Chuyển đổi số để Việt Nam vượt ‘bẫy’ thu nhập trung bình
Tiếp tục Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”, chiều 5/12, tại phiên chuyên đề 1 về: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, các chuyên gia, đại biểu chia sẻ về dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa – tiền tệ cho phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam; nỗ lực chuyển đổi số để bứt phá phát triển kinh tế – xã hội, giúp Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, đứng vào hàng các nước phát triển vào 2045.
Đẩy mạnh phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Trình bày đề dẫn về “Dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa – tiền tệ cho phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) chia sẻ về một số nội dung chính: Đánh giá khái quát về thực trạng chính sách tài khóa những năm gần đây; khả năng nới lỏng chính sách tài khóa; vai trò, tầm quan trọng của việc phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; một số gợi ý, đề xuất về chính sách tài khóa và tiền tệ cho giai đoạn tới…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường, trong những năm gần đây, ngân sách của Việt Nam đi theo chủ trương giảm dần quy mô thu ngân sách để “khoan sức dân” theo chủ trương chung của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế. Do đó, tỷ lệ thu ngân sách có xu hướng giảm dần mặc dù số tiền vốn có xu hướng tăng lên. Qua phân tích cơ cấu thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ thu nội địa tăng lên rất đáng kể, là một trong 3 nguồn thu ngân sách nhà nước chính, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường cho rằng: “Có thể thấy vai trò ngày càng tăng của các khoản thu từ nội địa trong khi thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm. Đây là điểm tích cực để chúng ta có thể có không gian tốt hơn cho việc cải thiện chính sách”.
Về các khoản chi ngân sách nhà nước, trong khoảng 3 năm trở lại đây, sự chênh lệch giữa dự toán và quyết toán ngân sách tương đối thấp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc lập tự toán tốt hơn; tuy nhiên, về chi đầu tư vẫn còn một số điểm hạn chế nhất định so với tổng thể ngân sách, tạo ra những thách thức trong chính sách tài khóa. Bội chi ngân sách cần chú ý đến bội chi sơ cấp và bội chi tổng thể. Theo đó, sau khi giảm xuống trong giai đoạn 2015-2019, bội chi ngân sách trong giai đoạn 2020-2021 tăng rất mạnh, phản ánh rằng, sự hỗ trợ nhất định về chính sách tài khóa đã có tác động, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong 2 năm này. Ví dụ năm 2020, số bội chi sơ cấp xấp xỉ 4% và bội chi tổng thể 7,53%, cao hơn con số trung bình của giai đoạn trước đó (bội chi sơ cấp 3% và bội chi tổng thể khoảng 4,5-4,7%). Năm 2021, ước tính, bội chi ngân sách cao hơn khoảng 2,4% so với mức trung bình giai đoạn trước.
“Điều đó cho thấy, dư địa tài khóa của Việt Nam còn nhưng vẫn còn nhiều điều cần chú ý. Về thuận lợi, trong vài năm gần đây, chính sách tài khóa đã thận trọng hơn, dư địa còn đã hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển. Thứ hai, tỷ lệ nợ công dưới ngưỡng nhiều; lãi suất kỳ hạn tăng lên, lãi suất trung bình khoản vay giảm xuống… Cùng với đó là những thách thức, thứ nhất là tính bất định của dịch COVID-19, nếu chúng ta sử dụng hết dư địa tài khóa sẽ có rủi ro, nên phải giữ lại để đề phòng. Theo ước tính, trung bình, chúng ta phải dành từ 0,8-1% GDP cho các chi phí về y tế, đặc biệt y tế dự phòng trong giai đoạn 2-3 năm tới, do đó, nếu sử dụng gói tài khóa quá lớn, dư địa còn lại không nhiều”, ông Vũ Sỹ Cường nhận định.
Bên cạnh những chia sẻ về vấn đề vay nợ và rủi ro vay nợ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường cho biết, mặc dù chi nội địa có tăng lên nhưng tính bền vững nguồn thu còn có vấn đề khi nguồn thu từ đất đai chiếm tỷ lệ khá cao, từ 9-10% tổng thu ngân sách nhà nước. Như vậy, về dư địa thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm tăng tính tiềm lực bởi mỗi chính sách có những đặc điểm, kỹ thuật khác nhau; khắc phục độ trễ chính sách; cho phép khắc phục hạn chế của cả 2 chính sách; tính linh hoạt của chính sách khi điều chỉnh; đảm bảo tính ổn định chính sách… Theo đó, việc hỗ trợ và thực hiện chính sách tài khóa cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo, không nên có gói hỗ trợ tài khóa quá lớn, trong 2 năm chỉ khoảng 6%, chưa trừ những chính sách hỗ trợ về y tế và khoảng 4% nếu trừ khoản hỗ trợ y tế. Bên cạnh đó, cần phải có sự hỗ trợ với chính sách tiền tệ trong việc đảm bảo hài hòa chính sách; kịp thời có các kế hoạch, gói hỗ trợ tài khóa để đẩy mạnh khả năng giải ngân cũng như các khả năng liên quan đến việc thực hiện giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư công…
Ngoài các biện pháp điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu, một trong những biện pháp là thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường cho rằng, chúng ta cũng có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm cho phép các ngân hàng có không gian rộng hơn cho việc trì hoãn một số chính sách liên quan đến tỷ lệ như sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn…
Video đang HOT
“Nguyên nhân chính của việc sụt giảm và tác động đến kinh tế thời gian qua là do vấn đề y tế. Do đó, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ phải phối hợp rất chặt chẽ với chính sách y tế, trong đó, phải cụ thể hóa các kịch bản y tế để các doanh nghiệp giảm đi sự không chắc chắn trong kinh doanh ở giai đoạn tới. Chúng ta phải có chính sách trong các lĩnh vực, không chỉ lĩnh vực tiền tệ, để các doanh nghiệp có thể giảm đi tính bất định của các kế hoạch hoặc chiến lược kinh doanh”, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính nhận định.
Chuyển đổi số để chiến thắng dịch bệnh
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Chia sẻ với chủ đề “Chuyển đổi số – Tìm cơ trong nguy, bứt phá để phát triển kinh tế”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, “muốn chiến thằng đại dịch COVID-19 chỉ có cách hành động nhanh hơn và không thể thắng mà không chuyển đổi số chống dịch”. Chúng ta cần đầy đủ dữ liệu tức thời và trí tuệ nhân tạo (AI) để người dân có thể điều chỉnh hành vi; tự và được chăm sóc, điều trị tại nhà; kết nối với chính quyền, cơ sở điều trị khi chuyển nặng; kết nối với lãnh đạo các cấp để đưa ra quyết sách kịp thời, chuẩn xác…
Được giao nhiệm vụ đồng hành cùng Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch bằng chuyển đổi số, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, tập đoàn đã dùng AI để giao tiếp, giải đáp các thắc mắc của người dân và chuyển đến cấp có thẩm quyền để giải quyết. Ngoài ra, AI đóng vai trò trợ lý các lực lượng y tế gọi điện thăm hỏi, thu thập dữ liệu về sức khỏe thường xuyên, kịp thời để hướng dẫn chăm sóc để bác sỹ tập trung điều trị, nâng cao hàng chục lần số bệnh nhân/bác sỹ điều trị. AI đã thực hiện 2,6 triệu lượt gọi và hỗ trợ 1,6 triệu người dân trong đại dịch vừa qua.
Cùng với việc xây dựng giải pháp “Chỉ huy Xanh” để chỉ đạo của lãnh đạo Quận 7 tập trung, nhất quán, kịp thời, Tập đoàn FPT xây dựng giải pháp “vaccine công nghệ eCovax” giúp doanh nghiệp xanh đảm bảo kinh doanh không gián đoạn, tăng cao năng suất, hiệu quả và tính cạnh tranh; cùng ngân hàng để cho doanh nghiệp vay vốn nhanh, tiện lợi nhất; chuyển từ bán hàng trực tiếp sang trực tuyến… Bên cạnh đó, Tập đoàn FPT xây dựng giải pháp “Giáo dục xanh” nhằm tăng hứng khởi học tập hiệu quả cũng như có thiết bị phù hợp để học sinh học từ xa; đưa ra giải pháp “An sinh xanh” giúp công tác an sinh hiệu quả và minh bạch hơn…
Ông Trương Gia Bình chia sẻ, dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, làm đình đốn sản xuất kinh doanh và đảo lộn cuộc sống; đồng thời cũng làm bộc lộ rõ những bất cập khác, trong đó có thiếu hụt về hạ tầng, trình độ nguồn nhân lực, công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin cũng như cơ hội phát triển của lĩnh vực này.
“Chuyển đổi số, bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh, là lựa chọn duy nhất, là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn 2021-2025 cho bứt phá phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện cuộc sống của nhân dân, tạo môi trường phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của từng địa phương và của cả quốc gia”, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh.
Hiện nay, Tập doàn FPT đang đồng hành với 40 tỉnh, thành phố trong công cuộc chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa GRDP, cải thiện mạnh mẽ chỉ số cạnh tranh của địa phương PCI, mức độ hài lòng của người dân PAPI, cải cách hành chính PAR, chỉ số về chuyển đổi số DTI và năng lực đổi mới, sáng tạo tại địa phương.
Để đạt mục tiêu đó FPT và các địa phương song hành trong 7 chương trình lớn, bao gồm: Truyền thông và tổ chức sự kiện; đào tạo, tập huấn; thanh niên xung kích chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số; xây dựng kinh tế số; xây dựng xã hội số; xây dựng hạ tầng và thành phố thông minh làm cơ sở cho công cuộc chuyển đổi số trước mắt cũng như hạ tầng cho phát triển kinh tế – xã hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Kết hợp sức mạnh của chiến tranh nhân dân và sức mạnh của chuyển đổi số, không thách thức, nguy cơ nào cản được bứt phá phát triển kinh tế – xã hội, giúp Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, đứng vào hàng các nước phát triển vào 2045″, ông Trương Gia Bình tin tưởng.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cấu trúc lại nền kinh tế để phát triển theo hướng xanh, số và bền vững
Ngày 5/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 "Phục hồi và phát triển bền vững" được tổ chức gồm phiên họp toàn thể - Tọa đàm cấp cao với chủ đề "Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam"; phiên chuyên đề 1 "Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế"; phiên chuyên đề 2 "Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phát biểu khai mạc Diễn đàn sáng 5/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, liệu lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài chính, tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch vừa hỗ trợ mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế, xã hội nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của năm 2022 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, theo những quan điểm, định hướng phát triển cụ thể và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu nhận định dịch COVID-19 tác động nặng nề đến kinh tế, xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong năm 2021. Nếu không có các chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt, Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp, lỡ cơ hội và tụt hậu. Về chính sách tài khóa, Việt Nam vẫn còn dư địa ở mức tương đối khả quan do mấy năm qua đã củng cố tương đối tốt, được quốc tế đánh giá là rất vững chãi và thuận lợi, tuy nhiên, phải có chính sách kiểm soát theo hướng bền vững về tài khóa.
Về tiền tệ, dư địa có nhưng ít hơn bởi lãi suất đã giảm tương đối thấp trong khi xu thế thế giới bắt đầu tăng; áp lực lạm phát tăng lên, nợ xấu cũng tăng. Việc triển khai các gói hỗ trợ này cần bảo đảm chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu; khả thi, triển khai nhanh gọn và hiệu quả; phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như với các chính sách kinh tế - xã hội khác để tạo tính tổng lực. Về phạm vi hỗ trợ, ưu tiên nâng cao năng lực y tế; tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cả về nghĩa vụ tài chính và tiếp cận vốn, an sinh xã hội. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu là lao động và người sử dụng lao động. Thời gian hỗ trợ trong hai năm (2022 - 2023).
Một số chuyên gia cho rằng, do khủng hoảng kinh tế - xã hội xuất phát từ đại dịch COVID-19 nên các giải pháp chuyên môn về y tế mang tính chất quyết định và chủ yếu. Chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ nhằm tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế. Trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021 - 2023. Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa giảm dần, Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, siết chặt kỷ cương chính sách tài khóa.
Đưa ra các giải pháp cho Việt Nam phục hồi và phát triển, một số chuyên gia cho rằng cần phải có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản tạm thời kịp thời, đúng đối tượng, giúp cho các doanh nghiệp có thể tránh được gián đoạn cũng như ảnh hưởng về lâu dài; có các gói kích cầu, kích thích không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, điều trị, tiêm chủng và trợ cấp; cân nhắc chuyển lỗ hoặc chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; cải thiện khả năng chống chịu; cải cách cơ cấu quyết liệt; duy trì ổn định vĩ mô...
Quang cảnh Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 (chiều 5/12). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, làm đình đốn sản xuất kinh doanh và đảo lộn cuộc sống; đồng thời cũng làm bộc lộ rõ những bất cập khác, trong đó có thiếu hụt về hạ tầng, trình độ nguồn nhân lực, công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin cũng như cơ hội phát triển của lĩnh vực này. Một số chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh. Đây là lựa chọn duy nhất, là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn 2021-2025 cho bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của nhân dân, tạo môi trường phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của từng địa phương và của cả quốc gia.
Tại phiên chuyên đề 1, một số chuyên gia cho rằng, việc phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm tăng tính tiềm lực bởi mỗi chính sách có những đặc điểm, kỹ thuật khác nhau; khắc phục độ trễ chính sách; cho phép khắc phục hạn chế của cả 2 chính sách; tính linh hoạt của chính sách khi điều chỉnh; đảm bảo tính ổn định chính sách... Theo đó, việc hỗ trợ và thực hiện chính sách tài khóa cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo, không nên có gói hỗ trợ tài khóa quá lớn, trong 2 năm chỉ khoảng 6%, chưa trừ những chính sách hỗ trợ về y tế và khoảng 4% nếu trừ khoản hỗ trợ y tế. Bên cạnh đó, cần phải có sự hỗ trợ với chính sách tiền tệ trong việc đảm bảo hài hòa chính sách; kịp thời có các kế hoạch, gói hỗ trợ tài khóa để đẩy mạnh khả năng giải ngân cũng như các khả năng liên quan đến việc thực hiện giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư công...
Với dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước, một số đại biểu cho rằng, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là "bóng ma", nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và theo dõi tình hình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách. Các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế nếu có thay đổi trong quá trình thực hiện cần cho phép được chuyển hóa. Quốc hội xây dựng khung để Chính phủ chuyển hóa nhanh trong quá trình thực hiện.
Tại phiên chuyên đề 2, một số chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; kéo dài 1 - 2 năm nữa chính sách đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Đối với trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn; tăng nhanh quy mô đào tạo. Bởi năm 2021, tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 75 - 80% chỉ tiêu, đồng nghĩa nguồn cung không đáp ứng cho thị trường lao động; chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, diễn đàn đã thành công rất tốt đẹp; được tổ chức với phiên toàn thể, toạ đàm cấp cao và hai phiên chuyên đề đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách tài khoá, tiền tệ, chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đại diện VCCI, của các hợp tác xã và trực tiếp của một số doanh nghiệp; chia sẻ giữa Trung ương và địa phương, trong nước và ngoài nước, giữa chuyên gia trong nước và nước ngoài, giữa học giả nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, cơ quan thực thi chính sách và đối tượng thụ hưởng chính sách. Diễn đàn đã dành nhiều thời gian, trọng tâm vào chính sách tài khoá và tiền tệ, các chính sách an sinh xã hội và các vấn đề lao động trong tổng thể chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cần quan tâm tới các quan điểm lớn là bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước trong việc kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó cung là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, cầu là kích cầu thị trường; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; quy mô hỗ trợ phải đủ lớn, có mục tiêu, có trọng tâm-trọng điểm; nguồn lực đưa ra phải có khả năng hấp thụ ngay, bởi hiện nay không chỉ đầu tư công mà ngay cả đầu tư tư nhân cũng đang rất chậm; thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm, 2022-2023; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. "Chúng ta đã thống nhất là không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng do y tế, mà còn tính toán đến cả về lâu dài là cơ cấu, cấu trúc lại nền kinh tế để hướng tới phát triển theo hướng xanh, số và bền vững", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu bật thông điệp quan trọng và nhất quán, đó là chúng ta phải đồng hành cùng với nhau. Ngạn ngữ có câu "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau", trong "Phục hồi và phát triển bền vững", theo Chủ tịch Quốc hội, muốn đi xa trong điều kiện đường sá khúc khuỷu, gập ghềnh, khó khăn, thách thức thì càng phải đoàn kết, sát cánh cùng nhau, không chỉ đoàn kết trong nước mà còn tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, khu vực.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề để thích ứng với trạng thái bình thường mới Tiếp tục chương trình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, chiều 5/12, phiên chuyên đề 2 với chủ đề "Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế" đã diễn ra với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước. Đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng...