Chuyển đổi số trong logistics: Giúp theo dõi từng ‘bước đi’ của hàng hóa
Doanh nghiệp dịch vụ logisitics phải chuyển đổi số để khách hàng có thể kết nối với người cung cấp và khách hàng theo dõi được từng bước đi của hàng hóa.
Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu.
Tuy vậy, trên thực tế chi phí của dịch vụ logistics tại Việt Nam còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Với lợi thế hơn 3.000 km bờ biển, mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng vận tải đường sông và đường biển ở Việt Nam còn hạn chế, công nghệ vận tải đường sắt nhiều năm qua không có nhiều thay đổi nên Việt Nam chủ yếu vẫn sử dụng vận tải đường bộ.
Chuyển đổi số trong logistics giúp khách hàng theo dõi từng “bước đi’”của hàng hóa. Ảnh minh họa.
Đưa ra những giải pháp cơ bản để phát triển logistics trong thời gian tới, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, tư tưởng xuyên suốt vẫn phải giảm chi phí về logistics để nâng cao hiệu quả của sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Logistics Việt Nam phải trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn sự phát triển của ngành này với thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu một cách đồng bộ. Cùng với đó là việc phát triển hệ thống giao thông vận tải hiện đại cũng như chuyển đổi số trong thời gian gần nhất.
Video đang HOT
“Cần tạo lập môi trường phát triển bình đẳng và cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các thành phần kinh tế và doanh nghiệp tham gia logistics. Khuyến khích và thu hút việc đầu tư vào lĩnh vực này với lợi thế của Việt Nam về địa lý, cơ sở hạ tầng sẵn có mà trước hết cần kết nối dịch vụ với các nước trong khu vực ASEAN”, ông Phú cho biết.
Còn theo PGS. TS. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương ( Bộ Công Thương), Nhà nước phải tạo ra được môi trường để phát triển dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics có điều kiện hoạt động, cơ sở hoạt động, phương tiện hoạt động; tạo ra yêu cầu môi trường để khách hàng là các nhà sản xuất và kinh doanh sử dụng dịch vụ logistics.
“Khi nào hai yếu tố này gặp nhau mới hi vọng có được sự phát triển của thị trường logistics, từ đó cải thiện Chỉ số logistics”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng nhìn nhận và cho rằng trước hết các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chủ trương mang tính chất tự cung, tự cấp, ít sử dụng các dịch vụ khác trong đó có dịch vụ logistics sẽ đi ngược lại xu thế phát triển của thị trường.
“Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cũng phải thay đổi, chuyển sang hoạt động của doanh nghiệp số. Doanh nghiệp dịch vụ logisitics phải chuyển đổi số để khách hàng có thể kết nối với người cung cấp, theo dõi được từng bước đi của hàng hóa. Tất cả những khâu đó nếu không chuyển đổi số sẽ không giải quyết được vấn đề, không đáp ứng được yêu cầu thực tế”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng nêu quan điểm.
Giảm chi phí, tăng tỷ trọng đóng góp của logistics vào GDP
Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP sẽ đạt 5-6% (hiện là 4-5%) trong khi chi phí logistics sẽ giảm xuống tương đương 16-20% GDP.
Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Theo đó, mục tiêu phát triển được sửa đổi, nêu rõ đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP sẽ đạt 5-6% (hiện là 4-5%), tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics tương đương 16%-20% GDP.
Hiện nay, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, xếp hạng chỉ số LPI của Việt Nam ở mức 39/160 nước tham gia nghiên cứu. Trong khi đó, theo kế hoạch, xếp hạng chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) sẽ đạt 50 trở lên.
Quyết định cũng bổ sung lộ trình trình thực hiện Kế hoạch. Cụ thể, năm 2020 - 2021, rà soát tình hình thực hiện và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Năm 2022, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Năm 2023, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045.
Năm 2024, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045.
Năm 2025, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045.
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2020 vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhận định chi phí logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam cũng chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chưa có doanh nghiệp lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics, chưa kể nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Chứng khoán ngày 2/10: DPM, REE, TCW được khuyến nghị Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 2/10. Khuyến nghị phù hợp thị trường cho DPM với giá 14.700 đồng/cp CTCK Bản Việt (VCSC): Tổng CT Phân bón và Hóa chất Dầ u khí (DPM) công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2020 sơ bộ với doanh thu đạt 6 nghìn tỷ đồng ( 10,7%...