn Đức Hùng), nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Ảnh: Phạm Dũng
Ngày 1/10/1949, Biệt động 2766 với 30 chiến sĩ do Nguyễn Đức Hùng chỉ huy bất ngờ tập kích bót Hàng Keo Gia Định, khiến địch thiệt hại nặng nề. Tiếng lành về biệt động vang xa và cũng từ đó, tinh thần, bản sắc của biệt động Sài Gòn (sau này) đã hình thành.
Rồi ông lại tập kết ra Bắc, đến tháng 3/1961 thì nhận lệnh trở vào miền Nam. Ông trở lại miền Nam trong đội hình đoàn Phương Đông 1 vào tháng 5/1961, đến cuối tháng 8/1961 về vùng Bắc Củ Chi – đã được giải phóng sau Đồng Khởi 1960. Những năm đầu, ông được giao nhiệm vụ phụ trách quân báo và địch tình (1962-1963). Đến khi tổ chức quân báo mở rộng hoạt động, cơ quan quân sự có nhờ địa phương tìm giúp một cán bộ tính tình kín đáo, thông thuộc địa bàn, đã qua công tác dân vận. Và chính yêu cầu này đã cho ông cơ duyên gặp bà Tư Nhỏ – vợ ông sau này.
Video đang HOT
Phải lòng “con gái Củ Chi”
Huyện ủy Củ Chi giới thiệu bà Tư Nhỏ. Ông Tư Minh (một trong những bí danh của ông Nguyễn Đức Hùng lúc đó, sau này đổi thành Ba Tam, Tư Chu) là thủ trưởng trực tiếp của bà. Đó là tháng 11/1962. Cô con gái thứ tư trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã An Nhơn Tây của vùng đất thép Củ Chi này ban đầu không nghĩ rằng mình sẽ nên duyên vợ chồng với một cán bộ chỉ huy quân báo người Bắc. Còn ông, tình cảm nảy nở có lẽ bởi ông quá yêu đất và người nơi này, yêu như thấm vào da thịt: “Nước An Nhơn Tây vừa trong vừa mát/ Đường An Nhơn Tây pha cát dễ đi/ Con gái An Nhơn Tây mặt tựa hoa quỳ…”.
Nhớ lại những ngày ấy, bà kể: “Bộ dạng ảnh lúc đó chán lắm. Người gầy nhom, quần tà lỏn dài lòng thòng, rộng thùng thình, da xanh xám…”. Rồi bà cười hỉ hả: “Tổ chức muốn tác hợp tụi tôi thành vợ chồng; ảnh cũng chân thành, nói với tôi “anh theo cách mạng từ rất sớm, lại xa gia đình, rất cần có người bầu bạn”. Vậy là tôi chịu. Chiến tranh mà…”.
Đám cưới được tổ chức bí mật, gọn nhẹ vào đầu năm 1963 tại nhà ông bà Huỳnh Văn Sáu (Tư Sao) – một gia đình Công giáo, chủ đồn điền ở Củ Chi rất gắn bó với cách mạng. Trà, rượu, thịt, bánh trái… hầu hết là cây nhà lá vườn; khách dự cũng toàn là đồng đội, đồng chí và người nhà Tư Nhỏ. Năm 1965, đứa con đầu lòng của họ – Nguyễn Lê Minh – chào đời. Một năm sau, bà Tư Nhỏ sinh tiếp con trai thứ hai, đặt tên là Nguyễn An Tây.
Cả nhà vào trận
Trong đợt 1 tấn công vào 9 cơ quan đầu não của Mỹ – Ngụy ngay trong Tết Mậu Thân 1968, bà Tư Nhỏ làm nhiệm vụ đưa quân cho đội biệt động số 3, đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Từ sáng sớm mùng 1 Tết, bà mang theo con trai Nguyễn An Tây, khi đó mới 2 tuổi, bí mật đón các chiến sĩ biệt động ở Trảng Bàng (Tây Ninh), “bao” hẳn một cỗ xe lam chạy thẳng về Sài Gòn. Bà gửi con cho một cơ sở cách mạng ở gần Đại học Quốc gia hành chính ngụy (nay là đường 3 Tháng 2) rồi đưa quân tập kết ở nhà ông Mười Lợi trong khuôn viên chùa Tập Thành (đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh ngày nay). Khi đội 3 hội đủ quân số, bà được lệnh trở về cơ sở, khi ấy đã hơn 1 giờ sáng mùng 2 Tết. Đứa con trai thấy động, cựa mình thức giấc, bắt gặp mẹ liền cười tươi rói, khiến bà càng vững tin vào chiến thắng.
Nhưng rồi trận đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân không đạt kết quả như mong đợi vì hiệp đồng tác chiến phía ta bị “bể”. Hơn 8 giờ sáng mùng 2 Tết, Tư Nhỏ giật thót khi nghe lính ngụy phát loa từ trực thăng kêu gọi Việt cộng ra hàng và loan tin đã bắt được Tư Chu – Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn. Bà bủn rủn chân tay dù không tin đó là sự thật.
Trong khi đó, chồng bà còn đau lòng gấp bội. Làm sao không đau khi 5 đội biệt động do ông chỉ huy với 88 chiến sĩ trực tiếp cầm súng đã đơn độc chiến đấu trong lòng địch. Hầu hết đều chống trả đến viên đạn cuối cùng và hy sinh hoặc sa vào tay giặc, trong đó có nhiều người ông chưa kịp thấy mặt, nhớ tên…
“Ấn tượng lớn nhất của tôi về anh Tư Chu đó là một người chỉ huy bản lĩnh, nhiệt tình và trong chừng mực nào đó có chất lãng mạn cách mạng. Anh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những chiến thắng của lực lượng biệt động” – cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Theo An Quý (Người Lao Động)
Tâm sự của người phụ nữ từng bị chồng cũ thiêu sống
Hơn một năm trôi qua, chị vẫn chưa thể quên buổi sáng đau đớn bị gã đàn ông đầu ấp má kề kéo vào nghĩa trang đánh đến ngất xỉu, sau đó nhẫn tâm đổ xăng thiêu sống.
Nỗi đau thể xác rồi cũng dần dịu lại, khi chị tìm được người yêu thương mình để xây dựng lại mái ấm gia đình. Nhưng mỗi lần nhắc đến gã chồng cũ tàn độc, những ký ức đau thương lại khiến người đàn bà không ngăn nổi dòng nước mắt ứa ra. Qua cơn xúc động, chị tâm sự: "Cũng may, "lần đò thứ hai" của tôi rất êm đềm. Cuộc sống mới, rồi sẽ giúp tôi quên đi nỗi ám ảnh".
Buổi sáng oan nghiệt
Khoảng 7h30 sáng ngày 11/5/2012, nhiều người dân sống ở ấp Lòng Hồ (xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) giật mình khi nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh phát ra ở gần khu nghĩa địa. Mọi người kéo nhau chạy về phía có ánh lửa thì phát hiện chị Đỗ Thị Báu (SN 1984, ngụ ấp Thuận An, xã Thành An, huyện Hớn Quản) đang nằm quằn quại, cố lăn mình giữa đám cỏ để ngăn ngọn lửa đang ngùn ngụt bao trùm lấy toàn bộ cơ thể. Phải khó khăn lắm, mọi người mới giúp dập tắt ngọn đuốc "sống". Nhưng lúc này, thân thể chị Báu đã bị ngọn lửa bao trùm, quần áo và đầu tóc bị cháy hết. Nạn nhân nhanh chóng được người dân đưa đi cấp cứu ở bệnh viện 512 (tỉnh Bình Dương) trong tình trạng nguy kịch.
Sự việc còn chưa lắng xuống thì khoảng 30 phút sau, một người dân bất ngờ thét lên kinh hãi khi phát hiện cách khu vực nơi xảy ra đám cháy khoảng 30 mét, có một người đàn ông đang treo cổ lơ lửng trên cây cao. Ngay lập tức, vụ việc được báo lên chính quyền địa phương xã Tân Hưng. Có mặt tại hiện trường, lực lượng công an nhanh chóng xác định danh tính người đàn ông chết trong tư thế treo cổ là Bùi Phong Đại (SN 1987, ngụ xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước), cũng chính là hung thủ thiêu sống vợ mình - chị Đỗ Thị Báu.
Sự việc diễn ra quá nhanh, không ai ngờ nạn nhân và hung thủ đã từng là vợ chồng và có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh hơn 4 tuổi. Trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, Đại và chị Báu đã kết hôn được 5 năm. Đến năm 2011, cuộc sống vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn và thường xuyên cãi vã nhau, chị Báu quyết định tạm thời li thân và đem đứa con trai về nhà mẹ đẻ ở xã Thành An (huyện Hớn Quản) sinh sống. Từ ngày vợ về ngoại sinh sống, Đại thường xuyên qua nhà gặp chị Báu đòi nối lại tình xưa. Nài nỉ không được, hắn quay sang dọa dẫm. Đáp lại sự đeo đẳng của Đại, chị Báu quyết định gửi đơn li hôn lên tòa án.
Ngồi lặng người bên đứa con trai đang tuổi ăn tuổi chơi vô tư cười nói, chị Báu cố nén dòng nước mắt, giọng buồn rầu nhớ lại: "Sáng hôm ấy, tôi đang trên đường ra tòa để làm thủ tục li dị với chồng. Khi tôi chạy xe ngang qua nghĩa trang Lòng Hồ thì bất ngờ anh Đại chạy xe ép tôi vào lề đường để "nói chuyện". Sau một hồi lời qua tiếng lại, anh ấy lao vào đánh tôi tới tấp. Quá sợ hãi, tôi đã xỉu ngay tại chỗ. Thật không ngờ, Đại lại kéo tôi vào nghĩa trang rồi...". Chị bỏ lửng câu nói giữa chừng khi không thể nào giấu đi những dòng nước mắt đang lăn vội.
Sau khi đánh vợ đến ngất xỉu, Đại đã lấy mấy lít xăng thủ sẵn trong cốp xe tưới lên toàn bộ cơ thể chị Báu và không ngần ngại châm lửa đốt. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm lên người vợ tội nghiệp. Chị quằn quại đau đớn trong tiếng kêu cứu. Vậy nhưng, những lời "thỉnh cầu" đến lạc cả giọng của vợ cũng không hề đánh thức được lương tâm của gã chồng bất lương. Nhìn vợ đau đớn ngã gục, Đại lạnh lùng quay lưng bước đi.
Nhưng may mắn cho chị là đúng lúc đó, người dân nghe tiếng kêu cứu đã chạy vào và kịp thời dập lửa. Còn Bùi Phong Đại, biết có người nhận ra mình nên đã nhanh chóng chạy trốn và đứng nép ở sau một gốc cây trong nghĩa trang. Sau đó, vì biết rõ đã phạm vào tội tày trời không thể nào thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật, Đại đã lấy một đoạn dây điện rồi treo cổ trên cành cây, tự kết liễu cuộc đời mình.
Chị Đỗ Thị Báu đang hạnh phúc sau khi may mắn thoát khỏi đòn thù của người chồng cũ. Ảnh TG
Quên đi quá khứ để sống vì con
Hơn một năm trôi qua, chị Báu giờ đã có cuộc sống mới khi tìm được cho mình một "bóng tùng quân" đúng nghĩa. Nhưng cuộc đời lắm nỗi trớ trêu, người mẹ như chị không thể dối tâm can. Mỗi lần con thơ nhắc đến cha, chị vẫn thấy chạnh lòng. Hiện tại, chị vẫn làm nữ hộ sinh cho trạm y tế của nông trường cao su ở xã Thành An.
Trong dòng hồi tưởng về quá khứ, chị vẫn nhớ như in cuộc sống trước đây. Ngày mới quen nhau, Đại là một chàng trai làm nghề cắt tóc, chịu khó làm ăn. Chị hơn Đại ba tuổi nhưng vì yêu thương nhau hết mực, họ bỏ qua khoảng cách tuổi tác, cùng nhau mơ về một "ngôi nhà và những đứa trẻ". Nhưng hạnh phúc "ngắn chẳng tày gang", một năm sau khi đứa con trai đầu lòng ra đời, hai vợ chồng Báu thường xuyên xảy ra nhiều mâu thuẫn.
Nguồn cơn của mọi nhẽ đều vì Đại đã không còn là người chồng, người cha có trách nhiệm với vợ con, tối ngày chỉ biết mài "đũng quần" trên chiếu bạc. Đã thế, mỗi lần thua bạc về nhà hắn lại kiếm cớ gây sự đánh đập vợ dã man. Thói vũ phu của Đại khiến chị Báu bao phen sống dở chết dở vì những trận đòn kinh hoàng. Không chịu nổi gã chồng vũ phu, chị đã quyết định li hôn. Chị Báu không thể ngờ, cái ngày ngỡ sẽ thoát khỏi cuộc sống địa ngục lại chính là thời khắc cả đời chị không thể quên được. Ngày chị Báu cảm nhận được tình cảm vợ chồng đã không thể cứu vãn để sống vì đứa con thơ cũng là lúc chị nhận ra, tình người đã không còn trong Đại.
Sau buổi sáng nghiệt ngã ấy, chị phải nằm viện điều trị cả tháng trời. Ra viện, những vết bỏng vẫn chưa lành da khiến chị đau đớn. Nhiều đêm, nghĩ tủi phận mình, chị chỉ biết nằm khóc một mình. "May mắn được trời thương nên tôi vẫn còn sống. Nghĩ đến chồng, tôi cũng đau lắm chứ, nhưng nghĩ lại thì đau thương mất mát nhất vẫn là gia đình Đại. Chiếc áo, chiếc quần cũ mất đi người ta vẫn còn tiếc, huống hồ là núm ruột của mình. Nghĩ đến đấy, tôi cũng thương cảm cho bên nội nên bao nhiêu uất hận dần tan biến", chị Báu trải lòng.
Bây giờ, điều chị bận tâm nhất là tương lai sau này của đứa con trai với Đại. Từ ngày xảy ra chuyện, có biết bao nhiêu lời ra tiếng vào, chị sợ miệng lưỡi người đời nhiều lúc cay nghiệt lọt vào tai trẻ thơ sẽ làm con bị tổn thương, lớn lên sẽ mặc cảm về cha mẹ. Chị Báu tâm sự: "Chuyện cha mẹ chẳng liên quan gì đến con trẻ. Sau này, tôi phải cố gắng bù đắp cho con sự thiếu vắng người cha. Về Đại, tôi chỉ thấy tiếc cho một kẻ coi thường mạng sống của mình. Chứ thực lòng, tôi không còn tình cảm luyến thương gì với một người chồng bạc tình, bạc nghĩa như vậy nữa". Chị còn cho biết, sau cái chết của Đại, người thân bên nội không hề trách cứ mà vẫn thương con dâu và cháu trai như trước. Những ngày cuối tuần, ông bà nội đều qua thăm cháu chứ không hề bỏ rơi.
Giờ đây, chị Báu cũng đã lập gia đình mới với người chồng đang làm công nhân tại một công ty chế biến mủ cao su ở Lòng Hồ (Xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Hiện tại, nguôi ngoai dần nỗi đau, chị đã mang thai được 5 tháng. Theo lời chị kể, chồng mới là người tâm lý. Sợ chị đau lòng nên từ khi sống chung với nhau, anh chưa bao giờ khơi lại chuyện cũ. Cũng giống như chị, anh cũng từng qua một đời vợ và có một cậu con trai. Không thể giấu được niềm hạnh phúc, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, vừa nói chị vừa chỉ tay về hai cậu con trai đang chơi đùa bên ngoài hiên nhà: "Kia là "con ông, con bà", rồi cúi xuống nhìn bụng bầu bao bọc một sinh linh nhỏ bé đang dần lớn lên của mình chị mỉm cười: "Và đây là con "chúng ta"".
Theo Khôi Nguyên - Linh Nguyễn (Gia đình & Xã hội)
Tàu chở 50 ngư dân bị chìm: Tìm thấy nạn nhân mất tích Sau một ngày tìm kiếm và trục vớt con tàu bị chìm vào ngày 24/4 tại vùng biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể người phụ nữ mất tích ngay trong cabin tàu. Sau khi tìm thấy xác chị Mùi, gia đình nạn nhân đã đến nhận và đưa về nhà tổ...